Báo chí có vai trò quan trọng trong việc phản ánh, tuyên truyền pháp luật để qua đó, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành, tuân thủ luật pháp.
Để hoàn thành tốt vai trò đó, báo chí hơn bao giờ hết rất cần có những “kênh” thông tin và “kho” tư liệu. Một trong những nguồn cung cấp thông tin vô tận mà báo chí ra sức “thâm canh” là những hoạt động của Tòa án nhân dân qua các phiên tòa, nhất là những phiên xét xử lưu động, những vụ án được dư luận quan tâm.
Nguồn thông tin vô tận
Hàng ngày, trên phạm vi cả nước, có đến hàng trăm vụ án các loại được đưa ra xét xử công khai tại trụ sở Tòa án, hoặc lưu động ở những nơi xảy ra vụ án. Và những diễn biến phiên tòa với những lời khai về hành vi phạm tội của bị cáo, những âm mưu, thủ đoạn phạm tội của chúng được Hội đồng xét xử làm rõ cùng với những hình phạt nghiêm khắc được báo chí đăng tải…đã góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, cảnh tỉnh những kẻ có ý định phạm tội và là những bài học cảnh giác với tội phạm nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời đại hiện nay…
Công tác tuyên truyền truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án, được ghi nhận tại Luật Tổ chức TAND qua các thời kỳ và gần đây là năm 2014 như sau: “Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác”.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, nên các TAND đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC, không ngừng tăng cường và chú trọng thực hiện tốt công tác xét xử lưu động.
Theo số liệu của Vụ Thống kê - Tổng hợp TANDTC, trong những năm qua, số lượng các vụ án được đưa ra xét xử lưu động tăng dần qua các năm. Cụ thể là năm 2012 các Tòa án đã tổ chức 7.817 phiên tòa xét xử lưu động, chiếm tỷ lệ 12% trong tổng số các vụ án hình sự đã xét xử; năm 2013 là 9.690 phiên tòa lưu động, chiếm tỷ lệ 14,6%; năm 2014 là 9.256 phiên tòa lưu động, chiếm tỷ lệ 14,05%...
Tòa án thông qua phiên tòa (phổ biến và chủ yếu là các phiên tòa xét xử lưu động) để góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật trong quần chúng nhân dân. Và đây cũng chính là một chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền của báo chí. Thành ra, những hoạt động xét xử công khai của Tòa án với công tác báo chí tuyên truyền có sự đồng nhất. Sự tương đồng về mục đích tuyên truyền đã tạo ra những thuận lợi về nguồn thông tin cho báo chí và hoạt động xét xử công khai chính là nguồn tư liệu phong phú và vô tận của báo chí.
Báo chí tác nghiệp tại phiên tòa
Có rất nhiều góc độ để báo chí khai thác tư liệu qua hoạt động của Tòa án. Về mặt xã hội, những “ký sự pháp đình” mà báo chí đăng tải đã lấy chính những hình ảnh, sự sám hối của các bị cáo tại các phiên xét xử công khai để phản ánh lên một thực trạng đáng lên án, đáng báo động hoặc đáng suy ngẫm như một bài học chung.
Về góc độ khoa học pháp lý, những vấn đề còn có quan điểm nhìn nhận khác nhau, thậm chí đối lập cũng chính là nguồn để báo chí nêu ra như diễn đàn thu hút sự quan tâm cho những người làm công tác liên quan đến luật pháp hoặc những người muốn tìm hiểu lĩnh vực này.
Thông qua việc tranh tụng với những phần đối đáp, tranh luận giữa các luật sư với Kiểm sát viên, bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, báo chí khai thác những vấn đề mang tính khoa học pháp lý, những bất cập và sơ hở của luật pháp mà kẻ phạm tội nhằm vào thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Những phân tích mang tính giáo dục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cho bị cáo cũng chính là những bài học rút ra cho những ai liên quan, kể cả vai trò phòng ngừa, ngăn chặn cũng như cảnh tỉnh cho những ai có ý định phạm tội. Và, những phán quyết đúng đắn của Hội đồng xét xử được những người tham dự phiên tòa tán đồng khi được báo chí phản ánh sẽ là nguồn cổ vũ, động viên những người tiến hành tố tụng. Ngoài ra, những thông tin trước khi xét xử, họp báo sau phiên tòa cũng là nguồn đáng kể cho công tác báo chí
“Tiếng nói chung” giữa Tòa án và báo chí
Báo chí góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền hoạt động của Tòa án nhân dân. Với phương châm đó, nhiều năm qua, sự phối hợp tuyên truyền pháp luật giữa Tòa án nhân dân các cấp với cơ quan báo chí, truyền thông khá nhịp nhàng và hiệu quả. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng đã được Tòa án phối hợp với cơ quan báo chí, ngôn luận tổ chức truyên truyền sâu rộng trong xã hội vào thời điểm trước, trong và sau khi xét xử.
Với việc tuyên truyền kịp thời, đầy đủ và chính xác của báo chí, ý thức pháp luật của nhân dân, cán bộ được nâng cao… Có những địa phương, Tòa án chủ động phối hợp với cơ quan báo chí mở các chuyên mục giải đáp pháp luật, thông tin về công tác xét xử cũng như những bài học qua từng vụ án cụ thể.
Chẳng hạn, chuẩn bị cho việc xét xử vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước, TAND tỉnh đã cung cấp các thông tin cần thiết cho báo chí về thời gian, địa điểm và công tác chuẩn bị và dành khu vực riêng cho báo chí tác nghiệp, đưa tin trực tuyến trên báo mạng… Các Tòa án luôn cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là Báo Công lý để kịp thời phản ánh về mọi hoạt động của ngành cũng như những gương điển hình trong phong trào thi đua…
Một ví dụ điển hình là TAND tỉnh Quảng Nam ký kết kế hoạch tuyên truyền pháp luật với Đài phát thanh truyền hình tỉnh thông qua việc thực hiện chuyên mục Tòa án. Theo đó, hàng tháng, Đài phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng và thực hiện chuyên mục Tòa án phát trên sóng truyền hình nhằm tuyên truyền các phiên tòa lưu động của TAND hai cấp trong tỉnh. Mỗi chuyên mục kéo dài 12 phút, phát thường xuyên, cố định vào 19 giờ 55 ngày thứ 3 của tuần thứ 3 hàng tháng.
Theo Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam Trương Trọng Tiến thì đây là một những chương trình thực sự mang lại cho cán bộ, nhân dân địa phương những kiến thức cần thiết về pháp luật bổ ích cũng như những bài học kinh nghiệm qua từng vụ án…
Như vậy, những hoạt động của Tòa án chính là nguồn thông tin thiết thực nhất cho báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nhiều năm qua, nhìn chung các đơn vị TAND trong cả nước đã tạo điều kiện tốt cho các cơ quan báo chí tác nghiệp. Nhiều phiên tòa lưu động với nhiều bị cáo, với sự tham dự của rất đông người rất cần được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng các Tòa án vẫn tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ quan báo chí tác nghiệp, thậm chí còn có khu vực dành riêng cho báo chí. Cho nên, những diễn biến tại phiên tòa liên tục được cập nhật trên báo chí đã đem đến cho người dân cả nước những thông tin kịp thời, chính xác.
Trước đây, do chưa có quy định thống nhất nên đôi khi có xảy ra tình trạng tác nghiệp báo chí tại các phiên tòa còn chưa như mong muốn. Một số phóng viên đến dự phiên tòa để tác nghiệp chưa tuân thủ triệt để nội quy phiên tòa gây ảnh hưởng đến trật tự chung…Thậm chí tại nhiều phiên toà hình sự, chuyện tác nghiệp của cánh phóng viên báo chí thật muôn hình muôn vẻ. Cảnh thường thấy là khi HĐXX đang tiến hành thẩm vấn bị cáo thì bỗng xuất hiện mấy phóng viên “phi” lên cánh gà, chĩa ống kính vào HĐXX bấm lia lịa. Sau đó họ quay xuống phía bị cáo, có người tiến tới vành móng ngựa như muốn dí sát ống kính để “đặc tả” khuôn mặt của bị cáo. Lúc này, các phóng viên không khác hoạt náo viên là bao.
Mặc dù đó là tác nghiệp báo chí, nhưng đã để lại những hình ảnh không đẹp trong mắt những người dự khán phiên toà, hơn nữa còn gây ảnh hưởng đến hoạt động của HĐXX. Và không hiếm trường hợp, khi chủ tọa phiên tòa nhắc nhở thì phóng viên tỏ ra “hơi bị khó chịu” …
Để đảm bảo thống nhất về trật tự phiên tòa, cũng là tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp thuận tiện, ngày 28/4/2014 Chánh án TANDTC ký ban hành Nội quy phiên tòa, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/6/2014. Theo đó, nhà báo tham dự để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa.
Nhà báo phải chấp hành đúng hướng dẫn của thư ký phiên tòa hoặc lực lượng Cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa; tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phòng xử án. Hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong Nội quy phiên tòa, hoạt động tác nghiệp báo chí (ghi âm, ghi hình, chụp ảnh) được quy định là “chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa, tuân thủ các quy định của pháp luật”. Thực tế, sau khi có Nội quy này, công tác báo chí được thông thoáng hơn, sự hợp tác của báo chí với Tòa án qua các phiên tòa được rõ ràng, rành mạch hơn.
Quan trọng hơn cả, giữa cơ quan báo chí và Tòa án đã và đang có “tiếng nói chung” để công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục ngày càng hiệu quả hơn, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho người dân và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.