Tin vắn thế giới ngày 5/1: Trung Quốc tuyên bố tiếp tục hiện đại hóa vũ khí hạt nhân

Bạch Dương| 05/01/2022 07:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trung Quốc tuyên bố tiếp tục hiện đại hóa vũ khí hạt nhân; Đại dịch COVID-19 có thể trở thành bệnh theo mùa từ năm 2022; Pháp phát hiện biến thể mới khác xa Omicron; Israel xác định hiệu quả vượt trội của mũi tiêm tăng cường thứ 4… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Trung Quốc tuyên bố tiếp tục hiện đại hóa vũ khí hạt nhân

Hãng thông tấn AFP đưa tin vào ngày 3/1, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp đã tái xác nhận mục tiêu tạo ra một thế giới không có vũ khí hạt nhân và tránh xung đột hạt nhân. Cả 5 quốc gia đồng thời cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Ngày 4/1, Trung Quốc tự bảo vệ chính sách vũ khí hạt nhân của nước này đồng thời cho rằng Nga và Mỹ nên có động thái đầu tiên trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Ông Fu Cong, người đứng đầu Cục Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc luôn áp dụng chính sách không sử dụng hạt nhân trước và chúng tôi duy trì khả năng hạt nhân của mình ở mức tối thiểu cần thiết cho an ninh quốc gia. Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân vì vấn đề an toàn và độ tin cậy”.

040122-hatnhan.jpg
Tên lửa liên lục địa của Trung Quốc trong một cuộc diễu binh ở Bắc Kinh năm 2019. Ảnh: AFP

EU và NATO thảo luận về các đề xuất an ninh của Nga

Theo thông cáo của Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS), trong cuộc điện đàm ngày 4/1 với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã thảo luận về tình hình Ukraine cũng như các đề xuất của Moskva về đảm bảo an ninh.

Hai bên thảo luận về các động thái quân sự của Nga và hai dự thảo thỏa thuận về đảm bảo an ninh mà Nga đưa ra đối với Mỹ và các thành viên của NATO. Cuộc điện đàm diễn ra trước khi ông Josep Borrell có chuyến thăm chính thức tới Ukraine từ ngày 4-6/1.

Liên hợp quốc nhấn mạnh tiến trình bầu cử ở Libya

Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về Libya, bà Stephanie Williams ngày 4/1 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ tiến trình bầu cử ở quốc gia Bắc Phi này nhằm hiện thực hóa ước vọng của 2,8 triệu cử tri Libya đã đăng ký đi bỏ phiếu.

Trước đó, Quốc hội Libya ngày 3/1 đã đình chỉ phiên thảo luận về sự sụp đổ của cuộc bầu cử tổng thống ở quốc gia này. Giải thích lý do đưa ra quyết định này, người phát ngôn Quốc hội Libya Abdullah Blehaq cho biết Quốc hội muốn Ủy ban Bầu cử Quốc gia Cấp cao Libya (HNEC) có thêm thời gian để trao đổi với các cơ quan liên quan nhằm dỡ bỏ "tình trạng bất khả kháng" và ấn định ngày tổ chức bầu cử.

Liên đoàn Arab tôn trọng quyết định từ chức của Thủ tướng Sudan

Ngày 4/1, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Abul Gheit bày tỏ tôn trọng quyết định từ chức của Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok, khẳng định ông thấu hiểu những luận điểm được nhà lãnh đạo Sudan đưa ra trong bức thư từ nhiệm.

Ngoại trưởng Chile dương tính với SARS-CoV-2

Ngày 4/1, Chính phủ Chile thông báo Ngoại trưởng nước này Andres Allamand đã mắc COVID-19 trong thời gian nghỉ lễ Giáng sinh tại Mỹ.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Chile, ông Allamand không có triệu chứng đặc biệt nào và đang tuân thủ các quy định y tế hiện hành. Trong thời gian Ngoại trưởng Chile cách ly tại Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Carolina Valdivia sẽ tạm thời thay mặt ông đảm nhận công việc.

WHO công bố thêm thông tin về biến thể Omicron

Ngày 4/1, quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Abdi Mahamud cho biết ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến đường hô hấp trên, gây ra những triệu chứng nhẹ hơn các biến thể đã được phát hiện trước đó của virus SARS-CoV-2.

Biến thể Omicron gây tỷ lệ mắc COVID-19 thứ phát cao hơn Delta

Một nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc trường Đại học Copenhaghen (Đan Mạch) thực hiện và công bố hồi tuần trước cho thấy tình trạng lây nhiễm thứ phát COVID-19 diễn ra nhanh chóng do biến thể Omicron có khả năng né tránh kháng thể do vaccine tạo ra.

Đại dịch COVID-19 có thể trở thành bệnh theo mùa từ năm 2022

Đại dịch COVID-19 hiện nay sẽ trở thành bệnh theo mùa, bắt đầu từ năm 2022. Đây là nhận định được Chủ tịch Viện Khoa học Nga, ông Alexander Sergeyev, đưa ra ngày 3/1.

Cape Verde ghi nhận hàng trăm ca nhiễm biến thể Omicron

Ngày 4/1, Chủ tịch Viện Y tế công cộng quốc gia (INSP) của Cape Verde - bà Maria da Luz Lima cho biết biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã lây lan ở nước này. Bà Luz Lima đồng thời thúc giục người dân tiêm vaccine và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19.

Đa phần các ca COVID-19 nhập viện tại Anh có triệu chứng không quá nghiêm trọng

Ngày 4/1, Quốc vụ khanh phụ trách vaccine và y tế công cộng Anh, bà Maggie Throup, cho biết các bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại nước này nhìn chung có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với các trường hợp trước đây, do đó chưa cần áp đặt thêm các biện pháp hạn chế trong giai đoạn này.

Pháp phát hiện biến thể mới khác xa Omicron

Các nhà khoa học Pháp đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 chứa 46 đột biến, khiến biến thể này có khả năng né tránh vaccine tốt hơn và dễ lây lan hơn chủng gốc (nhưng hiện nay vẫn chưa vượt qua được Omicron). Hiện có 12 ca nhiễm biến thể mới này ở gần thành phố Marseille, trong đó ca đầu tiên là người từng du lịch đến Cameroon.

Biến thể mới được các nhà khoa học tại IHU Mediterranee Infection phát hiện vào ngày 10/12/2021 ở Pháp, chưa được phát hiện ở nước nào khác và chưa được WHO đặt tên.

bien-the-moi.jpg
Hình ảnh từ kính hiển vi virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ.

Vùng Vịnh đối mặt với làn sóng lây nhiễm mạnh

Làn sóng lây lan dịch bệnh COVID-19 đang tăng mạnh tại một số quốc gia vùng Vịnh, trong đó số ca mắc mới trong 2 ngày qua tại Saudi Arabia đã tăng hơn 2 lần, lên hơn 2.500 trường hợp. Cả 6 quốc gia vùng Vịnh đều xác nhận có ca nhiễm biến thể Omicron.

Israel xác định hiệu quả vượt trội của mũi tiêm tăng cường thứ 4

Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 4/1 đã công bố thông tin trên dựa trên báo cáo sơ bộ cuộc thử nghiệm tiêm mũi tăng cường thứ 4 cho đội ngũ nhân viên y tế trên cả nước. Ông nêu rõ: "Số lượng kháng thể đã tăng gấp 5 lần ở người tiêm mũi thứ 4". Theo ông, điều này có nghĩa là mũi tiêm tăng cường thứ 4 có khả năng đáng kể ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm mới, số ca cần nhập viện điều trị hoặc có triệu chứng nặng.

Nhật Bản sẵn sàng ứng phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới

Ngày 4/1, Thủ tướng Kishida Fumio đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương sẵn sàng ứng phó với làn sóng dịch tiếp theo, nhất là biến thể Omicron. Theo đó, các địa phương cần tăng cường hơn nữa các khâu phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị sớm, sẵn sàng chuyển trạng thái khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Phong tỏa Hạ viện Philippines để hạn chế lây lan biến thể Omicron

Ngày 4/1, Hạ viện Philippines đã tiến hành phong tỏa trụ sở để hạn chế sự lây lan biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Cho đến nay, Hạ viện Philippines chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron. Dự kiến, lưỡng viện quốc hội Philippines sẽ hoạt động trở lại vào ngày 17/1.

Philippines mở rộng áp dụng biện pháp hạn chế ra khu vực lân cận thủ đô

Philippines thông báo mở rộng áp dụng các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 ra các khu vực bên ngoài thủ đô Manila từ ngày 5/1, theo đó sẽ có hơn 11 triệu người dân sống gần thủ đô thực hiện các quy định mới khi số ca mắc tăng.

Tây Ban Nha cho phép học sinh, sinh viên trở lại trường

Học sinh, sinh viên tại Tây Ban Nha sẽ quay trở lại học trực tiếp trong học kỳ mới bắt đầu từ ngày 10/1 tới, bất chấp việc biến thể Omicron làm gia tăng số ca mắc tại nước này.

Việc học trực tiếp này đi kèm theo các quy định bắt buộc như đeo khẩu trang trong thời gian tại trường, các lớp học phải đảm bảo thông gió.

Israel điều tra vụ rơi trực thăng quân sự

Ngày 4/1, quân đội Israel đã bắt đầu chiến dịch điều tra nguyên nhân vụ rơi trực thăng quân sự trước đó một ngày, khiến 2 phi công thiệt mạng và một thành viên phi hành đoàn bị thương.

Chiếc trực thăng Atalef AS565 của lực lượng Không quân Israel (IAF) đã bị rơi vào tối 3/1 ngoài khơi bờ biển phía Bắc của thành phố Haifa, miền Bắc Israel, khi đang thực hiện bay huấn luyện. Trước khi rơi xuống biển, không có tín hiệu nào được phát về.

Tòa án Canada yêu cầu bồi thường cho gia đình các nạn nhân vụ máy bay bị bắn rơi ở Iran

Truyền thông Canada ngày 3/1 đưa tin Tòa án cấp cao Ontario đã phán quyết bồi thường 107 triệu đô la Canada (83,94 triệu USD) cho gia đình của 6 nạn nhân thiệt mạng trong vụ chiếc máy bay chở khách của Ukraine bị bắn rơi gần thủ đô Tehran của Iran 2 năm trước đây.

Giá khí đốt tại châu Âu tăng cao đột ngột hơn 30%

Ngày 4/1, giá khí đốt châu Âu đã tăng hơn 30% do những lo ngại về nguồn cung hạn chế từ Nga trong bối cảnh châu lục này đang bước vào thời tiết lạnh giá hơn.

Cụ thể, vào lúc 11h41 theo giờ GMT, giá khí đốt giao trước 1 tháng theo hợp đồng của Hà Lan ở mức 99,50 euro/MWh, tăng 27,5 euro. Trong khi, giá khí đốt giao trước 1 ngày có mức tăng 30,50 euro lên 97 euro/MWh.

EU cấm sử dụng mực màu xăm có nguy cơ gây bệnh ung thư

Từ ngày 4/1, Liên minh châu Âu (EU) triển khai thực hiện lệnh cấm sử dụng mực xăm màu và một số loại hóa chất dùng trong mỹ phẩm có nguy cơ gây bệnh ung thư và ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Cụ thể, danh sách các chất độc hại bị cấm sử dụng gồm một số thuốc nhuộm, hóa chất tạo mùi thơm (PAHs), kim loại và metanol. Hiện có 7 nước thành viên EU đã áp dụng lệnh cấm này ở cấp quốc gia.

xam-4122.jpeg
EU cấm hóa chất đe dọa ung thư trong mực xăm. Ảnh: courthousenews.com

Thủ đô của Trung Quốc lần đầu tiên đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia

Các quan chức Trung Quốc ngày 4/1 cho biết năm 2021, thủ đô Bắc Kinh của nước này lần đầu tiên đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia sau nỗ lực tổng thể trong việc giảm tiêu thụ than đá, giảm khí thải giao thông và di dời các khu công nghiệp nặng.

Phát biểu họp báo, Phó giám đốc Sở môi trường Bắc Kinh Dư Kiện Hoa cho biết nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình tại thủ đô của Trung Quốc trong cả năm 2021 ở mức 33 microgam/mét khối (µg/m3), giảm 13% so với năm 2020 và lần đầu tiên đáp ứng tiêu chuẩn ngắn hạn do nước này đề ra là 35 µg/m3.

Lở đất làm 14 người thiệt mạng ở Tây Nam Trung Quốc

Ít nhất 14 người đã thiệt mạng trong vụ lở đất nghiêm trọng xảy ra ngày 3/1 tại thành phố Tất Tiết thuộc tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 5/1: Trung Quốc tuyên bố tiếp tục hiện đại hóa vũ khí hạt nhân