Tổng thống Donald Trump đã không thực hiện được lời hứa hủy bỏ và thay thế Obamacare bằng Đạo luật chăm sóc sức khỏe mới. Theo tờ The New York Times của Mỹ, đây là thất bại chính trị ê chề nhất của ông trong những ngày đầu cầm quyền tại Nhà Trắng.
Thế nhưng, đây không phải là thất bại duy nhất. Kể từ khi nhậm chức, ông Trump - vốn tự mô tả bản thân là người chiến thắng có thể làm xoay chuyển một quốc gia đang "không chiến thắng" - đã phải chịu hàng loạt thất bại, những cuộc tranh cãi, những lá đơn từ chức và các cuộc điều tra - tất cả khiến người ta hoài nghi về việc ông có thể thực hiện cam kết rằng sẽ kiến tạo chính phủ để bộ máy này hoạt động hiệu quả không.
Những thất bại chủ yếu do ông Trump "tự chuốc lấy" là bằng chứng chứng tỏ ông là một chính khách "non nớt", thường không quan tâm đến việc tạo ra các êkíp làm việc trong chính phủ và gặp khó khăn trong việc vận dụng quyền hành pháp, và không hiểu rõ về những giới hạn quyền lực của mình. Ông Steve Schmidt, chiến lược gia lâu năm của đảng Cộng hòa và từng là luật sư của Phó Tổng thống Dick Cheney, nói: "Chưa có chính quyền nào có 100 ngày đầu tiên tồi tệ như vậy".
Những khó khăn của Tổng thống trong hàng loạt công việc - từ gây dựng liên minh, dự đoán những trở ngại, vô hiệu hóa đối thủ và xoay chuyển tình thế - chính là những mối đe dọa nghiêm trọng nhất sẽ cản trở những sáng kiến sắp tới của ông liên quan đến việc cải tổ bộ luật thuế và hạ tầng cơ sở. Ông Schmidt cho rằng Nhà Trắng cần thừa nhận mức độ nghiêm trọng của những thách thức mà tân Tổng thống đang phải đương đầu và rút ra bài học từ những thất bại vừa qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Kể từ ngày nhậm chức, ông Trump đã phải cách chức cố vấn an ninh quốc gia về tội nói dối, chứng kiến các tòa án hai lần cản trở lệnh cấm đi lại của ông đối với một số quốc gia Hồi giáo và nổi giận khi FBI thông báo sẽ điều tra những cộng sự của ông để xem có dính líu tới việc Nga can thiệp vào chiến dịch bầu cử năm 2016 hay không. Dưới sự quan sát của ông, Mỹ đã tiến hành một cuộc đột kích tại Yemen và quân đội Mỹ đang phải tiến hành điều tra xem có phải đã có tới 200 dân thường bị thiệt mạng trong các cuộc không kích gần đây ở Mosul (Iraq) hay không. Tổng thống Mexico đã giận dữ hủy chuyến công du Nhà Trắng do bất đồng với kế hoạch xây dựng bức tường biên giới của ông Trump. Ông Trump cùng các nhân viên của mình còn đưa ra hàng loạt lời nói dối, trong đó có cả cáo buộc vô căn cứ rằng Tổng thống Barack Obama đã nghe lén điện thoại của ông. Tỷ lệ ủng hộ ông Trump - vốn chưa bao giờ cao - đang ở ngưỡng chỉ có 30%, mức thấp nhất đối với một Tổng thống mới nắm quyền.
Tuy vậy, các quan chức Nhà Trắng nói rằng Tổng thống cũng có một số thành công. Sean Spicer, Thư ký Báo chí, viện dẫn việc bổ nhiệm Thẩm phán Neil M. Gorsuch vào Tòa án Tối cao, bài diễn văn rất được hoan nghênh của Tổng thống trước phiên họp lưỡng hội và nhiều sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống đã ban hành. Ông Spicer nói: "Không mấy người làm được nhiều như vậy trong vòng 60 ngày".
Tuy nhiên, các đồng minh của Tổng thống cũng phải thừa nhận rằng chính ông đã gây trở ngại cho bản thân mình khi hay lên kế hoạch tùy tiện và thực thi thiếu hiệu quả, thường là do chính quyền phải bận rộn phản ứng với những sự kiện bên ngoài hay với những dòng trạng thái mà ông Trump ngẫu hứng đăng tải lên Twitter.
Newt Gingrich, cựu Chủ tịch Hạ viện của đảng Cộng hòa và là người ủng hộ trung thành của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, cho rằng quyết định của đảng Cộng hòa quay lưng với Đạo luật chăm sóc sức khỏe mới có thể là động lực khiến Tổng thống không dựa vào Chủ tịch Paul D. Ryan hay các đảng khác để xúc tiến chương trình nghị sự của mình. Ông Gingrich cũng phản bác ý tưởng cho rằng chiếc ghế Tổng thống của ông Trump có thể bị lung lay do thất bại về đạo luật y tế hay bất kỳ thất bại nào khác. Ông dự đoán rằng Tổng thống sẽ nhận được sự phê chuẩn đối với việc bổ nhiệm Thẩm phán Gorsuch, và lưu ý rằng mặc dù dự luật y tế thất bại, song cũng chính hôm 24/3, ông Trump đã đảo ngược được sắc lệnh của ông Obama về việc "đóng băng" đường ống dẫn dầu Keystone XL. Ông Gingrich khẳng định: "Ông Trump là một vị Tổng thống tài năng hơn bất kỳ người nào mà giới truyền thông ở Washington có thể nghĩ tới".
Tuy nhiên, thách thức đối với ông Trump rất rõ ràng, đó là ông phải chấm dứt được tình trạng hỗn loạn và xích mích diễn ra hàng ngày ở Cánh Tây (của Nhà Trắng) và chứng tỏ rằng ông có thể tận dụng xuất thân danh nhân của mình để thực hiện những lời hứa khi tranh cử. Để có thể cải tổ được bộ luật thuế và chi 1.000 tỷ USD cho hạ tầng cơ sở công cộng, ông Trump sẽ cần phải tìm cách gây dựng những liên minh chiến thắng trong Hạ viện và Thượng viện bằng cách chấm dứt tình trạng chia bè kéo phái trong chính đảng Cộng hòa. Việc cải tổ luật thuế thậm chí có thể còn khó khăn hơn nhiều so với việc đưa ra đạo luật mới về chăm sóc sức khỏe. Đối với một số mục tiêu lưỡng đảng, Tổng thống sẽ phải nắm cơ hội giành được một số phiếu của phe Dân chủ.
Để sử dụng thành công quyền hành pháp, Tổng thống cần phải khéo léo hơn trong việc soạn thảo những sắc lệnh sao cho không có tính thách thức tòa án. Để tránh bị sa vào các cuộc điều tra triền miên, ông Trump sẽ phải giảm bớt những tuyên bố gây chiến với các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật. Và nếu ông Trump muốn vực dậy uy tín cá nhân, vốn bị sứt mẻ do nhiều bịa đặt mà chính ông phổ biến, ông có thể phải giảm bớt việc sử dụng Twitter.
Rốt cuộc, sự khởi đầu rắc rối của ông Trump trên chiếc ghế tổng thống có thể là kết quả của cách thức ông nhìn nhận mối quan hệ của ông với Washington - như một kẻ ngoại đạo hầu như không có chút tôn trọng nào đối với những chuẩn mực do các chính khách, giới truyền thông, các nhà vận động hành lang và các nhóm lợi ích đề ra và tuân thủ lâu nay.