“Trợ lý ảo” giúp nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng xét xử của cán bộ Tòa án, nhất là các Thẩm phán

Mạnh Hùng (thực hiện)| 12/09/2022 15:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

“Trợ lý ảo” là một bước tiến quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống Tòa án, giúp nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng xét xử của cán bộ Tòa án, nhất là đối với các Thẩm phán… Từ đó, giúp nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án. Đây là nhận định của Thiếu tướng Dương Văn Thăng, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương về “Trợ lý ảo” trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Công lý, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2022).

PV: Thưa Chánh án, “Trợ lý ảo” được coi là bước đột phá ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ Thẩm phán. Ngành Toà án yêu cầu, bảo đảm 100% các Thẩm phán trong hệ thống Tòa án sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” phục vụ công tác chuyên môn ngay sau khi được tập huấn hướng dẫn sử dụng. Ông nhận định như nào về những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phần mềm này thưa Chánh án?

Thiếu tướng Dương Văn Thăng: Thực hiện yêu cầu về cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước và chủ trương của Ban cán sự Đảng TANDTC về chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Chánh án TANDTC đã chỉ đạo xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo”, đây là một bước tiến quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống Tòa án, giúp nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng xét xử của cán bộ Tòa án, nhất là các thẩm  phán, từ đó nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án.

Thuận lợi: Đây được xem là một bước đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động của hệ thống Tòa án trong giai đoạn hiện nay. Phần mềm “Trợ lý ảo” đóng vai trò như một Thư ký riêng trợ giúp đắc lực và hiệu quả cho các Thẩm phán trên cơ sở cập nhật số hóa và khai thác nguồn tài nguyên tri thức từ kinh nghiệm giải quyết các vụ án, vụ việc của các thẩm phán, cán bộ làm công tác tư pháp trong toàn hệ thống Tòa án. Phần mềm công nghệ này hướng dẫn tra cứu, áp dụng pháp luật đầy đủ, chính xác cho mỗi vụ việc cụ thể; cung cấp các văn bản tố tụng mẫu, hỗ trợ soạn thảo các văn bản tố tụng nhanh chóng. 

Bên cạnh đó, “Trợ lý ảo” còn giúp xây dựng kế hoạch và hỗ trợ Thẩm phán giải quyết đối với từng loại vụ việc, vụ án cụ thể; đưa ra đoán định tư pháp, khi cần dự đoán tình huống pháp lý sẽ được xử lý như thế nào thì người sử dụng “Trợ lý ảo” đặt câu hỏi và nhập những thông tin cần thiết về một tình huống pháp lý cụ thể, “Trợ lý ảo” sẽ trả lời về kết quả giải quyết tình huống pháp lý đó.

Bên cạnh những thuận lợi, “Trợ lý ảo” vẫn còn một số khó khăn nhất định như: Hiện nay trình độ về tin học, khả năng sử dụng máy vi tính của các Thẩm phán không đồng đều; “Trợ lý ảo” mới bắt đầu triển khai sử dụng nên thẩm phán, cán bộ tòa án thực hiện các thao tác trên máy tính, điện thoại thông minnh chưa thật sự thành thạo…”.

PV:  Xin Chánh án cho biết việc áp dụng phần mềm “Trợ lý ảo” có ảnh hưởng tới tính độc lập trong phán quyết của các Thẩm phán hay không?

Thiếu tướng Dương Văn Thăng: Như tôi đã đề cập ở trên, “Trợ lý ảo” là phần mềm đóng vai trò hỗ trợ cho Thẩm phán trong tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, văn bản tố tụng mẫu, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể, các quy định pháp luật đang có hiệu lực thi hành, án lệ và bản án có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo, xây dựng kế hoạch giải quyết vụ án… qua đó giúp tất các Thẩm phán tra cứu, áp dụng pháp luật đầy đủ, chính xác cho mỗi vụ việc cụ thể; hướng dẫn Thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng đúng trình tự, thủ tục, nhanh chóng kịp thời, đúng quy định pháp luật; ra các quyết định đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật.

Vì vậy, việc áp dụng phần mềm này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến tính độc lập trong phán quyết của Tòa án mà còn góp phần hiệu quả  trong việc bảo đảm áp dụng đúng đắn, thống nhất pháp luật, nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án.

PV: Việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống Trợ lý ảo” được chia làm ba giai đoạn. Với giai đoạn 1 và 2 đơn vị mình đã có những chuẩn bị và áp dụng như thế nào, thưa Chánh án? 

Thiếu tướng Dương Văn Thăng: Trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Tòa án quân sự Trung ương đã có sự chủ động chỉ đạo và triển khai các Tòa án quân sự chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt như: Bố trí phân công bộ phận phụ trách và đảm bảo cơ sở vật chất gồm hệ thống máy tính kết nối mạng, đường truyền internet tốc độ cao..., đảm bảo cho việc tìm kiếm thông tin và truy cập sử dụng phần mềm được thông suốt, nhanh chóng.

Chúng tôi xác định Thẩm phán và cán bộ làm công tác chuyên môn của Tòa án chính là chủ thể sử dụng và đồng thời cũng là chủ thể tiếp tục xây dựng và phát huy hiệu quả của phần mềm “Trợ lý ảo”; ngay sau khi có Kế hoạch số 49/KH-TANDTC ngày 15/3/2022 của TANDTC về triển khai áp dụng phần mềm “Trợ lý ảo”, Tòa án quân sự Trung ương đã tiến hành tuyên truyền, quán triệt đến Tòa án quân sự các cấp để cán bộ, nhân viên trong toàn ngành, đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán nhận thức rõ yêu cầu và tầm quan trọng của việc ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo”. Cử tất cả đội ngũ Thẩm phán và cán bộ, nhân viên làm công tác chuyên môn nghiêm túc tham gia các buổi tập huấn sử dụng phần mềm do TANDTC tổ chức; in ấn, cấp phát tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” cho cán bộ, nhân viên nghiên cứu, sử dụng.

Đồng thời đã chỉ đạo Tòa án quân sự các cấp tổ chức nhiều buổi thực hành sử dụng phần mềm cho các Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức khai thác dữ liệu đảm bảo nhanh chóng và chính xác nhất.

thieu.jpg
Thiếu tướng Dương Văn Thăng, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương.

PV: Qua một thời gian sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo”, Chánh án thấy hiệu quả công việc có sự khác biệt thế nào, các Thẩm phán trong hệ thống Toà án quân sự sử dụng phần mềm có gặp khó khăn, vướng mắc gì không thưa Chánh án?

Thiếu tướng Dương Văn Thăng: Các Tòa án quân sự trong toàn quân đã được triển khai tập huấn và sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” từ ngày 06/4/2022 theo đúng kế hoạch của TANDTC. Qua 4 tháng sử dụng đã cho thấy hiệu quả trong việc ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo”, giúp nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng xử lý tình huống của Thẩm phán, giúp rút ngắn thời gian tra cứu, tìm kiếm quy định của các văn bản pháp luật, trước đây có những vấn đề phức tạp phải cần nhiều thời gian để tra cứu, tập hợp văn bản thì nay các Thẩm phán chỉ cần thực hiện vài thao tác đơn giản trên máy tính trong thời gian rất ngắn là đã tập hợp được những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề đang giải quyết. 

Thực tế thời gian qua cho thấy, các Thẩm phán và cán bộ Tòa án xử lý hồ sơ nhanh hơn, thuận tiện hơn trong việc tra cứu văn bản pháp luật và án lệ liên quan, tìm kiếm các vụ án có tình huống pháp lý tương tự, từ đó giúp tiến độ giải quyết các vụ án được nhanh chóng, đúng quy định pháp luật, chất lượng giải quyết án của các Tòa án quân sự ngày càng được nâng cao. Việc triển khai, ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” thời gian qua đối với các Thẩm phán Tòa án quân sự chưa thấy có khó khăn, vướng mắc gì.

  PV: Phần mềm “Trợ lý ảo" được xem như một cánh tay đắc lực, hỗ trợ cán bộ hành chính tư pháp Tòa án tiếp nhận và xử lý các loại đơn tư pháp. Đây cũng được xem như một trong những giải pháp quan trọng quá trình xây dựng tòa án điện tử, thể hiện quyết tâm trong công cuộc chuyển đổi số của TANDTC, nhận định của ông về vấn đề này?   

Thiếu tướng Dương Văn Thăng: Những tác động từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra cho nền tư pháp của nước ta những cơ hội và thách thức mới. Những thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án truyền thống như chúng ta thực hiện trước đây phải đối mặt với sự cải tiến trước yêu cầu cấp thiết của chuyển đổi số. 

Việc áp dụng công nghệ trong cải cách tư pháp tại Việt Nam với mô hình Tòa án điện tử là điều không thể không làm. Bộ Chính trị, Ban cán sự Đảng và lãnh đạo TANDTC cũng đã thể hiện quyết tâm rất rõ trong vấn đề này. 

Việc vận hành, đưa vào sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” sẽ giúp đội ngũ cán bộ hành chính tư pháp tại các Tòa án thực hiện tốt hơn, nhanh chóng hơn các quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại Tòa án như: tiếp nhận đơn khởi kiện và các giấy tờ, tài liệu liên quan đến giải quyết vụ án, vụ việc; thông báo thụ lý vụ án; quản lý thời gian giải quyết vụ án, giải quyết các yêu cầu của người dân trước và sau các phiên tòa xét xử và hỗ trợ các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Tòa án các cấp; cấp trích lục, giao, gửi bản án và công khai bản án… 

  Với những hiệu quả rõ rệt của việc ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” nêu trên, trong thời gian từ nay đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, chúng ta cần tiếp tục xác định ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ trọng tâm trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án, góp phần bảo đảm cho các hoạt động của Tòa án được công khai, minh bạch, đáp ứng mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử của một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Chánh án!


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Trợ lý ảo” giúp nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng xét xử của cán bộ Tòa án, nhất là các Thẩm phán