Quảng Nam: Rừng đầu nguồn hồ chứa nước bị tàn phá nghiêm trọng

15/08/2012 07:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng chục héc ta rừng phòng hộ ở khu vực đầu nguồn hồ chứa nước Đông Tiển (xã Bình Trị, Thăng Bình, Quảng Nam) đang bị đốt phá trơ trụi để lấn đất trồng rừng. Điều ngạc nhiên là, các cơ quan chức năng vẫn dửng dưng đứng ngoài cuộc.

Phá rừng công khai

Năm 2010, hồ chứa nước Đông Tiển, nằm trên địa phận 3 xã Bình Định Bắc, Bình Định Nam và Bình Trị (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đưa vào sử dụng đã mang lại niềm vui cho người dân, bởi công trình đã cứu cho hơn 700 ha đất lúa, đất trồng trọt của bà con trong vùng. Những cánh rừng đầu nguồn sẽ giữ và tạo ra nguồn nước dồi dào cho lòng hồ. Vậy nhưng, tình trạng phá rừng để lấy đất trồng rừng tại khu vực đầu nguồn hồ chứa nước Đông Tiển đang diễn ra một cách công khai. 

 

Chúng tôi phải rất khó khăn mới được ông Phạm Văn Chín, cán bộ lâm nghiệp xã Bình Trị dẫn vào chứng kiến ngọn lửa thiêu rụi cánh rừng. Hiện trường cho thấy có nhiều lán trại còn chứa lương thực, thực phẩm, chỗ nghỉ ngơi. Cạnh khu rừng còn trồng cả rau màu, sản xuất vườn ươm cây keo giống để phục vụ cho việc trồng rừng tại chỗ. 

 

Quảng Nam: Rừng đầu nguồn hồ chứa nước bị tàn phá nghiêm trọng

Một gốc cây vừa khai thác còn rỉ nhựa

 

Rừng phòng hộ đầu nguồn là “vùng cấm”, nhưng người dân địa phương nói ở đó đều đã có chủ hết. Luật bất thành văn ở đây, người dân nào khai phá, đốt phát thực bì, tự bỏ công, vốn trồng cây xem như đó là đất “bất khả xâm phạm”. Cái “luật ngầm” ấy tồn tại dai dẳng nhiều năm để rồi bây giờ, người dân đã phá tan hoang rừng phòng hộ hồ chứa nước Đông Tiển. Nhà nhà, người người đi phá rừng mở rộng diện tích trồng keo, đến nỗi chính quyền địa phương chỉ biết “khoanh tay” đứng nhìn.

 

Ngày 4-8, chính quyền xã Bình Trị buộc phải triệu tập 16 hộ dân thôn Vinh Nam, Nam Tiển để ký vào biên bản phá rừng phòng hộ. Tuy nhiên, chỉ có 4 hộ dân gồm Lê Văn Thanh, Trần Văn Minh, Võ Văn Bằng (thôn Nam Tiển) và Lê Hữu Chung (thôn Vinh Nam) thừa nhận đã phát dọn với tổng diện tích hơn 10ha rừng trái phép (theo biên bản của UBND xã Bình Trị). 

 

Năm 2003, UBND huyện Thăng Bình còn cho thuê 20ha đất thời hạn 50 năm cho ông Đoàn Công Trình (thôn Vinh Nam, Bình Trị) tại Tiểu khu 484 để phát triển kinh tế trang trại. Diện tích được giao lớn, lại chưa khai thác hiệu quả nên gần đây xảy ra tình trạng xâm hại rừng phòng hộ nằm trong phạm vi trang trại này. Ông Đoàn Minh Phước, người làm trang trại ở Vinh Nam bức xúc: Mỗi ngày có 4-5 chuyến xe chở gỗ khai thác ra khỏi rừng về phía xã Tiên Sơn. Có một con đường dài 200m mở trái phép ngay trong rừng phòng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho xe cơ giới vận chuyển gỗ lậu”. Ngày 25-7, lực lượng chức năng xã Bình Trị bất ngờ phục kích khu vực rừng đầu nguồn vùng giáp ranh giữa Bình Trị và Tiên Sơn (Tiên Phước), đã phát hiện ông Lê Văn Xuân (thôn 3 – xã Tiên Sơn) phá 1,5ha rừng, buộc địa phương phải tạm giữ xe máy, 1 cưa máy và dụng cụ khai thác gỗ trái phép. 

 

Xã cũng “bó tay”...

 

Chủ tịch UBND xã Bình Trị Nguyễn Văn Diên thừa nhận: Tình trạng xâm hại rừng đầu nguồn hồ chứa nước Đông Tiển vô cùng phức tạp, vượt ngoài sự kiểm soát của chính quyền. Thống kê ban đầu có ít nhất 30ha rừng tự nhiên bị người dân phá. Theo ông Diên, thẩm quyền xử lý của địa phương có hạn, nên chỉ đề nghị lên cấp trên giải quyết. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm đã không làm hết trách nhiệm, chưa thực sự hỗ trợ cho chính quyền trong việc xử lý nghiêm những đối tượng phá rừng. “Vụ xâm hại rừng, chúng tôi đã phát đi văn bản nhờ cơ quan chức năng can thiệp cách đây rất lâu nhưng hiện vẫn chưa nhận được phản hồi”, ông Diên khẳng định. 

 

Quảng Nam: Rừng đầu nguồn hồ chứa nước bị tàn phá nghiêm trọng

Gỗ vừa bị đốn ngã

 

Hơn 30ha rừng bị phá hàng tháng nay nhưng ông Huỳnh Tấn Đạt, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thăng Bình vẫn tỏ ra ngỡ ngàng trước con số mà phóng viên đưa ra. Ông Đạt ấp úng hỏi lại ông Nguyễn Kim Tâm, kiểm lâm phụ trách địa bàn Bình Trị để kiểm chứng và được thông tin đó là sự thật. Ông Tâm thừa nhận, Đông Tiển là “điểm nóng” xâm hại rừng. Điều ngạc nhiên, hơn 30ha rừng bị “cạo trọc” theo quan sát của chúng tôi còn nhiều gốc cây với đường kính hơn 50cm trở lên, nhưng kiểm lâm bảo, dân chỉ phá rừng nghèo 1b và một số ít gỗ trong trang trại của ông Đoàn Công Trình. “Tình trạng phát rừng để trồng rừng ở Đông Tiển diễn ra lâu nay rồi, đặc biệt tái diễn thời gian gần đây khi địa phương chủ trương phát triển cây cao su. Việc huyện cho người dân thuê đất 50 năm phát triển kinh tế trang trại trong rừng phòng hộ là do trước đây Đông Tiển chưa quy hoạch thành rừng phòng hộ. Thực tế, dân phá rừng để chờ… đền bù. Chúng tôi sẽ đình chỉ các trường hợp người dân lấn rừng”, ông Đạt nói. 

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, UBND huyện đã nhận văn bản báo cáo của xã Bình Trị về vụ phá rừng đầu nguồn hồ chứa nước Đông Tiển. Địa phương đang chỉ đạo các cơ quan chức năng, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành chốt chặn, xử lý những trường hợp xâm lấn rừng bất hợp pháp. 

 

Tuy nhiên, theo chúng tôi, tình trạng xâm hại rừng đầu nguồn hồ Đông Tiển với quy mô diện tích lớn, xảy ra trong thời gian dài song chính quyền huyện Thăng Bình đã buông lỏng quản lý, vào cuộc chậm chạp, thiếu cương quyết, nếu không muốn nói là làm ngơ để dân phá rừng.

 

Quang Khải

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Rừng đầu nguồn hồ chứa nước bị tàn phá nghiêm trọng