Tổng Thư ký LHQ: COVID-19 không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt

Nhật Minh| 27/12/2021 20:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gửi thông điệp, trong đó nhấn mạnh rằng, COVID-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt.

Trong thông điệp video kỷ niệm Ngày quốc tế Phòng chống dịch bệnh 27/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres khẳng định, COVID-19 đã cho thấy là một căn bệnh truyền nhiễm có thể lan rộng khắp thế giới, đẩy hệ thống y tế đến bờ vực và đảo lộn cuộc sống hàng ngày của toàn nhân loại một cách nhanh chóng.

COVID-19 cũng cho thấy sự thất bại của chúng ta trong việc rút ra bài học từ những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe gần đây như SARS, cúm gia cầm, Zika, Ebola và những bệnh khác.

Dịch bệnh nhắc nhở chúng ta rằng thế giới vẫn chưa được chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn các đợt bùng phát dịch bệnh cục bộ tràn qua biên giới, và bùng phát thành một đại dịch toàn cầu.

antonio.jpg
Tổng Thư ký LHQ: COVID-19 không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt

Tổng Thư ký Liên hợp quốc lưu ý, COVID-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt. Các bệnh truyền nhiễm vẫn là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với mọi quốc gia.

Do đó, theo ông, khi đối phó với cuộc khủng hoảng y tế này, chúng ta cần chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo. Điều này có nghĩa cần tăng đầu tư vào các kế hoạch giám sát, phát hiện sớm và phản ứng nhanh tốt hơn ở mọi quốc gia - đặc biệt là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Đồng thời, cần tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cấp địa phương để ngăn chặn sự sụp đổ của các hệ thống y tế; cần đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với các can thiệp mang tính sống còn như vaccine cho tất cả mọi người; và cần đạt được Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trên hết, điều đó có nghĩa là xây dựng tình đoàn kết toàn cầu để mang lại cho mọi quốc gia cơ hội chiến đấu để chặn đứng các bệnh truyền nhiễm.

“Một đợt bùng phát ở bất cứ đâu có thể sẽ trở thành một đại dịch lan rộng ra ở khắp mọi nơi. Vào Ngày Quốc tế phòng chống dịch năm nay, chúng ta hãy dành sự tập trung, chú ý và đầu tư xứng đáng cho vấn đề này”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.

Ngày 7/12/2020, tại phiên họp toàn thể, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hàng năm.

Ngày 27/12 được chọn làm Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh do đây là ngày sinh của Nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vaccine đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới.

Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây thiệt hại về người và các tác động chưa từng có tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, đề xuất của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên Liên hợp quốc. Các nước Canada, Niger, Senegal, Saint Vincent& Grenedines và Tây Ban Nha đã tham gia đồng tác giả với Việt Nam và 107 nước khác tại tất cả các khu vực đã tham gia đồng bảo trợ Nghị quyết.

Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức trong hệ thống của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực khác, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các cá nhân và các thành phần liên quan khác kỷ niệm Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh hàng năm nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch, từ đó, có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp.

Trong phát biểu giới thiệu Nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, thay mặt các nước đồng tác giả, nêu bật ý nghĩa và tính cần thiết của việc thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh và cảm ơn sự ủng hộ của các quốc gia thành viên LHQ đối với sáng kiến này.

Có thể nói cho đến thời điểm hiện tại, đại dịch COVID-19 đã chứng minh không thể chống một đại dịch toàn cầu bằng nỗ lực đơn lẻ của từng nước. Chính vì vậy, việc thông qua Nghị quyết càng trở nên có ý nghĩa hơn khi nhấn mạnh hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Thư ký LHQ: COVID-19 không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt