Tin vắn thế giới ngày 26/7: Người tiêm đủ vaccine COVID-19 tại Malaysia sẽ được hưởng "đặc quyền"

Bạch Dương| 26/07/2021 07:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Malaysia sẽ áp dụng đặc quyền cho người tiêm đủ vaccine COVID-19; Thái Lan phê chuẩn thuốc Favipiravir bào chế trong nước; Khuyến cáo vận động viên Olympic không ôm nhau trên bục nhận huy chương… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Malaysia sẽ áp dụng đặc quyền cho người tiêm đủ vaccine COVID-19

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ngày 24/7 tuyên bố chính phủ đang cân nhắc áp dụng các đặc quyền đối với người dân đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Tờ The Star dẫn lời Thủ tướng Yassin phát biểu tại họp báo cho hay những đặc quyền sẽ gồm việc tập luyện thể thao, ăn uống tại nhà hàng và các hoạt động tập thể xã hội khác cũng như việc được cách ly tại nhà.

malaysia-dac-quyen-vaccine2507.jpg
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 15/7

Tổng thống Pháp kêu gọi người dân tích cực tiêm vaccine ngừa COVID-19

Ngày 25/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng trốn tránh tiêm vaccine là biểu hiện của “sự vô trách nhiệm”, đồng thời hối thúc người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Tuyên bố của ông Macron được đưa ra trong bối cảnh tại Pháp diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối quy định về chứng nhận vaccine và việc bắt buộc tiêm vaccine đối với một số nhóm ngành nghề.

Giới khoa học tính phương án giảm liều lượng để khắc phục tình trạng thiếu vaccine COVID-19

Với kinh nghiệm đúc kết từ một số dịch bệnh khác, các nhà khoa học trên thế giới đang xem xét tính khả thi của việc giảm liều lượng vaccine COVID-19 khi tiêm nhưng vẫn đảm bảo khả năng tạo kháng thể phòng dịch.

Kênh Al Jazeera cho biết vaccine liều phân đoạn đã được sử dụng trên toàn thế giới trong nhiều năm trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung. Đây là hình thức tiêm vaccine với lượng ít hơn thông lệ.

80% người đã tiêm vaccine tại Israel không làm lây bệnh ra cộng đồng

Bộ Y tế Israel cho thấy trong số những người đã được tiêm phòng vaccine sau đó bị nhiễm virus SARS-CoV-2, có 80% không làm làm lây lan dịch bệnh ra những người xung quanh ở nơi công cộng như nhà hàng, rạp hát, phòng tập…

Thái Lan phê chuẩn thuốc Favipiravir bào chế trong nước

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan (FDA) đã phê chuẩn thuốc Favipiravir, do Tổ chức Dược phẩm Chính phủ (GPO) bào chế trong nước, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 đang ngày một tăng ở quốc gia Đông Nam Á này.

Nhu cầu sử dụng thuốc Favipiravir ở Thái Lan hiện vào khoảng 300.000 viên mỗi ngày. Để giúp đáp ứng nhu cầu, GPO đã sản xuất thuốc loại thuốc này và nhận được sự chấp thuận cần thiết của FDA. Phiên bản Favipiravir sản xuất trong nước dự kiến sẽ được bán theo đơn vào tháng tới.

thuoc-favipiravir-thai-lan-25721.jpg
Thái Lan phê chuẩn thuốc Favipiravir bào chế trong nước. Ảnh: pattayamail.com

Hàn Quốc nâng mức giãn cách xã hội ở ngoài khu vực Seoul và vùng phụ cận

Hàn Quốc sẽ áp dụng mức độ giãn cách xã hội cao thứ hai (cấp độ 3) ở ngoài khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận bắt đầu từ ngày 27/7, động thái mới nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 ở các tỉnh thành vào cao điểm của kỳ nghỉ Hè.

Canada có thể tránh được kịch bản tệ nhất của làn sóng lây nhiễm thứ 4

Các chuyên gia y tế cho rằng Canada có khả năng sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 của dịch COVID-19, khi biến thể Delta tiếp tục lây lan rộng ở thời điểm biên giới và trường học chuẩn bị mở cửa, nhưng đợt bùng phát này sẽ không đưa Canada quay lại thời kỳ khủng hoảng như trước.

Các nhà miễn dịch học, virus học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Canada dự đoán so với các làn sóng trước, tỷ lệ các ca bệnh nặng sẽ ít hơn, do hiệu quả của vaccine COVID-19 và tâm lý sẵn sàng tiêm chủng của người dân.

Nam Phi nới lỏng nhiều quy định giãn cách xã hội

Tối 25/7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã hạ mức cảnh báo phong tỏa toàn quốc xuống cấp độ 3, đồng nghĩa với việc nới lỏng giờ giới nghiêm buổi tối, đồ uống có cồn được phép bán trở lại, các cuộc tụ tập có thể diễn ra và người dân có thể đi lại liên tỉnh vì mục đích giải trí.

Quan ngại làn sóng lây nhiễm mới tại Australia

Ngày 25/7, bang New South Wales (NSW), thông báo ghi nhận thêm 141 ca mới mắc COVID-19, đưa tổng số ca tại bang đông dân nhất Australia này lên hơn 2.000 ca. Đây là ngày ghi nhận số ca mới cao thứ 2 tại bang NSW, sau khi ghi nhận số ca mới lên mức cao chưa từng thấy trước đó 1 ngày, với 163 ca.

Israel đình chỉ thỏa thuận vận chuyển dầu với UAE

Bộ Bảo vệ Môi trường Israel ngày 25/7 đã quyết định hoãn thực thi một thỏa thuận vận chuyển dầu đã ký với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), qua đó đóng băng dự án vốn khiến nhiều nhà hoạt động môi trường phản đối.

Thỏa thuận trên được ký kết sau khi UAE và Israel bình thường hóa quan hệ hồi tháng 9/2020, theo đó cho phép các tàu chở dầu từ vùng Vịnh cập cảng Eilat bên bờ Biển Đỏ, thay vì chuyên chở bằng hệ thống đường ống xuyên qua đất liền Israel tới cảng Ashkelon bên bờ Địa Trung Hải, rồi từ đó sẽ được vận chuyển tới các khách hàng ở châu Âu.

Nam Phi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của bạo loạn và cướp phá

Tối 25/7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố chính phủ sẽ hỗ trợ những gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do cuộc bạo loạn và cướp phá xảy ra cách đây 2 tuần và đảm bảo không để tình trạng này tái diễn.

Giao tranh ác liệt tại Yemen khiến ít nhất 50 người thiệt mạng

Một nguồn tin quân đội Yemen cho biết được sự yểm trợ của máy bay chiến đấu thuộc liên minh quân sự do Arab Saudi dẫn đầu, trong 24 giờ qua, quân chính phủ đã phản kích các cuộc tấn công của phiến quân Houthi tại chiến tuyến al-Mashjah, al-Kasarah và Raghwan thuộc huyện Sirwah, phía Tây của Marib.

Hơn 44 tay súng Houthi đã bị tiêu diệt, cùng 7 xe thiết giáp bị nổ tung do trúng bom trong các đợt giao tranh, pháo kích và không kích.

Nhiều người thương vong trong các vụ nổ súng ở Seattle (Mỹ)

Ngày 25/7, Sở cảnh sát thành phố Seattle, bang Washington, thông báo đã có 3 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong các vụ xả súng tại đây vào sáng cùng ngày.

Theo thông báo của cảnh sát Seattle, chỉ trong 3 giờ đầu ngày 25/7 đã xảy ra 4 vụ nổ súng khác nhau, khiến 3 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương. Theo thông báo, vụ nổ súng đầu tiên xảy ra vào lúc 1h48 tại một quán bar khiến 1 người đàn ông thiệt mạng.

Tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Croatia, ít nhất 10 người tử vong

Ít nhất 10 người thiệt mạng và 45 người khác bị thương khi một chiếc xe từ Đức tới Kosovo gặp tai nạn ở thành phố Slavonski Brod của Croatia trong ngày 25/7. Thông báo của cảnh sát cho biết chiếc xe đã bị trượt khỏi đường cao tốc và bị lật khi lái xe mất lái vào lúc 6 giờ sáng giờ địa phương.

Bão In-Fa đổ bộ vào Trung Quốc

Thành phố Thượng Hải cùng các vùng duyên hải lân cận ở miền Đông Trung Quốc đã hủy toàn bộ chuyến bay, hoãn và hủy các chuyến tàu điện ngầm cũng như ngừng mọi hoạt động kinh doanh khi cơn bão In-Fa hướng vào nước này ngày 25/7.

Nạn trộm nước sinh hoạt hoành hành giữa hạn hán khắc nghiệt ở California

Khi hạn hán khắc nghiệt bao trùm California, nguồn nước sinh hoạt ngày càng trở nên khan hiếm. Song nạn khai thác trái phép nguồn tài nguyên nước quý giá từ các vòi cứu hoả, sông ngòi, thậm chí cả những hộ gia đình và trang trại nhỏ, đang làm trầm trọng thêm tình hình này.

Khuyến cáo vận động viên Olympic không ôm nhau trên bục nhận huy chương

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) yêu cầu các vận động viên không ôm nhau trên bục nhận huy chương do hành động mang tính mừng chiến thắng này vi phạm luật phòng chống COVID-19 tại Olympic Tokyo 2020.

Theo tờ Guardian, toàn bộ 12 vận động viên bơi lợi thuộc đội tuyển Australia, Canada và Mỹ chiến thắng cuộc thi tiếp sức hỗn hợp 4x100m ngày 25/7 đều đã ôm chầm lấy nhau. Nhà vô địch cự ly 400m cá nhân Chase Kalisz và người đồng hương Mỹ Jay Literland cũng không thể kiềm chế cảm xúc và làm hành động tương tự.

van-dong-vien-om-nhau-olympic.jpg
Hai vận động viên bơi lội người Mỹ Jay Litherland và Chase Kalisz ôm nhau sau khi hoàn thành chặng cá nhân 400m nam. Ảnh: Getty Images
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 26/7: Người tiêm đủ vaccine COVID-19 tại Malaysia sẽ được hưởng "đặc quyền"