Thành lập TAND sơ thẩm khu vực: Tạo điều kiện để Tòa án thực hiện tốt công tác xét xử

28/06/2014 08:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong đó Tòa án được xác định là trung tâm, xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp.

Các Toà án được tổ chức và hoạt động theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã bám sát tinh thần của Nghị quyết này.

 

Thành lập TAND sơ thẩm khu vực - chủ trương lớn trong cải cách tư pháp

 

Ngày 28/7/2010, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW về “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” cũng xác định phương hướng, tổ chức Toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính gồm bốn cấp là: TAND sơ thẩm khu vực, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND cấp cao và TANDTC. Ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 92-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, trong đó xác định tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức TAND theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; xác định rõ nội hàm và xây dựng cơ chế để TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp. 

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo được xác định trong Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban soạn thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã xây dựng tổ chức TAND sơ thẩm được thiết kế theo hai phương án: Phương án 1: Tổ chức TAND sơ thẩm khu vực như Kết luận số 79-KL/TW; Phương án 2: Tổ chức TAND sơ thẩm đặt tại đơn vị hành chính cấp huyện. Theo đó, Điều 32 của Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) nêu rõ: Phương án 1: Nếu thành lập TAND sơ thẩm khu vực thì TAND sơ thẩm khu vực được thành lập theo địa hạt tư pháp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Phương án 2: Nếu thành lập TAND sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện thì TAND sơ thẩm được đặt tại đơn vị hành chính cấp huyện. 

 

Thành lập TAND sơ thẩm khu vực: Tạo điều kiện để Tòa án thực hiện tốt công tác xét xử

Bà Lê Thị Thu Ba đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) 

 

Về việc thành lập TAND sơ thẩm, TANDTC đồng tình với phương án 1 về thành lập TAND sơ thẩm khu vực, bởi vì việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ cấu tổ chức TAND cấp huyện hiện nay. TAND sơ thẩm khu vực sẽ không tạo ra nhu cầu quá lớn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và cũng không gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án. Nếu phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực được Quốc hội thông qua thì về cơ bản, các TAND sơ thẩm khu vực sẽ kế thừa đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất hiện có của các TAND cấp huyện là chủ yếu, nhưng có sự sắp xếp, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng và kiện toàn để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc đối với từng đơn vị và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương - nơi TAND sơ thẩm khu vực được thành lập. Việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực sẽ phù hợp với chủ trương không tổ chức HĐND cấp huyện. Theo đó, Hội thẩm nhân dân sẽ do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Ngoài ra, việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực sẽ là tiền đề để đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự giám sát của HĐND đối với tổ chức và hoạt động của TAND theo hướng thực chất và hiệu quả hơn, qua đó tạo điều kiện để Tòa án thực hiện tốt công tác xét xử, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng và phát triển đất nước. 

 

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), cũng có ý kiến đề nghị, đối với TAND sơ thẩm thì nên tổ chức TAND sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện như Phương án 2 để bảo đảm thuận lợi trong việc đi lại cho người dân khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án, đồng thời không làm phát sinh nhu cầu lớn về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất như phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực. Hiện tại, phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực theo địa hạt tư pháp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh hay phương án thành lập TAND sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện đang được TANDTC trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

 

Tính ưu việt của mô hình TAND sơ thẩm khu vực

 

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 và Pháp lệnh tổ chức TAQS năm 2002 và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về tổ chức và hoạt động của Tòa án, TANDTC thấy rằng, mô hình TAND sơ thẩm khu vực có ưu thế hơn hẳn so với mô hình TAND cấp huyện hiện nay. Cụ thể là, TAND sơ thẩm khu vực đề cao tính độc lập, khách quan và tuân theo pháp luật của Tòa án, là khâu đột phá nhằm đổi mới hệ thống tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, khẳng định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm, tạo điều kiện cho Tòa án vị thế và điều kiện thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp với mục tiêu bảo đảm công lý, quyền con người và quyền công dân.

 

Tổ chức TAND sơ thẩm khu vực sẽ thu gọn đầu mối các cơ quan Tòa án; tiết kiệm ngân sách, điều chỉnh hợp lý biên chế Thẩm phán, bộ phận giúp việc; tạo điều kiện về kinh phí đầu tư cho việc xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Tòa án đủ năng lực và chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu giải quyết các vụ án ngày càng tăng. Việc nâng cao chất lượng xét xử của TAND sơ thẩm khu vực là yếu tố quyết định đến chất lượng xét xử của Tòa án các cấp. Việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực không phụ thuộc vào địa giới hành chính sẽ đề cao tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật trong hoạt động xét xử, hạn chế sự lệ thuộc giữa Tòa án với cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương; bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc hiến định về tổ chức và hoạt động của TAND là “khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. 

 

Theo bà Lê Thị Thu Ba, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương thì cải cách tư pháp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã được chuẩn bị khá công phu và hiện có hai phương án về việc thành lập TAND sơ thẩm, trong đó, TANDTC đồng tình với Phương án 1: Thành lập TAND sơ thẩm khu vực theo địa hạt tư pháp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực không phụ thuộc vào địa giới hành chính là một quan điểm đúng đắn theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, không độc lập với sự lãnh đạo của Đảng. Nếu không thành lập được Tòa án bốn cấp thì cải cách tư pháp không toàn diện. 

 

Từ đó thấy rằng, việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực theo tinh thần Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, phù hợp với yêu cầu thực tiễn khách quan của cải cách tư pháp. Chỉ có như vậy, hệ thống Toà án mới có được diện mạo mới tiến bộ hơn, tổ chức và hoạt động của Toà án sẽ hợp lý, hiệu quả, khoa học hơn, phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới về tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta hiện nay.

 

Trần Minh Giang

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành lập TAND sơ thẩm khu vực: Tạo điều kiện để Tòa án thực hiện tốt công tác xét xử