Công trình trụ sở của TANDTC: Kiến trúc hài hòa, độc đáo, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật

Văn Lập - Nguyễn Dương| 28/10/2020 09:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với quyết tâm cao và nỗ lực vượt qua khó khăn của Lãnh đạo TANDTC, công trình Trụ sở làm việc của TANDTC tại 43 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng với rất nhiều ưu điểm và là niềm tự hào của cán bộ, công chức ngành TAND.

tru-so-tandtc.jpg

Đây là công trình chào mừng 75 năm Ngày Truyền thống TAND (13/9/1945-13/9/2020), hướng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong lần đến thăm và làm việc tại TANDTC mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao về ý tưởng, kiến trúc hài hòa, độc đáo, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật của trụ sở TANDTC.

Từ Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp Quốc gia…

Trụ sở TANDTC tại số 48 đường Lý Thường Kiệt quận Hoàn Kiếm thành phố Hà Nội là công trình đã tồn tại hơn 100 năm, nằm giữa thủ đô Hà Nội, luôn được đánh giá là công trình đẹp, có hình khối bề thế, uy nghiêm.

tru-so-tandtc2.jpg
tru-so-tandtc3.jpg
tru-so-tandtc4.jpg

Trụ sở TANDTC bắt đầu có thiết kế sơ bộ từ năm 1900, đến năm 1905 thì được duyệt kinh phí trên cơ sở thiết kế được chấp thuận. Năm 1906 công trình bắt đầu được xây dựng, đến năm 1911 thì hoàn thành đưa vào sử dụng. Lúc đó, công trình không có hàng rào bảo vệ, chỉ có cây xanh và tuyến đường đi bao quanh công trình.

Khuôn viên đặt trụ sở là khu đất hình vuông có diện tích 13.916m2, giới hạn bởi 4 tuyến phố, ngày nay mang tên là phố Lý Thường Kiệt và phố Hai Bà Trưng, hướng ra một giao lộ được tạo thành bởi phố Lý Thường Kiệt, phố Thợ Nhuộm và phố Dã Tượng.

Trong quá trình sử dụng, người Pháp đã tiến hành tu bổ, cải tạo một số hạng mục, như: Cải tạo tầng áp mái thành phòng lưu trữ hồ sơ; sửa chữa mái nhà; rải đá đường đi khuôn viên; xây dựng hàng rào bê tông xung quanh.

Đây là một trong những công trình kiến trúc công cộng theo phong cách tân cổ điển đầu tiên ở Hà Nội. Mặt bằng không gian tòa nhà được cấu trúc kiểu đối xứng qua trục trung tâm, gồm năm tầng. Hình khối kiến trúc của công trình được thiết kế theo dạng đối xứng. Khối trung tâm được thiết kế với bộ mái nhô cao, được đỡ bởi hàng cột theo thức Doric La Mã, kết hợp với hai cầu thang ngoài hình chữ L được trang trí thận trọng, tạo ra điểm nhấn và làm tăng tính uy nghi của tòa nhà. Đây không chỉ là nét độc đáo của công trình so với các tòa nhà tân cổ điển khác ở Hà Nội mà còn là nét độc đáo khi so sánh với các tòa nhà theo phong cách tân cổ điển ở chính nước Pháp.

tru-so-tandtc5.jpg
tru-so-tandtc6.jpg
tru-so-tandtc7.jpg

Hai cánh nhà được thiết kế với nhịp điệu nhỏ hơn, giữa các cửa là hàng cột giả theo thức Ionic với dáng vẻ nhẹ nhàng, làm tôn nổi khối trung tâm. Cuối hai cánh nhà là hai khối hình chắc, đậm, nhô mạnh ra phía trước tạo ra sự kết thúc khỏe khoắn theo phương ngang và góp phần làm tăng vẻ hoành tráng cho tòa nhà.

tru-so-tandtc9.jpg

Từ khi được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1911 cho đến nay, công trình đã trải qua hàng thế kỷ và chứng kiến những thăng trầm của lịch sử. Dù được sử dụng đúng công năng, nhưng do tác động của môi trường, của thời gian và con người nên đến nay công trình đã có những dấu hiệu xuống cấp; có nhiều vết nứt tại tường và trần các tầng; các lớp trát đã ngấm mốc và bong tróc… một phần đất của khuôn viên đã bị sử dụng làm thổ cư và nhà ở của cư dân…

Do vậy, cần phải phục dựng lại khuôn viên vốn có của công trình; đồng thời tôn tạo một số chức năng nhằm tương thích với vị trí, vai trò của cơ quan xét xử cao nhất. Với phương cách bố cục hình khối kiến trúc theo phong cách tân cổ điển một cách chuẩn mực cùng các hình thức trang trí cầu kỳ, tinh xảo, được cân nhắc kỹ lưỡng. TANDTC đã quyết định trùng tu trụ sở làm việc tại 48 Lý Thường Kiệt. Hiện nay, các công việc trùng tu phần ngoài nhà đã được hoàn thành và trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục tu bổ, sửa chữa, phục dựng lại toàn phần bên trong toà nhà theo kiến trúc nguyên gốc để đảm bảo trụ sở vừa là di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia, vừa là nơi làm việc của cán bộ, công chức TANDTC.

tru-so-tandtc8.jpg

Ngày 13/12/2019, Trụ sở TANDTC tại số 48 đường Lý Thường Kiệt đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 4441/QĐ-BVHTTDL. Việc được xếp hạng di tích Kiến trúc- Nghệ thuật cấp Quốc gia đã thể hiện được công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật mà còn thể hiện tầm vóc, sự uy nghi của cơ quan tư pháp cao nhất của đất nước.

…Đến công trình thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của TAND

Đây là quyết tâm của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC trong việc góp phần nâng cao vị thế của Toà án, xứng tầm là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đồng thời cũng là biểu hiện cụ thể sự quan tâm, chăm lo tới cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện môi trường làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động TAND.

TANDTC hiện có 13 đơn vị trực thuộc đang làm việc ở những địa điểm khác nhau. Việc các đơn vị làm việc phân tán nhiều nơi đã gây khó khăn cho việc điều hành, quản lý và bảo vệ của TANDTC.

tru-so-tandtc10.jpg
tru-so-tandtc11.jpg

Trên thực tế, nơi làm việc của cán bộ, công chức TANDTC ở những địa điểm cách xa nhau đã không đáp ứng được yêu cầu về diện tích công tác, các điều kiện, phương tiện làm việc không những không đảm bảo an toàn nơi làm việc mà còn không đảm bảo về yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ. Mặt khác, các đơn vị ở những trụ sở khác nhau đều phải sử dụng các diện tích phục vụ công tác như khu in ấn tài liệu, hội trường, phòng tiếp khách, tiếp dân, kho tàng .v.v. Việc này vừa làm lãng phí kinh phí đầu tư, kinh phí hoạt động, vừa lãng phí diện tích làm việc.

tru-so-tandtc12.jpg
tru-so-tandtc13.jpg

Từ thực trạng đó, Ban cán sự Đảng TANDTC đã báo cáo Chính phủ cho phép cải tạo, xây dựng lại toàn bộ khu 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội theo hướng bảo tồn công trình cổ, tạo điểm nhấn về kiến trúc đô thị và xây dựng tăng thêm diện tích làm việc cho TANDTC theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Thực hiện Thông báo số 206/TB-VPCP ngày 5/6/2018 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 28/6/2018, TANDTC đã ban hành Quyết định số 83A/QĐ-TANDTC-KHTC về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng mới trụ sở làm việc TANDTC số 43 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội với tổng mức đầu tư 790,813 tỷ đồng.

Công trình trụ sở TANDTC tại 43 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội được khởi công xây dựng từ ngày 17/9/2019 với 399 ngày đêm thi công liên tục ba ca/một ngày với những khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. Trước tình hình này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã ra các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch, biện pháp giãn cách trong công tác thi công xây dựng và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Với tinh thần quyết tâm và được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động TANDTC và các nhà thầu liên quan đã vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng đại dịch Covid-19, thi công xây dựng công trình hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng cao và được Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Trụ sở TANDTC là một trong số ít công trình trên địa bàn thành phố Hà Nội có vị trí rất đắc địa, tiếp giáp với bốn tuyến phố. Phía Đông Bắc giáp phố Hai Bà Trưng, phía Tây Nam giáp phố Lý Thường Kiệt, phía Đông Nam giáp phố 19 tháng 2; Phía Tây Bắc giáp phố Hỏa Lò.

Phong cách kiến trúc của tòa nhà mới đảm bảo phù hợp với kiến trúc của tòa nhà 48 Lý Thường Kiệt do người Pháp thiết kế, xây dựng, tạo thành một quần thể thống nhất, có sự giao thoa giữa kiến trúc cũ và kiến trúc mới. Hai tòa nhà đều được thiết kế đối xứng qua trục trung tâm, tạo sự cân bằng, mặt đứng các công trình mang phong cách tân cổ điển, với tổ hợp không gian kiến trúc tiện nghi đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của công trình hiện đại mang tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp cao nhất nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bên cạnh nằm cạnh di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, tạo thành một quần thể bảo tàng lịch sử.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, của công chúng, đây là công trình thể hiện được những giá trị tinh túy, ưu việt trong kiến trúc, nghệ thuật; thể hiện quyền lực của Nhà nước, quyền lực công, quyền lực tư pháp và sự uy nghiêm của cơ quan xét xử cao nhất.

Vị trí cao nhất của công trình là phòng xét xử của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, ở trung tâm tòa nhà, được thiết kế với vòm mái che bằng kính với ý nghĩa hoạt động xét xử của Tòa án dưới ánh sáng thanh thiên bạch nhật, đúng như bản chất của hoạt động Tòa án: minh bạch, có trời đất chứng giám …

Giữa tòa nhà mới và tòa nhà cũ có khoảng vườn trở thành nơi thư giãn của CBNV sau giờ làm việc căng thẳng, áp lực để lấy lại sự cân bằng. Vườn này được đặt tên Công lý – mang ý nghĩa gạch nối giữa quá khứ và hiện tại; kết nối giữa xưa và nay. Trong vườn Công lý có trồng 2 cây tùng: Một cây do Chủ tịch Quốc hội và một cây do Chánh án TANDTC trồng. Giữa vườn có đài phun nước có một chữ Tâm màu vàng (tấm lòng vàng, làm việc phải có tâm) cùng 7 chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán.

Khu hội trường lớn với sức chứa 600 người được thiết kế toàn bộ dưới tầng hầm. Công trình được đầu tư đồng bộ từ thiết kế tới nội thất, các chi tiết khác của công trình đều được tính toán tỉ mỉ, cẩn thận để phù hợp với yêu cầu, tính chất công việc của Tòa án, cũng như công năng, tiện ích cho người sử dụng.

Trong tòa nhà có thiết kế 01 thư viện đọc và thư viện điện tử để nghiên cứu nghiệp vụ.

Công trình trụ sở làm việc TANDTC do Liên danh Công ty Cổ phần tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng - Coninco và Công ty Inros Lackner Se (Cộng hòa Liên bang Đức) thiết kế, được thi công bởi Công ty Cổ phần Vinhomes, tư vấn quản lý dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành – Bộ Xây dựng và do Công ty Cổ phần tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng – Coninco giám sát.

Cùng với công trình trụ sở làm việc cũ tại số 48 Lý Thường Kiệt, công trình trụ sở mới của TANDTC sau khi đưa vào sử dụng sẽ là nơi làm việc của toàn bộ cán bộ, công chức và người lao động TANDTC đáp ứng tinh thần cải cách tư pháp từ năm 2005 đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các năm tiếp theo.

Trong lần đến thăm và làm việc tại TANDTC mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao về ý tưởng, kiến trúc hài hòa, độc đáo, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật của trụ sở mới TANDTC.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Tòa án là nơi xét xử, thể hiện quyền lực Nhà nước nên cần thiết phải xây dựng trụ sở trang nghiêm. Để xây dựng Nhà nước pháp quyền thì cơ quan thực hiện quyền tư pháp phải đàng hoàng. Chủ tịch Quốc hội khẳng định công trình sau khi hoàn thành không chỉ là niềm tự hào của TAND mà còn là một điểm nhấn của kiến trúc Thủ đô, góp phần tạo nên sự trang trọng, uy nghi của TAND, với chức năng là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý.

tru-so-tandtc14.jpg

Tòa nhà trụ sở của TANDTC được xây dựng trên diện tích 6.417 m2 với quy mô 6 tầng nổi và 4 tầng hầm. Trong đó có một số điểm nhấn như:

Vị trí cao nhất của công trình là phòng xét xử của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, ở trung tâm tòa nhà, được thiết kế với vòm mái che bằng kính với ý nghĩa hoạt động xét xử của Tòa án dưới ánh sáng thanh thiên bạch nhật, đúng như bản chất của hoạt động Tòa án: minh bạch, có trời đất chứng giám …

Giữa tòa nhà mới và tòa nhà cũ có khoảng vườn trở thành nơi thư giãn của CBNV sau giờ làm việc căng thẳng, áp lực để lấy lại sự cân bằng. Vườn này được đặt tên Công lý – mang ý nghĩa gạch nối giữa quá khứ và hiện tại; kết nối giữa xưa và nay. Trong vườn Công lý có trồng 2 cây tùng: Một cây do Chủ tịch Quốc hội và một cây do Chánh án TANDTC trồng. Giữa vườn có đài phun nước có một chữ Tâm màu vàng (tấm lòng vàng, làm việc phải có tâm) cùng 7 chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán.

Khu hội trường lớn với sức chứa 600 người được thiết kế toàn bộ dưới tầng hầm. Công trình được đầu tư đồng bộ từ thiết kế tới nội thất, các chi tiết khác của công trình đều được tính toán tỉ mỉ, cẩn thận để phù hợp với yêu cầu, tính chất công việc của Tòa án, cũng như công năng, tiện ích cho người sử dụng.

Trong tòa nhà có thiết kế 01 thư viện đọc và thư viện điện tử để nghiên cứu nghiệp vụ.

Công trình trụ sở làm việc TANDTC do Liên danh Công ty Cổ phần tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng - Coninco và Công ty Inros Lackner Se (Cộng hòa Liên bang Đức) thiết kế, được thi công bởi Công ty Cổ phần Vinhomes, tư vấn quản lý dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành – Bộ Xây dựng và do Công ty Cổ phần tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng – Coninco giám sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công trình trụ sở của TANDTC: Kiến trúc hài hòa, độc đáo, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật