Một bé trai 5 tuổi ở Thái Bình vừa phải ra đi oan ức, tức tưởi trong chiếc xe ô tô đã đóng kín cửa dưới cái nóng hầm hập của ngày hè gần 40 độ.
Sự việc gợi lại nỗi ám ảnh tương tự của hơn 4 năm về trước mà nhiều người nghĩ rằng, với nỗi ám ảnh và bài học ấy thì có lẽ người lớn sẽ không còn phạm sai lầm. Nhưng “bóng ma” của ngày hôm qua lại vừa xuất hiện hôm nay.
Chỉ vì thói vô trách nhiệm, cẩu thả của người lớn mà sinh mệnh của một đứa trẻ trong ngày hân hoan đến trường tổng kết năm học đã không được bảo toàn.
5km từ nhà đến trường trong chuyến đi cuối cùng của cháu bé kéo dài đằng đẵng. Người đàn ông phá cửa ô tô để tìm cháu bé kể lại: Khi cháu bé được đưa xuống xe thì đã bất tỉnh, người tím tái, miệng sùi bọt, các đầu ngón tay rỉ máu.
Trang The National.ae đã từng thử nghiệm và khẳng định, một chiếc xe ô tô bị đóng kín sau khi tắt điều hòa, nhiệt độ bên trong có thể tăng thành 50 độ C chỉ trong 20 phút. Khi nhiệt độ bên ngoài là 27 độ C, nhiệt độ trong xe ô tô có thể tăng khủng khiếp lên 37 độ C chỉ trong 10 phút, thêm 10 phút nữa là 42 độ và 90 phút là 60 độ.
Khi một đứa trẻ bị bỏ quên trong xe, trẻ bắt đầu đổ mồ hôi cho đến khi không còn chất lỏng cơ thể nữa, đó là khi huyết áp giảm, oxy đến não từ từ dừng lại và tim ngưng hoạt động.
Còn cháu bé “bị nhốt” trong xe 11 tiếng đồng hồ khi nhiệt độ ngoài trời hôm ấy khắc nghiệt hơn nhiều. Tôi thực sự ám ảnh và không dám tưởng tượng chuyện gì đã xảy ra sau đó. Chuyến xe cuối cùng của cháu bé đã khiến cả xã hội đau xót, bàng hoàng.
Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người”, đồng thời khởi tố bị can, bắt khẩn cấp cô phụ trách đưa đón trẻ của Trường mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 ở thành phố Thái Bình.
Trẻ nhỏ tử vong, người lớn bị bắt. Hẳn nhiên, chẳng ai mong muốn những hệ quả đau lòng như thế. Song, cứ nghĩ tới cảnh, một đứa trẻ 5 tuổi với 11 tiếng đồng hồ hoảng loạn trong cái nóng, cái đói, sự tuyệt vọng và đơn độc thì cái thói vô trách nhiệm, tắc trách khó có thể tha thứ. Bởi, vô trách nhiệm trong trường hợp này chính là tội ác.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo nóng, yêu cầu kiểm soát lại quy trình, chấn chỉnh hoạt động đưa đón trẻ. Khẩu hiệu nghe khá quen tai, bởi nó đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm trước, nhất là sau vụ việc đau lòng xảy ra tại trường Gateway vào tháng 8/2019.
Nhưng rồi sau đó, những đứa trẻ vẫn bị bỏ lại trên xe, cùng năm 2019 ở Bắc Ninh, năm tiếp theo ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. May thay, không có thêm đứa trẻ nào bỏ mạng oan uổng. Vậy mà đến nay, vẫn chưa có giải pháp tổng thể nào về vấn đề này.
Rõ ràng, mọi quy trình đã có nhưng cái quan trọng nhất là trách nhiệm thì lại thiếu. Chẳng có một quy trình nào hoàn hảo nếu thiếu đi trách nhiệm, ý thức của con người.
Đồng thời, thứ trách nhiệm ấy phải thường xuyên được kiểm tra, giám sát; được thực hiện với ý thức công việc cao nhất, thận trọng nhất, tỉ mỉ nhất.