Khác với ngòi bút bình luận sắc sảo, mẫn tiệp và đặc biệt là giàu sức thuyết phục của nhà báo Hồ Quang Lợi trong những cuốn sách trước. Người đã “nhúng bút” một cách vinh quang vào giai đoạn đặc biệt của lịch sử thế giới, của Việt Nam và tạo nên một khí chất bình luận rất riêng, rất đặc trưng. Trong "Người trên đường đời" lại là những câu chuyện chân thật nhất.
Như nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ: "Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc đặt tên cuốn sách này là gì. Rồi tôi chọn một cái tên rất bình dị, thương mến, là Người trên đường đời. Nó giản dị thôi nhưng tôi nghĩ nó đã chứa đựng được bao thông điệp về con người của chúng ta trong cuộc sống, con người của chúng ta trên thế gian này. Tôi muốn tôn vinh con người, quý trọng con người vì suy cho cùng, con người là tất cả, những phẩm giá của con người là quý giá nhất trên cuộc đời này. Tôi muốn nói đến chữ Người với tất cả những gì trân trọng nhất".
Chính vì vậy, xuyên suốt cả cuốn sách là những câu chuyện về những con người, những sự kiện lịch sử hiếm hoi của đất nước và trên thế giới thật nhưng được kể lại, hiện lên rất đỗi gần gũi, chân phương và giản dị. Những tư liệu lịch sử đáng giá đã được thẩm định, phục dựng, sống lại trong từng trang sách, sống động trong cuộc đời.
Không chỉ riêng cuốn sách này mà với một khối lượng đồ sộ của những tác phẩm, các tập sách đã xuất bản, vậy mà đọc hàng nghìn bài báo của anh vẫn luôn có sự cuốn hút, bởi cách tiếp cận vấn đề trung thực, lập luận sắc sảo, hơi văn sống động và lối diễn đạt giàu hình ảnh “vô tiền khoáng hậu”.
Đó là những câu chuyện về những "món nợ thiêng còn đó”. Không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi khi kể về người bố của mình, nhà báo Hồ Quang Lợi vẫn không kiềm chế được cảm xúc. Bố anh, một người thợ may tài hoa và hiểu biết đã đột ngột ra đi. Sáng hôm ấy, ông Hồ Quang Các đang làm vườn thì lên cơn đau bụng quằn quại, y tá làng chạy đến, suốt ngày tiêm hết cả một rổ thuốc vẫn không đỡ, gần tối thì gia đình quyết định chuyển lên bệnh viện huyện. Nhưng đúng lúc đó, trời đổ mưa như trút, mưa mãi không dứt. Biết mình không thể qua khỏi, bố anh nói để ông ở lại nhà, có đi viện thì cũng chết dọc đường, dù võng cáng khiêng đã chuẩn bị sẵn. Một lúc sau, ông trút hơi thở cuối cùng.
Hồi ấy, làng xóm nghi ngại bố anh có thể bị bệnh tả, nếu không an táng ngay thì sẽ lây lan cho nhiều người. Vậy là mọi người quyết định đưa bố anh ra đồng ngay trong đêm mưa lớn. Một đám tang không có lễ viếng, không lời truy điệu, chỉ có mấy người thân khiêng chiếc quan tài bập bõm đi trong đêm mưa não nùng. Sau này các bác sỹ có kinh nghiệm nói rằng, có thể lúc đó bố anh bị đau ruột thừa cấp tính, nếu được phát hiện và mổ kịp thời thì sẽ qua khỏi. Đến bây giờ đã hơn 50 năm, cảm xúc đau buồn trĩu nặng ấy vẫn đeo đẳng anh, đó là hình ảnh chiếc quan tài bố anh nằm dưới huyệt sâu sũng nước vừa đào vội ở ruộng khoai lang trên cánh Đồng Tương trong tiếng khóc thảm thiết của mẹ anh.
“...Nơi cha nằm ruộng khoai sũng nước
Tiếng nấc chìm hoang vắng đồng xa...”Đó là hai câu thơ buồn trong bài “Hơi ấm đời con” anh làm tặng mẹ mình cách đây 30 năm.
“...Nơi cha nằm ruộng khoai sũng nước
Tiếng nấc chìm hoang vắng đồng xa...”
Đó là hai câu thơ buồn trong bài “Hơi ấm đời con” anh làm tặng mẹ mình cách đây 30 năm.
Trong "Người trên đường đời" là chuyện về sự kiện bi hùng hang tổ 4. Sự hy sinh của 32 thanh niên xung phong, công nhân hy sinh tại hang Khì ở xã Quỳnh Thiện, Quỳnh Lưu, Nghệ An trong chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc ngày 5/8/1964. Nhưng cho đến nay, trong số 32 người đã hy sinh chỉ có một người duy nhất là chị Nguyễn Thị Chuyên (sinh 1945) được công nhận là liệt sỹ. Những “món nợ” nằm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ, vào Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên (Hà Giang)... Đâu đó vẫn còn rất nhiều những anh hùng có danh và vô danh, thân xác vẫn nằm sâu dưới chín tầng đất lạnh chờ người dương thế quan tâm, chăm sóc phần hồn cho người đã xả thân vì đại nghĩa "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Hay như những câu chuyện về "Lam Hạ - Thời tóc xanh, máu lửa" (về 10 cô gái Lam Hạ hy sinh trên mâm pháo), "Mây trắng đồi 82" (đi tìm mộ em trai)...
Đúng là, cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ mấy ai quên… Có gì đó ưu thời mẫn thế, ông cho người ta hiểu hơn về nghề viết. Những giông bão khốc liệt của thế sự, dù bỏng lửa chiến sự hay chết chóc tang thương thế nào đi nữa, cái mà người viết quan tâm nhất, vẫn là thân phận, thân phận con người. Con người với tâm trạng sống và thái độ ứng xử như cần phải có, cho hôm nay và cho mai hậu. “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ nã vào anh bằng đại bác”. Mong rằng lời cảnh tỉnh này sẽ đánh thức được lương tri và lý trí của nhiều người.
Đúng như Giáo sư Vũ Khiêu đã nhận xét, Hồ Quang Lợi “là một nhà bình luận xuất sắc và nhạy bén trước thời sự cuộc sống. Văn phong của anh vừa sáng sủa, khúc chiết nhờ cấu trúc chuẩn mực của Pháp văn, vừa chuyển động liên tục hình ảnh, thể hiện bản lĩnh và cốt cách của riêng anh bằng lượng từ vựng Việt cuốn hút. Có thể coi anh là một nhà văn có tài, bởi những bài báo của anh không chỉ mang tính tân văn mà còn mang tính thẩm mỹ. Nhiều bài báo của Hồ Quang Lợi không chỉ giàu thông tin, nhận định, ý tưởng, mà còn là những bài văn đầy mỹ cảm”.
Đó cũng là lý do để Hồ Quang Lợi có một sự nghiệp báo chí hiển hách: 9 lần đoạt Giải báo chí Toàn quốc và Quốc gia (trong đó có 4 năm liền nhận Giải A). Anh là người nhận giải Báo chí Toàn quốc đầu tiên năm 1991 (lúc đó chỉ có 1 giải cá nhân duy nhất của báo in được trao cho Hồ Quang Lợi); cũng là một người được nhận giải A Giải báo chí Quốc gia đầu tiên năm 2006...
Đánh giá về vai trò của báo chí Việt Nam trong quá trình đồng hành cùng đất nước, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định, 99 năm qua, nền Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã luôn đồng hành trên mọi chặng đường đấu tranh kiên cường của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng vì độc lập tự do, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Từ trong máu lửa chiến tranh, nhiều tác phẩm báo chí đã trở thành "tiếng gọi non sông", thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Trong thời bình, báo chí đã phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, làm nên những thành tựu to lớn. Báo chí là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong cộng đồng thế giới.
Trưởng thành cùng bao thăng trầm của đất nước, lớp lớp những người làm báo đã làm nên truyền thống vẻ vang, đáng tự hào của Báo chí cách mạng Việt Nam. Phó Theo Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, điều sâu sắc nhất, thiêng liêng nhất, đó là làm báo là làm cách mạng, làm báo là để phục vụ Đất nước và Nhân dân, đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Báo chí có trách nhiệm bảo vệ công lý và lẽ phải, cho nên nhà báo phải dũng cảm và có tinh thần dấn thân. Đã nói đến báo chí là nói đến tinh thần chiến đấu, đi đến cùng, làm rõ sự thật, bảo vệ sự thật. Nhưng tính chiến đấu của báo chí phải gắn liền với tính nhân văn.
Chúng ta không thể phơi bày mọi thứ lên mặt báo bất chấp số phận của cá nhân và tập thể có liên quan. Một tin nhạy cảm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm tổn hại lợi ích của ai đó trong chớp mắt có thể gây bão trên mạng xã hội.
Báo chí không thể “theo đuôi” mạng xã hội, trở thành phương tiện lan truyền tin giả, tin xấu độc. Có thể đằng sau mỗi bài báo là sinh mạng, là số phận của một con người hay một tập thể và sau đó nữa còn là bố mẹ, vợ con, người thân của họ. Cho nên, khi nhấn mạnh tính chiến đấu của báo chí, chúng ta cũng phải luôn suy nghĩ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Rồi đi đến quyết định, viết cái gì, viết như thế nào như Bác Hồ đã căn dặn, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Thực hiện: Tuyết Nhung; Đồ họa: Tuấn Dũng.