Những bi kịch khởi nguồn từ niềm tin mù quáng

Đức Bảo| 03/12/2018 22:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Do thiếu hiểu biết cùng với sự nhẹ dạ cả tin, đã có không ít chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở Sơn La bị những kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, mua chuộc lừa bán sang bên kia biên giới.

Hàng trăm phụ nữ, trẻ em lưu lạc

Trong những năm gần đây, kinh tế, xã hội của tỉnh Sơn La đã có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao đời sống của người dân vẫn còn gặp khó khăn, trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, vẫn còn những phong tục tập quán lạc hậu, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ. Các đối tượng thường sử dụng các trang mạng xã hội, kết bạn làm quen với các phụ nữ trẻ rồi rủ đi chơi hoặc hứa sẽ lấy làm vợ và lừa bán sang Trung quốc.

Tính từ năm 2016 đến nay, tỉnh Sơn La có trên 200 phụ nữ và trẻ em bị lừa bán, nghi bị lừa bán sang nước ngoài. Các nạn nhân đa số đều trong độ tuổi từ 16 – 25, chủ yếu là dân tộc Mông và dân tộc Thái, sinh sống ở vùng vùng sâu vùng xa, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn không có công ăn việc làm ổn định, nhận thức xã hội, pháp luật còn hạn chế, vì thế dễ dàng bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để lừa bán.

Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán người chủ yếu là đến các bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tìm những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức hạn chế, không có việc làm ổn định. Chúng dùng thủ đoạn tạo lòng tin, hứa hẹn tìm việc làm ở thành phố, các tỉnh biên giới có thu nhập cao.

Những bi kịch khởi nguồn từ niềm tin mù quáng

Đối tượng Mùa A Chang

Đã hơn 3 năm, kể từ ngày được trở về với gia đình, nhưng em Quàng Thị O, dân tộc Thái, sinh năm 1998, ở bản Sàng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vẫn chưa hết sợ hãi vì bị lừa bán sang Trung Quốc. Chỉ vì nhẹ dạ cả tin, O đã bị đối tượng Quàng Văn Định, cũng dân tộc Thái, trú tại xã Chiềng En, huyện Sông Mã làm quen, rủ đi làm việc bên Trung Quốc với lời hứa sẽ được trả mức lương từ 7 đến 8 triệu đồng.

Khi đến Lào Cai, một đối tượng người Trung Quốc được Định liên lạc từ trước đã chờ sẵn, đưa O lên thuyền vượt sông sang Hà Khẩu, rồi vào sâu trong nội địa nước bạn. Không như lời hứa của Định, chẳng những đồng lương không thấy đâu mà cứ vài ngày O lại bị chuyển địa điểm, lúc làm chân rửa bát, lúc làm ôsin, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa. Bơ vơ nơi xứ người, ngôn ngữ bất đồng, may mà O được một người chủ tốt bụng giúp trốn trở về Việt Nam.

Cũng vì tin vào lời hứa của Mùa A Chang (SN 1994, trú tại bản Chông Dư Tẩu, xã Chiềng Công, huyện Mường La), chị Hàng Thị V (trú tại xã Chiềng Công, huyện Mường La) suýt chút nữa cũng đã trở thành món hàng của bọn buôn người. Chị V kể, cuối năm 2015, Chang rủ chị sang lên Lào Cai chơi, vừa du lịch, vừa kiếm việc làm. Do quen thân từ trước và cũng có chút tình cảm với Chang nên chị V đồng ý. Nào ngờ khi lên đến Lào Cai, Chang cùng với một người đàn ông tên là Nổ định đưa chị sang Trung Quốc bán. Sau khi trốn thoát về Việt Nam, chị V làm đơn tố cáo. Ngay sau đó, Chang bị bắt.

Chị V hay Quàng Thị O chỉ là một trong số rất ít nạn nhân của bọn buôn bán người may mắn trở về nhà, bởi phần lớn chị em bị lừa bán giờ còn không biết trôi dạt nơi nào. Theo số liệu khảo sát của Công an tỉnh Sơn La thì cho đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có khoảng 200 phụ nữ vắng mặt ở địa phương không có tin tức, nghi đã bị lừa bán. Như trường hợp em Quàng Thị Th, sinh năm 1996, em gái chị Quàng Thị T, dân tộc Thái, ở bản Co Cại, cũng thuộc xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu.

Cha mẹ mất sớm, nhà nghèo, em Th rời nhà nói là theo người quen đi làm ăn xa từ năm 2013. Từ đó đến nay, chỉ duy nhất một lần Th gọi điện về từ Trung Quốc, còn lại là bặt vô âm tín, gia đình không thể liên lạc được, giờ không biết tin tức em ra sao. Chị Quàng Thị T buồn rầu: “Mình nhớ em lắm, muốn tìm em về, nhưng cũng không biết cách nào để tìm. Từ ngày em đi, chỉ gọi điện về nhà một lần thôi, sau không thấy liên lạc nữa. Gia đình rất mong chính quyền giúp đỡ để tìm em mình về”.

Những bi kịch khởi nguồn từ niềm tin mù quáng

Công an Sơn La đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống mua bán người

Giả vờ yêu rồi lừa bán cả chục người

Bên cạnh việc mồi chài bằng những công việc với mức thu nhập hết sức hấp dẫn, một thủ đoạn nữa của bọn buôn người là giả vờ yêu đương rồi lừa bán. Chúng thường đến các lễ hội, phiên chợ làm quen với các cô gái chủ yếu là người Mông, người Thái sau đó lấy số điện thoại, nhắn tin gọi điện nhiều lần, hứa hẹn yêu thương. Ngoài ra, các đối tượng còn đến những vùng sâu vùng xa, chủ động làm quen, tán tỉnh các cô gái chưa chồng, hứa sẽ lấy làm vợ rồi rủ đi chơi hoặc lấy lý do về nhà ra mắt nhưng thực chất đưa nạn nhân theo đường tiểu ngạch tới khu vực biên giới, vượt biên bán cho số đối tượng người nước ngoài.

Cũng như bao thiếu nữ người Mông, mỗi dịp Tết Độc lập, Sồng Thị S (ở bản Phiêng Cành, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu) cùng với các bạn lại diện những bộ váy áo đẹp nhất để đi xem lễ hội, tổ chức tại thị trấn Mộc Châu. Cùng ăn mèn mén, thắng cố, uống rượu ngô với nhóm S lần này còn có một nhóm ba chàng trai người Mông từ nơi khác tới. Trong đó, có một chàng tên Tỏa trông rất điển trai, tự giới thiệu nhà ở Lào Cai, tỏ ý đặc biệt quan tâm tới S và xin số điện thoại.

Sau vài lần liên lạc, Tỏa ngỏ ý cùng S về ra mắt gia đình, xin được cưới S làm vợ. Tin tưởng người yêu, S dẫn Tỏa thăm gia đình mình. Từ đó hai người thường xuyên trò chuyện với nhau qua điện thoại. Thỉnh thoảng Tỏa lại đi xe máy cùng hai người bạn sang Mộc Châu thăm S. Khi đã chiếm được lòng tin của S, Tỏa đặt vấn đề mời cô về ra mắt nhà mình ở Lào Cai, sau đó thì đi du lịch. S đồng ý đi cùng Tỏa sang Lào Cai. Trên đường đi, Tỏa chăm sóc S rất chu đáo làm cô cảm động mà không thể ngờ, đó chỉ là chiếc bẫy giương sẵn của Tỏa và đồng bọn. Khi S lội suối cùng Tỏa và nhóm bạn của anh ta, cô vẫn không biết lúc đó mình đang vượt biên giới, sắp bị bán sang Trung Quốc với giá 30 triệu đồng. Chỉ đến khi cả nhóm bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ, S mới biết rõ thủ đoạn của Tỏa và đồng bọn.

Từ lời khai của các đối tượng, cơ quan công an xác định đây là một tổ chức tội phạm, chuyên lừa bán phụ nữ dân tộc từ các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lai Châu... sang Trung Quốc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã phát hiện và bắt khẩn cấp một đối tượng trong đường dây của Tỏa là Sùng A Lùng (SN 1986, trú Lào Cai).

Quá trình điều tra, Tỏa và Lùng khai cùng tham gia vào vụ mua bán Sồng Thị S còn có Sùng Seo Sì (SN 1988). Mở rộng điều tra, các đối tượng khai nhận, trước đó, Tỏa và Lùng cùng với Sùng Quang Trung (SN 1987) đã lừa bán chị Ly Thị C (SN 1995) sang Trung Quốc với số tiền 30 triệu đồng, chia nhau mỗi người 10 triệu. Lần theo những mắt xích mới của vụ án, cơ quan công an đã bắt giữ thêm 7 đối tượng trong đường dây mua bán người xuyên quốc gia gồm: Sùng Quang Trung; Sùng Seo Páo, SN 1986; Ly Seo Chu, SN 1989; Ma Seo Páo, SN 1991; Lừu Seo Vẳng, SN 1990; Ly Văn San, SN 1990 và Thào A Dìn, SN 1990 cùng nhau lừa bán tổng cộng 6 vụ, với 9 nạn nhân từ các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu sang Trung Quốc, trung bình mỗi vụ chúng thu 30 triệu đồng/người. Thủ đoạn chủ yếu mà các đối tượng trong đường dây này sử dụng là giả vờ yêu đương rồi lừa bán.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội

Trước tình hình hoạt động của tội phạm buôn bán người qua tuyến biên giới, các cấp, các ngành và các lực lượng chức năng tỉnh Sơn La đã tích cực vào cuộc đấu tranh với loại tội phạm này, nhất là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác của bà con nhân dân, tránh bị đối đối tượng mua bán phụ nữ và trẻ em dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc.

Tuy nhiên, Sơn La là địa bàn biên giới, nhiều dân tộc, trình độ dân trí của một bộ phận bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới, chưa cao; phong tục tập quán của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong quan hệ nam nữ, lấy vợ lấy chồng thường dễ bị lợi dụng, dụ dỗ. Đồng bào có tập quán làm nương rẫy xa nhà nên việc đăng ký khai báo tạm trú tạm vắng và quản lý nhân hộ khẩu còn nhiều thiếu sót. Công tác tuyên truyền đã được các cấp ngành triển khai nhưng chưa thực sự làm chuyển biến nhận thức hoặc còn chung chung, chưa sâu sát cơ sở, đến nhóm đối tượng chính.

Đã đến lúc cần nhìn nhận vấn nạn mua bán người không chỉ ở góc độ pháp luật mà còn là vấn đề xã hội. Vì thế, đây không phải là việc của riêng lực lượng Công an mà phải là của cả hệ thống chính trị và quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Chừng nào chất lượng cuộc sống của người dân chưa được thay đổi thì loại tội phạm này sẽ vẫn gia tăng và con số phụ nữ, trẻ em vắng mặt không rõ lý do trên địa bàn tỉnh Sơn La gia tăng theo từng năm cũng không có gì là khó hiểu.

Thiết nghĩ, để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động mại dâm, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thì bên cạnh việc tăng cường, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân cần thực hiện tốt các chính sách, tạo việc làm cho người lao động ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, cùng với đó thực hiện tốt các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng cho những nạn nhân bị mua bán trở về, tạo điều kiện giúp đỡ họ nhanh chóng khắc phục những khó khăn về kinh tế, xóa bỏ mặc cảm, hỗ trợ học nghề cho các nạn nhân bị lừa bán và bố trí việc làm để họ ổn định cuộc sống.

 

 

  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bi kịch khởi nguồn từ niềm tin mù quáng