Tin vắn thế giới ngày 7/7: Hạ viện Brazil thông qua dự luật cho phép hủy bỏ bản quyền vaccine

Bạch Dương| 07/07/2021 07:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

WHO cho biết chưa đủ cơ sở để liệt Lambda là “biến thể đáng lo ngại”; Theo Bộ Y tế Nga, không có bằng chứng vaccine COVID-19 ảnh hưởng tới khả năng sinh sản; Hạ viện Brazil thông qua dự luật cho phép hủy bỏ bản quyền vaccine… là tin tức thế giới đáng chú ý.

WHO: Chưa đủ cơ sở để liệt Lambda là 'biến thể đáng lo ngại’

Quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cơ quan này sẽ liệt Lambda là “biến thể đáng lo ngại” một khi chứng minh được chủng này có mức độ lây nhiễm cao hơn, gây tình trạng bệnh nặng và làm giảm hiệu quả các liệu pháp điều trị hay vaccine hiện hành.

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 6/7, Tiến sĩ Rabindra Abeyasinghe - Trưởng đại diện của WHO tại Philippines, cho biết Lambda đến thời điểm này vẫn được coi là “biến thể đáng quan tâm” (VOI), chứ chưa phải là “biến thể đáng lo ngại” (VOC). Điều này không đồng nghĩa WHO không theo dõi sát Lambda, vấn đề nằm ở chỗ cần có thêm nghiên cứu trước khi định danh biến thể này là VOC.

070621-lambda.jpg
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân mắc COVID-19 tới phòng điều trị tại bệnh viện Honorio Delgado ở Arequipa. Ảnh: AP

Sống chung với COVID-19 sẽ không giống sống chung với cúm mùa

Chính phủ Anh đang hướng tới nới lỏng hạn chế và Bộ trưởng Y tế nước này đề cập đến việc sống chung với COVID-19 tương tự như với cúm mùa. Tuy nhiên, các nhà khoa học đánh giá việc sống chung với COVID-19 và cúm mùa không hề tương đồng.

Israel: Vaccine của Pfizer vẫn có hiệu quả cao trong ngăn chặn nguy cơ bệnh nặng

Ngày 5/7, Bộ Y tế Israel cho biết vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech mặc dù giảm hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh cùng với việc nước này chấm dứt các biện pháp giãn cách xã hội, song hiệu quả ngăn chặn tình trạng bệnh nặng vẫn cao.

Nga: Không có bằng chứng vaccine COVID-19 ảnh hưởng tới khả năng sinh sản

Theo đài Sputnik, Bộ Y tế Nga ngày 6/7 đã công bố văn bản hướng dẫn thứ 4 được cập nhật đối với việc phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

Bộ Y tế Nga khẳng định hiện vẫn chưa có bất kỳ dữ liệu nào cho thấy các loại vaccine ngừa COVID-19 có tác động tiêu cực tới chức năng sinh sản của đàn ông và phụ nữ.

Israel trao đổi khoảng 700.000 liều vaccine của Pfizer/ BioNTech cho Hàn Quốc

Ngày 5/7, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết nước này đã nhất trí trao đổi khoảng 700.000 liều vaccine Pfizer/ BioNTech với Hàn Quốc để tránh nguy cơ lãng phí vaccine vì hết hạn.

Indonesia và Nga hợp tác sản xuất vaccine ngừa COVID-19

Ngày 6/7, Chính phủ Indonesia và Nga đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác y tế để sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Phát biểu họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavros tại thủ đô Jakarta, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết MoU sẽ là cơ sở cho hợp tác y tế trong giai đoạn trung và dài hạn, cùng với những nỗ lực trong ngắn hạn của hai nước thúc đẩy việc mua sắm vaccine, thuốc điều trị và thiết bị chẩn đoán. Mọi sự hợp tác sẽ tuân theo hướng dẫn của cơ quan y tế hai nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Malaysia ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em bị bệnh mãn tính

Malaysia sẽ ưu tiên tiêm vaccine ngừa bệnh COVID-19 của hãng Pfizer/BioNtech cho những trẻ em gặp vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là mắc bệnh mãn tính.

Báo The Star đưa tin Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba ngày 6/7 cho biết trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có nguy cơ cao mắc COVID-19 thể nặng vì bệnh lý nền mãn tính sẽ được ưu tiên tiêm vaccine trước. Những trẻ khỏe mạnh hơn sẽ được tiêm sau khi Giai đoạn ba của Chương trình tiêm chủng covid quốc gia hoàn tất.

Ấn Độ đã tiêm hơn 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19

Tờ Hindustand Times số ra ngày 6/7 đưa tin tính đến 19h ngày 5/7, Ấn Độ đã tiêm 357.105.461 liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân nước này ở khắp các bang và vùng lãnh thổ. Riêng trong ngày 5/7, Ấn Độ đã tiêm được 4.134.868 liều.

Hạ viện Brazil thông qua dự luật cho phép hủy bỏ bản quyền vaccine

Hạ viện Brazil ngày 6/7 đã thông qua nội dung chính của một dự luật cho phép phá vỡ bản quyền trong việc sản xuất vaccine và các loại dược phẩm trong các trường hợp tình trạng y tế công khẩn cấp hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Theo đó, dự luật ủy quyền cho Quốc hội Brazil thông qua luật phá vỡ bỏ quyền mà không cần sự chấp thuận hay hỗ trợ từ các hãng dược phẩm. Hồi cuối tháng 4, Thượng viện Brazil cũng đã thông qua dự luật cho phép dừng việc bảo hộ bảo quyền vaccine COVID-19 trong thời gian đại dịch.

vaccine_covid_-times_of_india.jpg
Hạ viện Brazil thông qua dự luật cho phép hủy bỏ bản quyền vaccine. Ảnh minh họa

Chính phủ Đức tìm giải pháp khi người dân bỏ hẹn tiêm vaccine COVID-19

Trang DW (Đức) cho biết câu khẩu hiệu của chiến dịch tiêm vaccine tại nước này trong 6 tháng qua là “Đức xắn tay áo”. Chính phủ Đức đã chi 25 triệu euro dành cho quảng cáo trên tivi, internet, poster. Hiện nay, người Đức thật sự cần xắn tay áo để tiêm vaccine hơn bao giờ hết.

Thái Lan đặt mua thêm vaccine ngừa COVID-19

Ngày 6/7, Nội các Thái Lan đã thông qua việc ký kết thỏa thuận mua 20 triệu liều vaccine của Pfizer và mua thêm 10,9 triệu liều vaccine của Sinovac Biotech.

Chính phủ Thái Lan không tiết lộ ngân sách mua vaccine của Pfizer. Trong khi đó, phát ngôn viên của Thủ tướng Thái Lan, ông Anucha Burapachasri, cho biết ngân sách mua vaccine của Sinovac sẽ không vượt qua 6,1 tỷ baht (khoảng 190 triệu USD) và khoản tiền này sẽ được trích từ các khoản vay theo một sắc lệnh hành pháp.

Australia sẽ cung cấp thêm 15 triệu liều vaccine cho các quốc đảo Thái Bình Dương và Timor-Leste

Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng phụ trách khu vực Thái Bình Dương Zed Seselja của Australia thông báo nước này sẽ cung cấp thêm 15 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các quốc đảo Thái Bình Dương và Timor-Leste trong 6 tháng đầu năm 2022. Lượng vaccine trên dự kiến được lấy từ nguồn vaccine của hãng AstraZeneca được sản xuất tại Australia.

Biến thể virus khiến số ca mới tăng cao tại Hàn Quốc

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 6/7 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 325 ca mắc 4 biến thể chính của virus SARS-CoV-2, trong đó có 153 ca nhiễm biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh.

KDCA cảnh báo Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ có thêm nhiều ca nhiễm biến thể Delta. Cơ quan này cũng đưa ra dự báo rằng tính đến hết tháng 8 tới sẽ có tới 90% số ca mắc mới ở châu Âu và Mỹ nhiễm biến thể Delta.

Thiếu giường bệnh, Thái Lan lên phương án cách ly người mắc COVID-19 tại nhà

Việc chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân trong dự án này bao gồm việc kiểm tra sức khỏe định kỳ thông qua hệ thống khám bệnh từ xa. Các thiết bị y tế cần thiết và bữa ăn miễn phí hàng ngày sẽ được giao đến tận nhà cho bệnh nhân.

Giới chức Australia kêu gọi sống chung với dịch COVID-19

Ngày 6/7, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho rằng Australia cần chuyển trọng tâm từ việc kiểm soát số ca nhiễm sang việc sống chung với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng để giảm thiểu mối đe dọa thực sự là số ca bệnh nặng phải nhập viện và số ca tử vong. Ông Frydenberg nhấn mạnh người dân Australia cần làm quen với việc sống chung với COVID-19 vì hiện tại việc loại trừ hoàn toàn virus gây bệnh là không thể.

Anh thông báo nới lỏng hơn nữa các biện pháp chống dịch

Ngày 6/7, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết kể từ ngày 16/8 tới, những người trưởng thành đã hoàn thành 2 mũi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ không cần tự cách ly nếu tiếp xúc gần với người nhiễm virus. Thay vào đó những người này chỉ cần tiến hành xét nghiệm và chỉ cách ly nếu có kết quả dương tính. Những quy định tương tự cũng sẽ áp dụng với những đối tượng dưới 18 tuổi, chưa được tiêm vaccine tại Anh.

Đức gỡ bỏ hạn chế đối với người nhập cảnh từ Anh, Ấn Độ

Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức ngày 5/7 thông báo cơ quan này sẽ điều chỉnh phân loại 5 nước gồm Ấn Độ, Nepal, Nga, Bồ Đào Nha và Anh từ danh sách các nước xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2, chuyển sang danh sách các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Canada có Toàn quyền mới

Nhà lãnh đạo người Inuit - bà Mary Simon sẽ giữ chức Toàn quyền mới, trở thành người bản địa đầu tiên đại diện cho Nữ hoàng Anh ở Canada.

Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Nữ hoàng Anh đã chấp thuận việc bổ nhiệm bà Simon. Ông đồng thời bày tỏ rất vinh dự khi có bà Simon làm Toàn quyền người gốc bản địa đầu tiên của Canada.

Nga hy vọng sớm đối thoại về ổn định chiến lược với Mỹ

Nga hy vọng sẽ tiến hành vòng đàm phán đầu tiên với Mỹ về ổn định chiến lược trong tháng này. Đây là tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khi trả lời phỏng vấn tạp chí International Affairs số ra ngày 6/7.

Iran thông báo IAEA kế hoạch làm giàu urani

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 6/7 thông báo Iran có ý định làm giàu kim loại urani lên mức 20%, trong bối cảnh các vòng đàm phán tại Vienna về việc Mỹ và Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 dường như rơi vào bế tắc.

IAEA cho biết Iran đã thông báo kế hoạch gửi các thanh urani đã được làm giàu ở mức trên tới phòng thí nhiệm và phát triển ở nhà máy sản xuất nhiên liệu ở Esfahan, với mục đích làm nhiên liệu cho một lò phản ứng nghiên cứu.

Nga cấm hàng chục tổ chức nước ngoài đe dọa an ninh quốc gia

Ngày 5/7, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Alexander Grebenkin cho biết 30 tổ chức nước ngoài đã bị cấm hoạt động tại Nga trong 5 năm qua với lý do các thực thể này đe dọa hệ thống hiến pháp và an ninh quốc gia Nga.

Căn cứ Mỹ ở sân bay Erbil bị tấn công

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin an ninh người Kurd cho biết sân bay Erbil ở miền Bắc Iraq đã bị tấn công bằng thiết bị bay không người lái mang theo thuốc nổ nhằm vào căn cứ Mỹ tại sân bay này.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, theo thông tin sơ bộ, vụ tấn công không gây hư hại về hạ tầng hay thương vong về người. Một người phát ngôn khác của quân đội Mỹ cũng cho biết một thiết bị bay không người lái đã rơi gần Erbil.

Tấn công bằng dao tại khu vực sân bay Dusseldorf

Ngày 6/7, một vụ tấn công bằng dao đã xảy ra tại khu vực sân bay Dusseldorf (miền Tây nước Đức), khiến ít nhất một người bị thương. Những hình ảnh từ camera an ninh cho thấy vụ việc xảy ra lúc 12h16 (giờ địa phương, tức 18h16 giờ Việt Nam), khi 2 người đàn ông đang di chuyển về phía khu vực đỗ xe.  

Hiện nạn nhân đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Cảnh sát đang truy lùng thủ phạm, đồng thời điều tra làm rõ động cơ của vụ tấn công.

Nổ lớn tại một nhà máy sản xuất mỹ phẩm ở Bangkok

Ngày 6/7, hai vụ nổ lớn đã làm rung chuyển một nhà máy sản xuất mỹ phẩm và thiết bị y tế ở thủ đô Bangkok của Thái Lan. Theo cảnh sát khu vực, hai vụ nổ trên xảy ra vào khoảng 18h10 ngày 6/7.

Một số bồn lớn chứa dầu và chất để pha loãng của nhà máy Floral Manufacturing Group ở khu công nghiệp Lat Krabang phát nổ và gây cháy. Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại về người và tài sản cũng như nguyên nhân dẫn đến vụ nổ.

Lũ lụt hoành hành tại Trung Quốc và Indonesia

Ngày 6/7, chính quyền thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc, thông báo hơn 20.000 người dân thành phố này đã buộc phải sơ tán sau khi những trận mưa xối xả khiến mực nước tại các con sông dâng cao.

Cùng ngày, cơ quan khí tượng thủy văn Trung Quốc cũng đã gia hạn mức cảnh báo vàng về mưa bão tại nhiều khu vực cả nước. Theo đó, từ chiều 6/7 đến chiều 7/7, mưa lớn và giông bão có thể xảy ra tại nhiều tỉnh trong đó có Giang Tô, An Huy, Hà Nam, Vân Nam, Quảng Đông và Phúc Kiến.

Mỹ chuẩn bị ứng phó với bão Elsa, sức gió tới 85km/giờ

Trung tâm Dự báo bão quốc gia Mỹ thông báo cơn bão nhiệt đới Elsa đang di chuyển về hướng Bắc với sức gió tối đa khoảng 85km/giờ và sẽ tràn vào quần đảo san hô Florida Keys, Đông Nam nước Mỹ, trong ngày 6/7.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 7/7: Hạ viện Brazil thông qua dự luật cho phép hủy bỏ bản quyền vaccine