Tiêu điểm

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Cần tách vụ án có người chưa thành niên

Duy Tuấn 13/08/2024 - 19:59

Nếu không tách án thì thời hạn điều tra những vụ giết người có thể kéo dài tới 30 tháng từ điều tra, truy tố, xét xử. Như vậy, không thể áp dụng được chính sách giải quyết ngay với các chính sách ở độ tuổi của người chưa thành niên.

Nội dung đáng chú ý này được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình- Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đưa ra chiều 13/8, trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

ca23.jpeg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình- Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Khó đảm bảo chính sách cho người chưa thành niên nếu không tách án

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Về quy định tách vụ án với người chưa thành niên, giải trình thêm một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định, “không tách không được”, bởi nếu để chung vào 1 vụ án (gồm cả người chưa thành niên và người trưởng thành) thì Luật này không có nghĩa vì khó đảm bảo chính sách ưu đãi dành cho người chưa thành niên.

"Nếu không tách án thì thời hạn điều tra cho vụ án, nhất là những vụ đặc biệt nghiêm trọng như giết người thì có thể kéo dài tới 30 tháng từ điều tra, truy tố, xét xử. Như vậy, không thể áp dụng được chính sách giải quyết ngay với các chính sách ở độ tuổi của người chưa thành niên”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đặc biệt nhấn mạnh.

Cho rằng việc giải quyết vụ án với người chưa thành niên thì điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được đào tạo về tư pháp người chưa thành niên. Chánh án nhấn mạnh "nếu để trong vụ án chung không thể phân đầy đủ thành viên HĐXX hay VKS, hoặc không hiểu tâm lý các cháu".

Về thời hạn vụ án, Luật hiện hành và cũng như dự thảo Luật này phân ra 2 độ tuổi: 14 đến dưới 16, và từ 16-18 tuổi với chính sách khác nhau.

nctn1.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Vì sao người chưa thành niên cần có trại giam riêng hoặc phân trại riêng?

Về vấn đề trại giam, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ban đầu TANDTC đề xuất trại giam riêng, nhưng sau đó Bộ Công an thông tin, với cơ sở, điều kiện hiện nay thì việc có trại giam riêng ngay "sẽ chưa có". Do đó dự Luật quy định cả 2 mô hình trại giam riêng hoặc phân trại riêng.

nctn3.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, môi trường giáo dục tại trại giam sẽ có ảnh hưởng đối với người chưa thành niên khi được gia đình, người thân thăm nom, chăm sóc. Vì những người đến thăm không chỉ mang đến tiếp tế mà mang cả tình cảm, những lời khuyên. Đó là điều rất cần cho quá trình cải tạo.

"Nếu như từ Cà Mau mà ra tận Thanh Hóa mới có trại giam riêng để thăm thì rất khó khăn cho người dân. Việc này cũng hạn chế những tác động tích cực từ gia đình trong quá trình cải tạo tại trại giam. Để thuận lợi cho cơ quan thi hành án, thì việc có trại giam riêng rất tốt, nhưng đối với những nơi không có thì có phân trại riêng cho người chưa thành niên trong trại giam"- Chánh án nêu quan điểm.

nctn2.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Cần tách vụ án có người chưa thành niên