Thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng: Bảo vệ thân chủ hay bảo vệ tài sản nhà nước?

Bình Nguyên| 14/01/2021 06:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan đến xét xử và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã có những phát biểu gây sự chú ý tại phiên họp UBTVQH diễn ra ngày 12/1.

Nhiều người trẻ đã sở hữu tài sản lớn

Theo Báo cáo của TANDTC, nhiệm kỳ 2016-2021, Tòa án các cấp giải quyết gần 2.5 triệu vụ việc các loại, đạt tỷ lệ 97%. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính bảo đảm khách quan, đúng pháp luật.

le-minh-tri-52.jpg
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSNDTC

Trong số gần 2.5 triệu vụ việc đó, các Tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm hơn 7.400 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với hơn 14.500 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cũng cho biết, trong nhiệm kỳ, tổng số tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng.

Từ những vụ án thu hồi tài sản này nhận thấy có một thực tế là “có những người còn đang rất trẻ, chỉ hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng”. Vậy tiền đó ở đâu ra, chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân, chúng ta không đụng vào được. Vì vậy rất cần có một cơ chế pháp lý để kiểm soát số tài sản trong những trường hợp như vậy, để không còn “chỗ ẩn nấp” cho tài sản tham nhũng. Việc kê khai tài sản chỉ trong hệ thống chính trị, nhưng những người tham nhũng thì không bao giờ tự đứng tên. Do đó, cần sớm ban hành Luật Đăng ký tài sản.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao khi tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSNDTC tăng qua các năm. Cùng với đó, TANDTC đã chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ thu hồi tài sản. 100% vụ án và bị cáo bị áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa trong giai đoạn điều tra, truy tố tiếp tục được Tòa án giữ nguyên việc áp dụng các biện pháp này trong giai đoạn xét xử.

Xung đột lợi ích hay không?

Về cho biết vai trò của Luật sư trong các vụ án tham nhũng lớn, ông Lê Minh Trí khẳng định,  vấn đề này liên quan trực tiếp đến cơ quan điều tra và VKS. Luật sư có vai trò rất lớn, góp phần bảo vệ quyền con người, nhưng đặc thù nghề nghiệp là họ phải bảo vệ thân chủ, nên khi hành nghề lại có yếu tố tìm mọi cách để bảo vệ thân chủ của mình, thậm chí còn tìm cách cản trở quá trình điều tra chứng minh tội phạm.

202101111910300230_toan-canh-nd3(1).jpg
Phiên họp thứ 52 UBTVQH

Do có “tính hai mặt” giữa bảo vệ quyền con người và đấu tranh phòng chống tội phạm, nên phải hài hoà trong lộ trình điều tra. “Thời gian qua, tôi chỉ đạo các KSV khi có yêu cầu phải làm đúng quy định của pháp luật. Còn LS “vào sớm” thì cũng phải tùy từng vụ” –ông Trí cho biết.

Viện trưởng Viện KSNDTC nêu ví dụ, có vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trong giai đoạn điều tra, đối tượng đã đồng ý sẽ khắc phục hậu quả 800 tỷ đồng. Nhưng khi Luật sư vào thì lại không đề cập đến việc này nữa, vì luật sư nói nếu nộp 800 tỷ người ta sẽ hỏi số tiền đó ở đâu ra, phải chăng là tiền tham nhũng; như vậy tội còn nặng hơn nên bị can, bị cáo không nói đến số tiền đó nữa.

Hoặc có những trường hợp hứa nộp 500 triệu khắc phục hậu quả nhưng sau 1 lần vợ vào thăm thì thay đổi ngược lại, thay đổi lời khai, không nhận nữa.“Người vợ ấy nói gì mình không biết, nhưng những cuộc gặp như thế xong thay đổi lời khai”, ông Trí cho hay.

“Quá trình điều tra là việc vừa bảo vệ quyền con người, vừa đảm bảo hiệu quả đấu tranh chống tội phạm. Chúng ta phải hài hòa chỗ này. Nếu mình nghĩ đơn giản “cứ vào đi, không có gì đâu” thì có những vụ đáng lẽ thu được ngàn tỉ nhưng cuối cùng không thu được”, ông Trí cho hay.

Tuy nhiên, sau khi phát biểu của ông Lê Minh Trí về việc Luật sư, hoặc vợ bị can, bị cáo có thể có những tác động nào đó đối với chồng/thân chủ của mình sau khi gặp gỡ khiến cho họ thay đổi lời khai không nhận khắc phục hậu quả với số tiền lớn như đã đề cập ở trên, một số Luật sư cho rằng những ý kiến mang tính chất võ đoán như vậy, nếu không có chứng cứ kiểm chứng có thể gây những nghi ngờ trong dư luận và ảnh hưởng không  nhỏ đến nghề nghiệp của họ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng: Bảo vệ thân chủ hay bảo vệ tài sản nhà nước?