Phóng sự - Ghi chép

Những mảnh đời đắng chát vì bị bán ra nước ngoài

Gia Ân- Huyền Trang 31/07/2023 14:04

Các nạn nhân bị bán sang xứ người phải chịu nhiều khổ cực về thể xác lẫn tinh thần. Thậm chí có người còn bị xem như “máy đẻ”. Đau lòng hơn, có những cô gái khi gia đình chồng biết không thể thực hiện thiên chức làm mẹ thì quay sang hành hạ, bóc lột sức lao động hòng bù lại khoản tiền trước đó bỏ ra để mua về làm vợ.

Bị hành hạ vì không sinh được con

Có một thực tế, nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người chủ yếu là những cô gái trẻ. Có những cô gái vốn xuất thân từ nông thôn nghèo, vì muốn cuộc sống tốt hơn nên đã tin vào lời hứa hẹn về một công việc tốt ở phía bên kia biên giới, để rồi từ đó sa chân vào cái bẫy của bọn buôn người.

Nhưng cũng không ít trường hợp vì ham chơi, gia đình buông lỏng quản lý, nên chỉ sau vài lần trao đổi thông tin qua mạng với một nhân vật nào đó đã tự đưa mình vào bẫy.

buon-nguoi-3.jpg
Một nạn nhân trong vụ mua bán người đến tham dự tòa.

Các nạn nhân bị lừa bán phải sống khổ cực, nhiều người bị bắt ép lao động nhưng cũng không thiếu trường hợp trở thành “máy đẻ” liên tục sinh con cho gia đình “chồng”. Khi không sinh được con, họ bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Chị Lang Thị Thanh (SN 1982, tên nhân vật đã được thay đổi), trú xã Quang Phong, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) là một nạn nhân như vậy.

Do hoàn cảnh khó khăn nên chị Thanh phải nghỉ học sớm, khăn gói đồ đạc xuống TP. Vinh làm thuê. Tháng 3/2014, chị tình cờ gặp gã đồng hương Sầm Văn Biên (SN 1983) và được người này rủ sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao.

Lúc đầu chị một mực từ chối nhưng khi Biên liên tục gọi điện dụ dỗ “chỉ cần sang Trung Quốc làm việc 3 tháng rồi về sẽ được nhận 50 triệu đồng” nên chị đồng ý.

Sau đó, Biên đã giao chị Thanh cho Lang Thị Xuân (SN 1984, trú xã Quang Phong, huyện Quế Phong) - chị họ của Thanh. Xuân đã nhờ bố chồng người Trung Quốc bán chị Thanh cho một người đàn ông bản địa lấy làm vợ với giá 150 triệu đồng.

Nhớ lại những ngày tháng sống trong khổ cực chị kể, mới đầu gia đình “chồng” cũng quan tâm nhưng sau vài tháng chung sống mà chưa thấy chị mang bầu nên họ đưa đi khám. Sau khi nghe bác sỹ bảo chị bị bệnh, không thể có thai được và buộc phải cắt bỏ buồng trứng gia đình chồng liền thay đổi thái độ, đối xử thậm tệ.

Kể từ đó, chị bị gia đình chồng bắt làm việc kiếm tiền để bù lại khoản tiền trước đó đã bỏ ra để mua. Hàng ngày, họ chở chị đến một xưởng kính để làm việc, chiều thì đón về. Tiền lương hàng tháng họ đều lấy qua ông chủ mà bản thân chị không được hưởng phần nào.

buon-nguoi-1(1).jpg
Nạn nhân Lang Thị Thanh bị hành hạ vì không sinh được con.

Chưa hết, chị cũng bị quản lý chặt, không cho tiếp xúc với người lạ. Sống trong tủi nhục nên chị Thanh luôn nuôi ý định bỏ trốn. Đến tháng 3/2017, lợi dụng lúc gia đình chồng đi vắng, chị mang theo vài bộ quần áo, bỏ trốn ra khỏi nhà.

Hơn 3 năm xa quê, ngày trở về gặp lại người thân chị mừng mừng, tủi tủi. Chị chỉ biết ôm chầm lấy người bố vì thương nhớ con mà bán bò để đi tìm trong nước mắt. Sau đó, chị làm đơn tố cáo những kẻ đã bán mình. Với tội "Mua bán người", TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Sầm Văn Biên 6 năm tù, bị cáo Lang Thị Xuân 5 năm tù.

Chạy trốn khỏi chồng vũ phu lại rơi vào tay bọn buôn người

Các nạn nhân mua bán người phần đa là những cô gái mới lớn, chưa có gia đình. Tuy vậy, không thiếu nạn nhân đã có chồng con, nhưng vì bị chồng đánh đập nên đã sập bẫy những kẻ mua bán người. Chích Thị Q. (SN 2000), trú xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn là một nạn nhân như vậy.

Vào năm 2015, dù mới hơn 14 tuổi nhưng Q. đã có chồng và 1 đứa con nhỏ. Cuộc hôn nhân không hạnh phúc vì bị chồng đánh nên tháng 5/2015, Q. bỏ nhà, đến rẫy của vợ chồng anh rể là Ven Phò Ngọc (SN 1988) tìm việc. Sau khi biết em vợ muốn tìm việc làm, Ngọc đã liên hệ với 3 đối tượng khác để bán nạn nhân sang Trung Quốc làm vợ với giá 180 triệu đồng.

Tại xứ người, dù sức khỏe yếu, chị buộc phải sinh con cho họ. Do đó, chỉ mấy tháng sau khi bị bán, Q. đã mang thai. Đến ngày vượt cạn, khó khăn lắm chị mới sinh con thành công bằng phương pháp mổ.

Cuộc sống bị giam lỏng, tù túng, lại nhớ chồng con ở quê nên khi đứa trẻ mới hơn 3 tháng, Q. quyết định bỏ trốn về nước rồi làm đơn tố cáo những kẻ đã bán mình. Với tội "Mua bán trẻ em", 4 bị cáo trong đường dây này đã phải lĩnh các bản án khác nhau từ 9 đến 6 năm tù.

Một nạn nhân khác là cũng bị lừa bán khi đã có chồng là chị Hoa Thị Mây (SN 1996, tên bị hại đã được thay đổi), trú xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn). Do cuộc sống vợ chồng mâu thuẫn, cộng với nghèo đói chị định bế con xuống thành phố tìm việc làm thuê. Các đối tượng buôn bán người biết hoàn cảnh của chị nên đã tiếp cận, đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán.

buon-nguoi-2.jpg
Một nạn nhân được giải cứu, bàn giao cho gia đình.

Hành vi mua bán người của các đối tượng bị bại lộ khi nạn nhân ôm con bỏ trốn về Việt Nam. Nhớ lại chuỗi ngày tủi nhục nơi xứ người, chị cho hay, khi biết mình bị đưa sang Trung Quốc liền yêu cầu các đối tượng đưa về nước thì bị ép phải chuộc tiền. Không còn sự lựa chọn nào khác, chị đành phải về nhà “chồng”.

Vì ôm theo đứa con nhỏ nên lúc đầu Mây bị “nhà chồng” bên Trung Quốc làm khó. Tuy nhiên, chị kiên quyết bảo vệ đứa con thơ nên bị nhà chồng đối xử thậm tệ.

Không những bị quản thúc, chị còn bị đánh đập. Suốt thời gian dài chị phải chắt bóp từng đồng bạc để nuôi con và góp tiền làm lộ phí để trốn về Việt Nam. Dù sau đó các bị cáo đã phải đền tội bằng bản án nghiêm minh của pháp luật nhưng nỗi đau bị bán vẫn luôn đeo đẳng theo chị suốt cuộc đời còn lại.

Các nạn nhân bị bán ra nước ngoài phải đối mặt với việc bị bóc lột và bị lạm dụng, bị coi thường danh dự, nhân phẩm và tự trọng. Hệ lụy của nó còn rất dai dẳng, các nạn nhân rơi vào tình trạng sống dở chết dở, nhiều trường hợp sống lâu trong tình trạng này đã mất khả năng phản kháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những mảnh đời đắng chát vì bị bán ra nước ngoài