Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Việt Nam Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn để hai bên chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tội phạm, giải quyết tại chỗ các tranh chấp dân sự và thương mại ngay từ sớm trong bối cảnh quan hệ hợp tác, đầu tư giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh dẫn tới gia tăng về số lượng, tính chất phức tạp của tranh chấp thương mại và tội phạm xuyên quốc gia.
Hội thảo Tòa án các tỉnh giáp biên Việt – Trung được tổ chức ngày 30/6/2023 tại Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Tham dự Hội thảo có Chánh án TANDTC hai nước, các Phó Chánh án và lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc TANDTC; Chánh án, Phó Chánh án và cán bộ của TAND 7 tỉnh giáp biên của Việt Nam và 2 tỉnh giáp biên phía Trung Quốc.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Việt Nam cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, nồng hậu và chu đáo dành cho Đoàn, nhấn mạnh Hội thảo là diễn đàn để hai bên chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tội phạm, giải quyết tại chỗ các tranh chấp dân sự và thương mại ngay từ sớm trong bối cảnh quan hệ hợp tác, đầu tư giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh dẫn tới gia tăng về số lượng và tính chất phức tạp của tranh chấp thương mại và tội phạm xuyên quốc gia.
Hội thảo cũng thiết lập và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác của Tòa án cấp địa phương hai nước, góp phần củng cố và đẩy mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai quốc gia, đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế của mỗi nước.
Hội thảo tập trung vào ba chủ đề: (1) sự phát triển của công nghệ thông tin tại Tòa án; (2) hợp tác tư pháp giữa Tòa án hai nước Trung Quốc và Việt Nam tại khu vực biên giới; (3) công tác tống đạt văn bản tố tụng về các vụ án hình sự và dân sự khu vực biên giới.
Tại phiên thứ nhất, hai bên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về phát triển sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống Tòa án. Chính phủ và Tòa án Trung Quốc rất quan tâm đến việc phát triển công nghệ thông tin.
Tòa án Trung Quốc đã xây dựng hệ thống dịch vụ giải quyết tranh chấp và tố tụng một cửa, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tư pháp; thúc đẩy quá trình thông minh hóa toàn bộ quy trình xét xử để đảm bảo thực hiện tốt hơn và nhanh hơn sự công bằng và công lý; xây dựng hệ thống công tác thi hành án hiện đại hóa, để quyền và lợi ích của việc thắng kiện được hiện thực hóa trên đường cao tốc thông tin; phân tích ứng dụng nguồn dữ liệu lớn tư pháp phục vụ quản trị quốc gia, quản trị xã hội; và xây dựng mô hình tư pháp mạng kiểu mới và thúc đẩy pháp quyền trên không gian mạng.
Việc phát triển công nghệ thông tin đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. TANDTC có được nguồn vốn đầu tư này từ ngân sách trung ương thông qua Ủy ban cải cách và phát triển của Nhà nước. Sau khi được bảo đảm ngân sách, TANDTC tiến hành thu mua công nghệ từ xã hội và qua kênh thu mua của Chính phủ.
Về nhân lực công nghệ thông tin, TANDTC tiến hành thu mua dịch vụ của các công ty phục vụ chuyên ngành. TANDTC Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc phát triển công nghệ thông tin tư pháp với TANDTC Việt Nam.
Tại phiên thứ hai về tăng cường hợp tác tư pháp khu vực biên giới, hệ thống Tòa án Trung Quốc tiếp tục làm sâu sắc hóa trao đổi tư pháp thông qua cơ chế Diễn đàn Thẩm phán Trung Quốc-ASEAN tại Nam Ninh; cải thiện hệ thống cơ quan xét xử liên quan đến nước ngoài tại Quảng Tây, đặc biệt là thành lập Tòa án thương mại quốc tế Nam Ninh thuộc Khu thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN tại Nam Ninh và thành lập mô hình Tòa án biên mậu nhằm giải quyết tại chỗ tranh chấp biên mậu, du lịch Trung-Việt; cải thiện tố tụng tư pháp thuận tiện và hiệu quả hơn.
Hai bên nhất trí cần tăng cường hợp tác và trao đổi tư pháp thiết thực giữa Tòa án các tỉnh giáp biên trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, giải quyết tranh chấp, duy trì an ninh và hòa bình khu vực biên giới.
Tại phiên thứ ba, hai bên chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong tống đạt giấy tờ tư pháp trong cả hai lĩnh vực tố tụng dân sự và hình sự, gây chậm trễ quá trình giải quyết vụ án.
Theo quy định hiện hành của cả hai nước, việc tống đạt giấy tờ tư pháp ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua cơ quan chủ quản mỗi nước là Bộ Tư pháp, gây kéo dài thời gian và kém hiệu quả.
TANDTC Trung Quốc đã ủy quyền cho TAND cấp cao Quảng Tây được phép gửi tài liệu tống đạt trực tiếp cho Bộ Tư pháp để rút ngắn thời gian tống đạt.
Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận nhằm tìm ra phương pháp tống đạt giữa Tòa án các tỉnh giáp biên hiệu quả hơn phù hợp với Công ước quốc tế mà hai nước cùng tham gia, Hiệp định song phương và pháp luật mỗi nước.
Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị, Chánh án TANDTC hai nước đã Hội đàm và chứng kiến Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa TAND hai tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn của Việt Nam với TAND cấp cao Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.