Chính trị

Tòa án đã triển khai 17 nhóm giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử

Duy Tuấn 21/08/2024 - 19:47

Đăng đàn trả lời đại biểu Quốc hội tại phiên họp chất vấn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án đã triển khai 17 nhóm giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án.

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, chiều 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

ca3.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác xét xử

Theo đại biểu Trịnh Minh Bình- Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Vĩnh Long, Nghị quyết 755 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27/3/2023 nêu, trong công tác xét xử tiếp tục triển khai các giải pháp, nhất là các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án để đảm bảo trong tố tụng, trong xét xử và chấp hành nghiêm thời hạn tố tụng.

Đại biểu đề nghị Chánh án TANDTC cho biết, thời gian qua đã triển khai những giải pháp đột phá nào để thực hiện tốt các nội dung trên?

trinhminhbinh.jpg
Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long.

Trả lời đại biểu, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án đã triển khai 17 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử. Đáng chú ý, hệ thống Tòa án đã thực hiện tất cả nhiệm vụ của cải cách tư pháp; tăng cường đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; đổi mới các phiên tòa; nâng cao chất lượng viết các bản án.

Về công khai các bản án trên cổng thông tin điện tử ngành Tòa án để nhân dân giám sát, Chánh án cho biết, đến nay, hệ thống Tòa án đã công bố 1,5 triệu bản án, được nhân dân đánh giá rất tích cực trong công khai bản án.

Đáng chú ý, đã tổ chức xét xử trực tuyến gần 20 nghìn vụ.

Về tăng cường hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đến nay đã hòa giải, đối thoại được gần 50 nghìn vụ, góp phần giảm tải công việc cho Tòa án. “Hoà giải được các bên thoả thuận ngay, không phải thi hành án nên không tạo ra các xung đột xã hội”.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng trong giải quyết các vụ án, đặc biệt trong giải quyết các vụ án tham nhũng.

Để nâng cao chất lượng xét xử, hệ thống Tòa án đã áp dụng giải pháp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, giao chỉ tiêu cho các Thẩm phán mỗi năm phải có 1 phiên tòa rút kinh nghiệm.

“Giống giáo viên có giờ giảng mẫu, phiên toà rút kinh nghiệm để điều tra viên, luật sư, kiểm sát viên cùng tham gia và nhận xét mặt được và chưa được của Thẩm phán. Đây chính là bài học thực tiễn qua xét xử, từ đó nâng cao kinh nghiệm cho Thẩm phán”, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết.

ca1.jpg
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời tại phiên họp chất vấn.

Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, “hệ thống Tòa án có gần 10 nghìn Thẩm phán, mỗi năm Thẩm phán phải có ít nhất 1 phiên tòa rút kinh nghiệm, tương đương 10 nghìn giờ học thực tế, sẽ nâng cao trách nhiệm, kinh nghiệm cho Thẩm phán”.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác xét xử.

Sẽ nâng mức bồi dưỡng cho hội thẩm nhân dân

Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phản ánh về thời gian các vụ việc, vụ án được TAND cấp tỉnh chuyển đến TANDTC xem xét, giải quyết còn phải chờ đợi.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Định, hiện nay mức chi bồi dưỡng phiên tòa cho Hội thẩm nhân dân là 90.000đ đồng/phiên tòa. Như vậy là quá thấp và không còn phù hợp với thực tế. Đại biểu đề nghị TANDTC cho biết giải pháp khắc phục?

hoangngocdinh.jpg
Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Trả lời đại biểu Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, nguyên tắc hoạt động của Tòa án là độc lập. Các cấp xét xử chịu trách nhiệm về việc đưa ra phán quyết của mình, việc xin ý kiến TANDTC chỉ là tham khảo, trả lời của TANDTC chỉ có ý nghĩa tham khảo, chứ không phải định hướng xét xử vụ án.

Chánh án nói thêm, việc trả lời mang tính hướng dẫn áp dụng pháp luật chứ không được coi là căn cứ giải quyết vụ án.

“Việc tuân thủ thời hạn tố tụng thuộc các hội đồng xét xử, không phụ thuộc TANDTC trả lời hay không. Tòa tối cao có trả lời hay không, các anh cũng phải đảm bảo thời hạn tố tụng”, Chánh án nêu rõ.

ca2.jpg
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn.

Về tiền bồi dưỡng cho hội thẩm nhân dân, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, đã nhận được phản ánh của nhiều đoàn đại biểu quốc hội.

“Việc quy định 90.000đ đồng/phiên tòa cho hội thẩm nhân dân, chúng tôi thấy là rất ít so với thực tế. Quy định này theo Nghị định của Chính phủ, hiện Tòa đã báo cáo Quốc hội. Quốc hội đã ban hành nghị quyết về chi phí tố tụng, trong đó, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể việc này. Dự kiến, trong tháng 12 sẽ có quy định về Chi phí tố tụng”, Chánh án TANDTC thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án đã triển khai 17 nhóm giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử