Nắng nhạt chiếu xuống vườn Bùi tĩnh mịch, chúng tôi lần về thăm từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến (làng Vị Khê, xã Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam)...
Con tạo vần xoay nhưng những di tích vườn Bùi vẫn cổ kính vẹn nguyên. Để rồi lại có dịp nhẩn nha những vần thơ Thu bất hủ. Nạp thêm nhiều điều thú vị về cụ Tam nguyên Yên Đổ qua lời kể truyền tích của hậu duệ đời thứ 5. Ông là Nguyễn Thanh Tùng, người gần nửa thế kỷ nguyện làm rêu phong cỏ úa gắn chặt đời mình để gìn giữ di tích của tiền nhân.
Về chốn cũ nghe chuyện người xưa
Từ Quốc lộ 21B, đi thêm hơn 1km đường làng chúng tôi có mặt tại khu di tích “nhà từ đường Nguyễn Khuyến”. Đón khách tại cổng vào là một ông lão tóc điểm bạc, giọng nói trầm ấm. Đó là ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5 của cụ Tam nguyên Yên Đổ.
Dẫn khách bước qua cánh cổng, ông Tùng chỉ tay lên vòm có đề 3 chữ “Môn Tử Môn” và giải thích rằng: “Môn Tử Môn tức là cửa ra vào của học trò. Qua “Môn Tử Môn” là khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia cổ kính gắn liền với cuộc đời thanh khiết của Nguyễn Khuyến.
Ông Nguyễn Thanh Tùng bên gian thờ Nguyễn Khuyến
Sinh năm 1941, khi còn trai trẻ Nguyễn Thanh Tùng từ bỏ sự học để hăng hái lên đường đi kháng chiến chống Mỹ. Năm 1962-1963, ông Tùng làm công nhân ở cảng Bến Thủy (Nghệ An). Năm 1964, ông chuyển vào hoạt động ở chiến trường Bình-Trị-Thiên, chiến trường miền Nam, sau đó làm quản lý ở tổng kho Cửu Vạn. Hòa bình lặp lại, đất nước thống nhất, nối bước tiền nhân, năm 1976 ông Tùng xin nghỉ công tác về chăm sóc từ đường cụ Tam nguyên.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường gạch cũ, ngắm nhìn chiếc ao thu vốn là niềm cảm hứng sáng tác cho chùm thơ thu nổi tiếng của cụ Tam nguyên, ông Tùng cho biết: “Đây là chiếc ao thu đã được vinh danh 3 lần trong chùm thơ thu nổi tiếng của cụ tôi. Bây giờ do diện tích nhà dân chật chội nên chiếc ao đã thu hẹp lại. Thời cụ tôi còn sống, cái ao này rộng lắm. Giờ tuy đã bị thu hẹp nhưng không gian vẫn rất nên thơ”. Tiếp tục theo chân ông Tùng, chúng tôi tiến đến khu từ đường cụ Tam nguyên.
Từ đường gồm có 5 gian xây gạch, lợp ngói, có 4 hàng cột được đặt trên hệ thống kèo giá chiêng chồng, phía trước là dãy cửa bức bàn bằng gỗ, mỗi gian có 4 cánh. Phía trước từ đường có có 2 cây cổ thụ. Theo lời ông Tùng thì được thụ lộc vua ban, loại nhãn tiến vua trứ danh, nên cụ Tam nguyên đã tự tay trồng ở vị trí trang trọng nhất”.
Phần hậu đường nay vẫn được giữ nguyên vẹn, trong đó có di sản đặc biệt quý giá, đó là hai hòm sách và hai ống quyển lưu giữ những bài văn của cụ Tam nguyên từ ngày cụ còn dùi mài kinh sử. Ông Tùng kể, sau kỳ thi Tân Mùi (1872) cụ đã đỗ đầu 3 khoa, vua Tự Đức ban cho cụ hai tấm bảng “Ân tứ vinh quy” và “Nhị giáp tiến sĩ” để cụ Tam nguyên trở về quê hương vinh quy bái tổ. Phía bên phải hậu đường là bức tượng tạc hình cụ Tam nguyên chống gậy trúc với dáng vẻ khoan thai thoát tục, mắt nhìn trời xanh. Gian bên phải kê một chiếc sập gụ, hiện vật gắn bó với nhà thơ những năm tháng cuối đời.
Cổng “Môn Tử Môn”
Hơn 100 năm kể từ ngày Nguyễn Khuyến mất, theo ông Tùng việc gìn giữ từ đường được xem như là kỳ tích. Bởi trải qua bao năm tháng chiến tranh loạn lạc, đến nay vườn Bùi và từ đường vẫn được gìn giữ như xưa. Ông Tùng kể: “Năm 1947, cụ thân sinh ông là Nguyễn Đức Hùng (hậu duệ đời thứ tư cụ Tam nguyên) làm Tham mưu trưởng Tỉnh đội Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam). Giặc Pháp biết ông tham gia cách mạng đã tìm cách vây bắt. Trong một trận càn, viên đồn trưởng Cầu Sắt nói với quân lính: “Đây là từ đường thờ danh nhân, một vị thánh nho. Cấm không được phá. Còn con cháu theo Cộng sản thì tìm nó mà đánh”. Giờ mỗi lần kể lại chuyện cụ Tam nguyên ông Tùng vẫn rất đỗi tự hào.
Những chuyện chưa biết về cụ Tam nguyên
Nguyễn Khuyến, tên thật là Nguyễn Văn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi, sinh ngày 15-2-1835 tại quê ngoại làng Văn Khê, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội của cụ là làng Và, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Cụ mất ngày 5-2-1909 tại Yên Đổ. Cha cụ Tam nguyên là Nguyễn Tống Khởi (1796-1853), tên thường gọi là Mền Khởi, đỗ ba khóa tú tài, làm nghề dạy học. Mẹ là Trần Thị Thoan (1799-1874), nguyên là con của Trần Công Trạc, từng đỗ tú tài thời Lê Mạt, là một người phụ nữ nết na, nói năng rất nhẹ nhàng như cụ Tam nguyên đã từng viết: “Tiếng nói chưa bao giờ lọt qua khe cửa”.
Theo lời truyền kể của ông Tùng, cha mẹ cụ Tam nguyên lấy nhau nhưng mãi không sinh được con. Rằm tháng Giêng năm 1834, cụ Nguyễn Tống Khởi đã đến chùa núi Quế thắp hương bái Phật, đêm ngủ lại chùa thì được báo mộng là: “Quả phúc nhà người quá lớn nên cửa Phật cho một tiểu đồng để sau này nối dõi”. Sáng tỉnh giấc, cụ Khởi đã đọc một câu đối gửi lại cửa Phật: “Quả phúc kính dâng trên núi Phật /Bụi trần đâu bợ dưới trời tiên”. Đúng đến rằm tháng Giêng năm 1835, Nguyễn Khuyến ra đời. Chính vì nên cụ hiệu là Quế Sơn.
Thuở nhỏ, cụ Tam nguyên vốn là người thông minh, hiếu học nên năm 12 tuổi cụ đã được gia đình cho khăn gói cùng cha lên đường tham dự kỳ thi, song không đỗ. Ngay năm sau địa phương có dịch. Cha và em ruột, bố mẹ vợ cùng nhiều anh em họ hàng thân thuộc qua đời, gia đình lâm vào cảnh xơ xác, tiêu điều, song cụ vẫn theo đuổi các kỳ thi. Mặc dù trải qua 8 lần thi cụ Tam nguyên đều bị trượt mãi đến lần thứ 9 cụ mới đỗ Hội nguyên và Đình nguyên (Hoàng Giáp) từ đó cụ được vua phong tặng danh hiệu “Tam nguyên Yên Đổ” (tức đỗ đầu 3 khoa).
Lý giải sự tình trên, ông Tùng nói: “Sở di 8 lần đi thi cụ đều bị trượt là vì cụ rất ghét quan chữ (tức bọn tấu hót xu nịnh vua) nên lần thứ 8 đi thi vẫn không đậu, về mọi người hỏi: “Thi thế nào?”. Cụ bảo: “Không ai chấm được đâu!”. Nhưng tại sao thi trượt mà cụ vẫn thi?. Cụ thi để nói hết được những gì bức xúc của dân, của xã hội để phơi bày trong bài thi. Mãi đến lần thứ 9 cụ mới đỗ và cụ đã đỗ đầu 3 khoa”.
Năm 1873, cụ Tam nguyên được bổ làm Đốc học, rồi thăng Án sát tỉnh Thanh Hóa. Năm 1883, quân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần hai, triều Nguyễn phải ký hiệp ước Harmand ngày 25-8-1883. Cụ Tam nguyên được cử làm Phó sứ sang Mãn Thanh. Cụ đã ra Bắc nhưng chuyến đi sứ ấy bị bãi. Cụ lấy cớ đau yếu, xin tạm về quê dưỡng bệnh thì trung tuần tháng 12 năm 1883 triều Nguyễn cử cụ làm Tổng đốc Sơn Hưng, song cụ không chịu đến nhận chức mà cáo quan về quê khi mới 50 tuổi.
Cụ Tam nguyên nổi tiếng là thanh liêm, chính trực. Nhiều giai thoại kể về đời sống và sự gắn bó của cụ với nhân dân, quê hương, đất nước. Cụ còn được mệnh danh là “thần thơ thánh chữ”, một nhà thơ có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc sống và gắn bó với thiên nhiên. Năm 2001 nhà thơ Huy Cận đã về thăm “nhà từ đường Nguyễn Khuyến” và gửi lại 4 câu thơ: “Kính thăm cụ Nguyễn Tam nguyên / Một nguyên cũng đủ làm nên thơ trời/ Thơ quê hương thơ tình đời/ Ngàn năm vọng mãi thơ người Tam nguyên”. Vua Tự Đức cũng từng đề tặng 2 câu thơ “Thịnh đức mậu công truyền tri bách thế / Thần trung tử hiếu duy thử nhất tâm” ( Đức dày công lớn truyền muôn thuở/Con hiếu tôi trung trọn tấm lòng)…
Cụ trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5-2-1909 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Kỷ Dậu), thọ 75 tuổi. Trước khi ra đi cụ vẫn đề thơ dặn dò con cháu và thể hiện một tấm lòng son sắc không cùng một giuộc với quan tham bán nước:
“…Việc tống táng nhung nhăng qua quýt
Cúng cho thầy một ít rượu, hoa
Và đề mấy chữ trên bia
Rằng: “Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”.
Đoàn Gia