Phóng sự - Ghi chép

Những ngã rẽ đầy nước mắt của lao động chui ở nước ngoài

Thanh Phương 17/08/2024 - 13:22

Nhanh, gọn và chi phí thấp hơn hẳn so với việc lựa chọn đi xuất khẩu lao động bằng con đường chính ngạch, không ít người ở xứ Thanh “đặt cược” vào việc đi chui bằng xuất nhập cảnh trái phép. Điều này tiềm ẩn muôn vàn rủi ro, những ngã rẽ đầy nước mắt ở phía trước và có khi phải đánh đổi bằng cả sinh mạng.

Chiếc bánh vẽ đầy màu hồng bên kia biên giới

34 tuổi, Nguyễn Xuân D. (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) ngồi thất thần trước ngôi nhà cấp bốn thả mình vào làn khói thuốc. Nhớ lại những ngày tháng ở xứ người, anh vẫn chưa hết bàng hoàng, nổi da gà. Ở cái tuổi này, tại nông thôn người ta đã yên bề gia thất, vợ con đề huề, D. vẫn chỉ có một thân một mình, bán sức lao động qua ngày.

nguoidan(1).jpg
Lao động chui ở nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trong những cuộc trà dư tửu hậu, những đường dây đi lao động nước ngoài siêu tốc, lương hậu hỉnh, đãi ngộ cao và mất ít chi phí được rỉ tai nhau. Ban đầu còn bán tín bán nghi nhưng được người môi giới rót mật vào tai, những thanh niên chưa trải sự đời như D. tự mơ tưởng chiếc bánh vẽ màu hồng ở phía trước.

Bao nhiêu vốn liếng tích cóp bấu lâu và nhờ cả mẹ già chân lấm tay bùn tất bật ngược xuôi đi vay cho đủ 90 triệu để đi Hàn Quốc lao động.

Theo người môi giới, đi qua kênh này phải đi vòng qua nước thứ 3 là Campuchia hoặc Thái Lan bằng con đường du lịch.

d.laodong.jpg
Nguyễn Xuân D. trước khi lên đường lao động chui bất thành

Ở quê, số tiền 90 triệu là cả một gia tài. Nhưng nhìn ra xung quanh nhiều người đi xuất khẩu lao động như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…phất lên nhanh chóng, xây nhà cao tầng oách nhất vùng. Nếu đi trót lọt, chỉ vài ba tháng là gửi tiền về trả hết nợ. Sau đó làm ăn tích cóp mua đất, xây nhà như người ta cho lên mặt với đời.

Ngày D. có lịch đi, nhà tổ chức mời cơm anh em họ hàng, ăn uống linh đình, chia tay sướt mướt. Ai cũng mừng cho D. vì sắp thoát cảnh nghèo hèn. Người chúc phúc, người cho đồng quà tấm bánh, người căn dặn tu chí làm ăn nhanh nhanh về lấy vợ, lo cho mẹ già.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ hơn 7 ngày sau khi D. lên đường, người mẹ ở nhà nhận được điện thoại của người lạ yêu cầu gửi tiền sang chuộc con nếu không bọn chúng sẽ bán cho các ông chủ khác. Màn kịch “việc nhẹ lương cao” bên kia biên giới được vén màn. Ngã rẽ nước mắt bắt đầu lăn. Một là mất 40 triệu đồng gửi sang chuộc con về, hai là để nó quăng quật nơi đất khách. Sự lựa chọn nghiệt ngã cho người mẹ chân chất.

timhieu.jpg
Người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động cần tìm hiểu, lựa chọn đơn vị có uy tín

Đối với những người mẹ, tình yêu thương và sự bao bọc những đứa con là điều quan trọng nhất. Một lần nữa, người phụ nữ nhỏ thó, quần ống thấp ống cao chạy vạy cầu cứu người thân và mang nhà lên Quỹ tín dụng địa phương thế chấp để "chuộc" con về.

Cuối cùng, D. trở về nhà với tấm thân mệt mỏi, trốn chạy ở nước ngoài hơn bị truy nã. Và giờ đây, trở lại vạch xuất phát với đống nợ trên lưng. Chừng ấy còn chưa đáng sợ bằng tâm lý buồn chán, sa đà, tụ tập bạn bè, vùi mình vào cuộc rượu thâu đêm suốt sáng. Để gỡ mối bòng bong này thật là khó, nhất là khi những công việc chân tay ở quê chỉ ráo mồ hôi là hết tiền.

Cơ quan chức năng vào cuộc đấu tranh quyết liệt

Theo đánh giá, tình hình hoạt động của các đối tượng môi giới, tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép, ở lại nước ngoài trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép trên địa bàn Thanh Hóa vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Không ít công dân xuất cảnh lao động trái phép, đặc biệt bị lôi kéo xuất cảnh sang Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Philippines… sau đó lừa bán vào các casino, cơ sở kinh doanh trực tuyến trá hình và bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản vẫn xảy ra nhỏ lẻ tại một số địa phương.

tuyentruyen.jpg
Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân

Các đối tượng, đường dây môi giới xuất cảnh lao động trái phép hoạt động ngày càng tinh vi, đang dần chuyển sang lợi dụng hình thức môi giới du lịch, du học, xuất khẩu lao động để lôi kéo, lừa đảo đưa người xuất cảnh sau đó bố trí trốn ở lại nước ngoài cư trú, lao động trái phép.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công an tỉnh tăng cường nắm tình hình phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng, đường dây môi giới, tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép.

nhapcanh.png
Đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm những đối tượng môi giới, tổ chức xuất nhập cảnh trái phép

Phối hợp xác minh, trao đổi với Sở Ngoại vụ các trường hợp công dân bị lừa bán, cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản trong các casino, cơ sở kinh doanh trực tuyến trá hình, người lao động bị nạn, vi phạm phạm pháp luật tại nước ngoài để thực hiện bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định pháp luật.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, phối hợp với Công an tỉnh đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng, đường dây tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép qua các tuyến biên giới, trong đó có hoạt động môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Sở Ngoại vụ thường xuyên phối hợp với các đơn vị của Bộ Ngoại giao tăng cường nắm tình hình công dân cư trú, lao động bất hợp pháp, bị nạn, vi phạm pháp luật ở nước ngoài và trao đổi để Công an tỉnh và các đơn vị liên quan xác minh, xử lý.

Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài, đặc biệt là số công dân xuất cảnh lao động trái phép bị lừa bán, cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản trong các casino, cơ sở kinh doanh trực tuyến trá hình lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Lào, Philippines…

Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an tỉnh, các đơn vị liên quan triển khai tổng kiểm tra các doanh nghiệp, trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tư vấn du học để phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sử dụng giảng viên người nước ngoài hoặc lợi dụng hoạt động này đưa người xuất cảnh du học nhằm trốn ở lại cư trú, lao động trái phép.

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp, trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tư vấn du học. Siết chặt khâu thẩm định, cấp phép và kiểm tra, đánh giá năng lực đội ngũ giảng viên người nước ngoài, không để người nước ngoài chưa đủ điều kiện vào giảng dạy tại các trung tâm đào tạo ngoại ngữ…

Được biết, từ cuối năm 2023 đến nay, trên địa bàn Thanh Hóa phát hiện, ngăn chặn 21 vụ với 52 công dân bị lôi kéo, môi giới chuẩn bị xuất cảnh lao động trái phép; 7 vụ trên 18 người nước ngoài nhập cảnh trái phép; xử lý hành chính vi phạm quy định xuất nhập cảnh đối với 97 công dân và gần 100 người nước ngoài; khởi tố điều tra, xử lý 6 vụ với 12 bị can về các tội liên quan đến xuất nhập cảnh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ngã rẽ đầy nước mắt của lao động chui ở nước ngoài