Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến: Xét xử trực tuyến giúp Tòa án nâng cao chất lượng xét xử

Mạnh Hùng| 24/08/2022 22:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 24/8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử phúc thẩm trực tuyến với 2 vụ án mua bán trái phép chất ma tuý với hai điểm cầu gồm: Điểm cầu Trung tâm tại phòng xét xử trực tuyến, TAND TP Hà Nội và điểm cầu thành phần tại trại tạm giam công an TP Hà Nội.

a-tien-pho-chanh-toa-hinh-su.jpg
Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh Toà Hình sự, TAND TP Hà Nội

Theo ghi nhận của phóng viên, do công tác chuẩn bị chu đáo nên phiên toà trực tuyến diễn ra bảo đảm tại 2 điểm cầu với đầy đủ hình ảnh, âm thanh và các đương sự tham gia đầy đủ các trình tự, thủ tục tố tụng bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai giúp cho việc tranh tụng được đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Xét xử trực tuyến thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của Tòa án

Trao đổi về những nội dung liên quan đến việc Toà án triển khai tổ chức các phiên toà trực tuyến với phóng viên Báo Công lý, Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến - Phó Chánh Toà Hình sự, TAND TP Hà Nội cho biết, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà cho cả lâu dài khi việc áp dụng và triển khai đi vào quy củ và khắc phục được những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Việc xét xử trực tuyến nhằm hỗ trợ và dần thay thế phiên tòa trực tiếp, giúp Tòa án nâng cao chất lượng xét xử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động xét xử của TAND các cấp. Phiên tòa trực tuyến còn một phần giúp cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đạt kết quả tốt hơn.

Với việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là chủ trương, giải pháp đúng đắn trong thời điểm dịch bệnh cũng như hỗ trợ xử lý giảm tải quá hạn, giúp cho việc giải quyết án được kịp thời, tránh cho đương sự phải di chuyển đi lại tốn kém, giúp cho việc tham gia phiên tòa của các đương sự được đầy đủ hơn, nâng cao hoạt động tranh tụng và hiệu quả.

0ca0cfeb-ac12-4758-adeb-7b635f88bd6f(1).jpeg
Thẩm phán Phan Huy Cương, người giữ vai trò chủ toạ trong phiên toà xét xử trực tuyến hôm nay

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay. Theo đó, nhiều cơ quan, ban ngành cũng đã tổ chức họp và điều hành một số hoạt động qua phương thức trực tuyến.

Tòa án tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và góp phần bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh trong thời điểm dịch bệnh phát triển bùng phát.

Chính vì vậy, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đang được tất cả các Tòa án tại Việt Nam triển khai và thực hiện. Nhiều người băn khoăn về phiên tòa trực tuyến sẽ không đảm bảo về tranh tụng vì diễn biến phiên tòa không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn thể hiện qua thái độ, cử chỉ, tâm lý, cảm xúc và sự tương tác kịp thời giữa các bên trong tố tụng. Điều này có tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cũng như các bên tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, với quy định tại Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 và Thông tư số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của TANDTC, Viện KSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến và qua các phiên tòa trực tuyến đã diễn ra thì xác định phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại Phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.

e8655ae0-6d61-4a38-b5e7-76bbdab47c74(1).jpeg
Toàn cảnh phiên toà xét xử trực tuyến 

Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến nhấn mạnh: “Việc xét xử trực tuyến là bước tiến vừa phù hợp xu thế hiện đại, vừa đảm bảo hoạt động tố tụng mà không mất đi quyền tranh tụng công khai”.

Xét xử trực tuyến là tiền đề cho việc triển khai Tòa án điện tử

Là người trực tiếp tham gia phiên xét xử phúc thẩm trực tuyến vụ án Tàng trữ trái phép chất ma tuý, Thẩm phán Phan Huy Cương cho biết, không thể phủ nhận những ưu điểm mà xét xử trực tuyến đem lại, đặc biệt là ngành Tòa án đã ứng dụng được công nghệ thông tin vào công tác xét xử, là tiền đề cho việc triển khai Tòa án điện tử trong thời gian tới.

Không những thế, việc này còn tiết kiệm được chi phí đi lại cho những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng. Đặc biệt, xét xử trực tuyến còn đảm bảo sức khỏe, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an ninh, an toàn cho bị cáo.

Tuy nhiên, việc xét xử trực tuyến hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế, đó là những vấn đề khó khăn mà các Tòa án cùng gặp phải. Trong đó phải kể đến việc người tham gia trong phiên tòa xét xử trực tuyến có tâm lý e ngại khi thay đổi thói quen, nóng vội khi có sự cố về kỹ thuật. Ngoài ra, còn phát sinh chi phí lắp đặt thiết bị, nâng cấp đường truyền…

Cũng theo Thẩm phán Phan Huy Cương, việc xét xử trực tuyến được áp dụng phù hợp nhất với các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản, tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Xét xử trực tuyến thành công hai vụ án về ma tuý

Theo bản án sơ thẩm, vào khoảng 8h45p ngày 13/1/2022, tổ công tác xã Kim Sơn thuộc Công an huyện Gia Lâm đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực chợ Keo ở thôn Giao Tất A (Gia Lâm, Hà Nội) đã phát hiện Nguyễn Cầu Thiện (SN 1974, trú tại xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội) đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý. Tổ công tác đã thu giữ vật chứng để làm rõ.

8da426d9-b7e5-4af6-aa17-a68cca47b813.jpeg
Thẩm phán, chủ toạ phiên toà trực tuyến Phan Huy Cương tuyên án 

Vật chứng thu giữ được của Thiện gồm: 1 bao thuốc lá Thăng Long, bên trong có chứa 1 gói giấy báo bọc chất bột màu trắng. Theo kết luận giám định của cơ quan chức năng, chất bột màu trắng bên trong 1 gói giấy báo là ma tuý loại Heroin, khội lượng 0,178 gam.

Với hành vi phạm tội nêu trên, HĐXX sơ thẩm TAND huyện Gia Lâm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Cầu Thiện mức án 13 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”. Tuy nhiên, sau bản án sơ thẩm, Thiện cho rằng mức án nêu trên của Toà cấp sơ thẩm đối với mình có phần quá nghiêm khắc, nên bị cáo này đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên toà xét xử này, bị cáo Thiện đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt. 

HĐXX phúc thẩm TAND TP Hà Nội cho rằng, mức án 13 tháng tù mà toà cấp sơ thẩm đã tuyên trước đó là phù hợp, đúng quy định của pháp luật nên đã quyết định bác kháng cáo, giữ nguyên các quyết định của toà cấp sơ thẩm đã tuyên trước đó đối với Thiện.

Cùng ngày, TAND TP Hà Nội cũng tiếp tục mở phiên toà xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (SN 1988, trú tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vì đã có hành vi tàng trữ trái phép ma tuý.

Theo bản án sơ thẩm, khoảng 20h30p ngày 12/1/2022, tổ công tác Công an phường Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội đang làm nhiệm vụ trên địa bàn của phường đã bắt quả tang Nguyễn Quốc Khánh có biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện, thu giữ chiếc tất bên phải của Khánh đeo ở chân có 1 ống nhựa màu xanh chứa tinh thể màu trắng. Tại chỗ, Khánh khai nhận là ma tuý “đá” Khánh mua về để sử dụng.

Theo đó, tổ công tác đã thu giữ niêm phong tang vật và đưa Khánh về trụ sở Công an phường Trung Hoà để làm rõ. Ngoài ra, tổ công tác còn thu giữ của Khánh 1 coóng thuỷ tinh, bên trong chứa tinh thể màu trắng là ma tuý đá loại Methaphetamine và 1 xe đạp địa hình.

Theo bản giám định của cơ quan chức năng, tinh thể màu trắng bên trong ống nhựa màu xanh là ma tuý Methaphetamine, có khối lượng 0,482 gam; tinh thể màu trắng bên trong coóng thuỷ tinh cùng là loại ma tuý nêu trên có khối tượng 0,104 gam.

Với hành vi phạm tội trên, Khánh bị TAND quận Cầu Giấy tuyên phạt 22 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”, tuy nhiên sau đó Khánh đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, bị cáo Khánh đã thành khẩn khai nhận hành vì phạm tội của mình và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm có cơ hội được làm lại cuộc đời.

Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ bản án sơ thẩm, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên toà, HĐXX phúc thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên phạt mức án mức án 16 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (giảm 6 tháng so với bản án sơ thẩm) về tội danh như đã nêu trên.

Một số hình ảnh tại phiên toà xét xử trực tuyến ngày 24/8/2022

91194bd8-b007-484b-84bc-00d5507f316d.jpeg
916e1429-278f-428f-af3d-5007cd36ad58.jpeg
417b76b8-cf1a-467b-8627-667a1d69293c.jpeg
ed52585e-00b7-4c3d-a4a0-c51d3fdb4a32.jpeg
1d69c2c9-9419-4626-ad98-dd6bb5549194.jpeg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến: Xét xử trực tuyến giúp Tòa án nâng cao chất lượng xét xử