Tin vắn thế giới ngày 8/1: Toàn cầu trên 303 triệu ca mắc COVID-19; Thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc/ngày

Bạch Dương| 08/01/2022 07:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thế giới đã ghi nhận trên 303 triệu ca mắc COVID-19; Thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc/ngày; Hơn 20 nghị sĩ, quan chức Hong Kong đi cách ly sau khi dự ‘tiệc lây nhiễm’; Bệnh nhi nhập viện do COVID-19 tăng cao tại Mỹ… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Thế giới đã ghi nhận trên 303 triệu ca mắc COVID-19; Thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc/ngày

Theo số liệu thống kê worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 8/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắcCOVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 303.080.489 ca, trong đó có 5.496.746 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 2.246.124 trường hợp mắc COVID-19 và 6.382 ca tử vong.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 257.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 37 triệu ca và trên 92.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi.

Hơn 20 nghị sĩ, quan chức Hong Kong đi cách ly sau khi dự ‘tiệc lây nhiễm’

Hơn 100 khách dự bữa tiệc sinh nhật tại Hong Kong (Trung Quốc) đã được lệnh di chuyển đến trung tâm cách ly, sau khi nhà chức trách phát hiện ca nhiễm COVID-19 thứ hai liên quan đến bữa tiệc sinh nhật tại nhà hàng Reserva Iberica ở Wan Chai hôm 3/1.

Trong số những người đi cách ly có người đứng đầu Cơ quan Di trú Hong Kong Au Ka-wang cùng 19 nghị sĩ Hong Kong. Quyết định được đưa ra sau khi giới chức y tế Hong Kong truy được ca nhiễm thứ hai liên quan đến buổi tiệc sinh nhật lần thứ 53 của ông Witman Hung Wai-man, đại biểu Quốc hội Trung Quốc đại diện cho vùng lãnh thổ Hong Kong.

010722-hong-kong.jpg
Hình ảnh tại buổi lễ sinh nhật lần thứ 53 của ông Witman Hung Wai-man. Ảnh: SCMP

Bệnh nhi nhập viện do COVID-19 tăng cao tại Mỹ

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky ngày 7/1 cho biết, số trẻ em tại Mỹ phải nhập viện vì COVID-19 hiện đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay nhưng hiện chưa rõ nguyên nhân do tăng tỷ lệ mắc ở trẻ hay do tỷ lệ tiêm phòng ở nhóm này còn thấp. Theo bà Walensky, đã có lượng lớn trẻ em phải nhập viện vì COVID-19 tại Mỹ, trong đó nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 4 tuổi.

Giới chức y tế Anh cảnh báo tình trạng gia tăng số ca tái mắc COVID-19

Một chuyên gia của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) mới đây đã cảnh báo số ca tái mắc COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng ở những người trên 30 tuổi.

Trên mạng xã hội Twitter, nhà dịch tễ học Meaghan Kall của UKHSA cho rằng tình trạng tái nhiễm bắt đầu gia tăng ở những người 30 tuổi khi làn sóng biến thể Omicron lần đầu tiên xuất hiện, nhưng hiện cũng đang tăng lên ở những người trên 30 tuổi. Khả năng biến thể Omicron tránh được miễn dịch của con người được hình thành trước đó đồng nghĩa khoảng 1/10 trường hợp mắc mới COVID-19 mới là những người đã từng nhiễm virus.

CEO Moderna để ngỏ khả năng cần thêm mũi vaccine tăng cường thứ 4

Giám đốc điều hành (CEO) hãng dược phẩm Mỹ Moderna, Stephane Bancel đã để ngỏ khả năng người dân sẽ cần tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường mới (mũi thứ 4) vào mùa thu năm nay. Cụ thể, trong phát biểu ngày 6/1 tại hội thảo chăm sóc y tế do tập đoàn Goldman Sachs chủ trì, ông Bancel cho biết những người đã tiêm mũi tăng cường từ mùa thu năm ngoái sẽ được bảo vệ trong mùa đông năm nay, khi số ca mắc mới gia tăng. Tuy nhiên, hiệu quả của mũi tăng cường có thể sẽ giảm trong vài tháng, tương tự những gì đã xảy ra với hai mũi đầu tiên.

Anh khẳng định mũi tiêm tăng cường có tác dụng bảo vệ người cao tuổi trước Omicron

Giới chức y tế Anh ngày 7/1 khẳng định mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tăng cường sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả cao cho những người cao tuổi trước nguy cơ bệnh tình trở nặng.

Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cho biết khoảng 3 tháng sau khi tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba, hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện cho những người từ 65 tuổi trở lên vẫn duy trì ở mức khoảng 90%.

Hàn Quốc sắp tiếp nhận thuốc viên dạng uống điều trị COVID-19

Phát biểu tại cuộc họp ngày 7/1 của Cơ quan trung ương quản lý thảm họa và đối phó với dịch COVID-19 của Hàn Quốc, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-gyeom nêu rõ: “Thuốc viên dạng uống điều trị COVID-19 sẽ được vận chuyển tới Hàn Quốc vào tuần tới."

Thủ tướng Kim Boo-gyeom cho biết Chính phủ Hàn Quốc đã ký hợp đồng mua tổng cộng 1.400.000 liệu trình thuốc, trong đó có 762.000 liệu trình từ hãng Pfizer và 242.000 liệu trình từ hãng Merck (MSD).

Brazil thiếu hụt bộ xét nghiệm trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan

Các chuyên gia y tế cảnh báo Brazil sẽ gặp nhiều khó khăn trước làn sóng lây nhiễm mới từ biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh nước này đối mặt với tình trạng thiếu các bộ xét nghiệm và gặp sự cố mất dữ liệu do bị tin tặc tấn công.

Hiện người dân đang phải xếp hàng chờ đợi để được xét nghiệm do tình trạng thiếu bộ xét nghiệm ở Brazil, quốc gia bị đánh giá là thiếu một chiến lược xét nghiệm toàn diện sau khi đại dịch bùng phát. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi dữ liệu của Bộ Y tế nước này bị tin tặc tấn công bằng mã độc vào ngày 10/12/2021.

Anh điều động quân đội hỗ trợ các bệnh viện chống dịch COVID-19

Ngày 7/1, Bộ Quốc phòng Anh thông báo đã bắt đầu triển khai quân đội để hỗ trợ các bệnh viện đang bị thiếu nhân lực và chịu sức ép lớn do số ca mắc COVID-19 tăng nhanh tại nước này.

Thông báo nêu rõ chính quyền đã điều 200 binh sĩ đến hỗ trợ Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) tại thủ đô London trong 3 tuần tới. Các binh sĩ này sẽ hỗ trợ công tác xét nghiệm COVID-19 và triển khai các chương trình tiêm phòng.

Indonesia điều chỉnh quy định đối với người nhập cảnh

Ngày 7/1, Lực lượng đặc trách chống COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia đã công bố những quy định mới của nước này liên quan việc miễn cách ly đối với người nhập cảnh trong một số "trường hợp khẩn cấp".

Theo đó, Indonesia sẽ cho phép miễn cách ly đối với những người nhập cảnh trong tình trạng sức khỏe nguy kịch hoặc có người thân vừa qua đời. Các đối tượng khác được miễn cách ly bao gồm lãnh đạo các cơ quan đại diện nước ngoài, người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ, du khách nhập cảnh theo thỏa thuận hành lang du lịch, và đại biểu tham dự các cuộc họp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Tuy nhiên, những đối tượng này phải gửi yêu cầu miễn cách ly ít nhất 3-7 ngày trước khi nhập cảnh Indonesia.

Thái Lan tiếp tục đình chỉ chương trình 'Test & Go'

Ngày 7/1, nhà chức trách Thái Lan đã quyết định kéo dài vô thời hạn việc đình chỉ chương trình cách ly một đêm “Test & Go” (Xét nghiệm và Lên đường) dành cho du khách đến bằng đường hàng không, nhưng đưa thêm 3 tỉnh vào chương trình thử nghiệm “Hộp cát” hiện mới chỉ áp dụng cho hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket.

Các đơn mới đề nghị được miễn cách ly khi nhập cảnh theo chương trình “Test & Go” của Thái Lan sẽ không còn được chấp thuận, nhưng những đơn đã nộp trước đó vẫn được duyệt cho đến ngày 15/1. Đồng thời theo những quy định hạn chế mới, từ ngày 9/1 tới, đồ uống có cồn sẽ bị cấm phục vụ ở các nhà hàng tại 69 tỉnh của Thái Lan. Trong khi đó, tại 8 tỉnh còn lại, bao gồm cả thủ đô Bangkok, đồ uống có cồn sẽ phải dừng phục vụ sau 21h hằng ngày.

test-go.jpg
Bãi biển Cha-Am vắng khách trong lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại tỉnh Phetchaburi, Thái Lan. Nguồn: Reuters

Ấn Độ yêu cầu hành khách quốc tế cách ly trong 7 ngày

Ngày 7/1, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết tất cả các hành khách quốc tế đến nước này sẽ phải cách ly trong 7 ngày tại nơi lưu trú, bắt đầu từ ngày 11/1.

Nhật Bản quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 3 tỉnh

Chiều 7/1, Chính phủ Nhật Bản đã cho phép chính quyền các tỉnh Okinawa, Yamaguchi và Hiroshima áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm sau khi nhận mức tăng đột biến số ca mắc mới COVID-19 tại các địa phương này. Đây là lần đầu tiên các biện pháp như vậy được thực thi kể từ khi Thủ tướng Fumio Kishida nhậm chức vào đầu tháng 10/2021.

Lãnh đạo Myanmar, Campuchia ra tuyên bố chung sau cuộc gặp

Theo tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp ngày 7/1 giữa Chủ tịch Hội đồng điều hành nhà nước Myanmar (SAC) - Thống tướng Min Aung Hlaing và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tại thủ đô Nay Pyi Taw, ông Min Aung Hlaing đảm bảo tạo điều kiện để Đặc phái viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về vấn đề Myanmar có thể gặp gỡ tất cả các bên liên quan tại Myanmar, bao gồm các nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang.

Campuchia ấn định thời gian tổ chức Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN

Báo Khmer Times ngày 7/1 đưa tin Campuchia sẽ tổ chức Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AMM Retreat) vào ngày 18-19/1 tới tại thành phố Siem Reap, miền Bắc nước này.

NATO tham vấn trước thềm cuộc họp với Nga

Ngày 7/1, Ngoại trưởng của các nước thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tiến hành họp khẩn theo hình thức trực tuyến để tham vấn về cách tiếp cận đối với các yêu cầu đảm bảo an ninh của Nga trước thềm các cuộc đàm phán căng thẳng vào tuần tới.

Theo kế hoạch, cuộc họp sắp tới của Hội đồng Nga - NATO tại thủ đô Brussels của Bỉ sẽ diễn ra vào lúc 10h giờ địa phương (16h00 giờ Hà Nội) ngày 12/1 và dự kiến kéo dài trong khoảng 3 giờ.

Nga tích cực tham gia hỗ trợ giải quyết tình hình Kazakhstan

Người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov ngày 7/1 cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong các ngày 6-7/1 đã tiến hành nhiều cuộc điện đàm với những người đồng cấp của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), trong đó có Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, để bàn về tình hình ở quốc gia Trung Á này.

Tổng thống Kazakhstan ra lệnh quân đội nổ súng vào các phần tử khủng bố

Ngày 7/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tuyên bố ông đã ra lệnh cho quân đội và lực lượng thực thi pháp luật sử dụng vũ khí sát thương nhằm chống lại những phần tử khủng bố, đồng thời cho phép nổ súng không cần cảnh báo trước.

Ngoại trưởng Pháp xác nhận tiến triển trong đàm phán hạt nhân Iran

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BFM và đài phát thanh RMC, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ tin tưởng các bên tham gia đàm phán có thể đạt được thỏa thuận. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh đã có đôi chút tiến triển trong một vài ngày qua khi các bên đang đi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, ông cho rằng thời gian là yếu tố cốt lõi, bởi nếu các bên không nhanh chóng đạt được thỏa thuận thì sẽ không có gì để đàm phán.

Hàn Quốc và Nhật Bản thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 7/1 cho biết các đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc và Nhật Bản đã có cuộc điện đàm trong ngày 7/1 để trao đổi đánh giá về vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên và nhất trí tiếp tục nỗ lực nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.

Kazakhstan thiết lập hàng chục trạm kiểm soát trên cả nước

Ngày 7/1, Bộ Nội vụ Kazakhstan thông báo các cơ quan thực thi pháp luật nước này đã thiết lập 70 trạm kiểm soát hoạt động liên tục trên khắp cả nước nhằm ngăn chặn tình trạng bạo loạn.

Biểu tình bạo loạn đã leo thang ở nhiều khu vực của Kazakhstan để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. Bất ổn an ninh buộc Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh, thành lớn của đất nước, trong đó có tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan.

Eurozone ghi nhận mức lạm phát cao kỷ lục kể từ năm 1997

Ngày 7/1, cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021, so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1997 khi các dữ liệu liên quan bắt đầu được thu thập.

Nắng nóng cực đoan sẽ hoành hành hai năm một lần

Theo nghiên cứu mới vừa công bố ngày 6/1, hầu hết các quốc gia trên Trái đất sẽ phải hứng chịu nắng nóng cực đoan hai năm một lần kể từ năm 2030.

AFP đưa tin nghiên cứu mô hình này đã kết hợp dữ liệu về lượng khí thải trong quá khứ và những cam kết về cắt giảm khí thải được đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 của 5 quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu - Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Nga - để đưa ra dự đoán về sự ấm lên theo khu vực vào năm 2030.

nang-nong-cuc-doan-du-bao6122.jpg
Mặt trời lặn đằng sau Tượng Nữ thần Tự do ở New York, Mỹ, tháng 5/2020. Ảnh: AFP

Trung Quốc rung chuyển vì trận động đất độ lớn 6,9

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn nguồn tin từ Trung tâm mạng lưới động đất quốc gia cho hay trận động đất có độ lớn 6,9 và tâm chấn ở độ sâu khoảng 10km tại tỉnh Thanh Hải.

Theo Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS), trận động đất xảy ra lúc 1h45’ ngày 8/1 theo giờ Bắc Kinh (tức 2h45 ngày 8/1 theo giờ Hà Nội). Tâm chấn cách thành phố Tây Ninh, thủ phủ của tỉnh Thanh Hải, khoảng 140 km về phía Bắc Tây Bắc.

Philippines đối mặt với khủng hoảng y tế sau cơn bão Rai

Ngày 7/1, các quan chức cứu trợ tại Philippines cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng y tế ở nước này khi hàng triệu người đang phải chật vật tìm kiếm nước sạch và thực phẩm sau khi bão Rai đổ bộ hồi tháng trước.

Ngày 16/12/2021, bão Rai mạnh cấp 5 đã đổ bộ vào Philippines. Theo thống kê mới nhất của Văn phòng Phòng vệ dân sự Philippines, đến nay 402 người đã thiệt mạng, hơn 1.200 người bị thương, 78 người mất tích và ít nhất 370.000 người vẫn phải ở các trung tâm sơ tán.

Trung Quốc: Nổ khí gas ở căng tin công sở, ít nhất 3 người thiệt mạng

Giới chức Trung Quốc cho biết ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 14 người khác bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau vụ nổ xảy ra ngày 7/1 tại một căng tin ở văn phòng chính quyền quận Vũ Long, phía Tây Nam thành phố Trùng Khánh.

Động đất mạnh tại Peru

Theo Trung tâm địa chấn học châu Âu - Địa Trung Hải (EMSC), một trận động đất có độ lớn 5,2 đã xảy ra ở miền Trung Peru vào chiều 7/1 (theo giờ Hà Nội). Hiện chưa có thông tin về thương vong hay thiệt hại do trận động đất này gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 8/1: Toàn cầu trên 303 triệu ca mắc COVID-19; Thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc/ngày