Vượt lên đại dịch, thể thao Việt Nam chủ động trước thử thách

Trang Nhi| 07/01/2022 15:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có thể thao. Chủ động ứng phó với dịch, biến thách thức thành cơ hội hành động, ngành Thể thao Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp, nhằm bảo đảm tiến độ tập luyện, đồng thời ngăn ngừa tối đa nguy cơ lây nhiễm, bảo toàn sức khỏe, phong độ thi đấu cho vận động viên.

Niềm tin vượt khó

Năm 2021 khép lại cũng là lúc những người làm thể thao Việt Nam nhìn lại một năm nỗ lực vượt khó.

Sau ngày 30/4 cho đến đầu tháng 10, khi cả nước phải gồng mình đối phó với dịch COVID-19, hoạt động thể thao thành tích cao cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Nhiều đội tuyển chỉ tập tại chỗ, thậm chí có lúc vận động viên (VĐV) phải tập luyện tại nhà. Trong khi đó, các giải đấu thể thao trong nước không thể diễn ra theo kế hoạch. Đây có thể xem là giai đoạn khó khăn nhất trong việc duy trì các hoạt động thể thao trong năm 2021.

anh-1.-the-thao-viet-nam.jpg
Thể thao Việt Nam đã nỗ lực vượt đại dịch.

Giống với nhiều trung tâm huấn luyện thể thao trên cả nước, thời gian này, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội duy trì chế độ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” với vận động viên cũng như chú trọng đẩy mạnh rèn luyện, nâng cao thể lực. Nhờ vậy, không khí luyện tập tại đây luôn diễn ra sôi nổi, khẩn trương, với 100% phòng tập được tận dụng hết công suất.

Trung tâm thường xuyên có hơn 1.000 người tham gia các hoạt động huấn luyện, trong đó có tới 750 vận động viên của hơn 40 đội tuyển quốc gia. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng cục Thể dục - Thể thao, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch từ bên ngoài, trung tâm cho dừng tất cả các chương trình cử tuyển, thi đấu, tập huấn ở nước ngoài; hạn chế tối đa sự ra, vào trong đơn vị và phát khẩu trang y tế tới từng huấn luyện viên, vận động viên.

Tương tự, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội cũng triển khai nhiều giải pháp để phòng tránh, đẩy lùi nguy cơ nhiễm dịch. Để bảo đảm an toàn cho môi trường tập luyện, công tác phun thuốc khử khuẩn được trung tâm thường xuyên duy trì. Trước giờ tập luyện mỗi ngày, mọi thành viên tại trung tâm đều được y, bác sĩ kiểm tra thân nhiệt, sức khỏe để bảo đảm an toàn cho cá nhân và đồng đội. Ngoài ra, các Trưởng hoặc phụ trách bộ môn, được giao trách nhiệm quản lý chặt chẽ khâu sinh hoạt, đi lại của vận động viên theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Kịp thời nắm bắt và dự đoán trước mức độ nguy hiểm của dịch bệnh có thể kéo dài, Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã khẩn trương phổ biến, tuyên truyền, quán triệt về sự nguy hiểm của biến chủng mới tới tập thể cán bộ công chức, viên chức, HLV, VĐV, người lao động đang công tác tại trung tâm, nhằm hạn chế tối đa việc di chuyển ra khu vực ngoài như: về quê, đi du lịch, đến các tụ điểm vui chơi trong và ngoài thành phố…

Theo đó, ý thức về việc bảo vệ sức khỏe cá nhân, nâng cao trách nhiệm với cộng đồng của mỗi cá nhân tại trung tâm được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, từ thời điểm bùng phát dịch tái trở lại, trung tâm đã áp dụng nghiêm khắc việc ai ở đâu ở nguyên đó. Cụ thể, nhóm tiếp xúc với nhóm, môn tiếp xúc với môn, khối hành chính chỉ tiếp xúc trong khối chuyên môn, khu dịch vụ, nhà bếp, vệ sinh cũng áp dụng theo hình thức tương tự. Hình thức này được áp dụng giống như “bong bóng khép kín” của bộ môn bóng đá đang thực hiện rất hiệu quả. Do vậy, đến thời điểm này chưa có ca dương tính COVID-19 nào tại trung tâm.

Khi Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đi vào cuộc sống, đời sống thể thao mới trở lại guồng quay. Nhiều địa phương đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các huấn luyện viên (HLV), VĐV thể thao. Đó cũng là cơ sở để Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia cũng như tạo điều kiện để các đội tuyển tập huấn, thi đấu quốc tế. Trong hơn 2 tháng cuối năm 2021, hàng loạt giải đấu trong nước được tổ chức, đáp ứng nhu cầu được thi đấu, cọ xát của VĐV cũng như yêu cầu đánh giá phong độ VĐV của các HLV.

anh-2.-the-thao-viet-nam.jpg
Các vận động viên môn taekwondo tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội nỗ lực tập luyện để sẵn sàng trở lại khi các giải đấu được khởi tranh. Ảnh: Nguyễn Quang

Hướng đến trạng thái "bình thường mới"

Từ các giải đấu quốc tế hiện nay, việc áp dụng mô hình "bong bóng khép kín" và tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho huấn luyện viên, vận động viên là giải pháp hữu hiệu nhất để đưa các giải đấu thể thao Việt Nam trở lại. Giải pháp “thẻ xanh COVID-19” (dành cho người đã được tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2…) đang được nhắc đến để áp dụng vào nhiều lĩnh vực, là điều kiện cơ bản đối với những người muốn tham gia hoạt động đông người ở lĩnh vực đó. Do đó, ngành Thể dục thể thao có thể áp dụng biện pháp này trong việc tổ chức các giải đấu nếu được cho phép.

Quá trình tổ chức thí điểm các giải thể thao thời gian tới vẫn phụ thuộc phần lớn vào diễn biến dịch bệnh. Song, cơ quan quản lý thể thao vẫn cần thí điểm để tìm ra mô hình mẫu tổ chức các giải đấu trong điều kiện "bình thường mới".

Nhằm ứng phó với mọi tác động không mong muốn, ngành thể thao Việt Nam cần tăng cường khả năng dự báo, nâng cao tính linh hoạt của đội ngũ cán bộ chuyên môn toàn ngành từ Trung ương đến địa phương trong bối cảnh xã hội có sự biến động (không chỉ dịch bệnh mà còn thiên tai, lũ lụt...).

Để thể thao phát triển bền vững, thể thao Việt Nam cần xác định rõ và thúc đẩy sự tham gia của truyền thông, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngành TDTT trong thời đại công nghệ số.


(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt lên đại dịch, thể thao Việt Nam chủ động trước thử thách