Tin vắn thế giới ngày 13/3: Nga kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia trước các lệnh trừng phạt

Bạch Dương| 13/03/2022 08:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nga kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia trước các lệnh trừng phạt; Nga sẵn sàng nối lại đối thoại kiểm soát vũ khí với Mỹ; WHO cân nhắc thời điểm chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do COVID-19… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Nga kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia trước các lệnh trừng phạt

Giữa Nga và Mỹ không thể có niềm tin với nhau khi Washington áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm vào Moskva và Nga kiên quyết bảo vệ các lợi ích của mình. Đây là tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trên kênh truyền hình Channel One ngày 12/3.

Thứ trưởng Ryabkov nêu rõ, cơ quan chức năng lưu giữ số liệu thống kê về các làn sóng trừng phạt và đã vượt quá con số 100 từ lâu. Ông nhấn mạnh những lệnh trừng phạt hiện nay là chưa từng có và hết sức tồi tệ nhằm giáng một đòn nghiêm trọng vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga.

sergei_ryabkov.jpg
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov

Lãnh đạo Nga, Pháp và Đức nhất trí xúc tiến các cuộc tiếp xúc về Ukraine

Kết thúc cuộc điện đàm kéo dài gần 2 giờ vào tối 12/3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhất trí tiếp tục xúc tiến các cuộc tiếp xúc về vấn đề Ukraine trong thời gian tới.

Theo TASS, thông cáo báo chí của Điện Kremlin cho biết, tại cuộc điện đàm, Tổng thống Putin đã thông báo với hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức về tình hình nhân đạo thực tế tại các khu vực Nga triển khai hoạt động quân sự đặc biệt tại Donbass. Ông Putin nêu rõ, các lực lượng an ninh Ukraine vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế như là bắt con tin và sử dụng dân thường làm lá chắn, bố trí vũ khí hạng nặng tại các khu dân cư, gần bệnh viện, trường học, trường mẫu giáo... Ngoài ra, hoạt động sơ tán dân thường qua các hàng lang nhân đạo mà Nga mở ra cũng bị cản trở.

EU nhất trí tăng cường năng lực phòng thủ

Liên minh châu Âu (EU) cam kết thúc đẩy khối phòng thủ chung, cân nhắc khoản hỗ trợ quân sự trị giá 500 triệu euro cho Ukraine và gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Đây là kết quả hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 10-11/3 tại Cung điện Versailles ở Pháp.

Nga sẵn sàng nối lại đối thoại kiểm soát vũ khí với Mỹ

Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết thông tin trên ngày 12/3.

Ông Ryabkov nói rằng Moskva và Washington vẫn duy trì liên lạc thường xuyên, nhưng Điện Kremlin không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nhà Trắng sẵn sàng tiếp tục đối thoại về Ukraine.

WHO cân nhắc thời điểm chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do COVID-19

Ngày 11/3, các chuyên gia y tế cộng đồng thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch COVID-19. Đây được coi là cột mốc quan trọng sau hơn hai năm đại dịch này bùng phát và hoành hành trên thế giới.

1002-covid.jpg
WHO cân nhắc thời điểm chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do COVID-19

Triển vọng vaccine đặc trị Omicron của Moderna

Moderna Inc. đang phát triển loại vaccine mới phòng chống biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Theo tiết lộ của Công ty Moderna tại Nhật Bản với giới truyền thông nước sở tại ngày 11/3, vaccine ngừa Omicron có thể được lưu hành tại Nhật Bản vào cuối năm 2023.

CDC Mỹ: Vaccine Pfizer giảm thiểu nguy cơ mắc Omicron ở trẻ em

Nguy cơ mắc Omicron giảm đáng kể ở trẻ em và thanh thiếu niên tuổi từ 5 đến 15 nếu được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech COVID-19. Đây là kết luận của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ trong nghiên cứu công bố ngày 11/3.

Campuchia giảm giá thuốc kháng virus molnupiravir

Ngày 12/3, Bộ Y tế Campuchia đã thông báo giảm giá thuốc Molnatris - một loại thuốc chứa hoạt chất kháng virus molnupiravir sử dụng trong điều trị COVID-19 cho người trưởng thành, mắc bệnh ở thể nhẹ và trung bình.

Cụ thể, từ ngày 14/3 tới, thuốc Molnatris (dạng viên chứa molnupiravir 200 mg) sẽ được nhóm quản lý, phân phối và cung ứng biệt dược điều trị COVID-19 của Bộ Y tế Campuchia phân phối với mức giá mới là 50 USD/hộp. Một người dân có thể mua trực tiếp từ 1-10 hộp cùng lúc. Trong khi các bệnh viện, phòng khám chữa bệnh, nhà thuốc có thể đặt mua từ 10-100 hộp và bán lại cho người bệnh với giá 60 USD/hộp (nếu bán cao hơn mức này sẽ bị xử phạt).

Trung Quốc cấp phép lưu hành 5 bộ xét nghiệm COVID-19 kháng nguyên

Đài truyền hình Trung Quốc CCTV ngày 12/3 đưa tin nước này đã cấp phép lưu hành 5 bộ xét nghiệm kháng nguyên của 5 công ty sản xuất thiết bị y tế, phục vụ nhu cầu tự xét nghiệm của người dân trong bối cảnh biến thể Omicron đang có dấu hiệu lây lan tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Theo thông báo, 5 bộ xét nghiệm kháng nguyên được cấp phép lưu hành của 5 công ty gồm các công ty công nghệ sinh học Beijing Huaketai, Nanjing Vazyme , Guangzhou Wondfo, công ty công nghệ sinh học Beijing Jinwofu và chi nhánh BGI Genomics cùng công ty công nghệ dược phẩm Shenzhen Huada Yinyuan.

china-covid-19-face-mask.jpg
Ảnh minh họa

Cuba khẳng định vị thế tiên phong trong cuộc chiến chống COVID-19

Tròn hai năm sau khi Cuba công bố ca dương tính SAR-CoV-2, ngày 11/3, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez đã đăng thông điệp nhấn mạnh đảo quốc Caribe này đang ở vị thế tiên phong trên thế giới trong đối phó và kiểm soát COVID-19.

Nhà lãnh đạo Cuba khẳng định những kết quả mà đất nước mình đạt được trong khoảng thời gian này là “một thành tựu không thể bàn cãi của hệ thống y tế cùng ngành khoa học”.

Nhật Bản điều chỉnh tiêu chí đánh giá mức độ dịch bệnh COVID-19

Ngày 11/3, hội nghị của Tiểu ban cố vấn y tế Chính phủ Nhật Bản đã đi đến thống nhất điều chỉnh giảm tiêu chí đánh giá mức độ dịch bệnh COVID-19, cơ sở quan trọng để ra quyết định dỡ bỏ hoàn toàn áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 18 tỉnh, thành phố còn lại vào ngày 21/3 tới.

Venezuela sẵn sàng đối thoại với EU

Ngày 12/3, Bộ Ngoại giao Venezuela thông báo Ngoại trưởng nước này Felix Plasencia đã có cuộc hội đàm với Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrel tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), trong đó bày tỏ mong muốn thúc đẩy đối thoại hòa bình với EU.

Tại cuộc gặp, đại diện chính phủ Venezuela cũng yêu cầu EU phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương đang gây tổn hại nghiêm trọng tới những quyền cơ bản của người dân quốc gia Nam Mỹ này. Chính phủ Venezuela nhấn mạnh chính sách ngoại giao dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc và thúc đẩy một thế giới đa cực.

Bầu cử tổng thống tại Turkmenistan

Ngày 12/3, cử tri Turkmenistan đã đến các điểm bỏ phiếu trên cả nước để tham gia cuộc bầu chọn nhà lãnh đạo mới của nước này.

Trong cuộc đua giành quyền lực này có 9 ứng cử viên và Tổng thống đương nhiệm Gurbanguly Berdymukhamedov không tái tranh cử. Trong số các ứng cử viên, chính trị gia Serdar Berdymukhamedov, 40 tuổi và là con trai của tổng thống đương nhiệm, được đánh giá là có triển vọng đắc cử.

Tổng thống Chile trẻ nhất trong lịch sử cam kết thúc đẩy phát triển xã hội

Ở tuổi 36, ông Gabriel Boric đã trở thành tổng thống dân cử trẻ tuổi nhất trong lịch sử Chile và cũng là ứng cử viên tổng thống giành được số phiếu ủng hộ cao nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này.

Ngày 11/3, nhà lãnh đạo cánh tả Gabriel Boric đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Chile với cam kết thúc đẩy phát triển xã hội và giảm bất bình đẳng.

Đại sứ quán Afghanistan tại Mỹ phải đóng cửa do thiếu kinh phí hoạt động

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/3 xác nhận Đại sứ quán Afghanistan tại Washington sẽ phải đóng cửa vào tuần tới do tình trạng thiếu hụt tài chính trầm trọng.

Theo ông, các nhân viên ngoại giao Afghanistan không còn có thể tiếp cận với nguồn tài chính trị giá hàng trăm nghìn USD sau khi các ngân hàng, không phải Chính phủ Mỹ, phong tỏa tài khoản của họ.

Nam Sudan đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 11/3 cảnh báo hơn 70% dân số của Nam Sudan sẽ phải đối mặt với nạn đói cùng cực trong năm nay, do quốc gia này có nguy cơ đối mặt với “cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất” do xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu và lạm phát.

Tấn công bằng dao tại Pháp

Ngày 12/3, một vụ tấn công bằng dao đã xảy ra tại thành phố Marseille, miền Nam nước Pháp. Theo tờ báo địa phương La Provence, đối tượng tình nghi là một người đàn ông, dùng dao tấn công khiến một cảnh sát bị thương. Đối tượng sau đó đã bị cảnh sát bắn hạ.

Tỷ phú Nga bị thu giữ tài sản tại Italy

Văn phòng Thủ tướng Italy ngày 12/3 cho biết cảnh sát nước này đã thu giữ một siêu du thuyền của tỷ phú người Nga Andrey Igorevich Melnichenko. Theo văn phòng trên, du thuyền Sailing Yacht A dài 143 m, trị giá 530 triệu euro (tương đương 578 triệu USD), đã bị niêm phong tại cảng Trieste, miền Bắc Italy.

Tàu hỏa trật bánh tại CHDC Congo, ít nhất 60 người tử vong

Theo Tân Hoa xã, đã có ít nhất 60 người thiệt mạng sau khi một đoàn tàu chở hàng bị trật bánh ở Đông Nam CHDC Congo vào đêm 11/3.  

Ngày 12/3, chính quyền sở tại đã xác nhận thông tin trên và cho biết thêm đoàn tàu chở hàng gặp nạn gồm 10 toa. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lái tàu không kiểm soát được tình hình, sau đó bị mất lái và lao vào một khe núi khi con tàu đang leo dốc.

Hỏa hoạn tại Ấn Độ, ít nhất 7 người thiệt mạng

Sáng 12/3, một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng.

Theo một quan chức thuộc Cơ quan cứu hỏa của thủ đô, ngọn lửa đã bùng phát vào sáng sớm và nhanh chóng lan rộng ra 60 căn lều nằm gần làng Gokalpur ở Đông Bắc Delhi. Hiện công tác cứu hộ cứu nạn vẫn đang được triển khai sau khi tìm thấy 7 thi thể cháy đen.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 13/3: Nga kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia trước các lệnh trừng phạt