Tin vắn thế giới ngày 6/5: Mỹ ủng hộ dỡ bỏ rào cản bảo vệ bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19

Bạch Dương| 06/05/2021 07:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỹ ủng hộ dỡ bỏ rào cản bảo vệ bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19; Toàn cầu gần 156 triệu ca mắc COVID-19; Canada là nước đầu tiên cấp phép vaccine Pfizer cho trẻ trên 12 tuổi… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Mỹ ủng hộ dỡ bỏ rào cản bảo vệ bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19

Trong một thông báo ngày 5/5, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết, mặc dù quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp là quan trọng, tuy nhiên chính quyền Tổng thống Joe Biden "ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine ngừa COVID-19”.

Theo bà Tai, đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và những tình hình đặc biệt của đại dịch COVID-19 cần các biện pháp đặc biệt. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán của WTO sẽ mất thời gian do việc phải dựa trên sự đồng thuận của thể chế và mức độ phức tạp của các vấn đề liên quan.

joebiden-tiem-vaccine.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiêm vaccine ngừa COVID-19

Pháp, Nhật Bản quan ngại về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 5/5, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Quan điểm này được ông Toshimitsu Motegi nêu tại Hội nghị ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại London (Anh).

Đại diện thương mại Mỹ nói về quan hệ với Trung Quốc và EU

Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 5/5 cho biết, bà mong đợi được trao đổi với các quan chức thương mại hàng đầu của Trung Quốc “trong tương lai gần” để đánh giá việc thực hiện thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 giữa hai bên.

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do tờ Financial Times tổ chức, bà Katherine Tai cho rằng cần đảm bảo tính liên tục trong chính sách thương mại Mỹ - Trung, bao gồm thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 có thời hạn 2 năm được chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump thực hiện từ năm ngoái. Theo bà, thỏa thuận đã đạt được giữa Washington và Bắc Kinh là nền tảng để hai bên cùng làm việc và gặt hái thành quả.

Anh điều chỉnh quy định đăng ký cư trú và làm việc nhằm thu hút nhân tài

Theo thông báo ngày 4/5 của Chính phủ Anh, các cá nhân từng đoạt những giải thưởng lớn trong lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, khoa học và công nghệ có thể đăng ký cư trú và làm việc tại Anh theo một quy trình đơn giản.

Cụ thể, những người sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để sinh sống và làm việc tại Anh bao gồm: các cá nhân từng được vinh danh với giải Turing (giải thưởng về máy tính), giải Oscar (lĩnh vực điện ảnh), giải BAFTA dành cho nam (hoặc nữ) diễn viên chính xuất sắc nhất, giải thưởng âm nhạc Anh và giải Nobel Văn học.

Hạ viện Pháp thông qua dự luật về khí hậu

Sau 3 tuần tranh luận, dự luật về khí hậu đã được Hạ viện Pháp thông qua vào ngày 4/5 với tỷ lệ ủng hộ áp đảo. Dự luật “Khí hậu và khả năng phục hồi” đã nhận được 332 phiếu ủng hộ so với 77 phiếu phản đối.

Đức lên kế hoạch siết chặt luật bảo vệ khí hậu

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 4/5 cho biết chính phủ liên bang sẽ nhanh chóng siết chặt luật bảo vệ khí hậu của nước này sau khi Tòa án Hiến pháp liên bang cuối tuần trước yêu cầu cần đặt mục tiêu cụ thể về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2030.

Chính phủ Canada bị kiện về chính sách với người tị nạn

Hiệp hội luật sư tị nạn Canada ngày 4/5 đã đệ đơn lên tòa án liên bang Canada kiện chính sách đối với người tị nạn được Ottawa lập nên để ứng phó với đại dịch COVID-19 vào tháng 3 năm ngoái. Đây là đơn kiện đầu tiên phản đối chính sách này kể từ khi chính sách có hiệu lực hơn 1 năm nay.

WHO thành lập trung tâm thu thập thông tin đại dịch toàn cầu tại Đức

Một trung tâm toàn cầu mới có chức năng thu thập dữ liệu về đại dịch COVID-19 sẽ được thành lập tại Berlin (Đức). Đây là sáng kiến vừa được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom và Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn công bố trong cuộc họp báo trực tuyến chung ngày 5/5.

Toàn cầu gần 156 triệu ca mắc COVID-19

Theo worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca COVID-19 trên toàn cầu là 155.793.615 ca, trong đó có 3.254.500 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 133.944.848 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 18.594.267 ca và 110.267 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

hoa-tang-nepal.jpg
Hỏa táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Kathmandu, Nepal, ngày 3/5/2021.

Canada là nước đầu tiên cấp phép vaccine Pfizer cho trẻ trên 12 tuổi

Ngày 5/5, Canada đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ trên 12 tuổi.

Theo cố vấn y tế thuộc Bộ Y tế Canada, bà Supriya Sharma, đây là loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được Canada cấp phép dành cho trẻ em, đánh dấu bước tiến của Canada trong cuộc chiến chống đại dịch. Bà cho biết quyết định này được đưa ra sau khi dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm cho thấy loại vaccine này an toàn cho cả trẻ em và người lớn.

Vaccine dạng viên, xịt sắp thế chỗ vaccine tiêm trong cuộc chiến chống COVID-19

Thay vì vaccine đựng các ống thủy tinh được vận chuyển đi khắp thế giới và phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh sâu, vaccine phòng COVID-19 trong tương lai sẽ là vaccine dạng viên đóng vỉ và dạng xịt mũi.

Mỹ sẵn sàng tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em độ tuổi 12-15

Ngày 4/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẵn sàng triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em độ tuổi 12-15 ngay sau khi vaccine của hãng Pfizer/BioNTech được cấp phép sử dụng cho lứa tuổi này.

Các nước châu Phi thiếu vaccine COVID-19 nghiêm trọng

Hầu hết các nước châu Phi dựa vào nguồn vaccine của COVAX, với nhà cung cấp vaccine chính là Viện huyết thanh của Ấn Độ (SII). Tuy nhiên, nhu cầu vaccine gia tăng tại Ấn Độ cùng với việc dịch COVID-19 bùng phát ngoài tầm kiểm soát ở nước này đã làm gián đoạn nguồn cung cho COVAX.

Cùng với đó, Việc Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp tại nước này đã dẫn đến nguồn cung cho cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX dần cạn kiệt, theo đó các nước châu Phi lâm vào tình trạng thiếu vaccine nghiêm trọng.

Campuchia đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine tại 'Khu vực Đỏ'

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 5/5 chỉ đạo nhóm phụ trách chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa dịch COVID-19 thuộc Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ chiến dịch và tiêm chủng cho cư dân trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, được gọi là “Khu vực Đỏ”, tại thủ đô Phnom Penh.

Thái Lan ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân

Ngày 5/5, Bộ Y tế Thái Lan khẳng định nước này ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân trong nước và hiện chưa có kế hoạch tiêm chủng miễn phí cho người nước ngoài.

Philippines cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Moderna

Ngày 5/5, Tổng giám đốc Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Philippines (FDA) Enrique Domingo cho biết cơ quan này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ).

Hàn Quốc đánh giá hiệu quả thực tế của vaccine AstraZeneca và Pfizer/BioNTech

Ngày 5/5, Hàn Quốc công bố kết quả tổng hợp và phân tích dữ liệu thực tế cho thấy vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca và Pfizer/BioNTech có hiệu quả phòng bệnh khoảng 86,6% với những người từ 60 tuổi trở lên.

Dữ liệu của Cơ quan Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho thấy vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh là 89,7% trong ít nhất hai tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên. Trong khi đó, vaccine của AstraZeneca cho hiệu quả 86%.

Malaysia tái áp đặt Lệnh kiểm soát di chuyển tại Kuala Lumpur

Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia từ ngày 7/5 tới sẽ áp đặt trở lại Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO). Đây sẽ là lần thứ ba, thủ đô của quốc gia Đông Nam Á này được đặt dưới tình trạng MCO để kiểm soát đại dịch COVID-19.

Hai bệnh viện lớn của Nepal cạn kiệt nguồn oxy

Ngày 5/5, giới chức Nepal cho biết hai bệnh viện nhà nước lớn tại thủ đô Kathmandu đang đối mặt với nguy cơ thiếu oxy nghiêm trọng.

Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Sukraraj được chuyển thành bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 và Trung tâm Chấn thương quốc gia, một bệnh viện khác điều trị người bị thương do tai nạn, đang cạn kiệt oxy. Thủ tướng Nepal K.P Sharma Oli khẳng định để cải thiện tình hình này, chính phủ nghiêm cấm việc cung cấp oxy cho các hoạt động không liên quan tới điều trị bệnh nhân.

Các công ty lữ hành Thái Lan mở tour 'du lịch vaccine'

Các đại lý du lịch Thái Lan chào bán các tour du lịch nước ngoài để tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh nhiều người Thái Lan giàu có đang dần mất kiên nhẫn khi phải chờ chương trình tiêm vaccine trong nước.

Tuy nhiên, Bộ Du lịch Thái Lan khuyến cáo khách hàng cần kiểm tra cẩn thận thông tin của các gói "du lịch vaccine", bởi trước đó Bộ Ngoại giao nước này cho biết quy định tiêm chủng ở các bang của Mỹ có thể không giống nhau.

Siết lại các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại Alberta, Canada

Chính quyền Alberta - một tỉnh miền Tây Canada - vừa ra thông báo áp đặt thêm các biện pháp nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19, khi làn sóng thứ ba bùng phát mạnh đã đưa Alberta trở thành nơi có tỷ lệ lây nhiễm tính trên đầu người cao nhất ở Bắc Mỹ, đe dọa đẩy hệ thống y tế của tỉnh vào tình trạng sụp đổ.

Nhật Bản cân nhắc gia hạn tình trạng khẩn cấp

Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây trong bối cảnh chưa có dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 sẽ sớm lắng dịu ở nước này bất chấp những biện pháp quyết liệt của chính quyền các địa phương.

EU điều tra thương vụ khẩu trang của Bỉ và công ty Avrox

Ngày 4/5, Cơ quan tư pháp của Liên minh châu Âu (Eurojust) đã chỉ đạo tiến hành khám xét tại nhiều quốc gia trong khuôn khổ cuộc điều tra liên quan đến thương vụ khẩu trang giữa Bỉ và công ty Avrox có trụ sở tại Luxembourg.

Cuộc điều tra do Văn phòng Công tố Brussels (Bỉ) phối hợp với Văn phòng trung ương về chống tham nhũng (OCRC) thực hiện nhằm làm sáng tỏ việc làm giả, gian lận, rửa tiền và cản trở quyền tự do đấu thầu.

Tỷ lệ sinh ở Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục

Số ca sinh nở ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn bốn thập kỷ, với nguyên nhân chủ yếu do đại dịch COVID-19 và tình trạng suy thoái kinh tế, khiến các nhà nhân khẩu học lo lắng về tỷ lệ tăng trưởng trong tương lai.

Dữ liệu tạm thời do Trung tâm Thống kê Y tế quốc gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết, chỉ có 3,6 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra ở Mỹ, Puerto Rico và quần đảo Bắc Marianas trong năm 2020. Con số này thể hiện mức giảm 4% so với số liệu cuối cùng vào năm 2019. Đây là năm thứ sáu liên tiếp số trẻ em sinh ra giảm và số trẻ em được sinh ra thấp nhất kể từ năm 1979, khi dân số Mỹ chỉ là 224 triệu người.

Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2020

Liên hợp quốc và các đối tác hàng đầu công bố báo cáo ngày 5/5 cho biết ít nhất 155 triệu người trên thế giới phải đối mặt với mức độ khủng hoảng nghiêm trọng về mất an ninh lương thực trong năm 2020 do xung đột, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và các cú sốc kinh tế có liên quan một phần đến đại dịch COVID-19.

Đức thông báo lệnh cấm hoạt động đối với tổ chức Hồi giáo Ansaar

Ngày 5/5, Đức thông báo lệnh cấm hoạt động đối với tổ chức Hồi giáo Ansaar International và các nhánh của tổ chức này với cáo buộc quyên góp tiền để tài trợ khủng bố trên khắp thế giới.

Trên tài khoản Twitter, Bộ Nội vụ Đức Horst Seehofer nêu rõ "để chống khủng bố, cần chặn nguồn tiền cung cấp cho khủng bố". Theo ông Seehofer, Ansaar và một tổ chức "chân rết" đã phát tán tư tưởng Hồi giáo cực đoan Salafi và tài trợ cho các nhóm khủng bố trên toàn thế giới núp dưới hình thức viện trợ nhân đạo.

Mỹ triển khai máy bay do thám áp sát Triều Tiên

Máy bay do thám của Hải quân và Không quân Mỹ đã bay áp sát Triều Tiên nhiều lần trong những ngày gần đây, trong bối cảnh Bình Nhưỡng lên tiếng chỉ trích chính sách của Mỹ.

Kênh thông tin News 1 của Hàn Quốc ngày 4/5 đưa tin, máy bay STARS E-8C của Không quân cùng với một chiếc EP-3E Aries của Hải quân Mỹ đã được điều tới Bán đảo Triều Tiên từ cuối tháng 4.

050521-my-trieu-tien.jpg
Máy bay do thám STARS E-8C của không quân Mỹ. Ảnh: UPI

Chiếc E-8C bay lượn trên vùng biển giữa Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên trong các ngày 25/4, 28/4 và 29/4. Còn máy bay EP-3E thực hiện hành trình bay do thám vào ngày 27/4 trên bán đảo này.

Giải cứu 450 người di cư trên biển

Ngày 4/5, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) thông báo tổ chức phi chính phủ Sea Watch của Đức đã cứu được 450 người di cư trên biển, trong đó có 180 trẻ em.

Tấn công khu đồn trú quân đội ở Nigeria, ít nhất 30 người thiệt mạng

Ngày 4/5, ít nhất 30 người, gồm binh sĩ, dân quân và dân thường, đã thiệt mạng trong cuộc tấn công mới nhất của lực lượng Hồi giáo cực đoan nhằm vào một khu đồn trú quân đội ở Đông Bắc Nigeria.

Mỏ dầu Bai Hassan của Iraq lại bị tấn công

Các nguồn tin an ninh và các nguồn tin ngành dầu mỏ Iraq cho hay các tay súng đã thực hiện vụ tấn công sử dụng bom nhằm vào 2 giếng dầu tại một mỏ dầu gần thành phố Kirkuk của nước này, tuy nhiên hoạt động sản xuất dầu không bị ảnh hưởng.

Pháp xác nhận một nhà báo bị mất tích khi đang tác nghiệp tại Mali

Ngày 5/5, nguồn tin Bộ Ngoại giao Pháp xác nhận một nhà báo là công dân nước này mất tích khi đang tác nghiệp tại Mali.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Pháp đang liên lạc với gia đình của nhà báo Olivier Dubois, đồng thời tiến hành các kiểm tra kỹ thuật để thẩm định tính xác thực của một đoạn băng video được lan truyền trên mạng xã hội cùng ngày.

Nhật Bản cấm mang ra nước ngoài hạt giống cây trồng, cây giống

Nhật Bản mới đây đã cấm mang hoặc gửi ra nước ngoài hạt giống cây trồng hoặc cây giống của các sản phẩm nông nghiệp được nghiên cứu và phát triển trong nước.

Lệnh cấm trên được đưa ra sau khi xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại các loại hạt giống và cây giống của những cây trồng đăng ký bản quyền tại Nhật Bản, như giống nho mẫu đơn Shine Muscat nổi tiếng của nước này, bị đưa ra trồng và bán ở nước ngoài khi chưa được sự cho phép của người gây giống cây trồng trong nước.

Truyền thông Trung Quốc dự báo điểm rơi mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B

Mảnh vỡ từ tên lửa tên lửa Trường Chinh 5B - được phóng trước đó để đưa một trạm không gian vào quỹ đạo - có thể sẽ rơi xuống vùng biển quốc tế. Đây là nhận định được tờ Thời báo Hoàn cầu đưa ra ngày 5/5.

Báo trên đã dẫn lời của ông Wang Yanan - Tổng biên tập tạp chí Kiến thức Không gian - nhận định về tình hình. Ông này nói: "Hầu hết các mảnh vỡ của tên lửa sẽ bốc cháy trong quá trình tái nhập, khiến cho chỉ có một phần rất nhỏ có thể rơi xuống đất, dẫn tới khả năng có thể rơi xuống các khu vực cách xa các hoạt động của con người hoặc rơi ở đại dương".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 6/5: Mỹ ủng hộ dỡ bỏ rào cản bảo vệ bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19