Năm 2018 được ghi nhận là năm TAND, TAQS các cấp chủ động đề ra nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng xét xử và tổ chức thực hiện quyết liệt trong toàn hệ thống.
Kết quả công tác của các Tòa án năm qua có sự chuyển biến tích cực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị cũng như có nhiều đột phá, tạo dấu ấn quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp.
Không phát hiện trường hợp kết án oan
Bước vào năm 2018, với yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra ngày càng cao, TAND các cấp tiếp tục quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng liên quan tới xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước..., cũng như các Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp; làm tốt công tác xét xử các loại vụ án, nhất là các vụ án kinh tế và tham nhũng lớn; triển khai thực hiện nhiều đạo luật mới có liên quan tới hoạt động xét xử của Tòa án được sửa đổi, bổ sung và mới đi vào thực tiễn.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, Thẩm phán cũng như điều kiện cơ sở vật chất, trên cơ sở 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử đã được đề ra từ cuối năm 2017, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được các Tòa án thực hiện đạt kết quả khả quan.
Báo cáo của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV cho thấy, năm 2018, các Tòa án đã giải quyết được 441.553 vụ việc trong tổng số 556.838 vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 79,3%); số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. So với năm 2017, số vụ việc đã thụ lý tăng 56.920 vụ, bằng 11,4%; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,09% (giảm 0,21% so với năm 2017), đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời. Các Tòa án đã xét xử sơ thẩm 200 vụ với 472 bị cáo phạm các tội tham nhũng, so với năm 2017, số bị cáo bị xét xử các tội về tham nhũng tăng 39 bị cáo. Một số vụ án được dư luận xã hội rất quan tâm như vụ án: Châu Thị Thu Nga, Trịnh Xuân Thanh, Huỳnh Thị Huyền Như, Đinh La Thăng,…
Nhìn chung, việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào được xét xử trong năm qua kết án oan người không có tội. Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả. Các Tòa án không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình, trên cơ sở kết quả tranh tụng, HĐXX đưa ra các phán quyết đúng pháp luật, được dư luận xã hội ủng hộ.
Công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật tố tụng. Trong năm 2018, các Tòa án đã trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung đối với 2.343 vụ án, việc trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung về cơ bản đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với hành vi phạm tội. Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chú trọng và đạt kết quả cao. Theo đó, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC và các TAND cấp cao phải giải quyết là 16.078 đơn/vụ; đã giải quyết được 6.408 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 39,8%, tăng 0,5% so với năm 2017. Đáng chú ý, trong tổng số 6.408 đơn/vụ đã giải quyết, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 5.792 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 616 đơn/vụ.
Ghi nhận đánh giá cao những kết quả đạt được của TAND các cấp năm 2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đa số các ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV đều cho rằng, năm 2018 công tác xét xử của TAND các cấp đã đạt kết quả khả quan. Mặc dù số lượng vụ án thụ lý tăng nhiều hơn so với 2017 nhưng tỷ lệ giải quyết án đạt tỷ lệ cao, trong thời hạn luật định. TANDTC đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xét xử. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành nhiều Nghị quyết hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật, áp dụng công nghệ thông tin trong công khai bản án, tiếp nhận đơn thư,…Năm qua không phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; hình phạt mà các Tòa án đưa ra tương xứng với hành vi phạm tội, đúng người, đúng pháp luật và không để lọt tội phạm. Tỷ lệ bản án bị hủy sửa do lỗi chủ quan của Tòa án tiếp tục giảm.
Đột phá trong cải cách tư pháp
Cùng với việc tăng cường chất lượng công tác xét xử, thì việc nghiên cứu, triển khai áp dụng các hình thức cải cách tư pháp được coi là điểm đột phá của công tác TAND năm 2018. Những điểm sáng trong cải cách tư pháp có thể kể đến đó là việc TANDTC đã tiến hành công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, qua đó buộc mỗi Thẩm phán phải đề cao hơn nữa trách nhiệm thực thi công vụ. TANDTC cũng đã lựa chọn và ban hành 27 án lệ; ban hành Bộ quy tắc chuẩn mực đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, làm căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền đánh giá và xã hội giám sát Thẩm phán. Việc ra đời và đang tiếp tục được nhân rộng mô hình Tòa Gia đình và người chưa thành niên trong tổ chức bộ máy của TAND được xem là dấu ấn quan trọng, là một trong những thành tựu của tiến trình cải cách tư pháp...
Đặc biệt, việc triển khai Đề án hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã diễn ra theo đúng kế hoạch và đã thành công được 2/3 chặng đường. Trong đó, giai đoạn triển khai thí điểm Đề án trong 6 tháng tại Hải Phòng thu được kết quả rất khả quan. Với tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành đạt 76,2%. Kết quả này cũng đã góp phần giải quyết các vụ án hành chính, dân sự của TANDTC trong năm qua. Cụ thể, án hành chính, TAND các cấp đã thụ lý 10.412 vụ, tăng 2.203 vụ so với năm 2017, nhưng kết quả giải quyết đạt tỷ lệ cao.
Liên quan đến Đề án này, TANDTC đã báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và nhận được sự đồng thuận cao. Trên cơ sở thành công bước đầu của Đề án, giao cho TANDTC tiếp tục triển khai thí điểm tại Hải Phòng và mở rộng thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố. Đồng thời, TANDTC cũng đã xây dựng Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Theo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định: Hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thuý Hiền tại buổi Tọa đàm về hòa giải, đối thoại tại Tòa án giữa ông Tokura Saburo, Thẩm phán TATC Nhật Bản với các cán bộ TANDTC
Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước eo hẹp, công việc của Tòa án quá tải thì việc thu hút, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính; giảm số lượng vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết; giảm tải áp lực công việc cho Tòa án, khắc phục một phần tình trạng thiếu nguồn nhân lực tại Tòa án. Ngoài ra, việc xã hội hóa nguồn nhân lực không nằm trong biên chế, cũng sẽ đáp ứng yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư; tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội. Qua phân tích sơ bộ kinh phí phải đầu tư, nếu dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thông qua và đưa vào thực hiện thì trong vòng 10 năm sẽ mang lại nhiều lợi ích về văn hóa, pháp lý, sự ổn định của các quan hệ xã hội, tài chính của Nhà nước, người dân và xã hội.
Liên quan Đề án này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao tinh thần của TANDTC, Chánh án TANDTC trong việc xây dựng cơ chế hòa giải, đối thoại góp phần giải quyết tranh chấp. Ủy ban Pháp luật tán thành với ý kiến của Ủy ban Tư pháp đã thống nhất với TANDTC về sự cần thiết ban hành dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình năm 2019 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám.
Công tác cán bộ có sự đổi mới mạnh mẽ
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, nghiên cứu, vận dụng cải cách tư pháp một cách sáng tạo và hiệu quả như trên, phải kể đến những nỗ lực của hệ thống TAND trong công tác cán bộ. Năm 2018 tiếp tục xác định công tác cán bộ là then chốt, là nhân tố quyết định đến việc thực thi mọi nhiệm vụ. Căn cứ Luật Tổ chức TAND 2014, TANDTC đã chủ động trình cơ quan có thẩm quyền quy định về tổ chức, bộ máy của TAND các cấp và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chánh án TANDTC. Đồng thời, chuẩn bị các phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, Thẩm phán cho các TAND, nhất là đối với TAND cấp cao - là cấp Tòa án được thành lập mới; bổ sung số lượng, cơ cấu Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp cho TAND các cấp; kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý TAND các cấp theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014 và các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp.
Cùng với việc triển khai nội dung các Nghị quyết của Đảng, TANDTC đã ban hành kế hoạch và có Báo cáo tổng kết về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong các TAND để trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; Báo cáo tổng kết về thực hiện Chiến lược cán bộ trong các TAND để trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Đồng thời ban hành Kế hoạch thực hiện, để đổi mới tổ chức bộ máy của các TAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương. Theo đó, cùng với sự hoàn thiện của hệ thống các quy định, quy chế trong công tác cán bộ, hệ thống thể chế quản lý cán bộ, công chức đã được hình thành, hoàn thiện và từng bước đưa công tác quản lý cán bộ, công chức vào nền nếp. Công tác cán bộ được đổi mới từ khâu tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng đến khâu khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách…
Nhờ đó năm qua, các Tòa án đã cơ bản thực hiện đủ số lượng biên chế, Thẩm phán được giao. TANDTC đã xây dựng Đề án vị trí việc làm, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Bộ Chính trị xem xét để làm cơ sở xác định biên chế cho các TAND; chú trọng đến các khâu quy hoạch, luân chuyển cán bộ; công tác bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử… Đối với công tác bổ nhiệm cán bộ, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC luôn bám sát nguyên tắc Đảng lãnh đạo thống nhất công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đúng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục và thẩm quyền trong bổ nhiệm cán bộ, công chức.
Việc bổ nhiệm Thẩm phán được thực hiện thông qua thi tuyển theo đúng quy định của Luật Tổ chức TAND 2014; bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý đều trên cơ sở quy hoạch và đúng quy trình, phương án nhân sự; được gắn kết chặt chẽ với các khâu trong công tác cán bộ nên đã góp phần quan trọng trong sự ổn định, phát triển bền vững của đội ngũ cán bộ bảo đảm cho Toà án các cấp hoàn thành nhiệm vụ được giao. Việc đào tạo nguồn Thẩm phán và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Thẩm phán được tiến hành thường xuyên, liên tục. Trên cơ sở đó, đổi mới mạnh mẽ về đội ngũ giảng viên, cơ chế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về cơ sở vật chất, kinh phí. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cũng đã được nâng cao về chất lượng cũng như số lượng các lớp đào tạo. Tính từ tháng 10/2016 đến nay, TANDTC đã tổ chức đào tạo nghiệp vụ xét xử cho tổng số 754 học viên là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án công tác tại các đơn vị Tòa án trong cả nước.
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp đợt 1 năm 2018
Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và xử lý trách nhiệm cán bộ cũng được tăng cường. Đẩy mạnh công tác giáo dục, phát huy truyền thống vẻ vang của TAND; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đạo đức, tác phong, Quy tắc ứng xử của cán bộ TAND; tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong của mỗi cán bộ Tòa án… Đặc biệt trong năm, TANDTC đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán nhằm mục đích đề cao ý thức chấp hành pháp luật, duy trì kỷ luật, kỷ cương công vụ, đề cao trách nhiệm cá nhân góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động công vụ, xây dựng đội ngũ Thẩm phán các cấp trong sạch, vững mạnh, kỷ cương, liêm chính; phòng ngừa, hạn chế phát sinh những hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp của Tòa án; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Nhìn nhận đánh giá công tác cán bộ năm qua, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã có sự đổi mới mạnh mẽ, từng bước hoàn thiện và gắn với Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 của Đảng, Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức TAND giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng phù hợp với yêu cầu công việc, bảo đảm toàn diện, chuyên sâu kết hợp giữa lý thuyết với kỹ năng nghiệp vụ Tòa án và bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của TAND.