Ở giải Mỹ mở rộng, dù Tiến Minh không giành được ngôi vô địch nhưng sau những gì mà anh đã thể hiện tại vòng bảng trước các đối thủ mạnh, tay người TP.HCM vẫn nhận được những lời khen ngợi.
Lần đầu tiên trong sự nghiệp, Tiến Minh đánh bại tay vợt người Trung Quốc Bao Chunlai một cách thuyết phục, dù trước đó tất thảy giới chuyên môn và người hâm mộ đều nhận định Tiến Minh sẽ về nước sớm.
Tại giải VĐTG đang diễn ra tại Anh, lần đầu tiên từ năm 2005 tới nay, Tiến Minh có mặt ở vòng tứ kết, nơi có sự góp mặt của 8 tay vợt hàng đầu thế giới. Các đối thủ bị Tiến Minh vượt qua tại vòng bảng cũng đâu phải xoàng: Một Kashyap Parupalli (Ấn Độ, hạng 28 thế giới) đầy lỳ lợm, một Ponsana Boonsak (Thái Lan, hạng 11 thế giới) lắm chiêu, nhiều kế.
Lọt vào tứ kết giải VĐTG có thể xem là một thành công với Tiến Minh. Ảnh: Internet
Đặc biệt, ở trận đối đầu với tay vợt huyền thoại Peter Gade (Đan Mạch, hạng 3 thế giới) tại vòng tứ kết, dù thua nhưng Tiến Minh có thể ngẩng cao đầu. Trong 7 lần gặp gỡ và cả 7 lần Tiến Minh đều thua, nhưng chưa bao giờ tay vợt người Đan Mạch lại có một trận đấu vất vả như thế.
Nhiều người đã lo lắng, khi Tiến Minh không còn ở thời kỳ đỉnh cao của mình. Không phủ nhận điều đó nhưng các trận thắng của Tiến Minh gần đây đều đang cho thấy đẳng cấp của một tay vợt trong top 10 thế giới.
Cũng giống những tay vợt hàng đầu như Lee Chong Wei, Lin Dan... khi đã đạt đến giới hạn của mình thì đẳng cấp luôn được thể hiện, đặc biệt là ở những giải đấu lớn, trận đấu lớn. Sau 2 giải đấu thành công, ít nhiều thì Tiến Minh cũng đang tiệm cận với đẳng cấp đó, thứ đẳng cấp mà những trận thua cũng khiến người hâm mộ hài lòng.
Nhưng đẳng cấp không tự nhiên mà có. Nó không những được tôi luyện hàng chục năm trời mà phải được các đối thủ thừa nhận. Như Peter Gade, tay vợt vừa loại Tiến Minh tại vòng tứ kết giải VĐTG, cũng cầm vợt từ hồi 6 tuổi và mất gần chục năm mới có mặt ở top 5 thế giới. Lin Dan, Lee Chong Wei... cũng đều như vậy và hầu như con đường nào tới thành công của những tay vợt này, cũng đến từ sự khổ luyện, bên cạnh những đầu tư mang tính tất yếu.
Tiến Minh “trình làng” từ đầu những năm 2000, với thành tích quốc tế ấn tượng đầu tiên là lọt vào trận chung kết giải VN mở rộng năm 2002. Thành công đầu tay ấy chính là bước đệm để Tiến Minh trở thành tay vợt hạng 7 thế giới như bây giờ. Chỉ có điều, để đạt được thứ hạng hiện tại, Tiến Minh đã phải đánh đổi nhiều thứ, mà đều là những thứ không thể tìm lại.
Có lẽ, Tiến Minh đã quá quen với việc phải “một mình, một ngựa” chinh chiến ở các giải đấu lớn. Chuyện một tay vợt trong top 10 thế giới nhưng thường phải xin các đối thủ cho... tập ké khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm.
Trong khi các tay vợt hàng đầu thường có một êkíp đi theo thì Tiến Minh lặng lẽ một mình. Chỉ khổ cho Tiến Minh, thua thiệt đối thủ đủ đường, nhưng khi thất bại lại phải nhận những lời chỉ trích thiếu tính xây dựng.
TTK LĐ cầu lông VN Lê Thanh Sang từng khẳng định, 20 năm nữa chúng ta cũng không có một Tiến Minh thứ 2. Lời khẳng định này bắt nguồn từ một thực tế đang được nhìn thấy rất rõ với cầu lông VN.
Sự phát triển vững chắc về mặt chuyên môn của Tiến Minh hoàn toàn đến từ sự đầu tư bài bản của gia đình, sự góp sức từ xã hội và đặc biệt là ý chí vươn lên của từ chính bản thân. Nhìn đi nhìn lại thì chẳng có ai được như vậy, đơn giản, chúng ta chưa thể làm tốt việc tìm kiếm HLV ngoại có trình độ cao, tăng cường tập huấn, thi đấu quốc tế cho các tay vợt triển vọng.
Ngay cả đến tài năng trẻ được đánh giá cao nhất hiện nay là tay vợt Vũ Thị Trang, cũng đang đứng trước nguy cơ lụi tàn, khi từ hồi đạt tấm HCĐ giải Olympic trẻ đến giờ vẫn chưa có thêm thành tích nào đáng chú ý.
Đẳng cấp của Tiến Minh đã được ghi nhận, nhưng đẳng cấp đó cũng chỉ kéo dài thêm vài năm nữa là cùng và mọi thứ sẽ đi vào quá khứ. Chính vì thế, để giá trị đẳng cấp thật sự bền vững, chúng ta phải tạo ra được một môi trường cầu lông phát triển, như những cường quốc cầu lông trên thế giới đã và đang làm. Khi đó, mới là đẳng cấp đích thực.