Nghiệp vụ

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên:Luật hóa nhân văn, thân thiện với trẻ em

Duy Tuấn 08/06/2024 13:09

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tập trung sửa quy định về biện pháp chuyển hướng là chính đáng. Việc này vừa nhân văn với người chưa thành niên nhưng cũng an toàn cho cộng đồng.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng 8/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Quy định cụ thể về tư pháp thân thiện

Cho ý kiến dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật.

tn1.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu tán thành với việc ban soạn thảo giới hạn phạm vi của dự thảo Luật "ở lĩnh vực tư pháp và tố tụng hình sự".

Nói thêm về phạm vi điều chỉnh bao gồm cả hình phạt và tố tụng hình sự, theo đại biểu, cho ý kiến về dự thảo luật này, cơ quan phát triển Liên hợp quốc - Unicef cho rằng, "không có nước nào trên thế giới ban hành luật về xử lý chuyển hướng (XLCH) với người chưa thành niên (NCTN)".

Trong khi, luật có tên gọi là Luật Tư pháp NCTN - tức tư pháp hình sự với người chưa thành niên chỉ 2 có vấn đề quan trọng là “hình phạt và tố tụng hình sự”.

"Nếu không quy định hình phạt và tố tụng hình sự trong luật này thì khi ban hành luật sẽ không có chính sách gì nhân văn về hình phạt và tố tụng hình sự thân thiện cho các em"- đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Đại biểu dẫn Chỉ thị 28 của Bộ Chính trị về phát triển hệ thống tư pháp thân thiện đối với NCTN. “Bộ Chính trị dù có rất nhiều nghị quyết về trẻ em trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có một câu quy định cụ thể về tư pháp - tư pháp thân thiện. Tôi thấy Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc này” - đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Ngoài ra, cơ quan phát triển Liên hợp quốc - Unicef cũng có thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong đó nhấn mạnh, Luật Tư pháp NCTN của hầu hết các nước trên thế giới đều có hình phạt và tố tụng hình sự, có như vậy mới có chính sách nhân văn cho các cháu.

Mở rộng các trường hợp XLCH là chính đáng

Về việc mở rộng quy định các trường hợp NCTN được áp dụng biện pháp XLCH, theo đại biểu Thủy, Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định 3 biện pháp XLCH gồm: Khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

tn2.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

“Khi chúng ta bấm nút thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015, Quốc hội và cử tri vui mừng vì lần đầu tiên trong lĩnh vực tư pháp hình sự, các em được xử lý bằng 3 biện pháp chuyển hướng này. Tuy nhiên, tổng kết 6 năm thi hành Bộ luật Hình sự, chỉ có 35 cháu là NCTN được áp dụng biện pháp XLCH. Nó không như kỳ vọng của chúng ta ban đầu. Như vậy, mỗi năm chưa được 6 trường hợp, trong khi đó, đối với NCTN, chúng ta luôn muốn nhân văn, thân thiện hơn để có tính hướng thiện giúp các cháu sửa chữa sai lầm” - bà Thủy nêu thực tế bất cập.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng tán thành với cơ quan soạn thảo, về việc ban hành luật với trọng tâm là quy định các biện pháp XLCH với NCTN. Trong đó, có 11 biện pháp XLCH tại cộng đồng để giám sát và 1 biện pháp XLCH tại trường giáo dưỡng.

“Tôi tán thành vì đây là biện pháp rất tiến bộ, để khắc phục thực trạng 6 năm thi hành Bộ luật Hình sự chỉ có 35 trường hợp NCTN được áp dụng biện pháp chuyển hướng. Điều này không xứng đáng với kỳ vọng của đại biểu Quốc hội khi bấm nút thông qua.

Lần này, dự thảo Luật Tư pháp NCTN tập trung sửa quy định về biện pháp chuyển hướng là chính đáng. Tôi tán thành 12 biện pháp, tán thành việc mở rộng các trường hợp được hưởng biện pháp XLCH” - bà Thủy nói.

Mở rộng hình phạt cảnh cáo là nhân văn

Về hình phạt áp dụng với NCTN, đại biểu Nguyễn Thị Thủy tán thành với quy định của dự thảo Luật về 4 loại hình phạt: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và phạt tiền có thời hạn.

Tán thành với việc mở rộng hình phạt cảnh cáo, không chỉ với tội ít nghiêm trọng như hiện nay mà còn mở rộng với lỗi nghiêm trọng nếu “vô ý”. Theo đại biểu, hiện nay quy định “phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới được cảnh cáo”. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định “chỉ cần có tình tiết giảm nhẹ”, điều này “nhân văn hơn, nên được chấp nhận”.

tn3.jpg

Về hình phạt tiền, hiện nay quy định chỉ áp dụng với NCTN từ 16-18 tuổi, theo đại biểu Thủy, hiện dự thảo Luật mở ra quy định cả với người từ 14-16 tuổi “có tài sản riêng” cũng được áp dụng hình phạt tiền. Đối chiếu với BLHS chỉ quy định 2 tội được áp dụng hình phạt tiền với người từ 14-16 tuổi.

“Nếu các cháu có tài sản riêng hay bố mẹ tự nguyện nộp cho con thì có thể áp dụng hình phạt tiền”.

Đại biểu Thủy cũng phân tích thêm, hiện nay hình phạt tiền đối với NCTN nghiêm khắc hơn với người lớn, do vậy, dự thảo Luật mở rộng hơn để các cháu sớm được hưởng khoan hồng, tái hoà nhập cộng đồng là phù hợp.

Về mức hình phạt cao nhất và tổng hợp hình phạt, hiện nay quy định người từ 16-18 tuổi là 18 năm tù, người từ 14-16 tuổi là 12 năm tù. Hiện nay, dự thảo Luật sửa theo hướng, người từ 16-18 tuổi giảm xuống còn 15 năm tù, người từ 14-16 tuổi là 9 năm tù. Đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật, vì vừa nhân văn, vừa nghiêm khắc.

Giám sát điện tử và giám sát tại nhà là hợp lý

Về biện pháp ngăn chặn là giám sát điện tử và giám sát tại nhà, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, 2 biện pháp này từng quy định tại điều 418 BLTTHS.

“Dự thảo quy định biện pháp này là hợp lý. Vì Nghị quyết 08, 49 quy định, hạn chế thấp nhất hình phạt tù; hạn chế tạm giam, khi không thể không tạm giam mới tạm giam; khi tạm giam cũng được, không tạm giam cũng được thì không tạm giam; Đặc biệt, với NCTN, nếu không cần tạm giam thì không nên tạm giam và nên có biện pháp thay thế. Như đặt tiền, bão lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, còn nếu có thêm giám sát tại nhà, giám sát điện tử thì rất tốt. Đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết”, đại biểu Thủy cho ý kiến.

Về quy định, NCTN được giam giữ tại trại giam riêng, hiện Luật Thi hành án hình sự quy định, NCTN được giam chung với người lớn. Nhưng ở tại khu riêng và phải đáp ứng yêu cầu về thể thao, văn hóa, giáo dục.

Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định sẽ xây dựng trại giam riêng với NCTN, có thể chỉ 3 trại trên cả nước.

“UBTP tán thành với việc này vì phù hợp với văn hóa, nhận thức, giáo dục với NCTN”.

Rút ngắn thời gian tố tụng với NCTN

Về rút ngắn thời gian tố tụng, theo đại biểu Thủy, hiện nay thời hạn điều tra, truy tố, xét xử với người lớn bằng với trẻ em. Theo đó, người lớn bị điều tra 1 năm thì trẻ em cũng vậy, điều đó gây áp lực lớn với NCTN.

“Hiện dự thảo sửa theo hướng rút ngắn trẻ em bằng ½ so với người lớn, chúng tôi tán thành quy định này, vì nguyên tắc đặt ra với NCTN là giải quyết nhanh nhất nhưng nếu không được quán triệt trong các điều luật thì sẽ không đi vào cuộc sống.

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các cơ quan dùng hết thời hạn tố tụng, trong khi đặc điểm phạm tội của NCTN là điều tra nhanh chóng. Nếu quy định bó thời gian trong luật sẽ được giải quyết trên thực tế”, đại biểu Thủy cho biết.

Về việc tách vụ án, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, luật hiện hành không quy định. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định, đối với vụ án có NCTN phạm tội, phải tách ra và giải quyết độc lập. Đại biểu tán thành với quy định này, vì nếu quy định thời hạn tố tụng của NCTN bằng ½ người lớn , không tách ra sẽ không giải quyết được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: Luật hóa nhân văn, thân thiện với trẻ em