Ngành giải trí biến tình thế thành xu thế vượt qua đại dịch

Trang Nhi| 08/01/2022 22:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giãn cách xã hội trong thời gian dài đã hình thành thói quen mới của khán giả. Đồng thời, nỗ lực vượt khó của ngành giải trí thời dịch đã và đang gắn liền với một hệ quả tất yếu là sự lên ngôi của xu hướng trực tuyến.

Biểu diễn trực tuyến - xu hướng tất yếu của ngành giải trí

Vì COVID-19, các đơn vị ngành giải trí không được tổ chức những chương trình náo nhiệt đông đúc khán giả, họ bắt đầu tìm cách xoay chuyển hoạt động sang một hướng khác để vừa có thể phục vụ khán giả, vừa đảm bảo được an toàn phòng chống dịch. Trong bối cảnh này, biểu diễn online được nhắc tới như một lối thoát cho nghệ thuật thời COVID-19.

anh-1.-nganh-giai-tri-covid.png
4 Diva: Trần Thu Hà, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh và nhóm Da Lab biểu diễn ca khúc “Để gió cuốn đi” trong một chương trình âm nhạc trực tuyến.

Thực tế, ngay từ những đợt dịch đầu, các nghệ sĩ đã chủ động thực hiện những buổi biểu diễn trực tuyến để đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Khán được thưởng thức những chương trình nghệ thuật, giải trí được thực hiện tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh theo hình thức không có khán giả trực tiếp, chỉ phát trên các nền tảng kỹ thuật số, từ YouTube, Fanpage đến truyền hình.

Chẳng hạn, tại các nhà hát, nhiều chương trình thực hiện theo lối nghệ sĩ biểu diễn trong khán phòng trống khán giả như biểu diễn vở “Trung Thần” (Nhà hát Tuồng Việt Nam), “Những ngôi sao bất tử” (Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc)... hay vừa qua, chương trình nghệ thuật “Trung thu cho em” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) phối hợp tổ chức với Nhà hát Múa rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Múa rối Thăng Long. Tất cả đều được phát sóng trên nền tảng trực tuyến để đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng.

Còn đối với các ca sĩ, để thỏa đam mê ca hát và làm vơi đi nỗi nhớ sân khấu, có những ca sĩ đã hát trực tiếp trên mạng xã hội, chủ động sản xuất các tiết mục được đầu tư “kỹ càng” ngay tại… phòng thu tại gia, không gian phòng khách nhà riêng hoặc là bất cứ đâu mang lại cảm giác âm nhạc…

Do đại dịch, nhiều chương trình giải trí đã không thể tiếp tục ghi hình cũng được các nhà đài nhanh chóng thức thời khi chuyển đổi hết hình thức sản xuất sang giao lưu, ca hát trực tuyến đối với loạt chương trình như Solo cùng bolero, Khoảnh khắc cuộc đời, Én vàng... của Truyền thông Khang.

Tại Việt Nam, những mô hình biểu diễn chuyên nghiệp trực tuyến vẫn còn chưa thực sự phổ biến nhưng đây được xem là hy vọng cho nghệ thuật biểu diễn trước tình trạng dịch bệnh kéo dài. Giải trí trực tuyến đang dần “lên ngôi” và trở thành một trong những món ăn tinh thần thiết yếu của mọi nhà. Thực tế cho thấy giới nghệ sĩ lẫn các nhà sản xuất, người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đã nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi mà đời sống dẫn dắt đến. Đó là lý do để chúng ta có thể khẳng định rằng thời dịch, ngành giải trí “tê” chứ không hề “liệt”.

Thêm thời gian sáng tạo nhờ "khoảng lặng"

Đối với nhiều người, hai năm qua là khoảng lặng buồn của ngành giải trí khi sân khấu đóng cửa, nhiều nghệ sĩ buộc tạm rời nghệ thuật để kiếm kế sinh nhai, làm đủ loại công việc khác nhau.

anh-2.-nganh-giai-tri-covid.jpg
Ca sĩ Tùng Dương biểu diễn cùng dàn nhạc trực tuyến.

Thế nhưng, họ - những người nghệ sĩ bằng mọi cách đã khẳng định, đại dịch là khoảng lặng để họ có thêm thời gian tái tạo năng lượng, tìm kiếm cảm hứng, thai nghén ý tưởng để hẹn một ngày không xa ngành giải trí sẽ quay trở lại đầy mạnh mẽ. Như lời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”.

Ngành giải trí đang chuyển hướng sang biểu diễn online là xu hướng tất yếu nhưng hướng đi cụ thể như thế nào vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng. Việc chuyển hướng đi từ biểu diễn trực tiếp sang trực tuyến cần có thời gian và đầu tư dài hạn.

Vì vậy, các tiết mục, chương trình nghệ thuật, giải trí cần phong phú, hấp dẫn, mới, lạ, và giàu cảm xúc. Bên cạnh đó, cần thêm những chương trình của các đơn vị xã hội hóa để có thể đáp ứng và thu hút khán giả mọi miền tìm đến tận hưởng chương trình biểu diễn online.

Để chất lượng mỗi chương trình nâng lên, không làm mất đi cái cốt lõi của mỗi loại hình nghệ thuật, ví như xiếc không mất đi cái kỹ năng, kỹ xảo, kỹ thuật…. thì tài năng của người nghệ sĩ vẫn phải luôn trau dồi. Muốn có các tác phẩm hay thì chất lượng, trình độ nghệ sĩ phải tăng lên, họ phải thay đổi tư duy, cố gắng tìm tòi ra những điều mới mẻ.

Ngoài ra, trong số các giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế qua các chương trình nghệ thuật online, thương hiệu là yếu tố quan trọng. Một clip của Sơn Tùng MTP vừa ra đã thu hút hàng triệu lượt người theo dõi. Xa hơn, ở nước ngoài, chỉ cần một hành động nhỏ của ca sĩ Lisa - Black Pink có thể làm những người hâm mộ "đứng ngồi không yên". Ví dụ đó để chúng ta thấy rằng, thương hiệu là vô cùng quan trọng với nghệ sĩ, và nhiệm vụ của mỗi nghệ sĩ, chương trình, hay đơn vị nghệ thuật là xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của mình. Khi có được thương hiệu, chúng ta có thể có khả năng kiếm tiền trên môi trường mạng như rất nhiều các ví dụ đã có hiện nay.

Để tạo thương hiệu cho chương trình, hay nói cách khác là để biến giải pháp tình thế trở thành xu thế, cần phải có một tư duy khác, cách làm khác. Các nhà hát, đơn vị nghệ thuật cũng cần thay đổi để phù hợp với xu thế này. Cần có tư duy mới tổ chức biểu diễn trên mạng, huy động nguồn lực, phát triển khán giả, xây dựng thương hiệu trên môi trường số. Làm được như thế, chúng ta sẽ có những chương trình phù hợp với bối cảnh mới, công nghệ mới và khán giả mới.

Dù đại dịch COVID-19 còn kéo dài hay được kiểm soát thì việc đưa các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn lên môi trường kỹ thuật số để tiếp cận khán giả vẫn được xác định là con đường tất yếu. Tuy nhiên, “chúng ta cần có những giải pháp mang tính chiến lược hơn cho bối cảnh mới. Sự lạc hậu, nếu diễn ra, sẽ tác động tai hại đến sự phát triển nghệ thuật của đất nước và ngược lại, nếu chuẩn bị tốt, chúng ta sẽ giúp ngành giải trí cất cánh, tạo điều kiện để nghệ thuật không chỉ giúp người dân giải trí, mà quan trọng hơn còn để bồi đắp đời sống tinh thần cao đẹp cho nhân dân...


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành giải trí biến tình thế thành xu thế vượt qua đại dịch