Đời sống

Sạt lở 'uy hiếp' mạng lưới điện và đường sắt tại cửa sông Cu Đê

Trang Trần 02/07/2025 - 16:20

Sạt lở nghiêm trọng tại bờ Nam sông Cu Đê khiến UBND TP. Đà Nẵng ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp nhằm bảo vệ trụ điện T57 và hạ tầng thiết yếu.

Sông Cu Đê - dòng sông có lưu lượng nước lớn nhất TP. Đà Nẵng đang đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại khu vực cửa sông, đe dọa hạ tầng thiết yếu và sinh kế của người dân.

Trước diễn biến khẩn cấp của thiên tai, UBND TP. Đà Nẵng đã công bố tình huống khẩn cấp và ban hành lệnh xây dựng công trình kè gia cố tạm, bảo vệ móng cột điện trung thế tại khu vực bờ Nam.

2-7-song-cu-de12.jpg
Sông Cu Đê sạt lở nghiêm trọng, Đà Nẵng ban hành lệnh xây dựng khẩn cấp.

Theo ghi nhận thực tế, khu vực phía nam cửa sông đang bị xâm thực mạnh, sạt lở ăn sâu tới 200m. Đất đá sạt trôi ngổn ngang, nhiều mảng bê tông lớn bị nước cuốn trôi chắn ngang dòng chảy. Hình ảnh này không chỉ phản ánh mức độ nguy cấp của hiện tượng sạt lở, mà còn cho thấy nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân đang sinh sống, đánh bắt thủy sản tại khu vực.

Một ngư dân sinh sống tại phường Hải Vân cho biết, ông thường lặn bắt gần khu vực cửa sông này. Trước đây nước hiền lắm, nhưng vài năm gần đây sạt lở dữ dội, đất bờ cứ thế rơi xuống từng mảng. Gần đây thì ngày càng nghiêm trọng, nước khoét cả vào đường đi.

2-7-song-cu-de9.jpg
Cu Đê báo động đỏ sạt lở, Đà Nẵng dựng kè cứu hạ tầng cấp thiết.

UBND TP. Đà Nẵng cho biết, từ tháng 12/2024 đến nay, hiện tượng sạt lở tại sông Cu Đê gia tăng do tác động kết hợp của gió mùa Đông Bắc mạnh, sóng lớn, cùng địa hình, thủy văn phức tạp.

Đặc biệt, đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 11 đến 13/6 vừa qua đã khiến tình trạng càng trở nên nguy cấp, uy hiếp trực tiếp đến trụ điện T57 của đường dây trung thế 22kV, mô cầu đường sắt Cu Đê và nhiều hạ tầng xung yếu khác.

Trước nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường đã ký Quyết định ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, triển khai kè gia cố tạm, bảo vệ khẩn móng trụ T57 – vốn đang nằm sát mép bờ bị xói mòn.

Theo quyết định này, công trình sẽ sử dụng kết cấu mái kè nghiêng bằng ống địa kỹ thuật Geotube xếp giật cấp, kết hợp lót vải địa kỹ thuật TS60 để chống xói lở.

Toàn tuyến kè dự kiến dài khoảng 150m, kéo dài từ vị trí trụ điện đến khu vực tiếp giáp với Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô. Vật liệu thi công sẽ được khai thác tạm thời từ các cồn cát tự nhiên gần khu vực để đảm bảo tiến độ thi công. Mốc thời gian hoàn thành được ấn định trước tháng 9/2025.

2-7-song-cu-de11.jpg
Bờ Nam sông Cu Đê bị xói lở, trụ điện và hạ tầng đối mặt nguy cơ đổ sập.

UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, công trình này không chỉ mang tính ứng phó tình thế, mà còn là giải pháp quan trọng để bảo vệ hạ tầng điện, đường sắt, tài sản và an toàn tính mạng người dân, đồng thời tạo nền tảng ổn định lâu dài cho vùng bờ phía Nam sông Cu Đê - nơi đang được định hướng khai thác du lịch sinh thái ven sông trong chiến lược phát triển đô thị phía Tây Bắc thành phố.

Cùng với việc ban hành lệnh xây dựng, thành phố cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai biện pháp khắc phục tại hiện trường: lắp đặt biển cảnh báo, rào chắn khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác và theo dõi sát diễn biến địa chất – thủy văn để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống phát sinh.

2-7-song-cu-de13.jpg
Đà Nẵng khẩn trương bảo vệ trụ điện trước dòng chảy cuốn sạt sông Cu Đê.

Sông Cu Đê dài khoảng 38km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua địa bàn xã Hòa Vang và phường Liên Chiểu, đổ ra biển tại Nam Ô - nơi được mệnh danh là “giao điểm của rừng và biển” với tiềm năng lớn về du lịch đường thủy, sinh thái, văn hóa. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở liên tục đang đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển bền vững khu vực này.

Trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, việc đầu tư các công trình phòng chống thiên tai tại những vùng ven sông, cửa biển như Cu Đê không chỉ là giải pháp trước mắt mà cần được lồng ghép vào chiến lược dài hạn về quy hoạch, hạ tầng, và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên gắn với yếu tố lịch sử – văn hóa bản địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sạt lở 'uy hiếp' mạng lưới điện và đường sắt tại cửa sông Cu Đê