Tin vắn thế giới ngày 21/7: Biến thể Delta chiếm tới 83% số ca được giải trình tự gen tại Mỹ

Bạch Dương| 21/07/2021 07:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhật Bản xác nhận Nhật hoàng Naruhito sẽ dự lễ khai mạc Olympic Tokyo; Biến thể Delta chiếm tới 83% số ca được giải trình tự gen tại Mỹ; Lãnh đạo CDC Trung Quốc tiêm 3 loại vaccine COVID-19 khác nhau… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Nhật Bản xác nhận Nhật hoàng Naruhito sẽ dự lễ khai mạc Olympic Tokyo

Hoàng gia Nhật Bản ngày 20/7 cho biết Nhật hoàng Naruhito sẽ tham dự lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 vào ngày 23/7 tới. Tuy nhiên, Hoàng hậu Masako sẽ không cùng Nhật hoàng Naruhito dự khán sự kiện này.

nhathoang.jpg
Nhật hoàng Naruhito

Giới chức Nhật Bản, Mỹ hội đàm về các vấn đề an ninh ở châu Á

Ngày 20/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori và người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman đã tiến hành hội đàm tại thủ đô Tokyo, bàn về các vấn đề an ninh trong khu vực.

Twitter tạm khóa tài khoản của Hạ nghị sỹ Mỹ

Ngày 20/7, mạng xã hội Twitter thông báo đã tạm khóa tài khoản của Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Marjorie Taylor Greene vì những bài đăng vi phạm chính sách chống tin sai, tin giả về dịch COVID-19 trên mạng xã hội.

Bà Greene đã đăng tải trên Twitter với nội dung cho rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 không nguy hiểm đối với những người không béo phì và những người dưới 65 tuổi. Thông tin này vi phạm các Nguyên tắc của Twitter, cụ thể là chính sách liên quan đến thông tin sai lệch về COVID-19”. Theo đó, tài khoản của bà Greene sẽ bị khóa trong 12 giờ.

Tổng thống lâm thời Mali an toàn sau khi bị tấn công bằng dao

Tổng thống lâm thời của Mali Assimi Goita được thông báo là vẫn an toàn và khỏe mạnh sau khi bị 2 đối tượng tấn công bằng dao ngày 20/7.

Theo văn phòng Tổng thống, ông Goita đã bị 2 phần tử, trong đó một người có dao tấn công tại thánh đường lớn ở thủ đô Bamako. Vụ tấn công xảy ra trong buổi cầu nguyện nhân dịp lễ hiến sinh Eid al-Adha của người Hồi giáo.

WHO khẳng định có thể đánh bại COVID-19 nếu nhân loại chung tay

Trong một bài đăng trên Twitter, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20/7cho biết: "Tôi rất vui mừng được đến Nhật Bản theo lời mời của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Tôi tới đây với thông điệp đơn giản nhưng cấp thiết, đó là chúng ta có thể đánh bại COVID-19, nhưng chỉ khi tất cả mọi người cùng chung sức. Tôi mong rằng sự kiện Olympic Tokyo 2020 này sẽ khơi nguồn hy vọng và sự đoàn kết, để đạt được sự công bằng về quyền tiếp cận vaccine và chấm dứt đại dịch".

Biến thể Delta chiếm tới 83% số ca được giải trình tự gen tại Mỹ

Ngày 20/7, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã gia tăng đáng kể và hiện chiếm tới 83% các mẫu được giải trình tự gen tại Mỹ.

coviddelta.jpg
Biến thể Delta chiếm tới 83% số ca được giải trình tự gen tại Mỹ

Australia duy trì chiến lược chống dịch bệnh hiện nay

Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt ngày 20/7 khẳng định nước này sẽ tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Hunt cho biết để đối phó với sự bùng phát của các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các thành phố đông dân ở Australia, chính phủ sẽ vẫn áp dụng chiến lược kiểm soát số ca mắc hiện nay, tiếp tục sử dụng các “vành đai” ngăn chặn khác nhau để đối phó với biến thể Delta.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Pháp tăng nhanh chưa từng thấy

Ngày 20/7, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho hay trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 18.000 ca mắc mới COVID-19, đồng thời cảnh báo số ca mắc mới đang tăng nhanh ở mức "chưa từng thấy" do sự lây lan của biến thể Delta.

Phát biểu trước Quốc hội Pháp, Bộ trưởng Veran cho hay thống kê mới nhất cho thấy sự lây lan của biến thể Delta gia tăng ở mức 150% trong tuần trước và đây là mức chưa từng thấy đối với chủng virus gốc, hay biến thể Alpha, biến thể Gamma.

Ấn Độ gián đoạn xuất khẩu vaccine 3 tháng liền

Cung cấp vaccine COVID-19 sản xuất tại Ấn Độ ra khắp thế giới là một phần trong chính sách ngoại giao vaccine của Thủ tướng Narendra Modi nhằm cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực và thế giới. Nhưng làn sóng dịch thứ hai quá thảm khốc đã không chỉ làm đình trệ chính sách ngoại giao của New Delhi mà còn ảnh hưởng tới các quốc gia trông đợi vào nhập khẩu vaccine ở châu Á – Thái Bình Dương.

Lãnh đạo CDC Trung Quốc tiêm 3 loại vaccine COVID-19 khác nhau

Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc Gao Fu ngày 18/7 thừa nhận với tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng ông đã tiêm 3 loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau và không cảm thấy bất ổn gì. Tuy nhiên, ông Gao Fu không nêu rõ lý do tiêm mũi thứ 3 và liệu động thái này có nằm trong một cuộc nghiên cứu hay không.

gaofu.jpg
Giám đốc CDC Trung Quốc Gao Fu. Ảnh: Reuters

Nhật Bản là nước đầu tiên phê chuẩn đầy đủ thuốc điều trị Ronapreve

Hãng dược phẩm Roche của Thụy Sĩ ngày 20/7 thông báo Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn thuốc kháng thể Ronapreve để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ tới trung bình.

Việc phê chuẩn được đưa ra dựa trên kết quả thử nghiệm giai đoạn 3, theo đó hỗn hợp kháng thể trong thuốc (gồm bộ đôi 2 kháng thể đơn dòng Casirivimab và Imdevimab) giúp giảm đáng kể nguy cơ các bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ tới trung bình diễn biến nặng đến mức phải nhập viện hoặc tử vong.

Singapore siết chặt các biện pháp hạn chế

Ngày 20/7, Bộ Y tế Singapore thông báo sẽ siết chặt các hạn chế xã hội, trong đó có việc ngừng ăn uống tại nhà hàng, tập thể dục ngoài trời và cấm tập trung nhiều hơn 2 người. Quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 22/7 tới.

Anh sẽ triển khai hai chiếm hạm hoạt động dài hạn tại châu Á

Anh ngày 20/7 thông báo sẽ triển khai hai chiến hạm hoạt động dài hạn tại vùng biển ở châu Á sau khi tàu sân bay Queen Elizabeth và các tàu tháp tùng cập cảng Nhật Bản vào tháng 9.

CNN dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhấn mạnh: “Anh sẽ điều động hai chiến hạm hoạt động lâu dài tại châu Á từ cuối năm nay”. Đại sứ quán Anh tại Tokyo cho biết các chiến hạm nước này sẽ không có căn cứ dài hạn.

Mỹ gần đạt thỏa thuận với Đức về dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/7 thông báo nước này đã gần đạt được thỏa thuận với Đức liên quan tới dự án Dòng chảy phương Bắc 2 - đường ống dẫn khí đốt gần hoàn tất từ Nga tới Đức, song lại đang gây quan ngại ở châu Âu, đặc biệt là Ukraine.

Ban tổ chức Olympic Tokyo không loại trừ khả năng hủy sự kiện vào phút chót

Người đứng đầu Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo Toshiro Muto thông báo không loại trừ khả năng hủy bỏ Thế vận hội vào phút chót bởi các ca mắc COVID-19 mới tiếp tục tăng ở Nhật Bản.

Tokyo đang trong tình trạng khẩn cấp do số ca mắc mới COVID-19 gia tăng tại khu vực. Olympic Tokyo dự kiến khai mạc vào ngày 23/7 đã vấp phải phản đối từ công dân Nhật Bản và các chuyên gia y tế, bởi họ lo ngại rằng Thế vận hội sẽ làm leo thang tình hình dịch bệnh tại thủ đô Nhật Bản.

Cháy rừng diễn biến phức tạp ở Mỹ, lực lượng cứu hộ buộc phải rút lui

Cháy rừng tại bang Oregon (Mỹ) vẫn chưa thể kiểm soát khi nhiệt độ cao, thời tiết khô nóng khiến lửa tiếp tục lan nhanh. Hơn 300.000 héc ta (tương đương 1.214 km vuông) rừng đã bị lửa tấn công càng khiến các nhân viên cứu hộ gặp khó khăn trong việc khống chế.

Mưa lũ tiếp tục hoành hành tại Trung Quốc

Thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa hệ thống tàu điện ngầm khi mưa lũ kéo dài khiến nhiều khu vực trong thành phố rơi vào tình trạng ngập lụt.

Theo Nhân dân Nhật báo, đã có ít nhất một người chết và 2 người mất tích sau trận mưa lớn bắt đầu từ ngày 19/7. Cơ quan dự báo thời tiết thành phố Trịnh Châu đã ban hành mức cảnh báo cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 21/7: Biến thể Delta chiếm tới 83% số ca được giải trình tự gen tại Mỹ