Iran khẳng định vòng đàm phán hạt nhân tại Vienna đi đúng hướng; Thái Lan cân nhắc xếp COVID-19 vào danh mục bệnh đặc hữu; Đức triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại các hiệu thuốc… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Iran khẳng định vòng đàm phán hạt nhân tại Vienna đi đúng hướng
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian ngày 11/1 nhận định vòng đàm phán thứ 8 diễn ra tại Vienna (Áo) hiện nay nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đang đi theo "hướng tốt hơn" so với các vòng đàm phán trước.
Cũng theo Ngoại trưởng Iran, những sáng kiến đó giúp các bên còn lại đạt được một thỏa thuận tốt với Iran nếu họ có thiện chí và ý định nghiêm túc, đồng thời mô tả một thỏa thuận tốt là thỏa thuận làm hài lòng tất cả các bên.
Bầu cử Chủ tịch Nghị viện châu Âu vẫn diễn ra theo kế hoạch
Theo thông cáo báo chí của Nghị viện châu Âu (EP) ngày 11/1, việc bầu người đứng đầu mới của cơ quan lập pháp châu Âu vẫn diễn ra theo kế hoạch vào ngày 18/1 ngay cả khi Chủ tịch David Sassoli vừa qua đời. Dự kiến đến ngày diễn ra bầu cử, Phó Chủ tịch thứ nhất EP Roberta Metsola sẽ điều hành EP.
Chủ tịch EP David Sassoli đã qua đời ở tuổi 65 vào đêm 10/1 tại Trung tâm ung thư ở thành phố Aviano của Italy, nơi ông nhập viện vào cuối tháng 12 do một biến chứng nghiêm trọng liên quan đến rối loạn chức năng của hệ thống miễn dịch.
Kazakhstan bổ nhiệm một số bộ trưởng chủ chốt
Ngày 11/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã bổ nhiệm một số bộ trưởng chủ chốt trong chính phủ mới, trong đó có Bộ trưởng Năng lượng. Động thái này diễn ra sau khi bùng phát làn sóng biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng tại quốc gia Trung Á này.
Mỹ cam kết viện trợ hơn 300 triệu USD cho Afghanistan trong năm 2022
Ngày 11/1, Chính phủ Mỹ đã cam kết khoản viện trợ nhân đạo bổ sung trị giá 308 triệu USD trong năm 2022 trong gói viện trợ ban đầu mà Washington dành cho Afghanistan.
Hội đồng Bảo an LHQ cảnh báo về chu kỳ bất ổn ở Mali
Ngày 11/1, đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Mali, ông El-Ghassim Wane, đã lên tiếng cảnh báo rằng một thập kỷ sau khi cuộc xung đột bùng phát ở Mali, hy vọng về một giải pháp sớm đối với cuộc xung đột ở quốc gia này đã không thành hiện thực.
Liên quân Arab phát động chiến dịch tổng tấn công ở Yemen
Liên quân Arab do Arab Saudi đứng đầu ngày 11/1 đã phát động chiến dịch tổng tấn công lực lượng Houthi ở Yemen trên tất cả các mặt trận, một ngày sau khi liên quân Arab cùng quân chính phủ Yemen đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn tỉnh chiến lược Shabwa.
WHO: Hơn 50% dân số châu Âu có nguy cơ nhiễm Omicron trong vài tuần tới
Hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong 2 tháng tới nếu tốc độ lây lan duy trì như hiện nay. Đây là nhận định mới nhất của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu đưa ra ngày 11/1.
Chỉ riêng trong tuần đầu tiên của năm 2022, khu vực châu Âu ghi nhận hơn 7 triệu ca mới, tăng hơn gấp đôi trong vòng 2 tuần. Theo tốc độ lây lan hiện nay, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) dự báo hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 6-8 tuần tới.
Tổng thống Mexico thông báo tình hình sức khỏe sau khi mắc COVID-19 lần 2
Xuất hiện trực tuyến trong cuộc họp báo sáng hàng ngày, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador ngày 11/1 thông báo tình hình sức khỏe của ông vẫn ổn định, không sốt, chỉ bị ho nhẹ và khàn giọng. Trước đó, ông Lopez Obrador đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong ngày 10/1.
Indonesia miễn phí tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 3 cho tất cả người dân
Ngày 11/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã quyết định cung cấp miễn phí vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ 3 cho tất cả người dân.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Widodo thông báo chương trình tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 sẽ chính thức được khởi động vào ngày 12/1, trong đó ưu tiên người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương. Khoảng cách giữa mũi tiêm thứ 3 và mũi tiêm thứ 2 là 6 tháng.
Hàn Quốc xem xét tiêm mũi thứ tư cho người suy giảm hệ miễn dịch
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 11/1 đã kêu gọi áp dụng mọi biện pháp có thể để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, đồng thời nhấn mạnh việc Omicron trở thành biến thể "chủ đạo" tại nước này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tổng thống Moon Jae-in cũng đề nghị các cơ quan y tế nhanh chóng đưa ra quyết định về tiêm mũi thứ tư cho những người có hệ miễn dịch suy giảm đồng thời kêu gọi người dân trên 50 tuổi, thanh thiếu niên tiêm mũi thứ 3.
Philippines: Omicron chiếm phần lớn các mẫu giải trình tự gen
Bộ trưởng Y tế Philippines, Francisco Duque tối 10/1 cho biết biến thể Omicron đang trở thành biến thể chủ đạo ở quốc gia Đông Nam Á này. Kết quả giải trình tự gen 48 mẫu bệnh phẩm gần đây nhất vào ngày 3/1 cho thấy 60,42% mẫu bệnh phẩm (29 mẫu) là các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong khi số trường hợp nhiễm biến thể Delta chiếm tỷ lệ 37,5% (18 mẫu).
Thái Lan cân nhắc xếp COVID-19 vào danh mục bệnh đặc hữu
Bộ Y tế Thái Lan dự định đưa COVID-19 vào danh mục các bệnh đặc hữu trong năm nay vì làn sóng hiện tại cho thấy các triệu chứng nhẹ và người dân đã tích cực tham gia tiêm phòng.
Ngày 10/1, Thư ký thường trực về sức khỏe cộng đồng Kiattiphum Wongrajit đã thông tin về kế hoạch của Bộ Y tế, trong đó cho biết làn sóng mới liên quan biến thể Omicron đang lây lan nhanh, song đa phần các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và tỷ lệ tử vong thấp. Trước tình hình này, Bộ Y tế cần hành động để xếp COVID-19 vào danh mục bệnh đặc hữu.
Đức triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại các hiệu thuốc
Người dân ở Đức có thể được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại các hiệu thuốc trong vòng hai tuần Đây là lần đầu tiên Đức áp dụng hình thức tiêm chủng này sau khi quy định của chính phủ sửa đổi cho phép các cửa hàng bán thuốc thực hiện tiêm chủng vaccine.
Sau khi được phép, nhiều hiệu thuốc trên khắp cả nước đang chuẩn bị để triển khai kế hoạch tiêm chủng. Ông Thomas Preis - thành viên hội đồng điều hành thuộc Hiệp hội Dược sĩ Đức, cho biết sẽ mất khoảng 1-2 tuần trước khi các hiệu thuốc có thể bắt đầu thực hiện tiêm chủng. Hiện các nhà thuốc đang phải đặt hàng vaccine.
Bệnh viện tại Mỹ và châu Âu chịu sức ép lớn vì Omicron
Số ca nhiễm cao kỉ lục do biến thể Omicron gây ra đang đẩy hệ thống bệnh viện tại Mỹ và châu Âu đứng trước sức ép lớn. Biến thể này tiếp tục cho thấy độc lực suy yếu so với các biến thể trước đó, nhất là ở những người đã tiêm vaccine hay đã từng nhiễm COVID-19. Nhưng khả năng lây nhiễm nhanh khiến số ca mắc COVID-19 lên mức cao chưa từng thấy, với hệ quả là gia tăng các trường hợp nhập viện.
Argentina điều chỉnh quy định cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh
Ngày 11/1, Bộ trưởng Y tế Argentina Carla Vizzotti đã công bố những thay đổi trong quy định cách ly đối với những trường hợp tiếp xúc gần với các ca mắc COVID-19 cũng như những điều chỉnh trong chiến lược xét nghiệm.
Mỹ đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu máu y tế do đại dịch COVID-19
Nguồn dự trữ máu của Mỹ đang ở mức thấp nghiêm trọng khiến Hội Chữ thập Đỏ Mỹ lần đầu tiên ban bố cảnh báo về khủng hoảng dự trữ máu quốc gia.
Sân bay lớn nhất nước Anh lao đao vì biến thể Omicron
Trong năm 2021, sân bay lớn nhất nước Anh Heathrow chỉ đón 19,4 triệu hành khách, chưa đầy 1/4 mức trước đại dịch và thấp hơn cả năm 2020, sau khi biến thể Omicron khiến hàng loạt chuyến bay bị hủy vào tháng 12 năm ngoái.
Giới chức sân bay ngày 11/1 cho biết ít nhất 600.000 hành khách đã hủy chuyến bay cất cánh từ Heathrow trong tháng 12/2021 khi các biện pháp hạn chế đi lại mới có hiệu lực. Năm 2019, sân bay Heathrow đã đón 80,9 triệu hành khách, nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn 22,1 triệu khách năm 2020.
Hong Kong từ chối trung chuyển các chuyến bay từ 150 nước và vùng lãnh thổ
Ngày 11/1, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục siết chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19, theo đó sẽ từ chối tiếp nhận các chuyến bay trung chuyển từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Danh sách thuộc Nhóm A này bao gồm 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 8 quốc gia bị cho là diện nguy cơ dịch bệnh cao như Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Philippines, Pakistan, Anh và Mỹ vốn bị cấm từ trước đó. Lệnh cấm 8 nước này đã có hiệu lực trong hai tuần kể từ ngày 8/1 tới.
Nga chuẩn bị cơ sở hạ tầng y tế để đối phó với biến thể Omicron
Cục trưởng Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người của Nga (Rospotrebnadzor) - bà Anna Popova ngày 11/1 cho biết người nhiễm biến thể Omicron có thể lây virus ngay từ ngày thứ hai sau khi nhiễm bệnh, thậm chí trước khi xuất hiện các triệu chứng.
Phát biểu trong một cuộc họp, bà Popova lưu ý rằng các triệu chứng của bệnh xuất hiện 3-5 ngày sau khi nhiễm. Theo Rospotrebnadzor, số ca nhiễm omicron ở Nga đã tăng gấp ba lần trong những ngày nghỉ năm mới.
Trung Quốc sẽ không phong tỏa Bắc Kinh vì Olympic Mùa Đông
Các quan chức Trung Quốc vào ngày 11/1 tuyên bố sẽ không có kế hoạch phong tỏa Bắc Kinh cho đến khi tổ chức Olympic Mùa Đông đồng thời bổ sung rằng ngay cả khi xuất hiện biến thể Omicron tình hình vẫn nằm trong kiểm soát.
Động đất rung chuyển bang Alaska của Mỹ
Ngày 11/1, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết một trận động đất có độ lớn 6,8 đã làm rung chuyển khu vực cách Nikolski thuộc bang Alaska của Mỹ khoảng 91 km về phía Đông Nam.