Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có rất nhiều các lớp đào tạo liên kết từ trình độ Trung cấp đến Đại học tại các trường, Trung tâm GDTX huyện, tỉnh. Điều đáng nói, các lớp này mở tràn lan, khi thực tế cấp phép chỉ được 25 lớp.
Báo Công lý nhận được nhiều thông tin phản ánh của bạn đọc về các hoạt động đào tạo và liên kết đào tạo bất thường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, các hoạt động đào tạo này có nhiều dấu hiệu “tiếp tay” hoặc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình.
Để có cái nhìn khách quan, PV báo Công lý đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình. Tại buổi làm việc, đại diện Sở GD&ĐT cho biết, trong 3 năm 2015, 2016 , 2017, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã có tờ trình và được UBND tỉnh đồng ý cho phép 5 đơn vị trên địa bàn tỉnh được liên kết đào tạo với số lượng là 25 lớp.
Cụ thể: trường CĐ Sư phạm Hòa Bình mở 12 lớp liên kết với các trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Hà Nội 2; Trường CĐ Kinh tế - Kỹ Thuật Hòa Bình liên kết với ĐH Nội vụ mở lớp Quản lí nhà nước hình thức vừa làm vừa học (VLVH); Trường Trung cấp Y tế Hòa Bình liên kết với trường CĐ Dược Asean và Trường CĐ Y tế Phú Thọ mở các lớp Điều dưỡng, dược, hộ sinh; Tại Trung tâm GDTX tỉnh liên kết với trường ĐH Vinh, ĐH Trưng Vương mở các lớp Luật kinh tế theo hình thức VLVH và tại chức; trường Trung cấp Việt – Nhật liên kết với ĐH Vinh và ĐH Thành Tây mở các lớp đại học liên thông và ĐH tại chức.
Mặc dù vậy, trên thực tế PV ghi nhận được thì việc đào tạo này phức tạp hơn rất nhiều. Đặc biệt, học viên tại các lớp này phần lớn là các cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tham gia theo học.
Tại trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình đã mở các lớp đào tạo sau đại học chuyên ngành Quản lí giáo dục, Lý luận và phương pháp dạy chính trị, liên kết với trường ĐH sư phạm HN; ĐH Kinh tế quốc dân đào tạo sau đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Học Viện Nông Nghiệp đào tạo sau đại học chuyên ngành Quản lí kinh tế.
Tại huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), ĐH Thành Đông tổ chức các lớp liên thông đại học Luật chính qui; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Mai Châu tổ chức các lớp Cao đẳng, liên thông Đại học chính quy, các ngành kế toán doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, công nghệ thông tin, Kỹ thuật dược.
Tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tỉnh Hòa Bình ngoài các chương trình được Sở GD&ĐT cho phép ở đây còn mở các lớp liên kết các chuyên ngành Cầu đường bộ, Luật, hành chính.
Thông báo tuyển sinh của Trường CĐ Kinh doanh và Công nghệ
Như vậy, các lớp trên đều không nhận được sự đồng ý của UBND tỉnh, đồng nghĩa với việc không nhận được sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý về giáo dục trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Được biết, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo một số cơ quan chức năng vừa tiến hành rà soát các hoạt động đào tạo, liên kết đào tạo trên địa bàn. Tuy nhiên, danh sách đơn vị vi phạm và hình thức xử lý lại chưa được UBND tỉnh Hòa Bình công khai mà có nhiều dấu hiệu “xử lý mềm” trong tỉnh.
Các đơn vị này đã vi phạm quy chế đào tạo như thế nào? Trách nghiệm của các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý tới đâu, những tập thể và cá nhân nào đang tiếp tay cho hoạt động đào tạo “chui”, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ và phản ánh tới bạn đọc.