Tin vắn thế giới ngày 13/1: WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 vào mùa Xuân

Bạch Dương| 13/01/2022 08:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

NATO khẳng định sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Nga; Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu trực tiếp theo dõi phóng tên lửa sau 2 năm; WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 vào mùa Xuân… là tin tức thế giới đáng chú ý.

NATO khẳng định sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Nga

Giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga vẫn còn những bất đồng "không dễ hóa giải" về vấn đề Ukraine, nhưng NATO sẵn sàng tiếp tục đối thoại. Đây là tuyên bố của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra sau cuộc họp đầu tiên trong 2 năm qua của Hội đồng Nga - NATO, diễn ra tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ ngày 12/1.

Tổng Thư ký NATO cho biết các thành viên khối này nhất trí tổ chức chuỗi cuộc gặp với Moskva về các vấn đề chiến lược như tính minh bạch của các cuộc tập trận, vấn đề an ninh mạng và kiểm soát vũ khí. Hiện Nga chưa đồng ý hay bác bỏ đề xuất này mà cho biết cần thêm thời gian trước khi đưa ra câu trả lời.

nato-12122.jpg
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO, diễn ra tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ ngày 12/1.

Nga: Leo thang hay xuống thang căng thẳng toàn cầu là ‘tùy hành động của Mỹ’

Mỹ hoặc là hỗ trợ bảo đảm an ninh theo đề xuất của Nga, hoặc sẽ là bên phải chịu trách nhiệm khi từ chối đề xuất này. Giảm căng thẳng toàn cầu hiện phụ thuộc vào hành động của Mỹ. Đó là quan điểm của Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vyacheslav Volodin.

Campuchia hoãn Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN

Ngày 12/1, Campuchia thông báo hoãn Hội nghị hẹp Bộ trưởng ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dự kiến diễn ra theo hình thức trực tiếp vào ngày 18 - 19/1. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong cho biết lý do hoãn hội nghị trên là do Bộ trưởng Ngoại giao nhiều nước thành viên ASEAN khó có thể tới Campuchia tham dự hội nghị.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu trực tiếp theo dõi phóng tên lửa sau 2 năm

Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 12/1 đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un đã tận mắt theo dõi vụ phóng thử thành công tên lửa siêu vượt âm của nước này, đồng thời kêu gọi các nhà khoa học đẩy mạnh nỗ lực xây dựng “sức mạnh quân sự”.

Kênh Al Jazeera cho biết đây là lần đầu tiên trong gần 2 năm qua Chủ tịch Kim Jong-un tham dự một sự kiện phóng tên lửa. Từ tháng 3/2020 đến nay chưa hề có hình ảnh nào về Chủ tịch Kim Jong-un trực tiếp xem phóng tên lửa.

120122-phong2.jpg
Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ phóng tên lửa. Ảnh: AFP

Thủ tướng Anh thừa nhận tụ tập đông người trong giai đoạn phong tỏa toàn quốc

Ngày 12/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson xin lỗi vì đã tham dự cuộc tụ tập đông người trong khu vườn Phủ Thủ tướng ở Phố Downing, vi phạm quy định trong thời gian Anh bị phong tỏa để ngăn chặn COVID-19 hồi tháng 5/2020.

Theo Reuters, ông Johnson nói trước Quốc hội: “Tôi muốn xin lỗi. Có những điều chúng tôi chỉ đơn giản là không làm đúng và tôi phải chịu trách nhiệm”.

Nguy cơ nhập viện do biến thể Omicron thấp hơn 50% so với Delta

Một nghiên cứu mới đây được tiến hành với gần 70.000 bệnh nhân mắc COVID-19 ở California (Mỹ) cho thấy Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Kết quả này phù hợp với những phát hiện tương tự từ Nam Phi, Anh và Đan Mạch, cũng như một loạt các thí nghiệm trên động vật.

Omicron làm tăng mạnh số ca COVID-19 ở New York là người chưa tiêm phòng

Theo số liệu cập nhật từ Sở Y tế New York (Mỹ), tỷ lệ mắc COVID-19 sau tiêm phòng tính theo ngày ở cư dân thành phố này đã tăng gấp hơn 7 lần trong tháng 12, nhưng vẫn thấp hơn số ca nhiễm mới ở những người chưa tiêm.

Bộ xét nghiệm phát hiện biến thể Omicron được đăng ký tại Nga

Bộ phận báo chí Cơ quan Y Sinh Liên bang Nga (FMBA) cho biết hệ thống xét nghiệm do FMBA phát triển để phát hiện biến thể Omicron đã được Cục Quản lý Y tế Liên bang (Roszdravnadzor) đăng ký lần đầu tiên ở Nga.

Thông báo của FMBA cho biết "bộ xét nghiệm được phát triển theo lệnh của người đứng đầu FMBA Veronika Skvortsova và được thiết kế để sử dụng trong chẩn đoán bệnh viêm trùng đường hô hấp cấp trong phòng thí nghiệm khi nghiên cứu các mẫu ARN từ vật liệu sinh học của con người lấy từ những người được chẩn đoán mắc COVID-19". FMBA khẳng định, nhờ một bộ đặc biệt từ dòng AmpliTest, có thể phân biệt biến thể Omicron với biến thể Delta trong vòng 1,5 giờ.

WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 vào mùa Xuân

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/1 đã lên tiếng cảnh báo đồng thời kêu gọi sẵn sàng ứng phó với sự bùng phát của dịch COVID-19 và các bệnh về đường hô hấp khác trong mùa Xuân sắp tới.

Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, chuyên gia của WHO, Tiến sĩ Maria van Kerkhove cho rằng điều này có thể xảy ra khi sự hòa nhập, giao thiệp của người dân gia tăng và khi các nguồn bệnh liên quan đến đường hô hấp như bệnh cúm xuất hiện vào mùa Xuân.

covid-2022.jpg
WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 vào mùa Xuân

Mũi vaccine tăng cường Covaxin của Ấn Độ giúp tăng kháng thể chống biến thể Omicron

Ngày 12/1, công ty công nghệ sinh học Ấn Độ Bharat cho biết việc dùng vaccine Covaxin ngừa COVID-19 của hãng này để tiêm tăng cường sau 6 tháng kể từ khi hoàn thành liều tiêm cơ bản có thể tạo kháng thể trung hòa biến thể Omicron và Delta của virus SARS-CoV-2.

Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng trung hòa biến thể Omicron và Delta được ghi nhận trong huyết thanh ở những người đã tiêm mũi tăng cường Covaxin có thể so sánh với kết quả quan sát thấy trong huyết thanh của những người đã tiêm mũi vaccine tăng cường sử dụng công nghệ mRNA. Theo đó, hơn 90% tất cả các cá nhân được tiêm mũi vaccine nhắc lại Covaxin đều sản sinh kháng thể trung hòa.

Indonesia triển khai tiêm đại trà mũi vaccine tăng cường

Ngày 12/1, Indonesia đã triển khai chương trình tiêm đại trà mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh quốc gia có dân số lớn thứ 4 trên thế giới này ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất trong gần 3 tháng qua do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh.

Trong khuôn khổ chương trình được thực hiện tại các trung tâm y tế địa phương trên cả nước, những công dân cao tuổi và các trường hợp suy giảm miễn dịch sẽ được ưu tiên tiêm trước.

100% bệnh nhân COVID-19 nặng nhất ở Israel chưa tiêm vaccine

Khi biến thể Omicron của virus SARS-Cov-2 lây lan nhanh chóng ở Israel, số bệnh nhân nhập viện là người chưa tiêm vaccine ngày càng tăng dù nhóm này chỉ chiếm khoảng 1/5 dân số trưởng thành tại Israel.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, diễn biến trong những ngày đầu của làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra tại Israel cho thấy nhóm bệnh nhân là người đã tiêm phòng có triệu chứng nhẹ hơn rất nhiều so với nhóm chưa tiêm.

Thử nghiệm tiêm mũi vaccine tăng cường của Pfizer và vaccine phế cầu khuẩn cho kết quả khả quan

Ngày 12/1, hãng dược phẩm Mỹ Pfizer cho biết có thể tiêm kết hợp mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 của hãng này với vaccine phòng bệnh viêm phổi, từ đó tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở những người từ 65 tuổi trở lên.

Trong nghiên cứu giai đoạn cuối, được bắt đầu tiến hành vào tháng 5/2021, Pfizer đã thử nghiệm cùng lúc tiêm cả vaccine phế cầu khuẩn liên hợp thế hệ tiếp theo của công ty có tên PREVNAR 20 và mũi thứ ba vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech trên 570 tình nguyện viên.

Hàn Quốc cấp phép sử dụng vaccine của Novavax (Mỹ)

Ngày 12/1, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã phê duyệt sử dụng vaccine phòng COVID-19 của công ty Novavax (Mỹ) trong chiến dịch tiêm chủng tại nước này. Vaccine Nuvaxovid của Novavax là loại vaccine phòng COVID-19 thứ 5 được cấp phép sử dụng tại Hàn Quốc, sau các vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.

Vaccine Nuvaxovid sẽ do công ty dược phẩm SK Bioscience của Hàn Quốc sản xuất và phân phối. Tại Hàn Quốc, vaccine Nuvaxovid sẽ được sử dụng để tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, với quy trình cơ bản gồm 2 mũi cách nhau 21 ngày. Chính phủ hàn Quốc và SK Bioscience đã nhất trí cung cấp 40 triệu liều Nuvaxovid tại nước này.

Colombia rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi tăng cường

Tổng thống Colombia Iván Duque cho biết chính phủ nước này quyết định sẽ tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 18 tuổi khoảng 4 tháng sau các mũi cơ bản, rút ngắn so với thời gian chờ quy định hiện nay là 6 tháng.

Ngoài quyết định trên, tất cả những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được tiêm mũi vaccine tăng cường sau 30 ngày kể từ khi mắc bệnh.

Hàn Quốc sẽ tập trung ngăn chặn biến thể Omicron

Ngày 12/1, truyền thông Hàn Quốc cho biết các cơ quan chức năng nước này có kế hoạch thực hiện cách tiếp cận "lựa chọn và tập trung", sử dụng chiến thuật "3T" (xét nghiệm, theo dõi và điều trị), đồng thời nhanh chóng cho phép sử dụng thuốc kháng virus đối với những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao đang điều trị tại nhà.

Làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron có thể gây bất ổn cho xã hội Bỉ

Biến thể Omicron đang ngày càng lây lan nhanh chóng trên khắp nước Bỉ và nhà virus học Steven Van Gucht dự báo cao điểm sẽ rơi vào cuối tháng 1 này với 30.000 đến 125.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Bộ trưởng Y tế Bỉ, Frank Vandenbroucke, nhấn mạnh mặc dù sự lây lan nhanh của biến thể Omicron có khả năng tạo ra miễn dịch cộng đồng, nhưng đó không phải là chiến lược lúc này, vì sự gia tăng số ca nhiễm mới cũng kéo theo tỷ lệ nhập viện gia tăng, gây nguy hiểm cho hệ thống y tế và xã hội Bỉ.

Trung Quốc kết án tù 5 năm với nhóm công nhân làm lây lan COVID-19

Một tòa án tại Trung Quốc ngày 12/1 đã kết án tù giam từ 39 tới 57 tháng đối với ba công nhân làm việc cho một công ty xếp dỡ hàng hóa nhập khẩu tại cảng Đại Liên vì vi phạm quy định phòng chống COVID-19 của chính quyền. Công ty này cũng bị phạt 126.000 USD khi không yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ khi xếp dỡ hàng hóa hồi năm 2020, làm lây lan dịch bệnh.

Lạm phát của Mỹ lên mức cao nhất kể từ năm 1982

Số liệu ngày 12/1 của Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng của quốc gia này đã tăng 7% trong năm 2021, mức tăng cao nhất kể từ năm 1982. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được dùng để đo lường lạm phát đối với hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, đã tăng 0,5% chỉ riêng trong tháng 12/2021.

Đặc phái viên LHQ kêu gọi chấm dứt cuộc chiến tại Yemen

Phát biểu tại cuộc họp của HĐBA LHQ ngày 12/1, đặc phái viên LHQ về Yemen Envoy Hans Grundberg nói rằng cần phải có ý chí chính trị và sự lãnh đạo có trách nhiệm để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 7 năm tại Yemen.

Nổ lớn tại thủ đô Somalia

Ngày 12/1, một vụ nổ lớn đã xảy ra trên một tuyến đường dẫn tới sân bay thủ đô Mogadishu của Somalia. Theo Reuters, Giám đốc dịch vụ cấp cứu Aamin Ambulance ở Mogadishu, Abdikadir Abdirahman cho biết đây là một vụ đánh bom xe và có ít nhất 8 người thiệt mạng. Vụ đánh bom xe nhằm vào một đoàn xe hộ tống, trong đó có các xe chống đạn. Hiện chưa rõ đoàn xe hộ tống nhân vật nào.

Tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Nam Phi làm 16 người bị chết cháy

Nhà chức trách Nam Phi cho biết 16 người đã bị chết cháy và 8 người khác bị thương trong vụ tai nạn ngày 12/1, khi một chiếc xe bus cỡ nhỏ và một chiếc SUV đâm trực diện trên đường cao tốc ở tỉnh Limpopo, Đông Bắc Nam Phi.

Mỹ công bố các hành động thúc đẩy năng lượng sạch

Ngày 12/1, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các bước để thúc đẩy vấn đề năng lượng sạch - đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo trên các khu đất công và nâng cấp mạng lưới điện.

Về vấn đề điện gió ngoài khơi, Chỉnh phủ Mỹ đã thông báo về việc sẽ tổ chức một hợp đồng cho thuê ở New York Bight - ngoài khơi các bờ biển của New York và New Jersey, được kỳ vọng có thể tạo ra năng lượng sạch lên tới 7 GW, đủ để cung cấp năng lượng cho hai triệu ngôi nhà.

Thái Lan dự kiến thu phí du lịch đối với du khách nước ngoài

Từ tháng 4 tới, Thái Lan dự kiến sẽ thu phí 300 baht (9 USD) đối với du khách nước ngoài để phát triển các địa điểm tham quan và bảo hiểm tai nạn cho người nước ngoài không thể tự chi trả chi phí.

Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Thái Lan (TAT) Yuthasak Supasorn cho biết phí bổ sung trên bao gồm thanh toán trước cho các xét nghiệm virus SARS-CoV-2, nơi lưu trú hoặc cách ly tại khách sạn và có bảo hiểm với mức chi trả điều trị COVID-19 ít nhất 50.000 USD. Một phần phí thu được sẽ được sử dụng để chăm sóc khách du lịch, cũng như để nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 13/1: WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 vào mùa Xuân