Trong những năm qua, TAND các cấp đã kịp thời bồi thường cho người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân.
Hiện tại, lãnh đạo TANDTC đang chỉ đạo các Tòa án rà soát lại tất cả các bản án hình sự có đơn kêu oan, có kiến nghị của các cấp, phản ánh của báo chí, nhất là các bản án có mức án cao, các yêu cầu bồi thường của công dân thuộc lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, trong thi hành án dân sự…
Các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại
Với mục tiêu bảo đảm quyền con người, quyền tự do thân thể, quyền tự do dân chủ và các quyền cơ bản khác của công dân, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề phòng, chống oan, sai trong TTHS. Bên cạnh việc đề ra các quy định nhằm ngăn ngừa, hạn chế oan sai, Nhà nước đã có những quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị oan do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Theo đó, những người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự; người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi. Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm oan phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan; người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật…
Để cụ thể hơn về việc bồi thường, ngày 17/3/2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 388/2003/UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động TTHS gây ra. Theo quy định của Nghị quyết số 388/2003 thì các trường hợp được bồi thường thiệt hại gồm: Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động TTHS huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; Người bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động TTHS huỷ bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội; Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội… Đồng thời, ngày 25/3/2004, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 388.
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa thăm hỏi, động viên ông Trần Văn Thêm
Tổng kết thực tiễn cho thấy việc ban hành Nghị quyết 388 đã được dư luận nhân dân ủng hộ và đồng tình cao; tuy nhiên, số lượng vụ việc được giải quyết bồi thường không tương xứng so với yêu cầu thực tế. Mặt khác, các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra do phạm vi điều chỉnh hẹp nên còn có nhiều hạn chế, bất cập; các loại thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường và nhiều vấn đề liên quan khác được pháp luật quy định không thống nhất, chưa hợp lý, gây bất lợi cho cả cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước lẫn người bị thiệt hại; trách nhiệm hoàn trả của công chức chưa được quy định rõ ràng…
Nhằm nhất thể hoá pháp luật về bồi thường thiệt hại, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010 đã tạo cơ chế pháp lý mới, đồng bộ, hiệu quả để người bị thiệt hại thực hiện tốt hơn quyền được bồi thường đối với những thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Đây là lần đầu tiên TNBTCNN đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, TTHS, thi hành án được quy định trong một đạo luật, thể hiện rõ hơn TNBTCNN trước công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Bên cạnh đó, Luật cũng xác định rõ TNBTCNN, trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại nhằm tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình; hơn nữa góp phần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của công chức trong quá trình thực thi công vụ.
Thực tế giải quyết bồi thường của TAND các cấp
Ngay sau khi Nghị quyết số 388/2003/UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động TTHS gây ra và Luật TNBTCNN được ban hành, TAND các cấp đã nghiêm túc triển khai quán triệt thực hiện. Bên cạnh đó, TANDTC phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành; sắp xếp nhân sự kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý về công tác bồi thường. TAND các cấp cũng thực hiện tốt việc phổ biến, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ giải quyết bồi thường nhà nước; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết bồi thường, việc chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả.
Từ năm 2003 đến 2010, TAND các cấp đã thực hiện bồi thường, chi trả cho hàng chục trường hợp bị oan theo quy định của Nghị quyết số 388/2003. Quá trình tổng kết 6 năm thực hiện Luật TNBTCNN, theo số liệu của TANDTC thì từ ngày 1/1/2010 đến ngày 31/12/2015, TAND các cấp đã thụ lý 27 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết được 17 trường hợp thông qua thương lượng; đình chỉ giải quyết 8 trường hợp; còn lại 2 trường hợp đang trong quá trình giải quyết. Việc thương lượng về mức bồi thường, tổ chức xin lỗi công khai, chi trả tiền bồi thường được thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời, các Tòa án đã thụ lý 51 vụ án dân sự do đương sự khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật; đã giải quyết, xét xử 39 vụ; còn lại 12 vụ đang trong quá trình xem xét, giải quyết.
Ông Nguyễn Thanh Chấn được Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội (nay là TAND cấp cao tại Hà Nội) công khai xin lỗi ngày 17/4/2015
Từ đầu năm 2016 đến nay, các Tòa án đã thụ lý 7 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết dứt điểm 1 vụ là trường hợp của ông Lương Ngọc Phi ở tỉnh Thái Bình. Mới đây, ngày 11/8/2016, Liên ngành các Cơ quan tư pháp Trung ương đã tổ chức công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi đối với ông Trần Văn Thêm ở tỉnh Bắc Ninh. Lãnh đạo TANDTC cũng chỉ đạo khẩn trương giải quyết các vụ việc còn lại, trong đó có vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh đó, các Tòa án cũng đã thụ lý 23 vụ án dân sự mà người bị oan sai khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN (gồm 18 vụ yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng bồi thường trong hoạt động TTHS, 3 vụ yêu cầu bồi thường thuộc lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, 2 vụ yêu cầu bồi thường trong thi hành án dân sự); đã giải quyết được 9 vụ, các vụ việc còn lại đang trong quá trình xem xét, giải quyết.
Việc TAND các cấp kịp thời giải quyết, bồi thường thiệt hại cho công dân thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trước công dân, góp phần củng cố niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước. Luật TNBTCNN đã thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng để tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và đề cao ý thức tự giác trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của Thẩm phán, công chức TAND; hạn chế thấp nhất để xảy ra những sai sót trong quá trình tiến hành tố tụng. Hiện tại, lãnh đạo TANDTC đang chỉ đạo rà soát lại tất cả các bản án hình sự có đơn kêu oan, có kiến nghị của các cấp, phản ánh của báo chí nhất là các bản án có mức án cao để phát hiện các sai sót, kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, các yêu cầu bồi thường của công dân thuộc lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, trong thi hành án dân sự cũng được lãnh đạo TANDTC chỉ đạo để giải quyết kịp thời nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật như: BLDS, BLTTDS, BLHS, BLTTHS, Luật TTHC, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính... trong đó có nhiều nội dung liên quan đến TNBTCNN. Để phù hợp với Hiến pháp 2013 và thống nhất với những đạo luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, TANDTC đang tích cực đóng góp các ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN để khắc phục những điểm còn bất cập nhằm hoàn thiện hơn các quy định TNBTCNN đối với cá nhân, pháp nhân bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, TTHS, TTDS, TTHC, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự.