Cải cách tư pháp

Tọa đàm lấy ý kiến Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Kim Sáng 15/07/2024 - 12:48

Nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến việc chỉnh lý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và TANDTC tiếp thu để tiếp tục chỉnh lý, nhằm có Dự thảo chất lượng trình lên Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.

Ngày 15/7, tại TP.HCM, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Tọa đàm "Lấy ý kiến phục vụ việc chỉnh lý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên".

Chủ trì Tọa đàm có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy và Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Văn Tiến.

Cùng tham dự có đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, TANDTC và nhiều đại biểu đến từ các cơ quan như: TAND TP.HCM, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, Công an TP.HCM, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM và các Tòa, Viện tại TP.HCM...

img_5913.jpg
Tọa đàm "Lấy ý kiến phục vụ việc chỉnh lý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên".

Tham luận của TAND TP.HCM tại Tọa đàm nêu rõ: Việc ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành như hệ thống hình phạt chưa phù hợp, không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù còn nghiêm khắc; các biện pháp giám sát, giáo dục hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi; thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện; chưa thiết lập được cơ chế điều phối cũng như vị trí, vai trò của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; quy định về thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng còn chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; chưa nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

1(1).jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trao đổi ý kiến tại Tọa đàm.

"Việc TANDTC xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên là cần thiết, giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn đặt ra", TAND TP.HCM nhận định.

Để góp phần nâng cao chất lượng của dự thảo Luật, TAND TP.HCM đã yêu cầu các Tòa chuyên trách, bộ phận, Tòa án quận, huyện và TP Thủ Đức tổ chức nghiên cứu, góp ý đối với dự thảo Luật.

Tại Toạ đàm, TAND TP.HCM cũng đưa ra một số góp ý đối với các điều, khoản trong dự thảo Luật.

2(3).jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho biết, việc tổ chức Tọa đàm nhằm lắng nghe ý kiến các cơ quan, đại biểu, những người trực tiếp giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến người chưa thành niên.

Theo bà Thủy, điều này rất cần thiết, phù hợp. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vui mừng vì chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn 10 ý kiến phát biểu từ các cơ quan.

"Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và TANDTC xin ghi nhận các ý kiến để tiếp tục nghiên cứu nhằm chọn ra mức án phù hợp nhất, tốt nhất cho người chưa thành niên để cân đối, hài hòa nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người chưa thành niên trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự và đảm bảo trật tự xã hội an toàn xã hội, an toàn cộng đồng", bà Thủy nói.

3(2).jpg
Đại diện Công an quận Phú Nhuận, TP.HCM phát biểu ý kiến tại Tọa đàm.

Bà Thủy nhấn mạnh, những ý kiến đóng góp của các cơ quan sẽ là tiền đề để Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và TANDTC phối hợp với các cơ quan liên quan chỉnh lý Dự thảo Luật trong thời gian tới để có Dự thảo chất lượng trình lên Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng mong rằng, sau buổi Tọa đàm, các cơ quan trên địa bàn tiếp tục quan tâm đến việc chỉnh lý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm lấy ý kiến Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên