Khi những cơn gió mùa Đông nam đang hối hả gọi xuân về, thì cũng là lúc quân và dân trên đảo Trường Sa tất bật chuẩn bị đón mừng năm mới. Có thể nói, đây luôn là nơi được đón mùa xuân sớm trong niềm mến thương của đất liền gửi tới đảo xa.
Nghĩa tình từ phía đất liền
Mỗi dịp cuối năm, mùa xuân dường như cũng ưu ái đến sớm hơn trên quần đảo Trường Sa. Các đoàn công tác thường đem tết ra Trường Sa từ rất sớm, để ngay sau mỗi tết dương lịch, những chiếc tàu chất đầy hàng hóa lại rộn ràng hướng mũi ra khơi. Trên bản đồ quốc tế, quần đảo Trường Sa có tên là Paracel và được giới địa chất học khẳng định đây là quần đảo san hô. Còn nói theo chữ của các cụ ta xưa thì Trường Sa là một dải cát dài. Nhưng đâu phải tất cả đều đã là đảo. Có chỗ mới chỉ đang là một vỉa san hô ngầm còn chìm sâu dưới nước.
Nhìn từ xa, Trường Sa Lớn hiện lên như vừa có dáng dấp một đô thị, lại có dáng dấp của một làng quê Việt Nam như bất cứ nơi nào ta bắt gặp. Ngôi nhà khách như một điểm nhấn, hắt màu đỏ của mái ngói lên nền trời xanh như khẳng định Trường Sa Lớn chính là một phần trong trái tim Tổ quốc. Thấp thoáng dưới những lùm cây, xen giữa những ngôi nhà là mái cong, mái vểnh của một ngôi chùa. Trên nóc hội trường làm việc của đảo được phủ kín bằng một lá cờ Tổ quốc được làm bằng gốm.
Lá cờ gốm này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là lá cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam. Cờ nặng 3,5 tấn, rộng 310 mét, được ghép bằng hàng vạn viên gốm có thể chịu được nắng lửa và gió mặn mà không bị phai màu theo thời gian. Ở Trường Sa, thắm và đậm nhất là nắng và gió. Nhưng nắng và gió cũng không thể thắm đậm hơn màu cờ Tổ quốc. Nhìn cờ bay, chợt hiểu vì sao 64 cán bộ chiến sĩ đảo Gạc Ma đã lấy lá cờ Tổ quốc quấn vào thân thể mình rồi bình thản chắn những luồng đạn của kẻ thù tàn bạo. Hình ảnh ấy mới kiên cường và lẫm liệt biết bao, lá cờ của Tổ quốc mới thiêng liêng và kỳ vĩ biết bao..
Mùa xuân ở đảo Trường Sa không giống với đất liền. Nắng tràn trên bề mặt đảo, gió thả sức trên cao, sóng dội vào bờ kè trắng xóa. Hoa phong ba, hoa bàng vuông nở bung theo từng chùm trắng phớt xanh vời vợi. Toàn đảo, từ bộ đội hải quân cho đến bộ đội rađa, không quân; bộ phận nhà đèn, khí tượng đến các hộ dân trên đảo… đâu đâu cũng tràn ngập không khí khẩn trương, tất bật các hoạt động thi làm báo tường giữa các chi đoàn, các cụm chiến đấu, thi trang trí Tết có chấm điểm, tặng thưởng, giao lưu văn hóa thể thao. Khuôn mặt ai cũng hân hoan rạng ngời.
Do điều kiện khắc nghiệt của muối biển nên những cành mai, cành đào dù bảo quản cẩn thận đến mấy, khi ra tới đảo cũng khô héo hết. Do vậy, có những ý tưởng của lính Trường Sa, tạo ra những cành mai, cành đào rất đặc trưng đẹp không kém gì đất liền. Những đôi tay người lính vốn chỉ quen cầm súng giờ đây khéo léo chuẩn bị gạo nếp, thịt heo, đậu xanh, hạt tiêu…để gói những tấm bánh chưng đầy nghĩa tình. Do lá dong bị ngấm nước biển không còn được xanh, các anh sáng tạo dùng lá bàng vuông gói lót bên trong, bên ngoài mới gói lá dong nên khi thưởng thức, bánh chưng có hương vị của lá cây nơi miền nắng gió và vẫn xanh thắm nghĩa tình của những người mẹ, người cha, người vợ nơi đất liền.
Từ nhiều năm nay, ở Trường Sa vẫn duy trì một việc mà nhiều nơi trong đất liền không làm được là: Trồng cây năm mới. Một tháng trước Tết, những cành bàng vuông, phong ba, bão táp có khả năng làm giống được cạo vỏ, đắp đất, cuốn vải và tưới ẩm hàng ngày. Sau khi đón Tết xong, các đơn vị đồng loạt ra quân trồng cây. Việc trồng cây được duy trì từ khi bộ đội ra đảo và vì thế, trừ những “đảo chìm” thì đảo nào cũng xanh ngời bàng vuông, phong ba, bão táp - những thứ cây đủ sức để chịu sóng và gió biển Đông cùng quân và dân trên đảo.
Vui xuân không quên nhiệm vụ
Bận rộn với công tác chuyển quân, chuẩn bị đón Tết nhưng những người lính Trường Sa vẫn miệt mài bám thao trường bãi tập với phương châm “Thao trường đổ mồ hôi – chiến trường bớt đổ máu” và “Không để cho Tổ quốc bị bất ngờ”. Các phương án chiến đấu, phương án bảo vệ đảo được các anh tập luyện thường xuyên. Mặc dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng các loại mô hình học cụ, đĩa bắn mô hình huấn luyện trên biển đã được người lính đảo khéo léo phục chế, sửa chữa rất chắc chắn, đạt tiêu chuẩn quy định.
Trước khi ra quân huấn luyện năm mới, đồng loạt các đảo đều tổ chức huấn luyện theo phân cấp. Qua trình huấn luyện luôn coi trọng huấn luyện đồng bộ chuyên sâu trong mọi điều kiện thời tiết. Khả năng sẵn sàng chiến đấu của các cán bộ chiến sĩ trên đảo luôn đạt ở trình độ cao. Mùa luyện quân vừa qua, tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều đạt đơn vị huấn luyện khá và giỏi.
Sau cơn động biển, những ngày này, trên đảo Trường Sa Lớn thật bình yên. Một dải xanh rì cây trái như công viên sinh thái giữa Biển Đông. Thấp thoáng sau những lùm cây là mái chùa cổ kính, rồi lớp học cho các em thơ. Tất cả các em cùng ngồi chung một phòng học và cô giáo đến với từng em hướng dẫn các em học tập theo chương trình của mình. Em nhỏ tuổi nắn nót tập viết từng con chữ, em lớn tuổi ngồi viết chính tả, làm toán. Từ lớp học này những con chữ Tổ quốc, quê hương, Trường Sa... đã dần hình thành ý nghĩa trong trái tim của mỗi em nhỏ.
Thật đáng yêu biết bao khi thấy các em bé 7, 8 tuổi trong sắc phục của một người lính biển đang chơi đùa trong nắng. Các em cũng chính là những người lính nhỏ, những người lính kiên cường giữa nơi đầu sóng ngọn gió. Không có phố phường nhộn nhịp, không có công viên vườn thú, ở đây chỉ có bố mẹ, các chú bộ đội và cô giáo, các em đến lớp không chỉ để học mà còn để vui chơi, để nghe cô giáo kể chuyện về đất nước ta rộng dài từ bắc vào nam với núi cao hùng vĩ, sông dài và biển rộng. Cuộc sống của những cô bé cậu bé nơi đảo xa này chỉ gắn bó với bờ cát vàng và những con sóng vỗ. Các em làm bạn cùng những chú cún con, hàng cây phong ba quanh năm rì rào hát cùng gió biển… Nhưng những công dân tí hon của đảo Trường Sa Lớn đang từng ngày lớn lên giữa biển trời, sóng nước và đang háo hức đón mùa xuân. Chắc rằng sau này dù có đi đâu, ở đâu, nhưng quãng đời tuổi thơ gắn bó với đảo xa của các em vẫn mãi là những ký ức không thể nguôi quên.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, mấy năm gần đây, đời sống của cư dân trên đảo mỗi ngày một đủ đầy, sung túc hơn. Giờ, hệ thống điện khai thác từ năng lượng gió và mặt trời thường xuyên đảm bảo từ 12 đến 20 tiếng trong ngày. Lượng điện không chỉ đáp ứng cho công tác đảm bảo sẵn sàng chiến đấu mà đã thường xuyên phục vụ sinh hoạt cho quân và dân trên đảo. Tất cả các hộ dân đều có ti vi, tủ lạnh, đầu máy kĩ thuật số… các thông tin thời sự trên báo điện tử, các phóng sự, bản tin trên truyền hình, phát thanh đến với bà con đã rút ngắn khoảng cách đảo xa với đất liền.
Đảo thép giữa trùng khơi
Cách Trường Sa Lớn chừng vài mươi hải lý là Nam Yết, một phần của xã đảo Sinh Tồn. Khi đến đây, bạn sẽ thấy hòn đảo này thơ mộng biết bao với những tán dừa xanh, những cây nhàu, mù u, đu đủ đua nhau kết quả. Đó là thành quả của hàng ngàn ngày công lao động, sự chắt gạn từng giọt nước, từng nắm đất của những người lính làm nhiệm vụ canh giữ đảo. Đã thành thông lệ, trên những con tàu mang hàng Tết ra Trường Sa hôm nay không chỉ có lợn, gà, lá dong, gạo nếp, bánh, mứt, kẹo, thư, báo… mà còn có cả những bao đất quê hương.
Các chiến sĩ ở Nam Yết kể lại rằng, ngày ấy có một người lính tên Vũ Đức Hội, tham gia chiến đấu để bảo vệ tuyến đường Trường Sơn. Người yêu của anh là một kỹ sư nông nghiệp đã viết thư dặn rằng, khi nào về quê, nhớ mang theo ít đất đỏ Trường Sơn để cô trồng thí nghiệm một giống lúa nhằm mang tặng bà con các dân tộc trên đó. Nhớ lời người yêu dặn, khi rời Trường Sơn xuống núi truy kích giặc, Hội vội đeo một ba lô đất đỏ và mấy nhánh phong lan. Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, chưa kịp ghé qua nhà thì anh được lệnh đi làm nhiệm vụ mới ở quần đảo Trường Sa. Thế là, những nắm đất Trường Sơn lại theo Hội ra Trường Sa. Các chiến sĩ trẻ phát hiện thấy ba lô đất quý hiếm này liền chia nhau mỗi người một ít để trồng rau, trồng hoa, trong đó có mấy nhánh phong lan Trường Sơn. Chỉ mấy tháng sau, hoa hồng, hoa cúc, hoa phong lan đã nảy lộc, đâm chồi và ra hoa ở đảo.
Đảo Song Tử Tây nhìn từ ngọn hải đăng Ảnh: HUU NGUYEN
Phía dưới màu xanh ấy, là một vành đai san hô bao quanh dài trên 3km, rộng khoảng 250km2 theo hình thái rạn san hô viền bờ cũng đang rộn rã chào xuân. Nam Yết được đánh giá là nơi phong phú nhất về thành phần loài san hô và xuất hiện cả san hô đỏ vô cùng quý hiếm. Đảo cũng sở hữu một danh sách dài gồm 166 loài cá với mật độ dày hơn hẳn các đảo còn lại. Nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như cá mú, hồng, hè, bò… Hệ sinh thái rạn san hô ở Nam Yết đạt bậc 4 theo chuẩn thế giới, nghĩa là thuộc loại tốt.
Đêm giao thừa, khi đồng hồ chuyển dần về thời khắc giao thừa, tất cả cán bộ, chiến sỹ đều tập trung về hội trường lớn của đảo để cùng nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước qua cầu truyền hình trực tiếp, sau đó nghe Chỉ huy đảo chúc Tết. Lúc này, tuy không thể cùng đoàn tụ với gia đình, song mỗi người lính Trường Sa đều rất tự hào về nhiệm vụ của mình: Chắc tay súng, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và bảo vệ sự bình yên cho đất nước. Đảo là nhà, biển cả là quê hương, tâm niệm ấy đã trở thành cầu nối của tình đồng đội, xóa đi cảm giác nhớ nhà. Thay vì thắp nén nhang trên bàn thờ tổ tiên, ở đây, người lính thắp nén nhang trên bàn thờ Tổ quốc. Những lời chúc Tết, động viên của người thân trong gia đình đến với họ và ngược lại đều thông qua điện thoại di động.
Tết này, cả quần đảo Trường Sa đang phấn đấu trở thành đảo thép, thành chiến hạm nổi kiên cường giữa trùng khơi. Những người lính Trường Sa sẽ phải căng mình giữa bão tố phong ba, giữa bao hiểm họa luôn rình rập để giữ vững một phần máu thịt phía Đông tổ quốc. Mùa xuân là lẽ tự nhiên của đất trời. Và các anh, những người lính Trường Sa qua các thế hệ đã và sẽ luôn là huyền thoại…