Tâm điểm dư luận

Tháo gỡ các “nút thắt” cho nhà ở xã hội

Trung Nguyễn 28/05/2024 - 06:18

Tại Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2004, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội.

Theo báo cáo, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra; doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động.

Xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy: Người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ); nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, người nghèo đang phải chi trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn.

Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy, đến nay mới chỉ có 30/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên Cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 72 dự án; các ngân hàng thương mại đã giải ngân số tiền là 1.144 tỷ đồng (gồm: 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án và 11 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án).

Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, theo báo cáo, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Theo đó, đến nay mới có 30/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 71 dự án.

Trước đó, Báo cáo thị trường bất động sản và nhà ở quý I/2024 do Bộ Xây dựng công bố cho biết, lũy kế từ trước đến nay, trên địa bàn cả nước có 804 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 573.992 căn.

Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 376 dự án với quy mô 195.676 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng: 127 dự án với quy mô 114.984 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 301 dự án với quy mô 263.332 căn.

Ngày 27 và 28/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, với nhiều quy định cụ thể hơn về nhà ở xã hội so với luật cũ. Tiếp đó, ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Việc bộ ba luật mới nói trên cùng có hiệu lực từ đầu năm 2025 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được các “nút thắt”, khơi thông nguồn lực đất đai và nhà ở, trong đó có phân khúc nhà ở xã hội.

Theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, các chính sách mới này cùng với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các chương trình hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo nhà ở cho các đối tượng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ hơn, bảo đảm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tại Tọa đàm “Quy định mới về nhà ở xã hội: Từ chính sách đến thực thi” vừa qua ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết, hiện Bộ Xây dựng đã tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Mục đích là nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển và quản lý nhà ở xã hội; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ các “nút thắt” cho nhà ở xã hội