Việc phát tán những clip nhạy cảm, bịa đặt thông tin thất thiệt lên mạng xã hội Facebook trong thời gian gần đây không chỉ đơn thuần là những trò câu like, những trò đùa ác ý theo chiều hướng xấu mà còn gây ra những hậu quả khôn lường cho cả xã hội.
Facebook là mạng xã hội truy cập miễn phí và dễ dàng tiếp cận, có lẽ vì thế mà hầu như ai cũng biết và sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin bổ ích, thì vẫn còn vô vàn những thông tin “độc”, “xấu” có thể là vô tình hoặc cố ý do một bộ phận không nhỏ những người sử dụng mạng xã hội phát tán với động cơ, mục đích xấu nhằm gây hoang mang dư luận và khiến nhiều người điêu đứng, thậm chí phải tìm đến cái chết.
Những cái chết đau xót từ mạng xã hội Facebook
Nhiều ngày nay, mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin hai nữ sinh Nguyễn Thị Tuyết H. (19 tuổi) và Nguyễn Thị Thu H (20 tuổi) cùng ngụ xã Măng Tố, huyện Tánh Linh bị Công an huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) tạm giữ để điều tra hành vi hiếp dâm nam thanh niên tên Vũ (SN 1992) tới chết tại một nhà nghỉ sau khi đi ăn nhậu.
Ngay sau đó, danh tính hai cô gái kèm theo hình ảnh được các trang mạng xã hội phát tán một cách rầm rộ và công khai thu hút sự chú ý của cả cộng đồng. Tuy nhiên, Công an huyện Tánh Linh lên tiếng khẳng định, đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt. Sự thật là hai cô gái vô tội bị lấy hình ảnh để gán ghép vào thông tin nhạy cảm, ác ý.
Hai cô gái bỗng dưng trở thành nạn nhân của mạng xã hội Facebook cho biết, bản thân và gia đình đã bị khủng hoảng tinh thần, cuộc sống đảo lộn vì tin bịa đặt từ “trên trời rơi xuống”. Thậm chí, một trong hai nạn nhân đã có những biểu hiện mất kiểm soát về lý trí và có ý định tự tử nhưng được mọi người khuyên ngăn kịp thời.
Tin đồn thất thiệt kèm hình ảnh hai cô gái lan tỏa nhanh chóng trên mạng xã hội khiến gia đình nạn nhân đứng ngồi không yên
Vào cuối tháng 9/2016, một nam sinh lớp 8 Trường THCS Âu Lâu (Yên Bái) đã thắt cổ tự tử sau khi bị đánh, làm nhục trước bạn bè. Theo người thân, H bị chấn động về tâm lý, hành động dại dột như vậy vì hoảng sợ và xấu hổ khi clip mình bị nhóm thanh niên bắt quỳ gối, hành hung bằng tuýp sắt lan truyền trên mạng xã hội.
Một vụ việc tương tự xảy ra vào tháng 6/2015, một nữ sinh 15 tuổi đã uống thuốc diệt cỏ tự tử khi bị bạn trai tung clip sex lên mạng Facebook. Theo thông tin từ cơ quan Công an cung cấp, khoảng 16h30 ngày 17/6, nữ sinh T. này đã uống thuốc diệt cỏ (tên thường gọi là thuốc cháy) tự tử tại nhà riêng vì phát hiện ra bạn trai mình là Phạm Đ. L (SN 1994, ngụ xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) phát tán clip sex giữa T. và L. lên mạng xã hội.
Trước đó, năm 2013, em N.T.C.L (khi đó là nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đăng lên Facebook. Các thành viên trên mạng xã hội này đã vào giễu cợt, thậm chí miệt thị L, khiến nữ sinh này uất ức tự tìm đến cái chết.
Vào khoảng tháng 4/2016, thông tin hạt đậu tương có chứa chất gây ung thư phát tán trên mạng xã hội khiến những nông dân được hỗ trợ xóa đói giảm nghèo ở huyện Ý Yên, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) phải đau đớn cắn răng nhổ bỏ những ruộng đậu tương đang tươi tốt. Hay tin đồn ác ý về việc 7 chiến sỹ Công an bị bắn chết ở Lai Châu phát tán mạnh mẽ trên mạng xã hội giữa thời điểm tạm hoãn chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 4 tổ chức tại tỉnh Lai Châu khiến dư luận xôn xao. Công an tỉnh Lai Châu sau đó đã lên tiếng bác bỏ và khẳng định đây đều là những thông tin bịa đặt sai sự thật, gây dư luận xấu trong nhân dân.
Hùa theo đám đông cũng là tội ác
Những thông tin thất thiệt khiến người nông dân vốn đã cơ cực lại thêm phần khốn đốn
Trước tình trạng các tin đồn trên mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến mà chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để, một cán bộ công tác tại Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) nhận định, căn cứ kết quả xác minh của các cơ quan chức năng, những kẻ tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội phần lớn đều có động cơ, mục đích xấu, chủ yếu là câu like đi kèm với những đường dẫn để người xem truy cập vào các trang web khác nhằm thu lợi bất chính, lừa đảo hoặc để thu hút sự chú ý nhằm quảng cáo, bán hàng hoặc nhằm mục đích bôi nhọ, nói xấu, trả thù, hạ uy tín người khác hoặc có thể vì mục đích cạnh tranh không lành mạnh và triệt hạ đối thủ.
Điểm chung dễ nhận thấy của các tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội thường được truyền đi từ các tài khoản mạng xã hội kinh doanh trực tuyến hoặc giả mạo tài khoản cá nhân của những người nổi tiếng.
Đánh giá về những tin đồn thất thiệt trên mạng thời gian gần đây, chuyên gia tâm lý xã hội Trịnh Hòa Bình cho biết, mạng xã hội hiện nay cho thấy một bức tranh nhiễu loạn của xã hội, đồng thời phản ánh tình trạng văn hóa của người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang dần xuống cấp. Sự vô cảm, ích kỷ lên ngôi và các giá trị văn hóa đang dần bị đảo lộn, những con số đó cũng tương thích về mặt đạo đức, đạo lý xã hội.
Ông Bình cho rằng việc tung tin thất thiệt hay vùi dập, bôi nhọ người khác, trước tiên là gây ra sự hồ nghi, mất lòng tin của con người đối với xã hội với các cá nhân, tổ chức. Rồi gây sự nhiễu loạn, khiến xã hội mất ổn định, con người trở nên nghi kỵ lẫn nhau, tạo nên sự hận thù cho nhau. Sâu sắc hơn cả là khiến cho cộng đồng có cái nhìn tiêu cực về xã hội. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến tính cấu kết bền vững của xã hội, khiến con người mất đi sự nhiệt tình trong việc chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Nói về những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng phát tán tin thất thiệt trên mạng xã hội, chuyên gia Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh, đối với mỗi người dùng mạng xã hội mỗi khi nhấp chuột hay ấn nút like, bình luận thì cần phải suy nghĩ trước khi bày tỏ thái độ tán thưởng hay chê bai bất cứ vấn đề nào đó. Bởi đôi khi không suy xét kỹ vấn đề mà lăng xê hoặc hùa theo đám đông cũng là tội ác.
Cần xử lý thật nghiêm
Có thể thấy hành vi phát tán những clip nhạy cảm, bịa đặt những thông tin thất thiệt lên mạng xã hội Facebook ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây không chỉ đơn thuần là những trò câu like, những trò đùa ác ý theo chiều hướng xấu mà còn tạo nên những hậu quả khôn lường cho cả xã hội nếu không được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh.
Một số chuyên gia pháp lý khẳng định, hành vi phát tán, bịa đặt thông tin trên mạng không chỉ là trò đùa ác ý mà còn vi phạm pháp luật. Do đó, tùy theo tính chất, mức độ, mục đích mà có thể phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, đối với những hành vi thông tin thất thiệt trên mạng xã hội đi trái với chuẩn mực đạo đức nếu không trừng phạt, răn đe thì đương nhiên nó sẽ tiếp tục gia tăng. Nếu làm tốt vấn đề xử phạt, trừng trị đến nơi đến chốn kẻ có động cơ mục đích xấu thì mọi cái sẽ bị dẹp bỏ, ít nhất là hạn chế được sự phát triển của nó.
“Việc xác định và khoanh vùng người đưa tin thất thiệt lên mạng xã hội là không dễ, để có căn cứ xử lý những hành vi phát tán clip, tin thất thiệt lên mạng xã hội, cơ quan điều tra cần phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC 50) để truy tìm người phát tán các thông tin thất thiệt đó lên mạng xã hội. Khi xác định được đối tượng có hành vi vi phạm thì cần làm rõ động cơ, mục đích đưa thông tin đó làm làm căn cứ xử lý”, ông Thơm nêu quan điểm.
Báo cáo tại hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững” được tổ chức tại Hà Nội vừa qua cho thấy, tại Việt Nam hiện có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút/ngày. Đây là tỷ lệ cao so với mức độ trung bình toàn cầu là 31%. |