Chuyển động

Nữ nhà báo dũng cảm của phong trào #Metoo

Hà Mai 19/06/2024 - 22:44

Shiori Ito là nhà báo, nhà văn và nhà làm phim tài liệu. Trọng tâm chính của cô là các vấn đề nhân quyền, dựa trên giới tính. Với những đóng góp của mình cho phong trào #MeToo của Nhật Bản, cô đã được tạp chí Time liệt kê là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới vào năm 2020. Năm 2019, cô cũng được Newsweek chọn là một trong 100 người Nhật được kính trọng nhất.

Vượt qua định kiến

Khi nhà báo Nhật Bản Shiori Ito lần đầu lên tiếng cáo buộc một phóng viên truyền hình nổi tiếng về tội hiếp dâm, trở thành tiếng nói #MeToo hiếm hoi ở quê hương cô, cô gần như đã không được để ý tới. Bất chấp những điều cấm kỵ, cô đã tự tiến hành điều tra vụ án của chính mình, bí mật ghi âm các cuộc điện thoại và cuộc họp, đồng thời thu thập đủ bằng chứng để cuối cùng giành được khoản bồi thường 30.000 USD trong một vụ án dân sự gây chú ý khắp thế giới.

Tại Nhật Bản rất hiếm khi nạn nhân bị hiếp dâm trình báo vụ việc với cảnh sát. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ Nhật Bản năm 2017, chỉ có 4% phụ nữ trình báo. Sau khi tố cáo, Ito đã nhận được những lời dọa giết và phải tạm thời rời khỏi đất nước. Thậm chí, cô cho biết, ngay cả gia đình cũng “ghét những gì tôi đã làm”.

ito3.jpg
Nhà báo Shiori Ito rơi nước mắt khi nói chuyện với các phóng viên bên ngoài Tòa án quận Tokyo vào ngày 18/12/2019, sau khi nghe phán quyết về vụ kiện bồi thường thiệt hại của cô, cáo buộc một cựu phóng viên truyền hình tội hiếp dâm. (Ảnh: AFP)

“Tôi quyết định làm một bộ phim ngay sau khi công khai câu chuyện của mình và tôi đã thấy phản ứng tiêu cực ở Nhật Bản như thế nào”, cô nói. Không có cáo buộc hình sự nào được đưa ra, trong khi Yamaguchi phủ nhận mọi hành vi sai trái và đệ đơn kiện ngược lại Ito.

Tuy nhiên, sau các cuộc biểu tình trên toàn quốc phản đối một loạt vụ tuyên trắng án trong các vụ hiếp dâm, một dự luật đã được thông qua loại bỏ yêu cầu các công tố viên phải chứng minh nạn nhân bị mất khả năng chống lại bạo lực. Độ tuổi đồng ý quan hệ tình dục của Nhật Bản cũng tăng từ 13 - vốn thuộc nhóm thấp nhất thế giới - lên 16 tuổi.

Vào năm 2022, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã giữ nguyên phán quyết của tòa cấp dưới rằng, Yamaguchi đã tấn công tình dục Ito. Theo Ito, việc cải cách pháp luật về tội hiếp dâm ở Nhật Bản là “một bước tiến lớn” nhưng vẫn “chưa đủ”.

ito6.jpg
Những người ủng hộ Shiori Ito giơ biểu ngữ trước Tòa án quận Tokyo. (Ảnh: Japan Times)

“Mọi thứ đang thay đổi”, cô nói. “Chúng tôi lên tiếng chống lại bạo lực tình dục hoặc bất bình đẳng giới, đặc biệt là ở Nhật Bản. Tôi đoán là ở mọi nơi trên thế giới đều có rất nhiều mối đe dọa như vậy”.

Mang cuộc chiến #MeToo tới khắp thế giới

Phim tài liệu “Black Box Diaries” (Nhật ký hộp đen) do Shiori Ito đạo diễn kể về cuộc điều tra vụ tấn công tình dục mà chính cô là nạn nhân, đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt ở nhiều nước trên thế giới - đặc biệt tại châu Phi, nơi còn tồn tại nhiều hủ tục và tiếng nói của phụ nữ chưa được coi trọng.

Bộ phim dài 103 phút kể về cuộc đấu tranh gian khổ kéo dài 5 năm của Ito để đưa phóng viên truyền hình nổi tiếng Noriyuki Yamaguchi, kẻ đã tấn công tình dục cô, ra trước công lý. Vào năm 2015, Ito - khi đó là thực tập sinh 26 tuổi tại tập đoàn truyền thông đa quốc gia Thomson Reuters - đã đi uống rượu với Yamaguchi - cựu Giám đốc Văn phòng Washington (Mỹ) của Hệ thống Phát thanh Truyền hình Tokyo (TBT) để thảo luận về công việc trong lần cả hai trở về Nhật Bản. Sau khi đã say, Yamaguchi đã đưa Ito đến phòng khách sạn mà không có sự đồng ý của cô.

Ban đầu cảnh sát nói với Ito rằng không có đủ bằng chứng, sau đó họ lại nói với cô rằng, họ sẽ bắt giữ Yamaguchi trước khi đột ngột rút lui. Trong phim, Ito ghi lại cảnh một điều tra viên cảnh sát hợp tác nói với cô rằng, lệnh đến từ "cấp trên" và rằng, anh ta đã bị loại khỏi vụ án.

Đầu năm 2024, tại liên hoan phim Sundance, khi được hỏi tại sao cô lại làm bộ phim kể về chính cuộc đời mình, cô nói: “Tôi chỉ muốn kể từ quan điểm của người đã trải qua điều tồi tệ. Nó thực sự là gì. Tôi không muốn ai khác kể câu chuyện của mình".

Ito nói: “Lúc đầu, lý do tôi bắt đầu ghi lại các cuộc trò chuyện với cảnh sát chỉ là để bảo vệ bản thân mình”. Cô giải thích: "Tôi sẽ rất vui nếu họ chỉ điều tra, nhưng mọi chuyện lại không diễn ra như vậy. Vì vậy, tôi tiếp tục đặt câu hỏi".

n-ito-b-20191219.jpg
Shiori Ito giơ tấm biển tuyên bố cô đã chiến thắng trong vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại từ Noriyuki Yamaguchi trước Tòa án quận Tokyo. (Ảnh: KYODO)

Ngày nay, ngày càng có nhiều phụ nữ đòi công lý. Vào tháng 12, ba cựu quân nhân Nhật Bản đã bị kết tội tấn công tình dục nữ đồng nghiệp Rina Gonoi của họ. Vụ việc khiến Ito nhớ đến chính mình về nhiều mặt - bao gồm cả sức ép khi là một phụ nữ lên tiếng bất chấp phản ứng dữ dội không thể tránh khỏi từ mọi phía.

Thậm chí còn có dấu hiệu cho thấy phong trào #MeToo cuối cùng đã lan tới ngành giải trí Nhật Bản. Công ty quản lý nhóm nhạc nam lớn nhất Nhật Bản năm ngoái thừa nhận người sáng lập đã mất Johnny Kitagawa đã lạm dụng tình dục các ngôi sao trẻ đầy tham vọng. Và diễn viên hài nổi tiếng người Nhật Hitoshi Matsumoto mới đây đã bị 2 phụ nữ tố cáo tấn công tình dục. Ông phủ nhận các cáo buộc.

“Đây là một thử thách và một trận chiến liên tục. Chúng tôi không bao giờ có thể dừng lại”, Ito nói.

Ở Nhật Bản, các vụ tấn công tình dục giống như tảng băng trôi dưới lòng đại dương. Nhiều phụ nữ không dám nói ra vì xấu hổ, tuy nhiên đã có một người phụ nữ dũng cảm đứng lên, chống lại mọi thứ và đòi công bằng cho chính mình cùng những người khác. Tên cô ấy là Shiori Ito, một nhà báo đầy triển vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ nhà báo dũng cảm của phong trào #Metoo