Mặc dù đã có lệnh cấm nhưng chủ cơ sở xưởng tái tế nhựa trái phép quy mô lớn vẫn ngang nhiên hoạt động. Bên cạnh đó, việc sản xuất tại đây gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Xưởng tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường
Thời gian vừa qua, báo Công lý liên tục được phản ánh của hàng trăm hộ dân thôn Trung Phong, xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa về việc xưởng tái chế nhựa của hộ gia đình ông Sỹ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân nơi đây.
Khu đất được sử dụng sai mục đích làm xưởng tái chế nhựa, nhưng bên ngoài vẫn ghi bãi trông giữ xe
Theo phản ánh của các hộ dân, từ khoảng đầu năm 2018, sau khi tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng kiên cố thì một xưởng tái chế nhựa đã xuất hiện nằm giữa khu dân cư. Mỗi khi xưởng tái chế hoạt động thì bốc lên một lượng lớn khói đen ngòm, kèm với đó là tiếng ồn, mùi hôi vô cùng khó chịu. Không những thế, nước thải từ xưởng này được xả thẳng ra môi trường mà không được xử lý.
Cũng từ đó, cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn. Các ngôi nhà luôn trong tình trạng "cửa đóng then cài", không ai dám mở cửa mỗi khi nhà máy này hoạt động. Trớ trêu thay, xưởng tái chế nhựa này gần như hoạt động 24/24. Người già và trẻ nhỏ sống quanh đây đều lâm vào tình trạng khó thở, đau đầu, người lớn còn sức khỏe cũng không thể chịu nổi ô nhiễm xuất phát từ xưởng tái chế này.
“Nhà tôi nằm sát bên cạnh xưởng tái chế nhựa. Mỗi lần xưởng hoạt động là mùi hôi thối kèm khói bụi bốc lên khiến gia đình không dám mở cửa. Về đêm, tiếng máy kêu ầm ầm phát ra khiến chúng tôi không tài nào ngủ được. Mỗi khi gặp luồng gió, mùi nhựa bị đốt cháy khét bay thẳng vào nhà. Người già và trẻ nhỏ đau đầu, khó thở” - bà Nguyễn Thị Dần (hộ dân sống gần cơ sở tái chế nhựa) cho biết.
Hàng chục tấn nguyên liệu được tập kết tại đây
Được biết, nước thải phát sinh từ xưởng tái chế nhựa này được thu gom qua 3 bể lắng lọc sơ sài rồi chảy thẳng ra ngoài theo 2 hướng, một hướng chảy vào trong ao khuôn viên của cơ sở, một hướng chảy trực tiếp ra ruộng lúa, khu vực sản xuất của người dân.
Ngang nhiên hoạt động bất chấp lệnh cấm
Theo tìm hiểu của PV, nhà máy tái chế nhựa này nằm trên khu đất của ông Nguyễn Văn Sỹ. Vào năm 2010, ông Sỹ được UBND huyện Quảng Xương cho thuê lại 10.645m2 đất tại thửa đất số 1143, tờ bản đồ số 04. Đất được thuê với mục đích xây dựng trang trại tổng hợp và đã được UBND huyện Quảng Xương cấp giấy chứng nhận QSD đất.
Thế nhưng thay vì sử dụng đất theo đúng mục đích, khu đất này lại trở thành một xưởng tái chế nhựa trái phép. Được biết, trước khi sản xuất tái chế nhựa, khu đất này đã từng là một nhà máy nước tinh khiết và là một bãi giữ xe.
Trong khi chính quyền đã ban hành lệnh cấm, cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động
Vào ngày 29/1/2018, UBND xã Quảng Phong đã có báo cáo số 06 gửi UBND huyện Quảng Xương về việc hoạt động trái phép tại khu đất được thuê, cũng như xuất hiện người Trung Quốc sinh sống và làm việc tại đây.
Với chức năng, thẩm quyền của UBND xã không đủ để kiểm tra toàn diện việc hoạt động cũng như lưu trú của người nước ngoài nên UBND xã Quảng Phong đã báo cáo UBND huyện cũng như các phòng, ban liên quan để có hướng chỉ đạo, xử lý.
Trong thời gian đó, việc hoạt động của xưởng tái chế nhựa ngày càng gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn, người dân đã liên tục phản ánh đến các các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết thỏa đáng.
Tiếp đến ngày 23/3/2018, UBND xã Quảng Phong tiếp tục có báo cáo số 12 gửi UBND huyện Quảng Xương với nội dung tương tự. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, xưởng tái chế nhựa trái phép vẫn vô tư hoạt động, ngày ngày “bức tử” người dân.
Hệ thống máy móc hiện đại được trang bị phục vụ sản xuất nhựa tái chế trái phép
UBND xã Quảng Phong đã không thể tìm ra cách giải quyết những bức xúc, kiến nghị của người dân sống xung quanh xưởng tái chế nhựa này, thế nên tiếp đến ngày 7/5, UBND xã tiếp tục có công văn “cầu cứu” đến chính quyền huyện Quảng Xương.
Đến ngày 14/5/2018, UBND huyện Quảng Xương thành lập đoàn trực tiếp về kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, cũng như công tác bảo vệ môi trường tại đây. Sau khi kiểm tra thực thế, đoàn kiểm tra đã xác định rõ khu đất cho ông Sỹ thuê được sử dụng sai mục đích, việc sản xuất tại đây gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của người dân dẫn đến bức xúc trong dư luận.
UBND huyện Quảng xương đã yêu cầu ông Sỹ dừng ngay việc hoạt động tái chế nhựa gây ô nhiễm. Các phòng, ban liên quan tham mưu cho UBND huyện các biện pháp xử lý tình hình sai phạm.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cũng đã thành lập đoàn kiểm tra sau đó 2 ngày, tức là vào ngày 16/5. Các sai phạm tương tự cũng được chỉ rõ một lần nữa.
Thế nhưng chỉ vài ngày sau đó, xưởng tái chế nhựa trái phép lại tiếp tục hoạt động công khai, thậm chí đơn vị còn dùng xe tải hạng nặng chở thêm máy móc phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Ngay sau khi phát hiện việc hoạt động trở lại của cơ sở, phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng chính quyền huyện Quảng Xương đã tiến hành vào kiểm tra.
Hoạt động sản xuất gây ô nhiễm từ bên trong nhà máy ra ngoài môi trường
Hiện trạng bên trong xưởng được xác định gồm có 2 dây chuyền sản xuất tạo hạt nhựa. Tại thời điểm kiểm tra doanh nghiệp có khoảng 40 tấn bao bì xác rắn và túi nilong màu sắc khác nhau, được dùng làm nguyên liệu sản xuất hạt nhựa; khoảng 40 tấn hạt nhựa thành phẩm đựng trong các bao bì xác rắn màu trắng được lưu tại xưởng.
Khi đoàn kiểm tra vào, xưởng tái chế nhựa vẫn đang hoạt động, bên trong nồng nặc mùi khét của nhựa. Mẫu nước thải đã được niêm phong để phân tích.
Mới đây nhất, ngày 23/5, UBND huyện Quảng Xương đã có công văn yêu cầu một lần nữa ông Sỹ phải dừng ngay mọi hoạt động kinh doanh gây ô nhiễm, tổ chức tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trước ngày 28/5. Nếu ông Sỹ không thực hiện nghiêm UBND huyện sẽ tiến hành thu hồi lại đất theo quy định.