Việc tổ chức thực hiện các phiên tòa xét xử trực tuyến là phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 16/6/2022, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên toà xét xử trực tuyến đầu tiên. Đây là phiên tòa xét xử phúc thẩm như các phiên tòa xét xử khác, vẫn đầy đủ các thành phần tham gia. Chỉ khác là phiên tòa diễn ra theo hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu gồm: Điểm cầu trung tâm tại TAND tỉnh và điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa. Các bị cáo đang tạm giam sẽ không phải đến địa điểm xét xử TAND tỉnh, mà sẽ ở điểm cầu thành phần Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa được kết nối qua các thiết bị trực tuyến.
Để đảm bảo việc triển khai được thuận lợi, TAND tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị chu đáo về trang thiết bị, đường truyền tín hiệu ở các điểm cầu. Đồng thời, đánh giá tình hình thực tế về những thuận lợi và khó khăn khi triển khai phiên tòa xét xử trực tuyến. Tại phiên tòa xét xử trực tuyến, các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai đầy đủ các thủ tục của một phiên tòa theo quy định; bị cáo, bị hại có mặt đúng giờ, đầy đủ, nghe rõ và trả lời rõ các câu hỏi, yêu cầu của Hội đồng xét xử. Phiên tòa trực tuyến diễn ra trong không khí trang nghiêm, trật tự, đường truyền giữa các điểm cầu ổn định, hoạt động nhịp nhàng và hiệu quả.
Tiếp đến ngày 22/6, TAND thành phố Thanh Hoá đã tổ chức phiên toà trực tuyến xét xử 2 vụ án hình sự. Phiên tòa được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm đặt tại TAND TP Thanh Hoá và điểm cầu thành phần tại nhà tạm giữ, Công an TP Thanh Hoá. Do được chuẩn bị kỹ lưỡng phiên toà diễn ra suôn sẻ và đúng theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Hồ Thị Minh Hạnh - Phó Chánh án TAND TP Thanh Hóa cho biết: Đây là lần đầu tiên TAND TP Thanh Hóa tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến nên còn nhiều lo lắng, nhất là về đường truyền cũng như trang thiết bị phục vụ cho việc xét xử. Tuy nhiên, nhờ chỉ đạo từ TAND tỉnh Thanh Hóa, sự phối hợp của các cơ quan liên quan nên phiên tòa diễn ra suôn sẻ và đúng theo quy định của pháp luật. Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là phù hợp với xu hướng hiện nay, để tiến tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử mà TANDTC đang thực hiện.
Kết thúc buổi xét xử thí điểm trực tuyến, TAND TP Thanh Hóa đã tổ chức họp rút kinh nghiệm để tiến tới tiếp tục thực hiện các vụ án xét xử trực tuyến tiếp theo tại đơn vị.
Ngày 19/7, TAND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã xét xử sơ thẩm 2 vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm là TAND huyện Quảng Xương và điểm cầu thành phần là trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hoá.
Tại điểm cầu trung tâm trụ sở TAND huyện Quảng Xương được trang bị máy tính điều khiển, hệ thống âm thanh và 2 màn hình kích thước lớn hiển thị thông tin, hình ảnh. Điểm cầu thành phần là trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hoá cũng được đơn vị toà huyện Quảng Xương trang bị màn hình và hệ thống âm thanh tốt nhất để đảm bảo tín hiệu liền mạch khi trao đổi thông tin giữa hai điểm cầu. HĐXX và đại diện Viện kiểm sát xét hỏi bị cáo qua hệ thống camera kết nối trực tuyến giữa hai điểm cầu. Hình ảnh, âm thanh giữa hai điểm cầu trực tuyến rõ ràng, không khác biệt so với xét xử khi bị cáo có mặt trực tiếp và các phiên tòa đều diễn ra thành công tốt đẹp.
Theo quy định tại Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021, TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia và vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Trong giai đoạn đầu thực hiện, các phiên tòa xét xử án hình sự sẽ lựa chọn xét xử sơ thẩm các vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng nhưng chứng cứ rõ ràng. Đối với các vụ án hình sự phúc thẩm sẽ lựa chọn những vụ án bị cáo bị cấp sơ thẩm kết tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng mà bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hoặc đương sự đề nghị tăng mức bồi thường. Còn đối với các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình thì sẽ xét xử những vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, tài liệu chứng cứ đầy đủ.
Trao đổi với với phóng viên, bà Nguyễn Thị Nga - Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Việc tổ chức xét xử các phiên tòa theo hình thức trực tuyến sẽ tiếp cận được những ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng chủ trương, yêu cầu công tác cải cách tư pháp. Các phiên tòa trực tuyến không phải trích xuất bị cáo từ nhà tạm giữ huyện hay tỉnh để đến địa điểm tham gia phiên tòa, từ đó tiết kiệm được chi phí trích xuất, dẫn giải, bảo vệ phiên tòa và bảo đảm được thời gian xét xử.
Bên cạnh đó, mặc dù tổ chức các phiên tòa bằng hình thức trực tuyến nhưng trong quá trình tổ chức xét xử vẫn bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, tôn trọng quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng tại các vụ án. Kết thúc mỗi phiên tòa, lãnh đạo Tòa án và Viện kiểm sát đều tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm nhằm đánh giá kết quả đã đạt, những hạn chế để chuẩn bị tốt cho các phiên tòa tiếp theo trong thời gian tới, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức các phiên tòa trực tuyến.
Tuy nhiên trên thực tế đặt ra khi thực hiện các phiên tòa trực tuyến, thì cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền còn hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ nên việc tổ chức các phiên toàn xét xử trực tuyến còn gặp khó khăn. Để thực hiện tốt phiên tòa trực tuyến, cần sớm có quy định về biên chế chuyên trách công nghệ thông tin bắt buộc đối với mỗi tòa án để đào tạo, trực tiếp vận hành hệ thống phiên tòa trực tuyến, quản trị các phần mềm dùng chung. Đồng thời, cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị; bố trí hội trường chuyên dụng xét xử trực tuyến; cấp bổ sung kinh phí tổ chức phiên tòa trực tuyến.