Bốn mươi năm sau chiến tranh, hơn 50 bức ảnh trong bộ sưu tập đồ sộ mà đội ngũ phóng viên ảnh xuất sắc nhất của hãng thông tấn AP được trưng bày tại Việt Nam để kể lại câu chuyện về con người phía sau cuộc chiến.
Sáng ngày 12/6, Triển lãm ảnh "Việt Nam - Cận cảnh cuộc chiến" đã khai mạc tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau bốn mươi năm sau, hơn 50 bức ảnh trong bộ sưu tập ảnh đồ sộ của hãng thông tấn AP đã được đem ra trưng bày tại Việt Nam nhằm kể lại câu chuyện về con người phía sau cuộc chiến tranh khốc liệt tại dải đất hình chữ S này.
Ông Gary Pruitt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của AP cho biết, để đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Hãng Thông tấn AP đã cử một đội ngũ phóng viên ảnh xuất sắc tới văn phòng Sài Gòn. Những phóng viên ảnh này đã tạo ra một trong những di sản ảnh vĩ đại nhất của thế kỷ 20.
Được biết, các bức ảnh được đem ra trưng bày đều được lấy ra từ cuốn sách ảnh của AP và đã được hoan nghênh rộng rãi có tên gọi là “Việt Nam – Cận Cảnh Cuộc Chiến”.
AP đã đoạt 6 giải thưởng Pulitzer cho việc đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã được cả thế giới biết đến. Trong đó, 4 tấm ảnh đoạt giải Pulitzer là bức ảnh người cha ôm xác con chất vấn đám lính thiết giáp đã bắn vào làng, bức ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu Vixi Bảy Lốp Tết Mậu Thân năm 1968, bức ảnh em bé Napalm, ảnh viên lính Mỹ đoàn tụ với gia đình và rất nhiều tấm ảnh "hơn vạn lời nói" của các phóng viên ảnh AP, gồm cả 2 người đã ngã xuống là Huỳnh Thanh Mỹ và Henri Huet đã mang đến những góc nhìn chân thực nhất về cuộc chiến đã lùi xa 40 năm.
Bức ảnh kinh hoàng của Malcolm Browne chụp lại khoảnh khắc nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào ngày 11/6/1963, tại một đường phố Sài Gòn
Bức ảnh của Sal Veder về viên Trung tá Robert L. Stirm được gia đình chào đón tại căn cứ không quân Travis ở Fairfield, bang California khi ông trở về nhà ngày 17/3/1973 sau 5,5 năm bị bắt làm tù binh. Bức ảnh này của Sal Veder giành giải Pulitzer cho ảnh phóng sự năm 1974
Những bức ảnh và việc đưa tin của AP trong những năm chiến tranh đã có ảnh hưởng to lớn đến cuộc chiến, đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa sự thật của cuộc chiến tới nhân dân Mỹ và thế giới.
Từ bức ảnh kinh hoàng của Malcolm Browne chụp giây phút kinh hoàng khi nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền Việt Nam Cộng hòa trên phố Sài Gòn, đến bức ảnh nổi tiếng của Nick Út chụp cô bé 9 tuổi tên là Kim Phúc bị cháy sém, không quần áo chạy khỏi một cuộc tấn công bằng bom napalm, những bức ảnh được chọn lọc này ghi lại những trải nghiệm và bi kịch người dân phải chịu đựng trong chiến tranh.
Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày các bức ảnh nổi tiếng khác của Horst Faas và Henri Huet, cũng là những phóng viên ảnh kỳ cựu của AP.
Nick Ut và bức ảnh "Em bé napalm"
Vài ngày trước ngày khai trương triển lãm ảnh, phóng viên ảnh Nick Út đã về thăm lại nơi ông đã chụp bức ảnh nổi tiếng đó ngày 8 tháng 6 năm 1972 gần Trảng Bàng, ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn trước đây). Nick Út đã ghi lại chuyến thăm qua tài khoản Instagram của AP Images để kể lại những gì ông nhìn thấy và cảm nhận trong những giây phút chụp bức ảnh đó và góc nhìn của ông 40 năm sau.
Bức ảnh "Chạy khỏi vụ tấn công bom Napalm" của phóng viên ảnh Nick Út gây chấn động dư luận thế giới về sự thật đằng sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam
Phóng viên ảnh Nick Út được quốc tế công nhận với bức ảnh chụp Phan Thị Kim Phúc, cô bé 9 tuổi trong bức ảnh có tiêu đề “Chạy khỏi vụ tấn công bom Napalm” chụp ngày 8 tháng 6 năm 1972 trên quốc lộ gần Trảng Bàng, cách Sài Gòn khoảng 40 km về phía Tây Bắc.
"Tôi không hiểu sao lúc đó mình lại có một động lực ghê gớm là lao vào các cuộc chiến để chụp những bức ảnh đầy hiểm nguy như vậy. Chắc có lẽ lúc đó tôi vẫn còn là thanh niên, chưa bị ràng buộc gì. Chứ bây giờ vợ con rồi, cho tôi ra chiến trường chụp là tôi lo lắm, lo cho vợ cho con ở nhà nữa chứ đâu phải có mình tôi", Nick Út cười tâm sự với các phóng viên tại Hà Nội.
Một người cha đau đớn ôm thi hài của con mình trong khi lính biệt kích Việt Nam Cộng hòa ngồi trên xe bọc thép nhìn xuống. Bức ảnh này của Horst Faas nhận được giải Pulitzer năm 1965
Nhân dịp này, Chủ tịch Hãng AP Gary Pruitt đã tuyên bố trao tặng những bức ảnh trong triển lãm cho Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam để đông đảo người dân trên cả nước có thể đến xem sau triển lãm. Đón nhận món quà vô cùng ý nghĩa từ hãng thông tấn AP, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam Nguyễn Xuân Năng cho biết, giá trị của những bức ảnh này sẽ được phát huy thông qua việc trưng bày cho không chỉ công chúng ở trong nước mà cả bạn bè quốc tế.
Trong những năm chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam, Hãng thông tấn AP đóng vai trò chủ đạo trong việc đưa tin về cuộc chiến. Nhiều phóng viên của hãng sống ở Việt Nam hơn 10 năm hoặc lâu hơn thế. Các phóng viên ảnh và phóng viên viết bài của AP đoạt 6 giải Pulitzer, giải thưởng cao quý nhất dành cho phóng viên, trong đó có 4 giải thưởng dành cho ảnh.