Tin vắn thế giới ngày 13/5: Thủ tướng Áo bị điều tra về cáo buộc nói dối Quốc hội

Bạch Dương| 13/05/2021 07:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Áo bị điều tra về cáo buộc nói dối Quốc hội; WHO rà soát số liệu đáng ngại về lây nhiễm ở nước tiêm chủng nhiều nhất thế giới; Israel không kích vào nơi ở của các thành viên cấp cao Hamas… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Thủ tướng Áo bị điều tra về cáo buộc nói dối Quốc hội

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz ngày 12/5 cho biết ông đang bị điều tra về các tuyên bố được cho là không đúng sự thật tại một ủy ban của Quốc hội đang điều tra tham nhũng.

Phát biểu với báo giới trước một cuộc họp nội các, ông phủ nhận có sai trái, đồng thời khẳng định "luôn trả lời tất cả các câu hỏi của ủy ban điều tra một cách trung thực". Tuy nhiên, ông cũng cho biết cuộc điều tra sẽ không ảnh hưởng tới công việc điều hành chính phủ của ông và ông sẽ không từ chức.

thu-tuong-ao.jpg
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz

Phe Cộng hoà tại Hạ viện Mỹ bỏ phiếu loại bỏ bà Liz Cheney khỏi vị trí lãnh đạo số 3

Ngày 12/5 (giờ Mỹ), phe Cộng hoà tại Hạ viện Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu loại bỏ bà Liz Cheney khỏi cương vị Chủ tịch Hội nghị đảng Cộng hòa tại cơ quan lập pháp này.

Bà Cheney là người thường xuyên chỉ trích ông Trump thời ông còn là đương kim Tổng thống Mỹ. Hôm 13/1 vừa qua, bà là một trong 10 nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ luận tội ông Trump. 

Quốc tế kêu gọi Israel và Palestine nhanh chóng giảm căng thẳng

Ngày 12/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi giảm các hành động bạo lực đẫm máu bùng phát giữa Israel và người Palestine.

Thông báo của Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm ngày 12/5, hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc giao tranh tiếp diễn và số người thương vong liên tục gia tăng. Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi các bên giảm căng thẳng và giải quyết hòa bình xung đột hiện nay.

Hàn Quốc và Israel ký FTA

Ngày 12/5, Hàn Quốc và Israel đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương tập trung vào việc mở rộng quan hệ kinh tế, một động thái có thể giúp nền kinh tế lớn thứ tư châu Á tăng tốc xuất khẩu ô tô và phụ tùng ô tô.

Thông báo của Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc cho biết Bộ trưởng Yoo Myung-hee đã chính thức ký thỏa thuận trên với người đồng cấp Israel Amir Peretz trong một buổi lễ ở Seoul.

Mỹ trao trả Malaysia hơn 400 triệu USD liên quan quỹ 1MDB

Ngày 12/5, Malaysia thông báo Bộ Tư pháp Mỹ đã trao trả 1,9 tỷ ringgit (460,22 triệu USD) khoản tiền thu hồi từ những tài sản liên quan Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB).

Trong thông báo mới, Bộ Tài chính Malaysia cho biết đến nay nước này đã nhận được số tiền 16,05 tỷ ringgit (3,89 tỷ USD) liên quan quỹ 1MDB, là những tài sản bị tịch thu hoặc được trao trả cho nước này từ nước ngoài. Các khoản tiền thu hồi dự kiến sẽ được dùng để trả các khoản nợ phát sinh từ quỹ 1MDB và chi nhánh SRC.

Mỹ: Các bang ngừng trợ cấp thất nghiệp khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19

Một loạt bang ở Mỹ ngày 11/5 thông báo sẽ chấm dứt chương trình trợ cấp thất nghiệp bổ sung do chính phủ liên bang cung cấp trong bối cảnh dịch COVID-19, cho rằng chương trình trợ cấp này đang gây ra tình trạng thiếu lao động.

WHO rà soát số liệu đáng ngại về lây nhiễm ở nước tiêm chủng nhiều nhất thế giới

Tổ chức Y tế Thế giới đang tiến hành rà soát số liệu mà Seychelles cung cấp sau khi bộ trưởng Y tế nước này nói rằng hơn 1/3 số người mắc COVID-19 tại Seychelles trong tuần trước là những người đã tiêm đủ hai liều vaccine.

Cũng theo thông tin mà WHO và Bộ Y tế Seychelles đưa ra ngày 11/5, khoảng 63% trường hợp còn lại rơi vào những người chưa tiêm hoặc mới chỉ tiêm một mũi. Cũng chưa có trường hợp tiêm đủ liều nào bị tử vong, còn các ca bệnh nặng, cần can thiệp tức thời chủ yếu xảy ra ở người chưa tiêm ngừa.

vacine-the-gioi.jpeg
Một nhân viên y tế được tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên do công ty Sinopharm/Trung Quốc sản xuất, tại Seychelles vào ngày 10/1/2021. Ảnh: AFP

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu đơn giản hóa thủ tục kiểm duyệt thuốc không điều trị COVID-19

Ngày 11/5, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết sẽ đơn giản hóa một số thủ tục kiểm duyệt thuốc điều trị các bệnh không phải COVID-19 để tập trung đánh giá các phương pháp điều trị và vaccine phòng ngừa COVID-19, trong bối cảnh đơn xin cấp phép sử dụng thuốc mới gia tăng do đại dịch COVID-19.

New Delhi đóng cửa 125 trung tâm tiêm chủng vì ‘cạn’ vaccine

Chính quyền tại thủ đô New Delhi xác nhận địa phương đã buộc phải đóng cửa 125 trung tâm tiêm phòng trong bối cảnh thành phố đã cạn kiệt nguồn cung vaccine.

Theo đài Sputnik, một nguồn tin trong chính quyền Delhi cho biết tính đến sáng 12/5, chính quyền thành phố không nhận thêm được bất kỳ liều vaccine nào từ chính phủ liên bang. Trước đó, Thủ hiến bang Arvind Kejriwal cho biết họ mới chỉ nhận được 40 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong khi muốn tiêm phòng cho toàn bộ dân số tại khu vực thì số lượng vaccine phải là 260 triệu liều.

Hệ thống đặt lịch tiêm chủng của Nhật Bản gặp sự cố sập mạng

Ngày 12/5, hệ thống trực tuyến hỗ trợ đặt lịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Nhật Bản đã bị gián đoạn do trục trặc kỹ thuật, làm gia tăng quan ngại về việc ứng phó với tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh ở nước này.

Đài truyền hình NHK đưa tin sự cố sập mạng đặt lịch tiêm chủng xảy ra tại nhiều địa phương, trong đó có nhiều khu vực ở thủ đô Tokyo và thành phố miền Tây Minoh, do lỗi hệ thống trên toàn cầu liên quan nhà cung cấp điện toán đám mây Salesforce của Mỹ.

Vaccine Pfizer/BioNTech có hiệu quả phòng ngừa các biến thể của virus SARS-CoV-2 ở Nhật Bản

Khoảng 90% những người được tiêm chủng vaccine Pfizer/BioNTech ngừa COVID-19 có kháng thể chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở Nhật Bản. Đó là kết quả nghiên cứu của Đại học thành phố Yokohama (Nhật Bản) được công bố ngày 12/5.

Đức miễn cách ly đối với người nhập cảnh đã tiêm chủng đủ liều

Nội các Đức ngày 12/5 đã thông qua kế hoạch cho phép những người đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, người đã khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 hoặc người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 khi nhập cảnh nước này không phải thực hiện cách ly.

Trên 30.000 trường hợp gặp tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine tại Thuỵ Điển

Cơ quan Sản phẩm Y tế Thuỵ Điển đã nhận được rất nhiều báo cáo về các trường hợp gặp tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine COVID-19.

Theo đài Sputnik (Nga), từ đầu năm đến nay, Thuỵ Điển đã ghi nhận tổng cộng 31.844 trường hợp gặp phản ứng có hại sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Con số này bằng tổng các trường hợp gặp tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine được ghi nhận trong 4 năm. Trong đó, 3/4 trường hợp được ghi nhận tại các trung tâm tiêm chủng tư nhân.

vaccine-thuy-dien.jpg
Trên 30.000 trường hợp gặp tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine tại Thuỵ Điển. Ảnh: Reuters

Ấn Độ đề nghị Trung Quốc chặn đà tăng giá thiết bị y tế ngừa COVID-19

Theo đại diện của Ấn Độ, giá cả các mặt hàng y tế tăng cao cùng với các tuyến bay bị gián đoạn đang cản trở tiến độ giao hang tới tới Ấn Độ, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm COVID-19 tồi tệ.

Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Hong Kong/Trung Quốc, bà Priyanka Chauhan, cho biết biến động của giá cả cùng với đứt gãy của hoạt động vận chuyển đã ảnh hưởng đến năng suất chế tạo các mặt hàng y tế, sinh phẩm, thuốc điều trị COVID-19 ở Ấn Độ. Theo bà, Chính phủ Trung Quốc có thể can thiệp để giúp ổn định tình hình.

Ủy ban chuyên gia chỉ ra hạn chế trong cách thế giới xử lý đại dịch

Thế giới lẽ ra có thể ngăn chặn được mức độ thảm khốc mà đại dịch COVID-19 gây ra nếu như phối hợp hiệu quả, hành động nhanh chóng và lưu tâm đến những dấu hiệu cảnh báo. Đây là kết luận của ủy ban độc lập gồm các chuyên gia toàn cầu đưa ra trong báo cáo được công bố ngày 12/5.

Chính phủ Ấn Độ yêu cầu điều tra hành vi thả trôi thi thể người bệnh trên sông Hằng

Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu chính quyền các bang của nước này điều tra về hành vi thả trôi thi thể người bệnh tử vong do mắc COVID-19 trên sông Hằng, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang vật lộn trong làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Jal Shakti (phụ trách nguồn nước) của Ấn Độ - ông Gajendra Singh Shekhawat cho biết Bộ Jal Shakti đã khuyến cáo người dân về những hoạt động này, đồng thời đưa ra những lệnh cấm liên quan.

Nhiều bang ở Đức lên kế hoạch nới lỏng phong tỏa

Tình hình đại dịch COVID-19 tại Đức đang có dấu hiệu tích cực trong những ngày qua khi xu hướng lây nhiễm mới tiếp tục giảm và chiến dịch tiêm chủng được mở rộng. Nhiều địa phương tại nước này đã lên kế hoạch nới lỏng phong tỏa trong những ngày tới.

Tại Berlin, chính quyền thành phố dự kiến nới lỏng phong tỏa từ ngày 19/5; tại bang Brandenburg, việc nới lỏng các hạn chế bắt đầu có hiệu lực từ 12/5 đối với một số quận, huyện có tỉ lệ lây nhiễm dưới 100/100.000 dân; tại bang Mecklenburg-Vorpommern, các địa điểm du lịch sẽ mở cửa từ ngày 7/6 đối với cư dân địa phương và từ ngày 14/6 đối với người dân các bang khác; tại bang Rheinland-Pfalz, từ ngày 12/5, các cửa hàng bán lẻ sẽ được đón khách mà không cần kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính.

Israel không kích vào nơi ở của các thành viên cấp cao Hamas

Ngày 12/5, quân đội Israel cho biết các cuộc không kích của lực lượng này nhằm vào Dải Gaza đã đánh trúng nơi ở của các thành viên cấp cao thuộc Phong trào Hồi giáo Hamas - nhóm vũ trang kiểm soát Dải Gaza.

Một số chỉ huy lực lượng Hamas thiệt mạng trong các vụ không kích của Israel

Cơ quan an ninh Shin Bet của Israel thông báo có 16 thành viên phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas thiệt mạng trong các vụ không kích của Israel nhằm vào một chốt chỉ huy của phong trào này tại Dải Gaza.

Theo Shin Bet, trong số các thành viên Hamas thiệt mạng có một chỉ huy cấp cao và một số chuyên gia phát triển vũ khí. Đại diện Hamas cũng xác nhận một số chỉ huy hàng đầu của lực lượng này đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel.

Uber và Lyft cung cấp chuyến đi miễn phí tới điểm tiêm chủng tại Mỹ

Ngày 11/5, Chính phủ Mỹ công bố một loạt biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở nước này, trong đó có hợp tác với hai công ty công nghệ Uber và Lyft cung cấp chuyến đi miễn phí tới các điểm tiêm chủng.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết theo thỏa thuận hợp tác, Uber và Lyft sẽ cung cấp cho người dân Mỹ các chuyến đi miễn phí tới các điểm tiêm phòng COVID-19.

Tòa án châu Âu sắp đưa ra phán quyết về kháng cáo gian lận thuế của Amazon

Một tòa án thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/5 (theo giờ địa phương) sẽ ra phán quyết đối với đơn kháng cáo của Amazon chống lại yêu cầu nộp 250 triệu euro (295 triệu USD) tiền thuế chưa trả cho Luxembourg.

Vụ kháng cáo xảy ra sau khi bê bối LuxLeaks bị phanh phui hồi năm 2014 tiết lộ 500 thỏa thuận thuế giữa Luxembourg và hơn 350 doanh nghiệp quốc tế, trong đó có nhiều vụ gian lận thuế hàng tỷ USD và dính líu tới các tập đoàn lớn như Apple, IKEA, Pepsi… Các tập đoàn này đã có những thỏa thuận ngầm với cơ quan thuế Luxembourg để được hưởng thuế suất thấp hơn quy định.

Air France, Airbus sẽ bị xét xử về vụ rơi máy bay năm 2009

Hãng hàng không Air France và tập đoàn chế tạo máy bay Airbus sẽ bị xét xử tội danh ngộ sát liên quan vụ rơi máy bay thực hiện chuyến bay từ Rio de Janeiro (Brazil) đi Paris (Pháp) năm 2009 làm 228 người trên máy bay thiệt mạng. Đây là phán quyết của một tòa án phúc thẩm ở Paris ngày 12/5.

Ericsson nhất trí bồi thường cho Nokia vì bê bối hối lộ

Ngày 12/5, hãng sản xuất thiết bị viễn thông Thụy Điển Ericsson cho biết đã nhất trí trả cho đối thủ là hãng Nokia của Phần Lan 80 triệu euro (97 triệu USD) để giải quyết tranh cãi liên quan đến bê bối hối lộ và làm giả số liệu.

Vụ dàn xếp trên liên quan đến một cuộc điều tra của Mỹ nhằm vào hoạt động kinh doanh của Ericsson tại một số quốc gia trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2016.

Mỹ: Colonial Pipeline bắt đầu lại hoạt động sau cuộc tấn công mạng

Ngày 12/5, Colonial Pipeline thông báo bắt đầu khởi động lại hoạt động của mình sau khi một cuộc tấn công mạng buộc công ty phải đóng cửa vào cuối tuần trước, dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt ở Bờ Đông của nước Mỹ.

heo thông báo, hệ thống của Colonial Pipeline sẽ mất một số ngày để trở lại bình thường. Thông báo cũng lưu ý rằng một số thị trường có thể gặp sự cố gián đoạn trong quá trình khởi động, song cho rằng động thái mới nhất là "bước đầu tiên" trong quá trình khôi phục lại hoàn toàn hoạt động.

Hãng hàng không Qantas hoãn kế hoạch bay quốc tế tới cuối năm 2021

Ngày 12/5, hãng hàng không Qantas của Australia thông báo lùi thời điểm thực hiện kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế từ tháng 10/2021 đến cuối tháng 12/2021 theo sự điều chỉnh lộ trình tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 của chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 13/5: Thủ tướng Áo bị điều tra về cáo buộc nói dối Quốc hội