Xã hội

Cao Bằng: Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người

PV 30/07/2023 - 18:56

Những năm gần đây, hoạt động tội phạm mua bán người (MBN) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có những diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Các đối tượng hình thành đường dây có tổ chức, cấu kết với các đối tượng bên kia biên giới, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, được thực hiện dưới nhiều hình thức.

Thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc phát hiện 88 vụ, liên quan đến 229 đối tượng, phạm tội mua bán người. Trong đó, Công an tỉnh Cao Bằng chủ trì phát hiện, bắt giữ 3 vụ, 6 bị can về hành vi mua bán người; phối hợp giải cứu thành công hai nạn nhân bị lừa bán sang Myanmar.

Các thủ đoạn hoạt động của tội phạm bao gồm: “Núp bóng” môi giới hôn nhân; việc làm; cho nhận con; mang thai hộ để mua bán người. Chúng thường liên lạc qua mạng xã hội, trong nhóm kín để đối phó lực lượng chức năng. Trong đó, thủ đoạn khá phổ biến là dụ dỗ, lừa phỉnh các nạn nhân đi làm “việc nhẹ, lương cao”.

Mới đây nhất, tháng 7/2023, Công an tỉnh Cao Bằng đã triệt phá thành công chuyên án số 623M, giải cứu 2 thiếu nữ là nạn nhân của tội phạm mua bán người từ Myanmar về Việt Nam.

thiet-ke-chua-co-ten(1).png
Các đối tượng mua bán người bị bắt giữ trong chuyên án 623M do Công an tỉnh Cao Bằng triệt phá.

Công an tỉnh Cao Bằng đã khởi tố, bắt giữ 4 đối tượng: Nguyễn Thị Nguyệt Hòa (SN 1998) cùng chồng là Đồng Văn Mạnh (SN 1996) cùng ở xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; Hoàng Văn Sơn (SN 2006), ở xã Thượng Hà và Nhàn Văn Dũng (SN 2005), ở xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Trước đó, Sơn và Dũng làm việc tại quán karaoke của vợ chồng Hòa và Mạnh tại thôn Dâu, xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Hai đối tượng này được vợ chồng Hòa, Mạnh giao nhiệm vụ tuyển dụng nhân viên nữ để làm việc trong quán karaoke và đưa ra nước ngoài hành nghề mại dâm. Nếu hoàn thành sẽ được vợ chồng Hoà, Mạnh trả công. Về phần Hoà, nếu thành công giới thiệu người sang Myanmar làm việc thì sẽ được hưởng 5% thu nhập của người đó mỗi tháng...

Khoảng đầu tháng 2/2023, qua quen biết và tìm trên mạng xã hội, các đối tượng đã chọn được 3 thiếu nữ tại các huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) và Vị Xuyên (Hà Giang), trong đó có người chưa đủ 16 tuổi, đưa về quán karaoke của Hoà, Mạnh làm nhân viên tiếp khách. Tại đây, các đối tượng đã dùng thủ đoạn lừa gạt, dụ dỗ để nhóm thiếu nữ này đồng ý sang Myanmar làm việc.

Tuy nhiên, sau khi sang đến Myanmar, các cô gái này đã bị ép làm gái mại dâm. Đầu tháng 6/2023, một trong số các nạn nhân đã tìm cách liên lạc với gia đình ở Việt Nam và báo tin cho cơ quan công an. Sau đó, Công an Cao Bằng đã giải cứu thành công 2 trong số 3 thiếu nữ đưa về với gia đình.

Không chỉ mua bán phụ nữ, người chưa thành niên, mà vì lợi nhuận, các đối tượng còn sẵn sàng mua bán cả trẻ sơ sinh. Tháng 2/2023, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng phối hợp phá thành công Chuyên án CB223p, bắt 6 đối tượng.

331619177-1252916891992358-5340505352095477850-n-1019.jpg
Các đối tượng mua bán người bị bắt giữ trong chuyên án CB223p.

Qua điều tra, trong 4 đối tượng gồm Phùng Lệ và Doãn Hiểu Long (người Trung Quốc); 2 đối tượng người Việt tên Lê Thị Mỹ Lệ (SN 1999) và Phạm Thành Sinh (SN 1986), cùng trú tại xã Ea Uy, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Các đối tượng khai nhận, vào ngày 3/2, Phùng Lệ được một công ty môi giới tại Trung Quốc thuê với tiền công 20.000 Nhân dân tệ (khoảng 65 triệu đồng), chưa bao gồm chi phí khác để đến Việt Nam tìm một đứa trẻ.

Đứa trẻ này do 1 cặp vợ chồng người Trung Quốc thuê một người phụ nữ Việt Nam là Huỳnh Thị Ngọc Nh. (SN 1991) trú tại 386/25 Hòa Hảo, phường 5, quận 10, TP Hồ Chí Minh) mang thai hộ.

Phùng Lệ đã thuê Doãn Hiểu Long cùng nhập cảnh vào Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tại đây, Phùng Lệ tiếp tục thuê Lê Thị Mỹ Lệ với vai trò là người dẫn đường, phiên dịch và cùng với Doãn Hiểu Long đóng giả làm bố, mẹ cháu bé nhằm qua mặt các lực lượng chức năng.

Sau khi đón được cháu bé, Lê Thị Mỹ Lệ đã thuê Phạm Thành Sinh và hai đối tượng khác sử dụng xe ôtô đưa cả nhóm lên biên giới Cao Bằng.

Khi các đối tượng đang đưa cháu bé vượt biên giới sang Trung Quốc thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Tiếp tục mở rộng điều tra, Ban Chuyên án tiến hành bắt giữ thêm 2 đối tượng có liên quan là Lý Thị Anh Thư (SN 1992) thường trú ấp Rạch Bót, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh và Lê Thị Thanh (SN 1995) thường trú tại tổ 37, khu phố 4, phường 12, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ án liên quan đến hành vi MBN xảy ra trong những năm gần đây. Qua theo dõi của lực lượng chức năng về các vụ án MBN cho thấy, các đối tượng phạm tội chủ yếu là người trong tỉnh cấu kết với các đối tượng ngoài tỉnh trong quá trình tiếp xúc, quan hệ buôn bán trực tiếp với đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc). Nạn nhân của tội phạm MBN đa số là người dân tộc thiểu số sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết pháp luật, nhẹ dạ cả tin, muốn có “việc nhẹ, lương cao”, bị lừa gạt, cưỡng ép bán sang nước ngoài.

Quyết liệt phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người

Công an tỉnh Cao Bằng đánh giá, thời gian qua, tình hình mua bán người trên địa bàn có diễn biến phức tạp. Tội phạm mua bán người thường hoạt động dưới hình thức có tổ chức, xuyên quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Để ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm MBN, thời gian qua, Công an tỉnh Cao Bằng nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, triển khai các kế hoạch, phương án nhằm phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý, kiềm chế hoạt động tội phạm MBN và giải cứu nạn nhân bị mua bán. Tăng cường cán bộ, chiến sĩ bám nắm địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, bằng nhiều hình thức kết hợp với vận động người dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm.

Công an tỉnh Cao Bằng đề nghị người dân nêu cao cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm và tội phạm mua bán người nói riêng, góp phần cùng lực lượng chức năng từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người bảo đảm bình yên cho xã hội.

107557_tang_cuong_long_ghep_tuyen_truyen_ve_phong_chong_mua_ban_nguoi_trong_cong_dong_bang_hinh_thuc_san_khau_hoa_16541127.jpg
Tăng cường lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trong cộng đồng bằng hình thức sân khấu hóa.

Từ ngày 1/1/2021 - 31/5/2023, Công an tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với 5 trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó lồng ghép với nội dung phòng, chống tội phạm MBN với khoảng 2.000 người tham gia; Công an các huyện, Thành phố phối hợp với các đơn vị, trường học tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống MBN, các phương thức, thủ đoạn của tội phạm MBN cũng như sơ hở, thiếu sót tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. 

Thượng tá Phạm Hùng Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Cao Bằng cảnh báo, thủ đoạn của các đối tượng MBN rất tinh vi, xảo quyệt, chúng có xu hướng hoạt động liên tỉnh, liên kết với các đối tượng ở nhiều địa phương trong nước và người nước ngoài để hình thành các đường dây phạm tội khép kín. MBN diễn ra ngay trong nội địa núp bóng dưới “vỏ bọc” trá hình là các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm (kinh doanh trò chơi, băng đĩa, nhà nghỉ, quán bar, karaoke, mát-xa...).

Tội phạm MBN thường tìm đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, lợi dụng mối quan hệ họ hàng, quen biết hoặc các trang mạng xã hội zalo, facebook... để kết bạn, tạo dựng lòng tin, quan hệ tình cảm với “con mồi” và lừa bán ra nước ngoài, nhất là phụ nữ, trẻ em gái hoàn cảnh khó khăn, trình độ văn hóa thấp, một số do ham chơi, đua đòi, thiếu sự quản lý của gia đình.

Hầu hết các nạn nhân sau khi bị mua bán đã bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động hoặc bị lạm dụng tình dục, khó có cơ hội trở về với gia đình. Người dân cần cảnh giác với lời quảng cáo tuyển người làm việc nhẹ, lương cao trên mạng xã hội Facebook, Zalo, bởi vì đó có thể là bẫy của tội phạm giăng ra, chờ người cả tin mắc câu, anh Cường cho biết.

Nhận diện thủ đoạn hoạt động của tội phạm như, núp bóng môi giới hôn nhân, việc làm, cho nhận con nuôi, mang thai hộ để mua bán người, Thượng tá Nguyễn Mạnh Kường, Phó Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng cho biết, để nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm mua bán người, lực lượng biên phòng tăng cường phối hợp, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân; tuyên truyền kết quả đấu tranh, để người dân nhận diện thủ đoạn của tội phạm mua bán người.

Ðể đấu tranh phòng, chống tội phạm MBN đạt hiệu quả, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh hơn nữa các hình thức và chất lượng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của nhân dân, nhất là tại địa bàn vùng sâu, biên giới. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm của người dân; xây dựng các mô hình, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng.

Ngày 22/7/2023, tại phố đi bộ Kim Đồng, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, được sự phối hợp của Văn phòng Bộ Công an, Công an tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ phát động hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7/2023, phát động cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi lễ, hơn 200 đại biểu các lực lượng vũ trang, các ban ngành đoàn thể đã đi bộ diễu hành, tuyên truyền, cổ động xung quanh địa bàn trung tâm Thành phố. Lễ phát động nhằm tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống mua bán người, góp phần giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan đến mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

130a6d3142589106c849(1).jpg
Phát động hưởng ứng ngày toàn dân phòng chống mua bán người năm 2023.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng: Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người