Phóng sự - Ghi chép

Người lưu giữ, truyền bá văn hóa và chữ viết người Thái cho cộng đồng

Thanh Phương 05/10/2023 07:46

Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” (sinh năm 1950) nhưng nghệ nhân Cao Bằng Nghĩa (dân tộc Thái) ở bản Khằm, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) vẫn miệt mài sưu tầm, truyền dịch chữ viết, diễn xướng, các nét văn hóa độc đáo của người Thái. Trong gia đình ông Nghĩa còn lưu giữ nhiều đồ vật quý, sách ghi lại chữ Thái cổ.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm văn hóa, đam mê văn hóa độc đáo của người Thái trên mảnh đất Mường Ca Da lung linh sắc màu. Chàng trai Cao Bằng Nghĩa đã thấm đẫm không gian văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Chính sự đam mê, bồi đắp từ gia đình, quê hương đã truyền cảm hứng cho ông tiếp tục truyền dạy cho thế hệ sau.

sachcothai.jpg
Ông Cao Bằng Nghĩa giới thiệu những cuốn sách cổ của người Thái

Hiện, ông Cao Bằng Nghĩa là chủ nhiệm CLB Khèn mường Ca Da, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội văn hoá dân gian, hội viên Hội Nhân học và Dân tộc học Việt Nam…

Vừa giới thiệu các hiện vật, sách quý, ông Cao Bằng Nghĩa cho hay: Gia đình tôi có ông nội là nghệ nhân thổi khèn bè. Ông đã truyền cho bố tôi là ông Cao Ngọc Bích, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện về các bài cúng, cách sáng tác thơ dân tộc Thái, các giai điệu khèn bè và các loại hình văn hóa dân gian khác.

huongdankhenthai.jpg
Nghệ nhân Cao Bằng Nghĩa đang dạy cho mọi người thổi khèn bè

Lúc tôi còn đang nhỏ tuổi đã được thấy bố đọc những tập trường ca chữ Thái, sáng tác ứng khẩu thơ Thái qua các sự việc trong xã hội. Đồng thời được nghe các giai điệu du dương, trầm bổng của chiếc khèn bè. Ông đã căn dặn tôi: “Nếu con học được các loại hình văn hóa dân gian dân tộc mình, thì sau này sẽ giúp ích cho con và xã hội”.

Để không phụ lòng bố, tôi quyết học bằng được các tri thức bản địa dân tộc mình để nhằm không bị mất đi các giá trị văn hóa. Lúc 16 tuổi, tôi bắt đầu học chữ Thái và khèn bè với bố, một năm sau tôi đã thổi được một số giai điệu khèn bè. Đối với tôi, cái khó nhất là học chữ Thái, vốn không có dấu như chữ Quốc ngữ nên vừa đọc vừa suy luận mới đọc thành câu được.

gioithieudosutam.jpg
Nhiều hiện vật có giá trị văn hóa được ông Nghĩa sưu tầm

Hơn nữa, tiếng Thái cổ lúc đó tôi còn chưa rõ, nên mỗi lần đọc các bản trường ca, có rất nhiều câu từ cổ khó hiểu là phải hỏi bố để bố giải thích, dần dần tôi cũng đã hiểu được những câu từ cổ xưa (do tiếng Thái Thanh Hóa có 5 âm sắc, nếu không nắm được các âm sắc thì dễ bị lẫn lộn câu từ). Vì bố bận công tác, nên những lúc đỡ việc, tôi tranh thủ đi học hỏi thêm các nghệ nhân chữ Thái và khèn bè, sáo ôi, sáo pí pặp ở các bản.

Có thêm một số kiến thức, tôi tiếp tục tham mưu cho Cấp ủy, Chính quyền huyện mở các lớp bảo tồn văn hóa dân gian cho cán bộ Văn hóa cơ sở. Soạn thảo Chỉ thị, Nghị quyết cho Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện các thời kỳ về việc bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian các dân tộc trên địa bàn huyện.

chupanhluuniem.jpg
Bức ảnh được treo trang trọng trong gia đình ông Nghĩa

Với phương châm nói và làm, tôi đã đấu mối với UBND xã Nam Xuân về việc mở 2 lớp dạy chữ Thái cho cán bộ và nhân dân trong và ngoài xã, học viên học vào ngày thứ bảy và chủ nhật. Bước đầu các học viên rất ngại đối với việc học “chữ giun, chữ dế”. Nhưng tôi đã động viên họ rất nhiều và mọi người háo hức học tập. Khi các học viên đã thông thạo về ghép nguyên âm với phụ âm, tôi đã vận dụng các bài trường ca, dân ca, tục ngữ Thái vào bài giảng.

Làm được như vậy, học viên sẽ hiểu được các câu nói cổ mà từ trước đến nay học viên chưa được tiếp cận. Hơn nữa, tôi mang theo nhạc cụ như khèn bè, sáo ôi, sáo Mông để lúc giải lao trực tiếp phục vụ cho học viên. Làm như vậy, tôi sẽ đạt được mục tiêu “bắn một phát tên trúng hai, ba đích”. Văn hóa dân tộc Thái cứ thế lan rộng ra mọi người, mọi nhà.

Từ mô hình của ông Nghĩa, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã khai giảng nhiều lớp Tập huấn giới thiệu, truyền dạy Khèn bè dân tộc Thái thuộc mô hình “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc Thái trong phát triển du lịch cộng đồng tại Bản Ngàm xã Sơn Điện”. Ông Cao Bằng Nghĩa cùng với nghệ nhân Phạm Bá Lon (xã Na Mèo) đã tiến hành truyền dạy cho hàng trăm học viên.

Khèn bè của dân tộc Thái đã trở thành linh hồn của đồng bào, tạo nên một cộng đồng gắn kết với bản sắc văn hóa độc đáo và đa dạng. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và đồng hóa văn hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Thái nói riêng đang đứng trước nguy cơ mai một.

thamquangiadinh.jpg
Một góc không gian trưng bày các hiện vật của gia đình ông Nghĩa

Vấn đề lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số đang trở nên cấp thiết. "Tiếng khèn bè dùng vào trong các dịp vui như lên nhà mới, đám cưới, hội, tất cả những cái gì vui thì đều có khèn bè”.

Dân tộc Thái có nguồn gốc lâu đời gắn bó với quê hương Thanh Hoá. Với 223.316 nhân khẩu hiện nay, Dân tộc Thái có số dân chiếm 35,6% trong số các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh.

Vốn có chữ viết riêng rất sớm, nên người Thái Thanh Hoá (nói riêng) đã lưu trữ được kho tàng văn hoá bao gồm nhiều truyện thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ khá phong phú như: Xống trụ xôn xao; Khun lú; Nàng ửa; Khâm panh, truyện tình Pha dua. Đặc biệt trong đời sống tinh thần Người thái bất cứ ở đâu cũng không thể thiếu: Hát khặp, khua luống, ném còn. Những nét văn hoá đặc trưng của người Thái Thanh Hoá đến nay cơ bản vẫn còn được lưu giữ phát huy ở nhiều khu vực làng bản, vùng cao Quan Hoá, Quan Sơn, Bá Thước.

Cùng với các dân tộc anh em trên vùng đất phía Tây tỉnh Thanh Hoá, trong quá trình xây dựng quê hương đất nước, đồng bào Thái Thanh Hoá đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội hôm nay đồng bào Thái đã và đang tiếp tục cùng cả tỉnh cả nước lập nên những thành tựu mới trên con đường phát triển đi lên.

Trao đổi với PV, Trưởng phòng Dân tộc Quan Hóa Hà Văn Nhiệt cho biết: “Dù đã cao tuổi nhưng bác Nghĩa vẫn nặng lòng truyền dạy chữ viết, văn hóa dân tộc Thái. Qua các lớp học của bác, học viên hiểu thêm về nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Cán bộ dưới xuôi lên công tác học được tiếng Thái cũng rất thuận lợi giao tiếp, tuyên truyền, vận động người dân. Trong chiến lược phát triển du lịch cộng đồng của Quan Hóa, các tiết mục văn hóa, diễn xướng của người dân tộc sẽ là điểm nhấn để du khách trong và ngoài nước tới thăm. Chính quyền địa phương sẽ bố trí nguồn lực để duy trì và phát triển văn hóa bản sắc của cộng đồng dân tộc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lưu giữ, truyền bá văn hóa và chữ viết người Thái cho cộng đồng