Hơn 38 năm là người lính, gần 20 năm trên cương vị một Thẩm phán, điều đó đã giúp tôi có nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình hành nghề luật sư sau khi nghỉ hưu.
Câu chuyện về một bé gái trong vụ án ly hôn cách đây không lâu đã để lại trong tôi kỷ niệm khó quên trên bước đường hành nghề luật sư của mình.
Qua Tổng đài tư vấn miễn phí của Công ty Luật TNHH Trung Cường, tôi nhận lời tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bố trẻ Phạm Ngọc Tùng trong vụ án “giành quyền nuôi con” tại TAND huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Người vợ làm đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu xin ly hôn. Cả hai vợ chồng đồng thuận chia tay, nhưng đều mong muốn được nhận nuôi con chung.
Trước khi nhận lời đề nghị của người chồng mong giành quyền nuôi con, tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu kỹ hoàn cảnh của đôi vợ chồng trẻ, đặc điểm và điều kiện của cả vợ và chồng. Tôi nhận thấy, việc giao con chung cho người chồng nuôi dưỡng sẽ bảo đảm quyền lợi về mọi mặt, kể cả cuộc sống trước mắt cũng như sự phát triển toàn diện, lâu dài của bé. Chính vì vậy, tôi đã đồng ý tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho Tùng – bị đơn.
Chiều nay bố mẹ ra Tòa…
Lịch phiên tòa đã định lúc 13h30 ngày 29/11/2019. Từ Hà Nội, tôi xuất phát sớm hơn giờ dự kiến vì muốn có thời gian thăm con bé đang ở với ba – con chung của đôi vợ chồng trẻ hôm nay sẽ đến Tòa ly hôn.
Trước mắt tôi là bé gái 5 tuổi, trắng trẻo, xinh xắn, lễ phép và vô cùng dễ thương. Mặc dù xa mẹ đã hơn 3 năm, nhưng nó phổng phao và kháu khỉnh hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Nhìn gương mặt bần thần của bé gái mà tôi thấy xót xa vô cùng, tôi hiểu nó đã biết chuyện chiều nay ba mẹ nó ra tòa.
Nằm gọn trong lòng tôi, nó thủ thỉ:
- Bà ơi! Hôm nay bà cho con đi với bà, để con nói với Tòa đừng bắt con theo mẹ!
- Về với mẹ là tốt mà con! Tại sao con không muốn theo mẹ?
- Vì mẹ không đẻ ra con, ba mới là người đẻ ra con bà ạ!
- Vậy con muốn ở với ai?
- Con muốn ở với ba và bà nội! Bà cho con đi với bà, bà nhé!
Bất giác, mắt tôi cay xè và thương con bé vô cùng, mới 5 tuổi đã phải đối mặt với nỗi đau ba mẹ ly hôn, đầu óc non nớt của nó đã phải suy tính, lựa chọn và tìm cách “đối phó” với tình huống “Tòa bắt con đi ở với mẹ”!
Rất may, mong muốn ấy của con bé lại trùng với nguyện vọng của ba nó. Trước đó, dù chưa gặp con bé nhưng tôi đã đề nghị với Thẩm phán Nguyễn Huy Tưởng, Chủ tọa phiên tòa cho bé được đến tòa để được nghe ý nguyện của chính con nói ra, dù cháu chưa đủ 7 tuổi theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, vì lý do khách quan nên lời đề nghị của tôi không được chấp thuận. Thẩm phán lo sợ cháu bé còn nhỏ, khóc lóc, gây khó khăn cho việc tiến hành tố tụng tại Tòa án.
Do không tham gia tố tụng từ giai đoạn đầu, không được dự các phiên hòa giải trước đó, nên tôi thực sự băn khoăn về việc mở phiên tòa chiều hôm ấy. Trong thâm tâm, trước khi khai mạc phiên tòa, tôi vẫn muốn một lần nữa được hòa giải, để đôi vợ chồng trẻ có thể nhìn ra cái lý, cái tình trong việc giành quyền nuôi con mà bớt đi những tranh giành, căng thẳng. Vì vậy, tôi quyết định đề nghị với Thẩm phán, cho tôi xin 30 phút trước khi khai mạc phiên tòa, để Luật sư gặp gỡ đương sự, thêm một cơ hội hòa giải và thuyết phục đôi vợ chồng trẻ, mong muốn tìm giải pháp tốt nhất cho việc nuôi con mà HĐXX không phải ra quyết định.
Rất may, ý kiến ấy của tôi được chủ tọa đồng ý tạo điều kiện. Đây chính là “nút mở” ban đầu để tôi có thể thực hiện được mong muốn hòa giải của mình. Quả thực, tôi thầm cảm ơn Thẩm phán về sự linh hoạt trong tố tụng của ông. Vậy là 13 giờ 30 phút, buổi gặp gỡ với sự có mặt của hai vợ chồng đương sự, Luật sư bảo vệ bị đơn và Chủ tọa, Thư ký phiên tòa. Người chồng và người vợ trình bày ý kiến một cách thẳng thắn, họ giữ nguyên quan điểm đồng ý ly hôn và cả hai đều xin được nuôi con chung, đều không yêu cầu bên kia cấp dưỡng.
Tuy là Luật sư bảo vệ người chồng, nhưng tôi không vì điều đó mà thiên vị hay dồn ép “đối phương”, xuất phát từ tấm chân tình vì con trẻ, vì lợi ích của con trẻ, tôi nói với người vợ: "Cô tham gia tố tụng với danh nghĩa bảo vệ Tùng, nhưng tâm thế của cô không phải vì Tùng mà vì con của cháu, vì muốn bảo vệ quyền lợi đích thực và mọi mặt của con cháu".
Để thuyết phục người vợ, tôi nói với người mẹ rằng cháu có thể xem clip tôi vừa ghi lại trước đó 30 phút, trong đó con bé nói lên nguyện vọng của mình là được ở cùng ba. Tôi thận trọng lưu ý, “cháu có thể kiểm chứng thời gian” ghi hình để biết ngay lúc này con cháu nghĩ gì và muốn gì.
Bằng tấm lòng thương yêu con trẻ, bằng sự trải nghiệm của người bà, người mẹ, tôi đề cập sâu đến diễn biến tâm lý trẻ thơ, những sang chấn tâm lý có thể gặp phải khi trẻ thay đổi môi trường sống quá xa lạ. Khi đặt vấn đề ai nuôi bé, chúng ta không nên đặt ra ưu tiên vợ hay ưu tiên chồng, mà hãy đặt quyền lợi của con trẻ lên trên hết. Mỗi người hãy kiềm chế cái tôi, kiềm chế sự ích kỷ để lo lắng cho chính cuộc sống và tương lai của đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra, để lựa chọn phương án tối ưu nhất cho bé. Đó mới là điều cần được ưu tiên, cần được suy nghĩ thấu đáo, cẩn trọng. Bằng lời tâm sự hết sức chân thành với đôi bạn trẻ, chia sẻ về những vấn đề quan trọng mà người cha, người mẹ nhất thiết phải lưu tâm nghĩ tới khi quyết định dành quyền nuôi con. Cả hai đương sự đều lặng lẽ suy tư trước những vấn đề tôi đặt ra với đứa trẻ.
Người Thẩm phán nãy giờ vẫn im lặng để dành “đất” cho Luật sư, thân chủ và nguyên đơn. Cuối cùng, ông mới lên tiếng: "Tôi nghĩ rằng, Luật sư rất chân tình khi nói ra những điều thiết thực đó. Hai vợ chồng nên lắng nghe Luật sư để thấy cái hơn, cái thiệt, mặt tốt, mặt bất cập nếu như con ở với mình hay với người kia. Hãy vì con mà quyết định để cho người có điều kiện tốt hơn để bảo đảm cho con một cuộc sống tốt nhất cả về vật chất và tinh thần khi nuôi dưỡng trẻ. Nếu các bạn chỉ vì cái “tôi” rất có thể con mình sẽ mất đi cơ hội phát triển tốt hơn, phải chịu những thiệt thòi lẽ ra mà nó không phải chịu trong cuộc đời còn rất dài của nó. Một quyết định không đúng có thể xảy ra chuyện không hay cho bé, người cha, người mẹ sẽ ân hận suốt đời…".
Đừng vì mọi giá tranh giành quyền nuôi con
Thông thường khi giải quyết vụ án án ly hôn, ưu ái giành quyền nuôi con thường được Tòa và Luật sư đứng về phía người phụ nữ. Nhưng trong vụ việc này, sở dĩ chúng tôi làm điều ngược lại là vì cháu bé ở với bố mẹ được hai tuổi thì người mẹ dứt áo ra đi lao động xuất khẩu để làm kinh tế; trong khi, người chồng vô cùng thương con còn quá nhỏ nên hết sức can ngăn vợ xuất ngoại nhưng không kết quả. Do mâu thuẫn với chồng, người vợ vẫn quyết chí ra đi, để lại đứa con thơ miệng còn thơm mùi sữa cho chồng, cho ông bà nội chăm sóc, nuôi dưỡng.
Ba năm trời xa cách, đứa trẻ chưa thể cảm nhận đầy đủ được tình cảm mẹ con. Trong tâm hồn non nớt chỉ có ba mới là người sinh ra và nuôi dưỡng nó. Ký ức hồn nhiên của con bé chỉ là sự chăm sóc, ân cần của ba, của ông bà nội, tận hưởng sự vui vẻ của bạn bè, cô giáo nơi trường mầm non gần nhà trong phố thị; không biết nhiều về mẹ như những đứa trẻ khác…
Vẫn biết rằng, mẹ, ông bà ngoại vô cùng thương yêu nó, nhưng đó là về lý trí và thực tế con bé chưa cảm nhận được. Trẻ em chỉ cảm nhận tình cảm con người một cách cụ thể, hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày đã trải qua với nó mà thôi. Trong hoàn cảnh đó, nếu giao con cho mẹ, là đồng nghĩa với việc dứt nó ra khỏi môi trường sống hết sức thanh bình, yên ấm, quen thuộc để sống trong một môi trường mới hoàn toàn xa lạ, xa lại với ngay cả mẹ ruột của mình… Đó là điều rất khó khăn đối với đứa trẻ.
Cuối phiên hòa giải hôm ấy, tôi đã nói với người mẹ trẻ: “Cú sốc tâm lý có thể khiến con cháu rơi vào tình trạng tinh thần không tốt. Trong khi hiện nay, tự kỷ là một bệnh khá phổ biến đối với trẻ em, nhiều trường hợp có nguyên nhân từ cú sốc tâm lý mà ra. Khi đó, việc chữa trị không hề đơn giản. Vậy nên, cô mong cháu suy nghĩ lại và suy nghĩ thêm cho thấu đáo, hãy vì cuộc sống và tương lai của con. Cháu cố gắng nán lại hai năm nữa, khi con bé bảy tuổi, lúc đó, kinh tế của cháu vững vàng hơn, hỏi ý kiến con, nếu bé muốn sống với mẹ thì cháu có thể xin thay đổi nuôi con vẫn chưa muộn. Và nếu cháu cần, cô sẽ tự nguyện bảo vệ miễn phí trước tòa cho cháu để cháu giành được quyền nuôi con. Trong hai năm đó, cháu hãy dành tình cảm cho con nhiều hơn, gần gũi, thăm nom con nhiều hơn để bé hiểu được rằng, người mẹ là tuyệt vời đối với nó”.
Như hiểu ra vấn đề, người mẹ trẻ gạt đi những giọt nước mắt thương nhớ sau ba năm xa cách con và đồng ý nhường cho ba bé tiếp tục nuôi con và không quên đưa ra điều kiện: “Nếu ba cháu không chăm sóc tốt nhất được cho con thì cháu sẽ làm đơn tới Tòa xin thay đổi người nuôi con”.
Kết thúc buổi hòa giải mà không phải đưa vụ án ra Tòa xét xử, lòng tôi trào dâng nhiều cảm xúc. Hòa giải thành công, cả tôi và Thẩm phán đều cảm thấy nhẹ lòng. Rời Tòa án Thành phố Hoa Lư, tôi trở về Hà Nội trong niềm vui khó tả. Khi việc ly hôn trở thành giải pháp cuối cùng mà các cặp vợ chồng buộc phải lựa chọn, thì việc mang đến niềm vui và hạnh phúc cho con trẻ luôn là những điều mà Luật sư chúng tôi mong mỏi nhất.