Sự biến hóa ngoạn mục giữa đại dịch của doanh nghiệp ô tô Việt Nam

Trang Nhi| 18/01/2022 12:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đứng trước khủng hoảng của dịch COVID-19, dù doanh số ngành ô tô nói chung có sự sụt giảm, tuy nhiên, các doanh nghiệp ô tô vẫn bứt phá, tìm lối ra giữa đại dịch để phát triển ngành ô tô Việt Nam.

“Nước cờ táo bạo” đưa công nghiệp ô tô vượt bão

Trong mấy tháng cuối năm, thị trường ô tô có sự phục hồi mạnh mẽ. Sau khi mở cửa trở lại trong quý IV/2021, doanh số ô tô đã có sự hồi phục mạnh, với ước tính 156.000 xe bán ra trong quý IV/2021 (tăng 16% so với cùng kỳ), giúp doanh số cả năm 2021 ước đạt 354.000 chiếc (tăng 5%).

Sự phục hồi được hỗ trợ bởi Thông tư 103 /2021/ND-CP gần đây của Chính phủ, giảm 50% phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước trong giai đoạn 6 tháng từ ngày 1/12/2021.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã thúc đẩy phương thức bán hàng trực tuyến hỗ trợ việc tiêu thụ giúp tiếp cận khách hàng nhanh, thuận tiện nhất đồng thời tiết kiệm thời gian cho khách hàng.

Thời gian qua, VinFast là hãng xe triển khai bán hàng trực tuyến hoàn chỉnh đầu tiên ở Việt Nam, khi dùng công nghệ trực tuyến để thẩm định hồ sơ mua xe trả góp, giao xe tận nhà khách hàng. Với Hãng Honda, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng mua xe qua sàn thương mại điện tử sẽ được giá tốt hơn so với mua trực tiếp mà vẫn giữ được các chương trình khuyến mãi”.

anh-1.-doanh-nghiep-o-to.jpg
Việc Vinfast “tung” xe ô tô điện ra thị trường được đánh giá là “nước cờ táo bạo”. Ảnh: Vinfast

Đồng thời, các hãng đã liên tục tung ra thị trường nhiều mẫu xe mới. Trong đó, Hyundai ra mắt Grand i10, Santa Fe, Accent mới. Hãng Kia thì giới thiệu các phiên bản cải tiến gồm Kia K3, Kia K5, Kia Carnival, Kia Sonet. Hãng xe sang đến từ Đức Mercedes ra mắt một loạt phiên bản mới của các dòng xe như C-class, E-class, Mercedes-Maybach...

Và đặc biệt, thương hiệu "made in Vietnam" VinFast cũng nhanh chóng tham gia vào sân chơi ô tô điện thế giới và đã ra mắt mẫu xe VF e34 và đang chuẩn bị nhận đặt hàng hai dòng xe VF e35 và e36. Tính từ đầu năm 2021 đến nay có không dưới 40 mẫu xe mới được giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước.

Các chuyên gia nhận xét, đây là “nước cờ” khá táo bạo, bởi những khó khăn phía trước chắc chắn sẽ không nhỏ. Song “nước cờ” này lại được kỳ vọng góp phần đưa thị trường ô tô trong nước vượt bão COVID-19, kỳ vọng đánh dấu thương hiệu Việt trên bản đồ ô tô thế giới.

Ngành công nghiệp ô tô “đứng trên đại dịch”

Chính phủ cần sớm có các chính sách thúc đẩy thị trường ô tô vượt “bão”, tăng trưởng ổn định và dài hạn. Cốt yếu vẫn là chính sách thuế ưu đãi, thuế tiêu thụ đặc biệt để tạo ra sức cạnh tranh cho ngành sản xuất ô tô trong nước; cần có cơ chế tổng thể kiểm tra, giám sát, định hướng hoạt động của các liên doanh theo đúng cam kết, phát triển nội địa hoá theo đúng tiến độ quy định, hạn chế những liên doanh chỉ khai thác thị trường, lợi dụng các chính sách ưu đãi ban đầu…

anh-2.-doanh-nghiep-o-to.jpg
Chính phủ cần sớm có các chính sách thúc đẩy thị trường ô tô vượt “bão”, tăng trưởng ổn định và dài hạn.

Hai là, nghiên cứu, rà soát, cải cách các chính sách thuế, phí (thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh, phụ kiện; thuế tiêu thụ đặc biệt…) bảo đảm khả thi và ổn định lâu đài, phù hợp với các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập. Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan nhằm đạt những mục tiêu phát triển của công nghiệp ô tô, đặc biệt đối với những dự án đầu tư sản xuất xe thân thiện môi trường. Bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư.

Ba là, tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa một số nội dung của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu; đồng thời hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bốn là, điều chỉnh các chính sách về thuế và phí để giúp các DN giảm chi phí, dẫn đến giảm giá xe, người dân có nhiều cơ hội để sở hữu ô tô. Song song với chính sách mở rộng phát triển cần có những chính sách bảo vệ thị trường trước sự phát triển nhanh chóng của xe nhập khẩu. Cần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc quản lý xe nhập khẩu, nhất là hạn chế gian lận thương mại.

Năm là, cần xây dựng danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô, từ đó, giúp cho các nhà hoạch định chính sách, các công ty có sự nhìn nhận rõ ràng về công nghiệp hỗ trợ ô tô. Bên cạnh đó, việc xây dựng danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ bao gồm cả việc đánh giá mức độ công nghệ, hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm là cần thiết, để từ đó có thể định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với quá trình sản xuất ô tô.

Sáu là, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có các dự án chuyển giao công nghệ và khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Hỗ trợ chi phí mua bản quyền cho các doanh nghiệp trong nước để phát triển ngành hỗ trợ công nghiệp ô tô. Khuyến khích các công ty trong và ngoài nước thiết lập các quy trình quản lý chất lượng, bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Bảy là, các công ty phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ những kiến thức cơ bản đến những kiến thức chuyên ngành. Chú trọng đào tạo các kỹ sư, công nhân có trình độ tay nghề vững vàng, tạo điều kiện cho các cán bộ chủ chốt đi đào tạo ở các nước chính hãng theo định kỳ để không ngừng cập nhật nâng cao kiến thức chuyên ngành.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự biến hóa ngoạn mục giữa đại dịch của doanh nghiệp ô tô Việt Nam