TAND cấp cao tại Hà Nội đạt nhiều thành tích về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm

Toàn Vũ| 28/10/2020 16:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 28/5/2015, TAND cấp cao tại Hà Nội được thành lập, chức năng là xét xử phúc thẩm các bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực có kháng cáo, kháng nghị của 28 Tòa án cấp tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, đơn vị còn giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị phát hiện có sai lầm nghiêm trọng đối với các Tòa án tỉnh nêu trên.

Vụ, việc có xu hướng tăng

Thống kê cho thấy, bình quân mỗi năm, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp nhận khoảng 8.000 đến 12.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (chủ yếu là đơn giám đốc thẩm). Sau khi phân loại, xử lý các loại đơn trùng, đơn hết thời hiệu, đơn không thuộc thẩm quyền thì số đơn đủ điều kiện thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là 2.000 đến 3.600 vụ/việc (bao gồm các bản án, quyết định về tranh chấp hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động, hôn nhân gia đình).

ca-nhan-tieu-bieu.jpg
Buổi gặp mặt các cá nhân điển hình tiên tiến

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, Thẩm tra viên được phân công nghiên cứu tham mưu giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, công tác tại 3 Phòng giám đốc, kiểm tra: Phòng giám đốc kiểm tra về hình sự, hành chính (Phòng 1); Phòng giám đốc kiểm tra về dân sự, kinh doanh - thương mại (Phòng 2); Phòng giám đốc kiểm tra về lao động, hôn nhân gia đình và người chưa thành niên (Phòng 3) là 36 người nên áp lực công việc rất lớn. Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành và Nghị quyết của Quốc hội trong việc giải quyết 60% đơn đề nghị giám đốc thẩm là một vấn đề cấp bách, cần có giải pháp đột phá trong đó có giải pháp về sử dụng nhân lực và khoa học công nghệ.

Riêng năm 2018, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp nhận 8.686 đơn; xử lý phân loại và thụ lý 3.617 đơn/vụ (bao cả đơn/vụ của năm 2017 chuyển sang); đã giải quyết được 2.505 vụ đạt tỷ lệ 69% (2.502/3.617) vụ/việc, còn lại 1.115 vụ/việc (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao).

Năm 2019, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm là 8.340 đơn, trong đó có 6.553 đơn không thuộc thẩm quyền, trùng lặp hoặc chưa đủ điều kiện thụ lý; thụ lý mới 1.684 vụ/việc đề nghị giám đốc thẩm tái thẩm. Tổng số vụ/việc cần phải giải quyết là 2.799 vụ/việc. Kết quả giải quyết: 1.987 đơn/vụ/việc, đạt tỷ lệ 71% (vuợt chỉ tiêu Quốc hội giao).

Tính đến tháng 9 năm 2020, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội hơn 73%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó tỷ lệ dân sự đạt 72,8%. Tỷ lệ xét xử án giám đốc thẩm án kinh tế là trên 90%, tỷ lệ xét xử án dân sự là 89,9%.

Có thể thấy rằng, số lượng đơn đề nghị giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng phức tạp, kết quả giải quyết đơn cho thấy sự cố gắng của Toà án khi tỷ lệ giải quyết đơn có chiều hướng tăng lên trong những năm vừa qua. Quá trình giải quyết, Tòa án đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ/việc quá thời hiệu giải quyết.

Nhiều giải pháp xử lý đơn, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm

Trong năm 2019, số án phải giải quyết theo thủ tục phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội là 2.694 vụ/việc, đã giải quyết 2.130 vụ/việc, tồn 564 vụ/việc. Trong số 258 bản án/quyết định có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Uỷ ban Thẩm phán xét xử được 238 vụ/việc, đạt tỷ lệ 92,2%. Với số lượng án phúc thẩm lớn, trong khi còn phải đảm nhiệm các công tác khác nên cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng xét xử giám đốc thẩm bởi thời gian nghiên cứu hồ sơ để xem xét kháng nghị không được đảm bảo.

thom.jpg

Tuy nhiên, theo đánh giá của TANDTC (thông qua kết luận của các đoàn kiểm tra và công tác giám đốc thẩm của các Vụ giám đốc kiểm tra) cho thấy công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm/tái thẩm hoàn thành tốt về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Kháng nghị của Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội và quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội có căn cứ, tỷ lệ các quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội bị Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy, sửa thấp.

Thực tế cho thấy, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội và các lãnh đạo phụ trách công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc, tái thẩm chỉ đạo quyết liệt, đưa nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm. Trong đó, Tòa án xác định các yếu tố tác động đến việc giải quyết đơn, từ đó có các sáng kiến giải pháp đột phá để đạt được tỷ lệ giải quyết đơn ngày càng cao và hiệu quả. Có thể nói, các quy định của pháp luật tố tụng là “xương sống”, là căn cứ để Toà án giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm. Ngoài ra, bộ phận chức năng còn phải nghiên cứu và nắm vững các quy định khác liên quan như Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và quy trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm theo Quy chế 625/QĐ-CA ngày 06/9/2016 của Chánh án TANDTC.

Vì lẽ đó, TAND cấp cao tại Hà Nội đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về giám đốc thẩm, tái thẩm và quy trình giải quyết đơn. Nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về giám đốc thẩm, tái thẩm. Các cán bộ đã hiểu đúng và nắm chắc nội dung pháp luật, đặc biệt lưu ý đối với các quy định về thời hạn, thời hiệu được quy định trong pháp luật tố tụng cũng như trong Quy chế giải quyết đơn. Đối với những điều luật quy định còn chung chung, chưa quy định rõ thì mỗi cán bộ làm công tác giám đốc thẩm nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu các quy định để áp dụng cho đúng. Ngoài ra, họ còn tham khảo án lệ để có đường lối giải quyết thống nhất, phù hợp.

Kết quả xử lý và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội năm 2018 và năm 2019 đạt vượt mức chỉ tiêu, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của ngành và đơn vị vinh dự được nhận Cờ thi đua. Để đạt thành tích đó là sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội và lãnh đạo phụ trách công tác giám đốc thẩm. Không những vậy, đó còn là sự chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Chánh án và lãnh đạo nói chung, cùng với niềm đam mê công việc của Thẩm tra viên làm công tác giám đốc thẩm; sự vất vả, khắc phục mọi khó khăn của thành viên Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội.

"Bản thân là Tiến sỹ Luật học, Thẩm tra viên, Trưởng phòng giám đốc, kiểm tra, tôi đã có nhiều biện pháp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và các kháng nghị của người có thẩm quyền đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực thì tỷ lệ án dân sự chiếm khoảng 70%. Vì thế, với 14 Thẩm tra viên của Phòng Giám đốc, kiểm tra dân sự và kinh doanh, thương mại tham mưu giúp việc cho Ủy ban Thẩm phán và Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn.

Năm 2017, tôi được bổ nhiệm là lãnh đạo Phòng giám đốc, kiểm tra dân sự và kinh doanh thương mại, tôi đồng hành cùng 2 lãnh đạo Phòng và 11 Thẩm tra viên trong phòng đoàn kết, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ do lãnh đạo TAND cấp cao tại Hà Nội và Chánh án TANDTC giao. Năm năm qua, Phòng giám đốc, kiểm tra sự và kinh doanh, thương mại liên tục nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và 2 lần được nhận Bằng khen của Chánh án.

Tôi cùng Thẩm tra viên trong phòng đã tích cực trong công tác hòa giải, ngay từ khi thụ lý đến khi có kết quả giải quyết đơn, đặc biệt là các vụ án đòi tài sản, tranh chấp lãi vay, buộc thực hiện nghĩa vụ, tranh chấp đất đai nhà, các quan hệ phát sinh trong gia đình, dòng tộc, làng xóm… Đơn cử đó là vụ “Tranh chấp tiền vay” giữa nguyên đơn là ông Bùi Bá Thiện với Công ty Trường Linh (Bản án dân sự phúc thẩm số 243/2018/DS-PT ngày 4/10/2018 của TAND thành phố Hà Nội). Sau khi nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm, nghiên cứu hồ sơ vụ án nhận thấy vụ án có dấu hiệu cho vay lãi nhập gốc. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm chưa làm rõ và đánh giá chứng cứ về các khoản tiền vay gốc và lãi trả, mà chỉ căn cứ vào giấy chốt nợ do một bên xuất trình, trong khi bị đơn vẫn tiếp tục trả nợ sau ngày chốt nợ của nhiều đợt. Tôi đã tham mưu lãnh đạo kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên.

Sau khi Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị trong thời hạn thụ lý xét xử giám đốc thẩm, ngày 22/9/2020 tôi đã hòa giải thành công, lập biên bản hòa giải thành nguyên đơn từ yêu cầu đòi nợ 58.200.000.000 đồng, nay chỉ yêu cầu bị đơn trả 38.200.000.000 đồng. Bị đơn đã nhất trí với yêu cầu của nguyên đơn đưa ra và đồng ý trả cho nguyên đơn số tiền như đã hòa giải. Ngày 28/9/2020, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm ghi nhận kết quả hòa giải ngày 22/9/2020, kết thúc vụ án tranh chấp vay tài sản rất phức tạp về đánh giá chứng cứ có lãi nhập gốc.

Ngoài ra, tôi và các Thẩm tra viên Phòng giám đốc, kiểm tra dân sự, kinh doanh thương mại còn tổ chức hòa giải thành công nhiều vụ án khác như: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 33/2013/QĐST-DSST ngày 08/7/2013 của TAND huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội; Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 31/2015/KDTM-ST ngày 14/8/2015 của TAND huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng; Bản án dân sự phúc thẩm số 62/2014/DS-PT ngày 26/8/2014 của TAND tỉnh Phú Thọ; Bản án dân sự phúc thẩm số 15/2015/DS-PT ngày 08/5/2015 của TAND thành phố Hải Phòng…" -  Bà Đặng Thị Thơm, Trưởng phòng Giám đốc, kiểm tra dân sự và kinh doanh, thương mại TAND cấp cao tại Hà Nội- một trong 96 cá nhân điển hình tiên tiến được vinh danh tại Hội nghị thi đua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND cấp cao tại Hà Nội đạt nhiều thành tích về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm