Trân trọng lắm những tháng năm biệt phái

Nguyễn Thị Tuyết (nguyên Đại tá, Phó Chánh tòa Tòa Phúc thẩm II, TAQSTW)| 14/10/2020 15:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2014, chúng tôi, 4 “chiến binh”, Thẩm phán Tòa án quân sự nhận lệnh của Quân ủy Trung ương và Chánh án TANDTC thực hiện nhiệm vụ tăng cường xét xử tại Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội. Và đồng đội vẫn gọi nôm chúng tôi là cánh biệt phái.

Có thể nói, hoạt động biệt phái của các Thẩm phán TAQS vốn đã có tiền lệ từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, sang thế kỷ XXI, lãnh đạo TANDTC xét thấy không cần thiết nữa nên dừng lại. Nay, trong hoàn cảnh số lượng các vụ án phải giải quyết tại Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội quá nhiều, mà Thẩm phán trực tiếp xét xử lại quá ít (chỉ có 14 Thẩm phán). Trong khi số lượng án phải giải quyết lên đến hàng ngàn vụ mỗi năm. Cho nên, dù có căng sức đến mấy, cũng không thể giải quyết hết án trong thời hạn luật định. Đây chính là lý do mà hoạt động biệt phái được tiếp tục triển khai để chúng tôi có thể “tiếp sức” đồng nghiệp.

Và thế là, chúng tôi – 4 đại tá, đều là cấp trưởng, cấp phó của Tòa phúc thẩm và Phòng nghiệp vụ, Tòa án quân sự Trung ương, ngay lập tức bắt tay vào nhiệm vụ mới, không một chút băn khoăn.

Những ngày đầu, tâm trạng tôi vừa lo lắng, vừa háo hức. Lo lắng vì hơn 10 năm làm Thẩm phán, nhưng tôi chỉ xét xử các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự, số lượng án chỉ ở mức “bình bình”, chẳng bao giờ bị tồn đọng. Nay được phân công tiến hành xét xử đủ các loại án, không chỉ hình sự, mà cả dân sự, hành chính, thương mại, lao động và hôn nhân gia đình; với số lượng hàng chục vụ trong mỗi tháng, và hầu hết là án phức tạp! Điều đó khiến tôi băn khoăn về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mình?

Còn háo hức, là bởi vì, đó là nhiệm vụ mới mẻ, hoạt động trong môi trường mới mẻ. Trước đây, công việc chỉ hữu hạn trong lĩnh vực quân đội, đồng nghiêp đều là những quân nhân chân chất, hiền hòa. Nay sang lĩnh vực rộng lớn, đồng nghiệp là những công chức dân sự mình chưa hề quen biết và đều thuộc tầm “VIP”. Bước một chân vào lĩnh vực ấy, tôi chắc chắn mình có nhiều điều để khám phá và trải nghiệm.

Trân trọng lắm những tháng năm biệt phái

Bà Nguyễn Thị Tuyết (nguyên Đại tá, Phó Chánh tòa Tòa Phúc thẩm II, TAQSTW).

Tuy nhiên, với tư chất của chiến sỹ đã có hơn 20 năm hoạt động trên mặt trận pháp lý, với bản tính luôn thích khám phá những vấn đề mới mẻ, càng khó khăn, càng hăng hái. Đó như một sự thử thách, một áp lực tích cực đối với bản thân để tôi vượt qua giới hạn của chính mình. Và ở một góc độ khác, sự háo hức, lại cho ta nguồn năng lượng để tăng cường dũng khí và bản lĩnh nghề nghiệp.

Và thế là, tôi bắt đầu xung trận, với hai công việc chính luân hồi: nghiên cứu và xét xử. Hàng tuần, Thư ký chuyên chở hàng chục bộ hồ sơ từ 262 Đội Cấn đến trụ sở TAQS Trung ương bàn giao. Chỉ nhìn thôi, những tập hồ sơ dày cộp, cao ngất, chúng tôi đã toát mồ hôi hột. Phòng làm việc của tôi nghiễm nhiên trở thành cái kho “lưu trữ” đặc biệt, nội bất xuất, ngoại bất nhập, và Thẩm phán là tôi kiêm luôn thủ kho. Tập lớn, tập bé, chồng chồng, lớp lớp đan xen, chen lấn ngập phòng. Nếu không có kế hoạch làm việc hợp lý, nếu không có phương pháp làm việc khoa học, và bổ sung mấy chiêu võ vặt (đinh, ghim, đánh dấu, note…) thì có lẽ chúng tôi đã không thể hoàn thành tốt yêu cầu giải quyết án khẩn trương, nhưng phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Vốn là người không dễ đầu hàng trước những khó khăn, tôi trộm nghĩ, đồng nghiệp làm được, sao mình không thể? Vậy là tôi khóa cửa phòng làm việc “không tiếp khách”, không “chè chén”, tự lên dây cót để quyết tâm, lập kế hoạch công việc cụ thể, đặt mục tiêu phấn đấu cho từng tuần, từng tháng, từng đợt xét xử, kiên quyết hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Làm ngày không đủ, tôi tranh thủ làm đêm. Ngày đọc hồ sơ, ghi lại nội dung tài liệu, chứng cứ, tình tiết vụ án vào sổ, tối về nhà tiếp tục nghiên cứu, soạn thảo bản án đến tận đêm khuya, ấy là thời gian biểu mỗi ngày của tôi trong thời gian “biệt phái”. Cũng vì thế mà thời gian dành cho chồng, con thật ít ỏi. Cũng thật may, tôi có người bạn đời luôn quan tâm, chia sẻ và ủng hộ nên hạnh phúc gia đình vẫn ổn định!

Một trong những lý do khiến tôi miệt mài với công việc biệt phái, bởi tôi hiểu rằng, đây là quá trình trải nghiệm thực tiễn quý giá có một không hai trong sự nghiệp làm công tác xét xử của mình, là thời gian phát huy giá trị của những năm tháng Quân đội đã đào tạo, bồi dưỡng cho tôi. Và quả thực, chính trong thời gian này, tôi đã học hỏi được ở đồng nghiệp rất rất nhiều kiến thức chuyên ngành về áp dụng pháp luật, đặc biệt trong giải quyết các loại án hành chính, dân sự, thương mại và hôn nhân gia đình. Kết quả những tháng năm biệt phái đã giúp tôi vinh dự được có mặt tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

Tôi nghĩ, được làm việc với các anh chị Thẩm phán TANDTC có trình độ cao, giàu kinh nghiệm xét xử là một niềm hạnh phúc. Họ luôn sẵn lòng sẻ chia kiến thức nghiệp vụ, bất kể đó là ngày nghỉ hay đêm khuya. Những cái tên Xuân Khôi, Đinh Sơn, Nguyễn Sơn, Quang Béo, chị Tuyết, chị Linh, em Minh Thu…thường bị tôi “làm dầy” trong những thời khắc mà lẽ ra mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ. Nhưng tôi biết rõ một điều rằng, đêm khuya chính là lúc mà cánh Thẩm phán chúng tôi làm việc hiệu quả nhất, nên chẳng ngại ngần bắn tin mỗi khi gặp vấn đề cần bàn thảo.

Ngày ấy, những chuyến công tác cả tuần bên nhau quả thực đã trở thành ký ức thanh xuân chẳng thể nào quên trong tôi. Từ miền núi xa xôi như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, đến các tỉnh đồng bằng Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…, đồ nghề của chúng tôi là những hòm hồ sơ dày đặc con chữ, được đưa ra mổ xẻ trong mọi hoàn cảnh có thể, để tìm cho ra chứng cứ cần thiết chứng minh sự thật vụ án, để bàn bạc, tranh luận tìm ra phương án xét xử thấu lý, đạt tình nhất cho mỗi số phận, mỗi con người tham gia tố tụng.

Nhiều ngày, việc xét xử kéo dài từ 8 giờ sáng, xuyên qua trưa. Việc 14 giờ chiều mới được ăn trưa là “chuyện thường ngày ở huyện” đối với những ngày công tác tại các địa phương. Nhưng bù lại chúng tôi luôn có nhau, và tình cảm đồng nghiệp, đồng đội vì thế càng ấm áp, đậm đà. Ai đó đã nói rất chí lý rằng: Trong công việc, chỉ ba phần là làm việc, còn bảy phần làm người. Mỗi thành viên trong “gánh hát rong” của chúng tôi là một hoàn cảnh, một số phận. Tâm sự, chia sẻ được với nhau những thăng trầm trong cuộc sống, nhiều khi đó là một cái duyên gặp gỡ, là niềm hạnh phúc chẳng dễ gì có được trong đời. Có lẽ, trong suốt cuộc đời làm công tác pháp luật của mình, tôi không bao giờ quên được những con người giỏi giang và tình nghĩa ấy. Tôi nợ họ một lời cảm ơn chân thành, bởi cũng nhờ những năm tháng gắn bó ấy mà tôi đã trưởng thành lên rất nhiều về trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, nhất là đối với việc giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại hay hành chính. Đó là điều tôi vô cùng trân trọng.

Giờ đây, có dịp nhớ lại những năm tháng gian nan ấy, tôi nghĩ, phải chăng, tư chất của người lính hình thành sau hơn ba mươi năm quân ngũ, cùng phong cách làm việc nghiêm túc của mình, để tôi được các anh chị đồng nghiệp gần gũi, mến mộ và tin yêu.

Qua bài viết này, tôi muốn được bày tỏ lời cảm ơn chân thành nhất tới những anh chị, em đồng nghiệp – những Thẩm phán TANDTC đã giúp đỡ, đồng hành, chia sẻ với tôi trong những năm tháng biệt phái thân thương ấy. Để hôm nay, khi đã trở về làm người “vạn đại”, chúng ta lại có nhiều kỷ niệm để luôn nhớ về nhau bằng tất cả niềm tin yêu, quý mến! Trân trọng lắm những tháng năm “BIỆT PHÁI”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trân trọng lắm những tháng năm biệt phái